tưởng niệm




Trịnh Công Sơn - Cỏ Xót Xa Người...

--- Tuấn Huy ---


“... người đã đến và người đã về bên kia núi...”

Như thế là suốt cả tuần, suốt cả tháng... qua bao nhiêu ngày nối ngày, đêm nối đêm... tôi ngồi một mình trong căn gác nhỏ, nghe đi nghe lại từng câu từng lời Trịnh Công Sơn (TCS) đã viết nơi những bài thơ và cũng là những bản nhạc của Anh.
Và, rất nhiều lần, tôi lặng đi để mặc cho con tim tái tê điếng ngất, mặc bóng chiều thoi thóp bên ngoài, mặc sương mù loang phủ những ngọn cây, và mặc nửa khuya chập chờn se giá...
Đây là lần đầu tiên tôi muốn nghe kỹ TCS để tìm hiểu đầy đủ hơn về con người Anh, tài năng Anh, trí tuệ Anh, và đặc biệt về tấm lòng của Anh trước Tình Yêu, trước Cuộc Đời, trước Chiến Tranh và trước Thân Phận Con Người...
Từng lời, từng lời trong Thơ và cũng là Nhạc của TCS đều mang những dấu tích của thảm thương bi đát, của chán chường, của hoang mang rã rời, mệt mỏi, của ray rứt, vò xé, tiếc nuối, đớn đau - nhưng rất thiết tha, rất chân thành, thật giàu có và đầy quyến rũ...
Bởi thế, cả mấy trăm nhạc phẩm của Anh, ngôn ngữ mà TCS sử dụng, là những lời thơ rất mới lạ, rất trí tuệ, hoàn toàn sáng tạo, hoàn toàn mở đường, hoàn toàn khai phá...
Có thể, trong suốt chiều dài lịch sử văn học nghệ thuật của chúng ta, dường như rất ít có một nhà thơ, một nhạc sĩ nào đã dùng những ngôn từ xuất phát từ con tim mình thiết tha đến thế và nồng nhiệt đến thế... Cũng rất ít có một nguồn thơ và ý nhạc nào phản ảnh trung thực được những ê chề quằn quại, những đớn đau tủi hận về thân phận con người, về sinh mệnh cuộc đời, về những tê tái ngỡ ngàng khi phải chia xa, về những bẽ bàng buốt nhói khi phải dứt lìa tan vỡ - như nguồn thơ và ý nhạc của họ Trịnh đã thủy chung dâng hiến cho đời...
Lần đầu tiên tôi gặp TCS ở Huế. Những ngày xuân mưa bụi buông phủ nhạt nhòa. Quán cà phê nhỏ trong Thành Nội. Những rặng sầu-đông mới nhú lộc non. Anh bạn nhà giáo giới thiệu. Tôi bắt tay TCS chào Anh thân thiết như gặp lại người bạn cũ lâu ngày xa cách. Bằng cả hai bàn tay gầy guộc, Anh ôm giữ tay tôi và nhìn tôi rất lâu. Đôi mắt thật thông minh, long lanh sáng sau cặp mắt kính dầy. TCS hỏi: “Chắc anh ra cùng với anh Mai Thảo?” Tôi đáp không, và nói: “Tôi ra ngoài này ăn Tết với gia đình anh Song-Linh”. TCS cười: “Ạ Anh Song-Linh(1) mới lấy vợ...” Chúng tôi ngồi xuống bên nhau, cùng uống cà phê và cùng châm thuốc hút. Mới chỉ biết nhau ít phút, nhưng tôi đã thấy TCS rất dễ thương. Giọng nói của Anh thật nhỏ nhẹ ôn tồn. Nụ cười của Anh thật đôn hậu rạng rỡ. Và ánh nhìn của Anh thật cởi mở nhu hòa... Tôi hỏi TCS về mấy bản nhạc Anh vừa sáng tác. TCS trả lời chậm rải. Anh nói hết những gì ẩn chứa trong trái tim và trong đầu óc Anh qua những ngôn từ và nét nhạc Anh sử dụng. Tôi phải thú thực với TCS là tôi rất “i-tờ-rít” về nhạc, nhưng về lời thì tôi thấu đạt được những gì Anh muốn tỏ lộ giãi bày... TCS cười. Anh khen cái tựa đề của cuốn tiểu thuyết tôi vừa cho xuất bản. Giọng Anh ngậm ngùi: “Đó là nỗi buồn của tuổi trẻ chúng ta... Nỗi buồn đó sâu xa ghê gớm lắm. Nội cái tên đó thôi, cũng đã phản ánh được bao nhiêu tâm trạng của những người trẻ trong giai đoạn bi thảm này...” Tôi đặt tay lên vai TCS. Bờ vai thật gầy, thật còm cõi. Tôi không biểu tỏ bằng lời, nhưng ngụ ý là nhạc của TCS hiện nay cũng vậy, nếu chưa muốn nói là còn thiết tha và còn đầy đủ hơn...
Tôi hỏi TCS sao không vào Sàigon để cùng sinh hoạt với các anh em. Sơn trả lời, Sơn thích sống ở Huế và sáng tác ở Huế. “Anh thấy đó, Huế rất trầm lặng. Sàigon quá hỗn độn, quá ồn ào...”
TCS hút thuốc liên miên. Vừa hết điếu này lại mồi ngay điếu khác. Và cà phê thì cũng 3, 4 tách rồi. Thứ cà phê pha qua phin, rất đậm đặc và bỏ rất ít đường... Chúng tôi ngồi với nhau thật lâu. Chung quanh là những người trẻ, những khuôn mặt trẻ, những giọng nói trẻ, những tiếng cười trẻ... Khoảnh khắc, tôi thấy mình như được trẻ lại để chia sớt với bằng hữu bạn bè bầu không khí thảnh thơi thanh thoát giữa một thành phố êm đềm tĩnh lặng và giữa một không gian tĩnh lặng êm đềm...
Lần thứ hai, tôi gặp TCS ở nhà Thanh-Tuệ. Căn nhà nhỏ, nóng bức trong một hẻm-của-hẻm đường Lý Thái Tổ, Sàigon. Bữa đó, chủ nhân nhà xuất bản An Tiêm rất nhiều khách. Trên lầu, đại đức T.N.T. đang diện bích. Phòng kế có P.C.T. đang “truyền tâm ấn” cho H.T.Ụ. Mấy thiếu nữ nói tiếng Huế đang sắp xếp chén đĩa và sửa soạn thức ăn. TCS ngồi cô đơn ở chiếc ghế bố, hai mắt lim dim mỏi mệt như buồn ngủ. Tôi định kéo TCS ra tiệm kem Cẩm Bình ở đầu ngõ làm chai bia lạnh hay ly cà phê đá. Nhưng Thanh Tuệ nói TCS mới ở phi trường về nên có lẽ hơi mệt. Tôi đành lẳng lặng rút lui, tuy trong lòng vừa nhen lên một chút bùi ngùi tội nghiệp, vì thấy cái dáng nửa nằm nửa ngồi của TCS trong chiếc ghế bố ở một góc nhà chật chội giữa mùa nắng khô oi ả...
Chiều hôm sau, tôi trở lại tìm TCS, nhưng căn nhà đã khóa trái cửa. Mọi người đi vắng. Tôi lẩm nhẩm hát nho nhỏ trong lòng một dòng thơ tuyệt vời của họ Trịnh: “Tôi ru em ngủ, hạ cũng vừa sang... Em hôn lên tay mình. Để chua xót tình trần...” rồi bẵng đi rất lâu, bận bịu nhiều chuyện, tôi không còn dịp nào gặp lại TCS. Nhà xuất bản An Tiêm (cũng là nhà riêng của Thanh Tuệ) lúc đó chưa có điện thoại, nên việc liên lạc để tìm kiếm nhau rất khó khăn. Và thời gian đó, TCS sáng tác liền tay, hầu như không ngưng nghỉ. ở đâu và lúc nào cũng tràn ngập nhạc TCS. Có thể nói, những năm tháng đó hai dòng nhạc Phạm Duy và Trịnh Công Sơn gần như chia nhau thao túng “thị trường”. Nhớ một lần, nhà văn Song Linh từ một tiền đồn gần quận Bồng Sơn - Phủ Cũ gửi thư về cho tôi. Song Linh viết: “Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, mà trông về đằng trước thì mịt mù, ngó về phía sau hay hai bên cạnh, chỉ thấy toàn xác chết và xác chết. Trận đánh khốc liệt vừa qua ròng rã suốt 3, 4 ngày đêm. Bọn Bắc quân chết nhiều vô kể. Họ là những người trẻ, thật trẻ, có khi chỉ là những cậu bé khẳng khiu gầy ốm. Họ chết la liệt ở phía ngoài những vòng kẽm gai hoặc trên những bãi mìn. Thân xác họ trần truồng, đen đúa và cây cỏ cũng vàng cháy thê lương cùng khắp vì bị dội bom napalm và bom hạng nặng... Bắc quân chết nhiều quá, họ không thể mang hết xác đi, nên mùi tử khí sau mấy ngày nắng gắt đã xông lên muốn nôn muốn mửa... Bọn tôi không dám uống nước suối, chỉ dám uống nước giếng và nước dừa... Lát nữa, được một trung đội khác thay phiên, tôi sẽ về Bồng Sơn uống một cái gì, và bỏ thư này cho H... H. ơi, tôi vừa được nghe loáng thoáng một bản nhạc của Trịnh Công Sơn, khi một người lính của tôi đang nằm dưới bóng mát một bụi cây, nghỉ ngơi và ôm máy nghe nhạc... Giọng ca như nức nở, thản nhiên, ai oán. Nói về chiến tranh ly loạn, nói về thân phận một kiếp người... Tôi như bị nổi gai và thấy lòng chùng xuống xót xa.. Mỗi lần về thành phố, thấy các sinh viên học sinh đua nhau nghe TCS, nhất là những bài ca có màu sắc không chấp nhận chiến tranh, tôi bực bội và thấy bất bình... Nhưng ở ngay ngoài mặt trận, sau khi đã phải một sống một chết với quân thù, thì cũng chính mấy bản nhạc đó, nghe mới thấm thía ai oán và thấm thía xúc động...
H. ơi, có một điều chúng ta cần ghi nhận là anh em binh sĩ đã nghe nhạc TCS như được nghe những nỗi niềm tâm sự. Tâm sự của chính mình và nỗi niềm của chung một thế hệ... Nghe riết, rồi thấy cảm thông, rồi thấy tan hòa với những kể lể thiết tha và những giải bày trung thực của người làm nhạc...”

Lá thư đầy cảm khái của nhà văn Song Linh tôi đã trích dẫn một hai đoạn khi viết tiểu thuyết “Hương Cỏ May”, và tôi thấy đồng ý với Song Linh vì không hề có một người chiến binh nào của chúng ta đã trốn khỏi quân ngũ, khi cái được gọi là “nhạc phản chiến” của TCS rầm rộ lan tràn.

Và một buổi tối, nơi nhà riêng của Lưu Kim Cương trong Tân Sơn Nhất, tôi gặp lại TCS giữa bao nhiêu bằng hữu bạn bè. Có Mai Thảo. Có Phạm Đình Chương. Có Lê Uyên Phương. Nhiều sĩ quan cao cấp thuộc binh chủng Không Quân cũng đều có mặt. Không khí rất vui, rất thân mật. Thức ăn khá ngon và nhiều loại rượu hảo hạng. Bữa đó, TCS ăn rất ít. Anh uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá. Nét mặt anh trầm ngâm. Không phải buồn. Vẫn tươi cười khi trò chuyện, nhưng đôi mắt thoáng xa xôi sau cặp kính dầy. Thấy tôi, TCS tới gần bắt tay. Anh hỏi nhỏ: “Viết được nhiều không, T.H.?” Tôi nói đùa: “Cố gắng, nhưng không thể chạy đua với ông được”. TCS ngửa mặt cười: “Có những lúc, bao nhiêu inspirations (nguồn cảm hứng) nó đến với mình dồn dập. Nếu mình không mau chóng ghi nhận và khai triển nó, nó sẽ biến mất ngay như người con gái đẹp biến mất sau một nụ cười...” (Ghi chú của người viết: TCS tốt nghiệp ban Triết trường Chasseloup Laubat, nên khi trò chuyện thân thiết, Anh thường dùng một vài tiếng Pháp chen lẫn vào câu nói). Chúng tôi cũng đưa ly cho người chiêu đãi, châm thêm rượu. TCS đong đưa ly rượu mạnh màu hổ phách trong tay. Tiếng những cục đá va vào thành ly kêu lanh canh. Đôi mắt TCS trở nên mê đắm: “Et tu bois cet alcool brulant comme ta vie. Ta vie que tu bois comme une eau de vie”... Tôi gật đầu rồi thì thầm nói với riêng Sơn: “Apollinaire... Tuyệt vời. Uống rượu và đọc thơ Apollinaire thật tuyệt vời. Tôi mê Apollinaire lắm...” Moa cũng vậy. Những ngày còn đi học, moa chỉ cầm tập thơ của Apollinaire lâm râm đọc từng lời thơ trác tuyệt và nhìn mơ màng ra những dải mây trắng bay ngoài cửa sổ... Moa thích nhất hai câu thơ: Jeunesse adieu Jasmin du Temps, Jõai respiré ton frais parfum... “ Vâng. Chúng tôi đành giã biệt tuổi xuân, hoa thời gian ngào ngạt. Tôi đã được hít thở bao mùi hương thơm mát của Em”.
Vĩnh biệt tuổi thanh xuân đầy thơ mộng, để rồi chúng tôi cùng phải đối diện với những cái chết thảm thương. Lưu Kim Cương(2) đã chết. Song Linh sau đó cũng đã chết... TCS đã ngậm ngùi khóc Lưu Kim Cương. Và tôi cũng đau đớn khóc Song Linh. Cho đến khi đôi cánh của thời gian đã mang theo đi được một phần nào nỗi xót xa khổ lụy, TCS và tôi lại được gặp nhau. Bữa cơm tối thân mật ở ngôi nhà nhỏ đường Ngô Tùng Châu Gia Định. Bên những bức vẽ in loang nhiều bóng tối của Trịnh Cung và Đinh Cường, chúng tôi, TCS, Duyên Anh, Nguyễn Hữu Bào, Ninh Chữ... Cả 5 anh em đều say mèm. Nhưng rượu - và thuốc lá nữa - không thể làm nguôi tan những quằn quại, những đớn đau, những xót xa, những thống hận của mọi người, về những mất mát, những nát tan, những chia xa, những tủi hận - đang thấm lan, đang bão hòa trong trái tim rướm máu và cõi lòng tê điếng. Chúng tôi không nhắc đến Lưu Kim Cương và cũng không nhắc đến Song Linh, nhưng cả 5 chúng tôi như cùng đang hình dung đến những con người cao cả, đã bằng lòng hiến dâng trọn vẹn sinh mạng của mình, để giữ gìn đất nước...
Chúng tôi không khóc, nhưng cả 5 đôi mắt đã là nhạt nhòa ngấn lệ. Chúng tôi không kể lể, nhưng cả 5 tấm lòng đã như cùng hướng về một chốn xa xăm... Cho đến khi TCS nhặt lấy cây đàn. Từng âm thanh nức nở bật lên buồn đau dâng lên man mác...
Phút giây, tôi tưởng như những dây tơ đã loang hồng màu máu. Từ những ngón tay “bắt được của trời” (nói theo ngôn ngữ nhà văn Mai Thảo) của người nhạc sĩ họ Trịnh đã vương đầy huyết lệ... Ninh Chữ nghêu ngao hát theo dòng nhạc: “Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên. Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn. Đất ôm anh đưa về cội nguồn. Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng Anh... Như cánh chim bỏ rừng. Như trái tim bỏ tình. Nơi đây một lần nhìn Anh đến, những xót xa đành nói cùng hư không...” Duyên Anh đến gần chiếc dương cầm, mở nắp, rồi ngồi xuống, dạo theo trên phím ngà những tiếng đàn thổn thức... Những ly rượu được châm thêm. Những điếu thuốc đốt tiếp. Chẳng bảo nhau, nhưng cả năm chúng tôi cùng cất tiếng hát nho nhỏ nhịp nhàng... “Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây. Đã vui chơi trong cuộc đời này. Đã bay cao trong vòm trời đầy... Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai... Không có ai từng ngày. Không có ai đời đời ru anh ngủ vùi... Mùa mưa tới, trong nghĩa trang này có loài chim thôi...” Chợt có tiếng ho của ai đó. Chúng tôi ngưng hát, người nhấp lên môi chút rượu đắng, người bập miệng hút hơi thuốc cay. Rồi TCS bắt giọng cho chúng tôi cùng nghêu ngao hát tiếp: “... Bạn bè còn đó, Anh biết không Anh? Người tình còn đó, Anh nhớ không Anh? Vườn cỏ còn xanh. Mặt trời còn lên. Khi bóng Anh như cánh chim chìm xuống...” Vẫn cố gắng góp cùng mọi người tiếng hát, tôi vẫn nhìn không rời TCS. Khi TCS đàn và hát, khuôn mặt, đôi mắt, những ngón tay, dáng Anh ngồi, đều toát ra một nỗi đam mê, đều toát ra một vẻ say sưa, đều toát ra một cái gì thảm thê bi tráng. Hai mắt Anh nhắm nghiền. Khóe môi run run khép mở. Đàn ghì ôm trong lòng. Những đầu ngón tay lướt nhanh thoăn thoắt... “Vùng trời nào đó, Anh đã bay qua. Chỉ còn lại đây những sáng bao la. Người tình rồi quên. Bạn bè rồi xa. Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ...” Tiếng dương cầm đang thánh thót rơi vỡ như những giọt mưa, như những hạt sương, như những lớp gió... tiếng đàn và tiếng hát của chúng tôi giây phút đó là những hồi kinh chiêu niệm. Âm vang đê mê chùng héo, nức nở, nghẹn ngào... “Anh nằm xuống như một lần vào viễn du. Đứa con xưa đã tìm về nhà. Đất hoang vu khép lại hẹn hò. Người thành phố trong một ngày đã nhắc tên. Những sớm mai lửa đạn. Những máu xương chập chùng... Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang...” Tôi tham lam ghi lại những lời ca này của TCS. Những lời ca tràn đầy triết lý sâu xa và ngập ngụa trí tuệ cao cả. Binh chủng không quân vừa hào hoa vừa anh kiệt của chúng ta, trong cuộc chiến đã có hai con chim đầu đàn hiên ngang nằm xuống. Cả hai, đã được hai nhạc-sĩ-hàng-đầu vinh danh, ngợi ca, tưởng niệm. Một, Phạm Phú Quốc với bài “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc” của Phạm Duy. Và hai, Lưu Kim Cương với bài “Hát Cho Người Nằm Xuống” của TCS mà tôi đang kể lể. Lời Phạm Duy khiến ta đằng đằng hào khí với những đắng cay thương tiếc. Lời của TCS đã khiến ta tê tái, quằn quại, bàng hoàng đau đớn. Về sự ra đi. Về nỗi tử sinh. Về định mệnh nghiệt ngã của cuộc đời và về nỗi cô đơn, nỗi bất lực của thân phận con người...
TCS là một thiên tài, là một con người có một tâm hồn lớn lao giầu có, hay là một thanh niên học thức, trọn đời lủi thủi lang thang ngay trên quê hương khốn khổ, dù là trong chiến tranh giặc giã, điêu tàn thống khổ, hay ngay cả trong thanh bình yên ổn, nhưng vẫn còn trầy trụa tươm máu bởi những vết thương bi đát không thể hàn gắn, không thể nào lành khỏi được.
Bởi thế, trọn cuộc đời Anh sống, TCS là một người lữ hành cô đơn - mãi mãi cô đơn - vì rất ít, quá ít, người hiểu Anh được một cách trọn vẹn tận tường...
Thấm thía với sự cô đơn quạnh quẽ của mình, TCS thường tự ôm vai mình than thở: “Tôi vui chơi giữa đời nhưng biết đâu nguồn cội... Cây chưa phủ bóng dài, mà tôi đã phủ bóng tôi... Tôi thâu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời. Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài... Tôi tự làm khô héo tôi đây...” Và: “Đời ta hết mang điều mới lạ. Tôi đã sống rất ơ hờ... Đời ta có khi tựa lá cỏ... Lòng tôi có đôi lần khép mở. Ngồi bên vết thương tôi quỳ... Một hôm bước qua thành phố lạ... Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà...”
Riêng đối với cái nhìn hạn hẹp của tôi, TCS là một nhà thơ lớn, là một triết gia đáng kể, là một thiên tài không thể chối cãi. Mỗi bài ca của TCS đều như một thông điệp rất xúc tích, rất tốt đẹp gửi đến cuộc đời, gửi đến con người những điều chói lòa nhân bản về tình yêu, về cuộc sống, về tình người, về lòng nhân ái rạng ngời cao cả...
Như vậy, TCS là một trong những tài năng hàng đầu của chúng ta. Nhất định tài năng đó không phải - và không bao giờ phải, của phe cộng sản. Nhất định, chế độ cộng sản không thể - và không bao giờ có thể - đào tạo nên được một tài năng đầy lòng từ ái rất nhân bản như TCS. Mà chính là thể chế của người Quốc Gia, Tổ Quốc của người Quốc Gia, đất nước của người Quốc Gia mới là những môi trường thuận lợi cho một tài năng cỡ tài năng của TCS nẩy mầm và xanh tươi phát triển.
Sau 30-4 ít ngày, tôi có gặp TCS một buổi sáng đầu tháng 5 năm 1975. Ngã ba đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp. TCS đang bụm tay bật lửa châm điếu thuốc. Tôi rà chiếc xe đạp cũ đến gần Anh. Thấy tôi, Anh như hơi ngỡ ngàng, lên tiếng hỏi: “H. không đi à? Xe hơi đâu rồi mà đi xe đạp?” Tôi nhớ, giây phút đó, tôi không trả lời TCS mấy câu TCS vừa hỏi. Tôi hỏi lại TCS giọng như hơi gay gắt: “Tại sao nông nổi vậy? Tại sao hấp tấp làm việc đó?”
Lẽ ra, tôi không nên hỏi TCS câu hỏi ấy, vì tôi không được quyền, và nhất là không thể nhân danh một cái gì mà hạch hỏi TCS cả. Nhưng có lẽ giây phút đó, tôi nóng lòng muốn giãi tỏ với TCS phản ứng chân thành của một người bạn hằng quý mến và ngưỡng mộ tài năng của TCS, khi thấy Anh đã có một “hành động khác thường” trưa ngày 30 tháng 4 như vậy. Nhưng TCS không bận tâm câu nệ, Anh vẫn ôn tồn điềm đạm nói: “Không phải nông nổi. Mà là một sự bồng bột” (TCS dùng tiếng Pháp: “Cõest une effervescence”.) Tôi thở dài. Buồn hay giận TCS thì việc cũng đã qua rồi. Tôi nhìn Sơn kỹ hơn. Chắc mấy ngày nay râu ria Anh không cạo. Chiếc quần jean và chiếc sơ-mi màu xám nhăn nhúm. Không đâu, tôi chạnh lòng tội nghiệp cho Sơn. Việc Anh làm trong biến cố vừa qua là sai hay đúng? Thái độ đó chỉ phát xuất từ một sự bồng bột, như lời Anh vừa nói, hay chính là chủ ý của Anh đã ấp ủ từ lâu? Thực tình tôi không thể biết và cũng không thể hiểu. Tuy nhiên, vì kính trọng niềm riêng tư của cá nhân Anh, tôi không muốn hỏi thêm gì nữa. Tôi rủ Anh đến một cái kiosque gần đó để ăn sáng. Anh gật đầu. Chúng tôi đang bước đi, tự nhiên Anh khựng lại. Anh nhìn thẳng vào hai mắt tôi rồi thầm thì: “Một sự bồng bột... hay đúng hơn một sự bồng bột vì bị bắt buộc phải bồng bột. Không phải tự moa muốn làm việc đó. Entre nous (giữa chúng ta) moa mới nói, nhưng H. đừng kể với ai nghe, mấy người bạn cũ trong nhóm sinh viên pro-com. (thiên cộng) quá khích đã bắt buộc moa phải làm... Một ngày nào đó, H. sẽ biết rõ hơn. Bây giờ moa không thể nói được, vì moa đã lấy danh dự hứa với họ...” Tôi thở dài. Rồi nắm nhẹ bàn tay gầy nhỏ của Sơn. Cả hai chúng tôi câm lặng nhìn nhau... Tôi dựng chiếc xe đạp chỗ cột đèn đường. Minh Châu, cô chủ quán, ngơ ngác ngó hai chúng tôi hỏi giọng buồn rầu cam phận: “Không đi được hà anh H.? Gia đình Châu cũng bị kẹt lại...” Không biết Minh Châu, người con gái tài sắc một thời của các vũ trường Sàigon, có nhận ra được TCS không. Có lẽ không, vì cô chỉ hỏi chuyện tôi mà không đá động gì đến sự có mặt của TCS cả. Như vậy cũng là may, vì dường như tất cả dân Sàigon đang bất mãn về việc TCS đã làm. Chúng tôi ăn bún chả (món quà ngon nổi tiếng của kiosque này), và uống cà phê sữa đá. Tôi mừng khi thấy TCS ăn hết được phần bún chả của mình và đang châm thuốc hút. Nét bơ phờ mỏi mệt thấy rõ trong dáng điệu và qua ánh nhìn buồn bã của TCS. Sau đó, tôi chia tay TCS lặng lẽ, vì cũng chẳng muốn hỏi TCS những ngày sắp tới Anh sẽ làm gì? Vừa chậm chạp, vừa chán nản đạp xe trở về nhà ở vùng Gia Định, tôi nhẩm đi nhẩm lại mãi câu TCS nói: “Ce nõest quõune effervescence”. Đó chỉ là một sự bồng bột, vì bị ép buộc... Tôi, cá nhân tôi, có thể thông cảm được sự giải thích của TCS. Nhưng còn bao nhiêu người khác? Những người đã hằng ngưỡng mộ và quý mến TCS, liệu có thể hiểu được việc làm của Anh trưa ngày 30-tháng-4 chỉ là một hành động bồng bột vì bị bắt buộc? Riêng phần tôi, sau bữa ăn sáng nặng nề đó, chẳng bao giờ tôi còn được gặp TCS nữa.
Khi vợ tôi mang các con vượt biên, và Nàng bị tử nạn trên biển Đông đầy bi thảm, ít năm sau, tôi có được một người bạn thân hiện định cư ở Úc, nói TCS có nhờ ảnh nhắn gửi tới tôi lời chia buồn. (TCS có quen biết gia đình ỤH. ở Huế). Và một câu mà TCS nhờ người bạn nói lại với tôi ngay từ năm đó là “T.H. ơi. Đừng quá sầu khổ và đừng tuyệt vọng...” Tôi vô cùng xúc động, và rất trân quý lời Anh an ủi. Và cũng hy vọng rằng, một ngày nào đó sẽ được trùng phùng với TCS và cùng cụng ly ruợu đắng với Anh để nhắc lại một câu thơ Anh đã đọc trong bữa ăn tối ở nhà L.K. Cương: “Jeunesse adieu Jasmin du Temps. Jõai respiré ton frais parfum...”
TCS ơi. Chúng ta đã phải đành lòng giã biệt tuổi thanh xuân cùng với muôn hoa thời gian ngào ngạt... Chúng ta đã được hít thở vô lượng mùi hương thơm ngát của cuộc đời...
Xa quê hương khốn khổ và xa những tài năng hàng đầu của đất nước như TCS hơn nửa vòng trái đất, tôi hệt như một con vụ nhỏ bé đang quay cuồng trong cơn bão lốc của cuộc đời... Thỉnh thoảng chỉ được biết tin Anh qua những bạn bè và vài người quen biết. Nghe nói, TCS bị nhiều thứ bệnh trầm kha, mà nặng nhất là bệnh gan và bệnh tiểu đường. Mỗi lần Trịnh Cung đến Mỹ, câu đầu tiên tôi thường hỏi TC là TCS hồi này thế nào? Lần nào thì họa sĩ TC cũng lắc đầu và thở dài ngán ngẩm. “Mới phải nhập viện” - “Bây giờ Sơn gầy yếu lắm” - “Không còn uống ruợu mạnh nữa. Phải uống rượu chát” - Một lần khác, nhạc sĩ Đỗ Hậu kể: “Moa có ghé thăm. TCS yếu rồi, phải ngồi xe lăn” - “Sinh nhật của TCS mới rồi, có Anh P.D. đến. Một già một trẻ, chưa biết ai đi trước ai...” Những ngày tháng cuối đời, TCS đã đến với hội họa. Phải chăng Anh đã mệt mỏi với những tiếng nói và những âm thanh? Phải chăng Anh muốn tìm đến những đường nét và những mầu sắc để gửi gấm được trọn vẹn lòng mình: một tấm lòng rất nhiều màu sắc tinh khôi và rất nhiều đường nét nguy nga hoành tráng...
Một hôm, có được số điện thoại của TCS, tôi gọi cho Anh. Bữa đó, nhà Anh rất ồn ào. Như đang có đông người. Như đang là bữa tiệc. Tôi hỏi. Sơn đáp: “ừ. Tụi bạn bè họ kéo đến chơi... Cho moa đỡ buồn, đỡ lẻ loi...” - Tôi đùa: “Nghe nói ông đang có cô bồ nhí thơm lắm mà”. TCS cười rộ: “Cũng vậy thôi. Cô đơn thì lúc nào mình cũng thấy cô đơn, ngay cả khi đang hôn một người tình...” “Sức khỏe ông thế nào?” - “Bết bát. Rất bết bát... Bên chân phải của moa đau lắm. Đau ghê gớm. Phải cắn răng chịu đựng... Nhưng nhiều khi đau quá. Đau đến tận óc. Đau muốn khóc...” Rồi có nhiều tiếng động quá ồn. Cuộc điện đàm trở nên bị phá nhiễu khó nghe. Tôi định chào TCS để chấm dứt, thì giọng TCS lại rành rọt, tuy có nhỏ đi, yếu ớt: “H. viết được nhiều không?” - Rất giới hạn” - “Sao nghe TC nói H. đã bỏ viết? - “Tại mắc bận phải đi làm. Bây giờ về nghỉ hưu rồi, chắc sẽ viết lại”. - “Nên lắm... H. nên viết lại. Đừng bỏ cuộc. Đừng tuyệt vọng...” Tôi muốn nói cảm ơn TCS đã hơn một lần khích lệ tôi như vậy. Nhưng, tôi không còn nghe được tiếng Sơn nói. Đường điện thoại bị nhiễu âm trầm trọng. Một lúc sau, mới có tiếng một người đứng tuổi: “Ông bạn ơi. TCS tự nhiên bị mệt rồi... Thôi, lúc khác ông bạn gọi lại nhé... Xin lỗi...” Tôi đặt máy xuống, không giữ được tiếng thở dài. Tôi thầm nói một mình: “Tôi cho TCS... Không biết rồi Anh sẽ ra sao? Anh có vẻ đang kiệt sức quá rồi...”
Tôi còn tin tưởng ở một Phép Lạ được nữa không, hay cũng như TCS, tôi đã mất hết tin tưởng? Và lại cũng như TCS, tôi đang đặt niềm tin vào sự tuyệt vọng? Câu TCS nói cuối cùng trong cuộc điện đàm lúc nãy là “H. ơi, đừng tuyệt vọng...” Nhưng niềm tin cuối cùng của TCS lại là niềm tin vào sự tuyệt vọng. Như vậy có nghịch lý quá không? TCS giải thích với nhạc sĩ Đỗ Hậu, khi Đỗ Hậu đến thăm TCS lần sau chót, trước khi TCS qua đời: “Tin vào niềm tuyệt vọng, là chỉ còn tin được vào chính mình... Rồi TCS chậm rãi đọc nhỏ nhẹ từng lời thơ của Anh: “Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông... Đừng tuyệt vọng. Em ơi, đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là Em. Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo. Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ? Tôi là ai mà còn trần gian thế... Tôi là ai, là ai, là ai... Mà thương yêu quá đỗi cuộc đời này”. Đọc xong những vần thơ, TCS như mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và nhắm nghiền hai mắt lại. Nơi chỗ Anh nằm có những con búp bê nhỏ bé và xinh đẹp lạ thường. Nghe Đỗ Hậu kể, tôi liên tưởng là những con búp bê dễ thương đó, do một Nàng Tiên Dịu Hiền nào đó gửi xuống tặng Anh...
Chuyện trò với TCS qua điện thoại rồi, người tôi rã rời chán ngán. Cả con tim tôi cũng chán ngán rã rời... Tôi như linh cảm một điều gì của mất mát hẫng hụt... “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi. Đời như vô tận, một mình tôi về. Tôi về với tôi...” Những dòng thơ xé ruột. Những dòng thơ buốt tim. Và bằng tái tim nồng nàn tha thiết nhất, TCS yêu cuộc đời, yêu quê hương và yêu hết thảy mọi người, hết thảy muôn loài... TCS thiết tha, yêu vô cùng vô tận, nên đôi khi Anh phải tự hỏi để tra vấn mình: “Tôi là ai, là ai... Mà yêu quá đời này”. Và trọn cả một đời, TCS đã nói thay cho chúng ta những âu lo, những vò xé, những thao thức, những băn khoăn, những đớn đau, những tiếc nuối những tủi hận, những ngỡ ngàng và cả những chán chường, và cả những hoài nghi, và cả những mê đắm... về thân phận con người, về chiến tranh ly loạn, về tình yêu thương gắn bó, về sự tan nát chia xa... Bởi thế, TCS là một tài năng trác tuyệt, là một thiên tài lừng lẫy. Điều đó, chúng ta không thể chối cãi được, nhưng phải cần nhấn mạnh thêm một điều: “TCS trọn vẹn là một Tấm-Lòng, một Trái-Tim, một Tâm-Hồn-rực-rỡ-Việt-Nam...”

Và rồi, Tin Đau đã đến... Sau 26 năm, dòng thời gian lại quay về một Tháng Tư Đen... Nhưng chỉ mới vừa từ đầu tháng, vòm Mây Tang đã che phủ Sàigon. Người con yêu dấu của Bà Mẹ Việt Nam, một Tài Năng Hàng Đầu của bao Dòng Thơ Nhạc, một Người Tình Mê Đắm nổi trôi trên sông đời hư ảo... đã âm thầm bỏ đi, đã trở về bên kia núi... TCS ra đi, để trọn vẹn Tình-Yêu-Bao-La ở lại.
“Thôi xong rồi. Tout est fini... Như một lần nào Anh đã nói... Chúng ta muốn được nắm những ngón tay khẳng khiu gầy nhỏ của Anh và nói với Anh những lời thân thiết nhất: “Chúng tôi hiểu. Chúng tôi đã hiểu. Anh là một con người đầy lòng từ ái. Cả cuộc đời Anh, Anh chẳng biết hận thù oán ghét là gì...”

“Sống giữa đời này, chỉ có Thân Phận và Tình Yêu. Thân Phận thì hữu hạn mà Tình Yêu thì vô cùng... Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng Tình Yêu để Tình Yêu có thể cứu chuộc Thân Phận trên cây thập giá của đời”. Trịnh-Công-Sơn đã từng viết như thế, và còn viết tiếp: “Mỗi đời sống của chúng ta ẩn náu một Định Mệnh. Có những định mệnh đời đời là cây kiếm sắc. Và một đôi lần trong giấc mơ, tôi bừng lên những ánh thép sáng ngời đó. Nhưng tôi biết rõ rằng, tôi chỉ là một loài chim nhỏ cất tiếng hát chơi trên đầu những ngọn lau hoang...” Tôi không thể nhớ hết, mà chỉ nhớ đại ý những điều TCS đã tâm sự. Tâm sự của TCS mang đầy những dấu vết của Bi Thảm, của Đắng Cay... Nỗi ám ảnh khôn nguôi hằn đọng trong tâm thức TCS là nỗi ám ảnh thảm sầu bất biến về Tình yêu, về Thân Phận, về Con Người...
Cho đến khi anh bỏ đi về nơi vĩnh cửu, nỗi ám ảnh đó vẫn còn nguyên vẹn tràn đầy trên khuôn mặt khắc khổ của Anh, trong ánh nhìn vừa xa xăm vừa thảng thốt của Anh, và qua nụ cười vừa tái tê vừa thơ dại của Anh...62 năm vật vã trên dòng đời... Cả mấy trăm ý thơ và men nhạc dâng hiến cho cuộc đời... Tâm hồn Anh đã trải ra. Trí tuệ anh đã trải ra. Nỗi niềm Anh cũng đã trải ra. Và tâm thức Anh thì ngời ngời rạng tỏ. Chúng ta như nghe được từng nhịp đập của trái tim Anh, từng rung động của hơi thở Anh, và từng khắc khoải dày vò của vô vàn xúc động...
Cho nên, vừa nghe tin Anh đã đành lòng đòi đoạn ra đi, suốt cả một tuần, suốt cả một tháng, tôi đã vừa câm nín vừa bàng hoàng, nghe lại từng câu từng lời mà TCS đã phơi trải ra trong Thơ và trong Nhạc... Tôi muốn được cúi đầu, được quỳ xuống và được cùng thổn thức với Anh: “Trên đời người trổ nhánh hoang vu. Trên ngày đi mọc cánh lá mù. Những tim đời đọc lời hoang phế. Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê. Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ. Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa... Người đã dến và người sẽ về bên kia núi. Từng câu nói là từng cánh buồm rong cuối trời. Còn lại, tiếng cười khóc giữa đời... Dưới ngọn đèn một bóng chim qua. Giữa đường đi một người đứng gọi. Có biết gì về ngày chưa tới. Những ngày ngồi rủ tóc âm u. Nghe tiền thân về chào bóng lạ. Những mai hồng về nhớ thiên thu...” Từng giọt dương cầm não nùng tê buốt. Từng tiếng kèn thê thiết đắng cay. Và giọng hát của người con gái vương đầy máu lệ. Cùng những tấm lòng tiếc thương vô bờ bến của bao người... Đó là khúc hát tiêu biểu của Trịnh Công Sơn. Khúc hát thảm sầu chiêu niệm...

Tuấn Huy
Tháng 5/2001



nguồn: Văn Học
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho