tưởng niệm




Trịnh Công Sơn - Nhân cách và Tình yêu

--- Duy Nguyên ---


Thế là đã hai năm kể từ ngày Trịnh Công Sơn rời khỏi thân thể, cái thân thể ốm yếu đã từ lâu để tiếp tục con đường trăm năm vạn kiếp phù du của anh về chốn nào không biết, chỉ biết rằng anh sẽ còn hát nữa ở nhiều kiếp saụ
Trịnh Công Sơn là con người hiểu biết, nói theo Phật giáo, là con người Tuệ giác. Hiểu biết của anh dẫn anh đi theo con đường riêng biệt của chính mình, hoàn toàn tránh xa những định kiến được khoác áo chủ nghĩa đầy tính hận thù. Bởi thế anh điềm tĩnh mà nghênh ngang bỏ qua những cơ hội ra đi biệt xứ, tưởng chừng như đáng tiếc mà hoá hết sức chính danh, sau nhiều năm nhìn lai. Tôi nhìn thấy ở anh cái phẩm chất quý nhất của con người là nhân cách. Cái anh để lại cho đời không phải chỉ là hơn 600 bài hát bất hủ, hàng trăm bức tranh tuyệt đẹp, mà đối với riêng tôi, hơn thế, còn là một nhân cách sống đáng là tấm gương cho những ai còn băn khoăn tìm lối đi trong đời sống đầy bất trắc nàỵ.
Tôi còn nhớ vào đầu năm tám mươi, lần đầu tiên gặp anh tại Sài Gòn còn đang chao đảo sau chiến tranh. Lúc đó, tuy tiếng súng đã im được vài năm tại miền Nam, nhưng còn vọng lại từ biên giới phía Nam. Lòng người , nhất là dân trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn bấy giờ vẫn còn đầy hoang mang, chờ đợi, nghi ngờ, dằn vặt. Làn sóng người tìm đường ra nước ngoài không ngớt đi mà ngày càng tăng. Tôi chắc Trịnh Công Sơn cũng không phải là không có trăn trở. Như Trịnh Cung, họa sĩ, bạn thân của anh từng nói: ”Bản chất Sơn là người yếu đuối”. Tôi hiểu anh là hết sức can đảm ở những phút hướng lòng theo tiếng gọi của trái tim thèm công lý vàsự thật, và may mắn thay, lại nhạy cảm hơn ai hết trước những tình huống đầy thương cảm của con ngườị Chẳng lẽ lại không đúng rằng, một nghệ sĩ đích thực, nhìn từ khía cạnh nhân bản nhất, lại thường là một người yếu đuối. Họ yếu đuối vì lòng không dứt những đam mê trói buộc nghĩa tình, những thói quen truyền kiếp của đời sống hàng ngày. Và lúc này, anh đã chọn cho mình một con đường như biết bao lần trong cuộc đời mà anh đã phải chọn.
Hồi ấy, trong những ngày Sài Gòn đang nghi ngại tìm cách hòa hợp lối sống cũ với một thực trạng mới không ít ngổn ngang, anh rủ tôi đi cùng anh đến một buổi hát của ‘‘Hội trí thức yêu nước” tổ chức tại một rạp chiếu bóng trên đường Trần Hưng Đạọ Chiều Sài Gòn mát. Chúng tôi ngồi hai xích lô. Anh cầm ghita ngồi chung xe với tôi. Dưới ánh sáng chiều vàng của một ngày sắp tắt, nắng giữa Sài Gòn huyên náo, tôi thấy anh rất hồ hởị Giữa ánh đèn dung di trên một sân khấu trống trơn và trước những khán giả còn chưa quên những ca khúc ủy mị của một Sài Gòn cũ, anh hát:

” Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi chọn nắng đầy
Chọn cơn mưa tới
Và mắt em cười tựa gió bay...”


Phải hiểu gì về những lời ca này giữa ánh mắt nghi ngại của những người đồng hương ở bên kia bờ Thái Bình Dương – những người lòng đầy hận thù cộng sản nghe ca khúc mới của trịnh Công Sơn như là lời tuyên ngôn của sự thỏa hiệp? Còn những người lãnh đạo văn nghệ thành phố lúc đó lại chờ đợi những bài ca khác. Trịnh Công Sơn bao giờ cũng vẫn thế, như ai đã từng nói “giữa cuộc chiến tôi luôn luôn đứng về phía nhân dân”. Lần này cũng vậy, cùng Trương Th.., Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn, anh ôm ghi ta hát tại Sài Gòn, giữa lúc bạn bè nhiều người đang bị hàng ngàn con sóng xô đẩy giữa đại dương trên con đường tìm kiếm một chọn lựa mong manh khác.

“Mỗi ngày tôi chọn một đường đi
đường đến anh em, đường đến bạn bè…”


Nhưng đằng sau những lời ca dường như là rất hồ hởi ấy, tôi cố hình dung một Trịnh Công Sơn ngồi đắm mình trước ly rượu, nhìn ra cái sân nhỏ với dãy ghế sôpha bao quanh bởi những lá hoa, tranh vẽ, nơi bạn bè thân quen cũ vẫn ngồi… chắc không phải đơn giản để hát được những lời:

“Và như thế tôi đã sống từng ngày
Và như thể tôi sống trong cuộc đời
Sống trong cuộc đời này
Bằng trái tim của tôi”


Đêm về sau buổi hát, giữa căn gác nhỏ anh nói với chúng tôi về bạn bè, về cái nghĩa lý sống ở đời này, về tình yêu và tôi thấy đằng sau những câu chuyện của anh mang một tinh thần rất gần gũi với Phật giáo . Đấy là lòng vị tha, là ý thức tỉnh giác trước những hành động của mình, là sự thương yêu không vụ lợi với những suy nghĩ miên man về nhân quả, là ý thức đi đến tận cùng của lòng tôn trọng sự thật. Và trên tất cả là tình yêu đối với mọi người, mọi vật. Trong các ca khúc của anh luôn luôn là ấm áp ân tình cho em, cho tôi, cho mẹ, cho các anh, cho cả hoa lá bốn mùa, cho rừng đã khép, cho dòng sông đã qua đời…
Anh kể cho tôi về những câu chuyện là mạch nguồn các ca khúc của anh.
Giữa đất Huế thanh tao, có một đôi vợ chồng già, nghèo thôi, nhưng rất thương nhaụ Mệ già từng sáng lúc tinh khôi vẫn pha một ấm trà ngon cho ông cụ, mà chỉ có mệ pha ông mới uống. Rồi một buổi kia mệ bệnh nặng, con cháu nói thác là bận đi chăm con cháu đang nằm bệnh viện và thay mệ pha trà cho ông. Nhưng ấm trà bao giờ cũng còn nguyên vẹn. Vài bữa sau mệ qua đời. Những người con giấu ông. Sau nhiều ngày ông ngồi bất động trước cửa sổ, gọi con đến hỏi: “Mệ đi rồi phải không?”. Và từ đó ông không ăn, không uống và cũng ra đi. Đấy là câu chuyện mang đến lời bài hát:

“Áo xưa dù nhầu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau…”


Trịnh Công Sơn trân trọng và ưu ái với cuộc đời và là sự ưu ái của một con người đã được khải lộ về thân phận và cứu cánh của tình yêu.
Cũng một lần, ở Huế, anh bị sốt li bì và tồn tại giữa hai bờ hư thực. Một người bạn gái đến thăm đã đem đến cho anh cả một phòng đầy hoa trắng. Khi tỉnh giấc, anh đã cho tất cả chúng ta lời ca:

“Gọi nắng cho cơn mê này
Nhiều hoa trắng bay
áo em bây giờ mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này…”


Lời ca của anh ra đời từ chính cuộc sống hết mình của người nghệ sĩ. Sự tôn trọng cái đời sống đầy khó khăn – .....– được lý giải thế nào nếu không nhận ra ở đó một trái tim tràn ngập tình yêu. Thì ra chính tình yêu đã cho anh những chọn lựa đầy tính nhân bản trong những phút cam go của đất nước, của dân tộc, đã gạt ra ngoài những hận thù vì chính kiến. Trong khói lửa chiến tranh anh cất tiếng trong những đêm “Hát cho đồng bào tôi nghe” lời hát ru con, lời hát ru con, lời hát ru những bà mẹ ôm xác con, hát cho một người vừa nằm xuống, cho những cụ già trong công viên nhìn đại bác dội về thành phố, cho những người điên trên hè phố. Anh sống với tình yêu và yêu để sống.
Uống từng chén rượu nhỏ trong khói thuốc miên man, người nghệ sĩ gầy yếu ấy đã nói với tôi, một người như tất cả mọi người đã đến với anh, nhiều hơn tất cả những gì tôi học được ở cuộc đời, dù chỉ trong một vài lần gặp mặt.
Rất con người ở chỗ, anh luôn luôn còn chìm ngập một cách mê đắm trong cái cuộc đời đầy vật dục vừa hấp dẫn vừa tráo trở này, để nó dắt anh đi theo cái “nghiệp lực” về chốn nào xa lắm vào cái lúc anh vẫn còn yếu quá xung quanh. Nhưng tôi cũng hiểu rằng chỉ có thể là thế khi sống cho đến tận cùng cái đam mê để mỗi ngày chỉ còn là ngọn nến sáng lên từng khoảnh khắc.
Dù nhiều năm đã qua sau lần gặp anh lần cuối, tôi vẫn còn thấy mãi đấy là con người của niềm hoan lạc trước cái thiện tràn ngập tình người như một sứ giả của niềm tin vĩnh cửu trước cuộc sống phù hoa.
Tôi vẫn nghĩ không bao giờ có thể nói hết về giá trị của những tác phẩm và con người của Trịnh Công Sơn cũng như người ta sẽ còn mãi ngạc nhiên về những vẻ đẹp của tình yêu và nhân cách của những con người vĩ đại trong thế giới này .

Viết nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - 1/4/2001 - 1/4/2003



nguồn: Đàn Chim Việt
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho