tưởng niệm




Cánh Hạc Huyền Thoại 1

--- Phạm Thị Hoài ---


Được cả những người cùng nghề và đông đảo quần chúng thừa nhận, có lẽ ca khúc của Trịnh Công Sơn là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử âm nhạc VN. Sức sống ấy sẽ còn dài lâu, không ồn ào, thời thượng mà cứ thầm lặng, nhỏ nhẹ như một sự hiệp thông giữa con người với con người. Và ít nhất, một vài thế hệ nữa sẽ còn lắng nghe, cùng khát vọng vượt qua sự hữu hạn của đời người, để sống, để yêu thương theo ma lực của âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Nhận xét của nhạc sĩ Văn Cao: "Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới nữa..."

Dấu ấn Trịnh Công Sơn

Anh đi, xong vẫn còn ở lại, có lẽ sẽ sống mãi trong lòng những người đã yêu mến anh. Cái dấu ấn sâu đậm của một thời đã qua, anh đã cho thế hệ trẻ rất nhiều trong quá khứ, trăn trở, khắc khoải trong chiến tranh, đam mê trong tình yêu màu nhiệm. Thế hệ cha ông thường mang câu Kiều ra ngâm nga trong lúc nhàn rỗi giải sầu, tự cảm. Thế hệ sau, những người trẻ lớn lên trong lúc chiến tranh khốc liệt thì nhạc anh lại là một tri âm, tri kỷ . Chúng tôi đã bám víu vào ấy để sống, để nhận thức và ghê tởm sự tàn bạo của chiến tranh, để chia sẻ nỗi đau, bất hạnh của dân tộc, của thân phận con người và nhất là tìm được tình người trong muôn vàn nỗi lo âu, bất trắc .

Đã có quá nhiều người viết về nhạc sỹ có tài này. Với tôi, anh, nhạc sỹ ấy mang lại dấu ấn ngay từ lần gặp trong rừng và ấn tượng chẳng phai mờ của một ngày đặc biệt. Một ngày chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến ở Việt Nam . Một ngày, nhạc anh, ít ra nối lại bàn tay lớn, giảm thiểu đi những điều thừa thãi vô ích của thời cuộc, không cần có của con người. Ngay cả sau này, đôi khi tự an ủi mình, nâng đỡ mình, tôi khe khẽ hát một mình một bài ca của anh : Tôi ơi...đừng tuyệt vọng...và nhiều bài ca khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết và cám ơn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở trưa phát thanh trên làn sóng Sài Gòn ngày đó. Trước đây có người nói: Trịnh Công Sơn là phù thuỷ của ngôn ngữ để có ý ám chỉ tài năng văn học hay khả năng sử dụng ngôn ngữ của anh trong ca từ. Tôi không phản đối, về tài năng này của anh thì không ai sánh kịp, thế nhưng ở anh tài năng lại được nhân lên gấp nhiều lần bởi chính tâm hồn anh. Quả thật Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Chua xót là để có thể cảm thông được nhưng nỗi đau của kiếp người, con người tài hoa ấy hầu như phải hứng chịu tất cả những nỗi khổ đau ấy. Tất nhiên bù lại anh được sự kính trọng yêu mến, đôi khi là sự sùng bái hoà lẫn với vinh quang. Sự kính trọng và quí mến: anh khiêm nhường đón nhận và đền đáp, nhưng vinh quang đôi lúc quá nhiều anh cũng ngán ngẩm: Cũng chỉ là giả mà thôi!

Sơn đã từng thốt lên:

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa.


Cho dù vậy, với anh tất cả đều có thể hiểu được, trái tim anh lúc nào cũng cháy bỏng tình yêu cho dù là đơn phương hay song phương, cho dù là đa phương hay vô định. Tình yêu đã đầy ắp trái tim thì phải cho, cho mà chẳng mong nhận lại, trong sáng, cao thượng, hiện hữu nhưng chẳng phải bao giờ cũng nắm giữ được, đó là tình yêu của Sơn.

Mặt trời, mặt trời đã lên, còn nhìn, còn nhìn thấy con người.
Một ngày tình cờ biết em, là ngày lạ lùng nhất trần gian.


Có đúng là một ngày nào đó Sơn đã gặp một ai đó và anh cảm thấy đó là một ngày lạ lùng nhất trần gian không? Có thể nhiều người không tin, còn tôi thì tôi tin vì tôi cũng đã từng gặp được điều đó, chỉ có điều tôi không nghĩ được ra một bài hát như vậy mà thôi.

Lại nói: "Trong đạo làm người đức hi sinh là đức tính cao quý vô cùng, hiến dâng mà không cần đền đáp, đó là sự cao thượng nhất của đức hy sinh." Sơn nói:

Sống trên đời sống phải có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!. Anh cũng viết: Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, có nghĩa anh biết chấp nhận sự đau khổ của đời sống. Anh thường nói với tôi là anh tán thành quan điểm Sống chứ không phải tồn tại. Bởi vì từ lâu bằng một giọng lạc quan, anh đã viết:

Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.


Và dù cuộc đời chỉ là cái tạm, anh vẫn phải sống, phải yêu thương, phải hy vọng ước ao: Tim em người trọ là tôi, mai kia dù có xa xôi cũng đành.

Ôi cái chữ đành này nghe mới thật là lạ, nó tưởng như mềm yếu lại hoá thành dũng cảm, nó quyết liệt chấp nhận sự đối đầu với định mệnh như chấp nhận sự bất thành tạm thời của những hy vọng và hoài bão mà vẫn dấn thân vì như anh đã viết: Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ.

Quả thật cuộc đời chẳng được bao lâu, trái tim anh đã không bao giờ hờ hững với cuộc đời, anh đã vắt cạnh tình yêu trong trái tim cho cuộc sống, cho những thân phận khổ đau. Và cuối cùng nó đã ngừng đập.

Tôi mong anh nhận ở tôi và những người mến mộ yêu quí anh lòng biết ơn và nỗi tiếc thương vô hạn.

Tôi dừng lại ở đây với một nỗi băn khoăn: không biết đến bao giờ đất nước chúng ta mới lại có được một nhạc sĩ với cả tài năng, đức độ và sự nghiệp như anh.



nguồn: www.vim-online.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho