tưởng niệm




Hạt bụi âm nhạc hoá thân vào kiếp Trịnh

--- Lê Bảo Âu Long ---


Hạt bụi âm nhạc hành trình theo ngàn trùng cơn gió đã vương vào nỗi suy tư Trịnh. Trên cõi tạm này, nó ở lại trong những niềm an ủi, những xoa dịu... để âm nhạc mang nặng thêm sứ mệnh nhân văn.

Từ tiền kiếp, một ngày kia có hạt bụi nhỏ nhoi hình nốt nhạc theo cánh chim câu chạm vào bánh xe luân hồi. Rồi hạt bụi cùng ngọn gió hoang vu rơi xuống đỉnh Langbiang hóa thân một sinh linh. Sinh linh ấy vươn hình hài lớn dậy thành cậu bé Trịnh Công Sơn vóc hạc mình mai ôm cây Tây ban cầm đi suốt xuân thì như vác một cây thánh giá và ngân ca lên những ưu tư cuộc đời...

Phù thanh trong kiếp phù sinh

Cậu bé Sơn không hiểu Hạt bụi nào hoá kiếp thân ta để một mai ta về làm cát bụi nhưng trong suốt cuộc phù sinh trên cõi thế này cuộc đời cậu nghiêng về phía những thanh âm nặng kiếp nhân sinh. Cậu đi theo tiếng vang vọng của những giai điệu âm nhạc dường như để kiếm tìm cái triết lý của vẻ đẹp, cái mỏng manh phận người. Cậu không phù thịnh hay phù suy những hưng vong triều đại, những biến thiên thời đại, những trầm thăng lịch đại. Cậu phù thanh. Những âm thanh chìm nổi cuộc bể dâu...
Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa, đến và đi, rồi ở lại trên cuộc đời này như rất nhiều cuộc đời khác, như cũng rất riêng biệt. Với tôi, cảm xúc về ông vẫn luôn nặng đầy mỗi khi nghe nhạc Trịnh.
Viết về ông ngày nay, người ta nói về sự chuyển động của nhạc Trịnh trong dòng chảy đương đại: bàn xem nên hay không nên làm mới nhạc Trịnh, nhạc Trịnh trong lòng người nước ngoài hay những thứ khác ăn theo nhạc Trịnh. Còn tôi hoài xưa đi về phía quá khứ, phía tiền kiếp nhạc Trịnh, thuở cát bụi mang hình nốt nhạc chưa hóa thân thành Trịnh Công Sơn để những mong tìm được ưu tư trong bài hát, những cảm niệm trong giai điệu, những vẻ đẹp trong ca từ, những triết lý trong âm nhạc của ông. Và cả những nét uyên phiêu trong âm sắc nhạc Trịnh...
Hạt bụi âm nhạc hành trình theo ngàn trùng cơn gió đã vương vào nỗi suy tư Trịnh. Trên cõi tạm này, nó ở lại trong những niềm an ủi, những xoa dịu... để âm nhạc mang nặng thêm sứ mệnh nhân văn. Dù hạt bụi nào hóa kiếp Trịnh thì nó cũng gánh lấy sứ mệnh đó như một sự tất yếu, như một lẽ dĩ nhiên.
Và như là vác cây thánh giá trên đó khắc những lời phúc âm, nó bị cảm hóa bởi sức cuốn hút nhân tình của âm nhạc. Âm nhạc, đến lượt mình, bằng sức hấp dẫn tự thân đã phiêu dụ hạt bụi kia bay theo những quỹ đạo hình ánh sáng. Cả âm nhạc và hạt bụi đã tìm đến nhau tương ngộ trong cái cơ duyên như là ngàn năm để có một Trịnh Công Sơn tài hoa đến thế.
Một hạt bụi như muôn ngàn hạt bụi khác nhưng rất khác những hạt bụi khác. Một hạt bụi như vô vàn hạt bụi chung quanh nhưng luôn vang đầy âm nhạc và có một đời sống không phải là trần ai. Khi chạm vào phím đàn, hạt bụi làm rung lên những thanh âm run rẩy của trái tim yêu và đau, khi hạt bụi ngân lên một cung nhạc thì những tiếng động khác phải lặng im và sỏi đá trăm năm cũng dội tiếng con người.
Chẳng cần biết hạt bụi đến từ bao giờ, cũng không cần biết khi nào sẽ ra đi, nhưng hình như lúc hạt bụi vương trên cõi này là sẽ đi tới tận cùng những hồi sinh hủy diệt, những mỏi mệt kiếp người, những cát bụi ngây ngô, những vô tận tuổi đời... Chẳng cần biết hạt bụi đến từ đâu, cũng không cần biết sẽ đi về đâu, chỉ biết rằng những dục vọng mù lòa, những lọc lừa phản trắc, những nát tan trái tim, tàn tạ những hình hài... không còn hay chí ít niềm tuyệt vọng cũng được an ủi. Hạt bụi ấy mang tên Trịnh Công Sơn với niềm xúc động bất tận của con người...

Âm u như tiếng ngựa hoang, vọng mãi ngàn năm

Có lẽ đó là âm sắc uyên ảo của nhạc Trịnh, người hát rong thế kỷ như một ai đó đã từng nói. Ông hát như là đã hát từ tiền kiếp những bài hát về con người, về cuộc đời, về tình yêu, về kiếp sống, về lòng nhân ái. Những bài hát nhiều yêu thương đã tự mình trở thành một dòng chảy nhuận sắc phù sa, một dòng nhạc mang tên ông: nhạc Trịnh.
Những bài hát mãi âm vọng về ông, những nốt nhạc kết tinh hình hài ông thành nỗi buồn màu thánh giá để khi ông trở về với cát bụi thì hạt bụi ấy, hạt bụi nhỏ nhoi mang hình nốt nhạc vẫn ám ảnh thân phận con người, vẫn nhận lãnh trách nhiệm là hát tiếp và sống tiếp đời sống của ông như một sự luân hồi.
Cái luân hồi ấy tôi thấy trong câu thơ của một người viết trẻ: Trong giấc mơ ban trưa/ Tôi nhìn thấy sỏi đá yêu nhau và bật khóc/ Tôi gặp đóa hoa vàng hơn màu ly biệt/ Và ai đó vô hình/ Ôm một cây đàn thế kỷ đi qua... Cây đàn nói gì mà đơn độc thế người ơi/ Sau câu hát cây đàn tan đi/ Và người tan vào câu hát/ Người không có thật... Rồi đến một đêm kia, ta níu vào nốt nhạc Ngồi đợi mặt trời lên/ Để nhìn thấy mặt người



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho