bài viết




Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn - Phần 4

--- Yoshii Michiko ---


Chúng ta đã phân tích ở trên, chủ đề về người mẹ với tư cách là nạn nhân của chiến tranh. Và có một loại người khác chịu đựng một cách thụ động những cuộc chiến tranh đó là trẻ em. Còn bây giờ là một bài hát về trẻ em như một ví dụ thứ hai của chiến tranh hàng ngày.

Một buổi sáng mùa xuân

Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân

Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim.

Em thơ ơi chiều nay trường học lại
trong sân chơi bạn và thầy im lời
bài học về yêu thương trên giấy mới
sao hôm nay nét mực đã phai.

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé yên nằm
bàn tay cầm cỏ dại
có hoa vàng mong manh

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé im lìm
bờ môi dường thầm hỏi
có thiên đường hay không?

Em thơ ơi chiều nay trường học lại
trong sân chơi bạn và thầy im lời
bài học về yêu thương trên giấy mới
sao hôm nay nét mực đã phai.

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé yên nằm
bàn tay cầm cỏ dại
có hoa vàng mong manh

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé im lìm
bờ môi dường thầm hỏi
có thiên đường hay không?

Đây là một bài hát mà người anh hùng là một em bé. Đối với những người không biết tiếng Việt, khi nghe lần đầu tiên, là giai điệu nhẹ nhàng bên tai, làm cho chúng ta có cảm tưởng nghe một bài tình ca. Bản dịch tiếng Nhật, trên thực tế, là một bài hát rất hay và được cải biên thành một bản nhạc tình. Giai điệu ngọt ngào này cùng với hoa cỏ trên cánh đồng rất hiệu quả khi viết về mùa xuân, nhưng đồng thời nó lại đối lập với sự tàn bạo của nội dung bài hát. Trong ý nghĩa này, bài hát được hiệu quả nhấn mạnh thực tế khắc nghiệt của chiến tranh.

Đề tài về trẻ thơ rất thường gặp trong những bài hát chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn (như đứa con của người mẹ mà chúng ta đã thấy ở trên, hoặc trẻ em và những người già). Đây là một vài thí dụ. Trong bài Người già em bé, trẻ em xuất hiện như một trong hai nhân vật chính:

“(…) Ghế đá công viên dời ra đường phố, người già ho hen ngồi im tiếng thở. Từng vàng đêm đen hoả châu thấp đỏ, em bé loã lồ suốt đời lang thang (…)”

Ở đây, em bé phải chịu hậu quả của chiến tranh xuất hiện một cách khách quan, không cần người ta biết điều mà em bé cảm nhận hoặc suy nghĩ. Tất cả giống như trong bài “Một buổi sáng mùa xuân” mà chúng ta vừa thấy, bài hát miêu tả cảnh vật với cái nhìn khách quan, em bé không hề lo lắng gì. Điều này càng làm tăng thêm nét thơ ngây của em bé và sự tàn bạo của hoàn cảnh. Hai bài này sử dụng em bé làm nhân vật chính, nhung chúng ta cũng có một bài khác tạo nên một phối cảnh: Bài ca dành cho những xác người

“(…) Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này. Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây (…)”

Bài hát này cũng miêu tả một cảnh tượng, nhưng có sự khác biệt với “Một buổi sáng mùa xuân” là không giải thích em bé chết như thế nào. Ở đây, em bé tạo thành một trong những yếu tố của cảnh tượng sau cuộc tàn sát hồi Tết Mậu Thân 1968. Em bé được miêu tả từng cặp với người già như trong “Người già em bé”, hai loại người không gây nên chiến tranh mà phải chịu đựng hậu quả chiến tranh. Em bé xuất hiện ở đây cũng thao thức khi Trịnh Công Sơn miêu tả tiếng đại bác và tiếng súng đạn trong đêm. Chúng ta hãy nhớ lại những đoạn trong “Đại Bác Ru Đêm”
“(…) Đại bác qua đây con thơ buồn tủi (…) Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình (…) Trẻ thơ quên sống từng đêm nghe ngóng (...)

Ở đây cũng vậy, em bé luôn được minh chứng là nạn nhân vô tội của tiếng súng được lập đi lập lại hàng đêm và từ năm này qua năm khác. Do đó, trẻ em phải đảm nhận tương lai của đất nước, ngay cả khi chưa thành người lớn:

“(…) Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương (…) (Đại bác ru đêm)

Và nó đã quá quen thuộc với hoàn cảnh này. Với nó, chiến tranh trở nên thường nhật đến nỗi nó không hề có một thắc mắc gì.

“(…) Một người ngồi hai mươi năm nhìn hoả châu đêm rực sáng. Đàn trẻ nhỏ quen bom đạn người Việt cùng với vết thương (…) (Ngày dài trên quê hương)

Nhưng vai trò của những đứa bé trong những tác phẩm chống chiến tranh không chỉ giới hạn ở vai trò của những nạn nhân thụ động. Chúng có thể là biểu tượng của hoà bình trong những tác phẩm thể hiện hy vọng vào tương lai. Trong Xin cho tôi, đó là một em bé hiện than của hoà bình, em bé hát trong nôi:

“(…) Một hôm nào trẻ hát trong nôi, xin cho tôi xin chỉ một ngày (…)”

Hoặc là, trong giả thiết chiến tranh được kết thúc, em bé hát trên con đường tượng trưng cho hoà bình như trongbài Tôi sẽ đi thăm:

“(…) Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường (…)”

Vậy, chúng ta nhận thấy nhiều loại trẻ em trong những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, kể từ em bé bị chết, em bé lang thang không nhà, chịu đựng sự mất ngủ cho đến những em bé đã quen thuộc với tiếng đại bác. Yếu tố chung của tất cả những em bé này là chúng không chỉ là nạn nhân vô tội của chiến tranh mà chúng còn chịu những thiệt hại một cách hoàn toàn thụ động. Cuối cùng, chúng có thể là biểu trưng cho sự ca ngợi hoà bình, nhưng trong mọi trường hợp, chúng không bao giờ xuất hiện như những “em bé chiến đấu để thống nhất đất nước”.

Những người mẹ, trẻ em, người già, phụ nữ, đó là những nhân vật chính của những bài hát chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn, những nhân vật ngây thơ, vô tội tiếp tục cuộc sống hàng ngày trong hy vọng duy nhất là cuối cùng thấy được sự chấm dứt cuộc chiến tranh 20 năm này. Và tác giả đã miêu tả cuộc sống hàng ngày của họ trong thời chiến tranh ở những bài hát như ta vừa thấy. Cuộc sống được miêu tả phù hợp với cuộc sống của từng loại người đến nỗi khi nghe những bài hát này, người dân chỉ có thể ủng hộ. Đó là những bài hát phản chiến nhưng tác giả không nói đến việc nhân dân phải làm điều này hay điều nọ. Ngược lại, vẫn trong những miêu tả đơn giản của cuộc sống, anh rất thành công khi đã tạo được một nguồn thiện cảm lớn. Tôi tin rằng chính từ chất lượng của những tác phẩm này đã làm nên những kiệt tác chống chiến tranh.



nguồn: Thái Hòa - Thư viện Trịnh Công Sơn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho