tin tức




Viết chân dung Trịnh Công Sơn hay để bôi nhọ nhân vật?

--- Vương Thảo ---


Bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung đương nhiên không làm thay đổi bất cứ điều gì về con người và tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bởi sự chứng minh có sức mạnh và ý nghĩa nhất của một nghệ sỹ chính là tác phẩm của con người nghệ sỹ đó.

Đúng vào dịp kỉ niệm 8 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2009), họa sỹ Trịnh Cung có bài viết "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị", đăng trên một website hải ngoại, với lý do để: "Giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua", dù cho có "phải bị trả giá".

Trong bài viết, họa sỹ Trịnh Cung nêu lên một số chi tiết, sự kiện và cảm xúc của riêng mình để cho rằng Trịnh Công Sơn có toan tính chính trị. Đặc biệt, những ngày trước 30/4/1975, họa sỹ này lý giải Trịnh Công Sơn từ chối ra đi vì sẽ "tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân giải phóng đang bao vây Sài Gòn".

Về giai đoạn sau 1975, hoạ sỹ Trịnh Cung dẫn một số câu chuyện để đưa đến nhận định rằng: "Ý thức được rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm Trịnh Công Sơn được nguỵ danh dưới khẩu hiệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Bài viết này đã nhận sự phản đối ghê gớm từ phía văn nghệ sĩ, độc giả trong và ngoài nước. Trên tờ Thanh Niên, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng bài viết này của Trịnh Cung là "ngậm máu phun người". Nhà thơ Lê Minh Quốc coi đây là "một trong những thủ pháp nhằm PR cho tên tuổi" của Trịnh Cung.

Sau đó, rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng chính thức phản đối bài viết xúc phạm Trịnh Công Sơn của họa sỹ Trịnh Cung nói trên như: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đạo diễn Lê Cung Bắc, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Thế Hiển, ca sĩ Ánh Tuyết, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng...

Bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trên một trang web nước ngoài đang gây lên phản ứng dữ dội của những người yêu nhạc Trịnh, của các văn nghệ sỹ và trí thức Việt Nam. Mỗi người có một cách phản ứng khác nhau, nhưng đều tập trung vào ba điều cơ bản:

Một: Khẳng định tài năng và nhân cách của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn;

Hai: Khẳng định những sự kiện trong bài viết mà hoạ sỹ Trịnh Cung đưa ra để chứng minh luận điểm của ông là hoàn toàn sai sự thật;

Ba: Khẳng định một nhân cách kém cỏi của hoạ sỹ Trịnh Cung và mục đích không trong sáng trong bài viết của ông về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Với tôi, bài viết của Trịnh Cung về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có thể coi là thể loại chân dung. Và tôi muốn nói đến nhân cách của những người viết chân dung ở Việt Nam trong những năm gần đây mà cụ thể là nhân cách viết chân dung của hoạ sỹ Trịnh Cung.

Viết về người đã khuất phải thận trọng và có lương tâm

Quả thực, nhân cách của hoạ sỹ Trịnh Cung lâu nay đã được các văn nghệ sỹ bàn đến khi có những liên quan. Không ít văn nghệ sỹ đã cảnh báo những ai đó hãy cẩn trọng khi có quan hệ với hoạ sỹ Trịnh Cung.

Họ sợ sự phản bội bạn bè mà hoạ sỹ Trịnh Cung đã từng làm với những đồng nghiệp của ông. Nhưng chưa một ai viết về những chuyện đó và đưa lên báo chí cả.

Cho dù thái độ cá nhân của họ như thế nào với Trịnh Cung nhưng khi viết về một con người đặc biệt là con người đó đã mất thì càng phải thận trọng và có lương tâm.

Chỉ khi hoạ sỹ Trịnh Cung công khai viết về một người mà ông vẫn thường tuyên bố rằng đó là một người tri âm tri kỷ của mình là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì dư luận mới lên tiếng.

Trước đó, trong không ít bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung liên quan đến những văn nghệ sỹ khác, người ta luôn luôn thấy ở đó một thái độ hằn học.

Mới đây, với những gì mà hoạ sỹ Trịnh Cung đã trả lời phỏng vấn trên Báo VietNamNet cũng đã gây ra những phản ứng gay gắt của các văn nghệ sỹ nhất là các văn nghệ sỹ ở TP.HCM.

Họ cho rằng: hoạ sỹ Trịnh Cung không đủ tư cách để dạy người khác phải ứng xử với nhau có văn hoá như thế nào. Vì ông ấy đã ứng xử một cách phi văn hoá với bạn bè lâu nay.

Nhưng trong bài viết của mình, tôi không bàn sâu đến chuyện đó. Bởi nếu tôi kể ra những câu chuyện tôi nghe được về Trịnh Cung hay phỏng vấn những người đã từng chứng kiến nhân cách của hoạ sỹ này thì bài viết của tôi sẽ gây cho bạn đọc một cảm giác tôi đang không công bằng với ông. Tôi chỉ đề cập đến những gì ông viết trong bài về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Trong bài viết của mình, hoạ sỹ Trịnh Cung dựng chân dung nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là một kẻ tham vọng làm quan cả trong thời gian trước và sau năm 1975. Nhưng vì không được tin dùng nên nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã chán chường và buông xuôi.

Cách nhìn nhận này của hoạ sỹ Trịnh Cung về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã xuyên suốt cả bài viết dài của ông. Đây là một nhận định sai lạc, thiếu tính khoa học và không lương thiện. Với một kẻ luôn luôn kiếm tìm cơ hội để đạt được những dục vọng của mình thì kẻ đó không thể nào có được một tâm hồn lớn như tâm hồn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Tất cả những tác phẩm âm nhạc mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để lại đã chứng minh một cách uy quyền nhất tâm hồn ông, nỗi đau nhân thế của ông và khát vọng lớn lao của nhân loại về hoà bình ở trong ông.

Ông là một nghệ sỹ chân chính bởi những gì ông sáng tạo từ buổi đầu tiên cho tới khi giã biệt thế gian không bao giờ xu nịnh và thoả hiệp với bất cứ ai, mà ở đó chỉ vang lên giọng nói của những khát vọng chân chính và tình yêu nhân loại.

Chúng ta đều biết rằng: ngay lúc này, có hàng triệu thanh niên Việt Nam mê đắm nhạc Trịnh. Họ không biết gì về quá khứ của con người Trịnh Công Sơn. Họ chỉ biết những tác phẩm ông để lại đã đánh thức những vẻ đẹp và tình yêu thương trong họ.

Tất nhiên, cũng có những kẻ sống đầy cơ hội đớn hèn và đầy dục vọng cũng đã làm ra được một tác phẩm nào đó có cảm xúc. Việc này không có gì lạ. Tôi sẽ quay lại bàn về sự mâu thuẫn kỳ lạ giữa nghệ sỹ và tác phẩm của họ vào một dịp khác.

Với một vài “điểm đen” trong cuộc đời Trịnh Công Sơn như Trịnh Cung viết, cho dù có thật đi nữa cũng không hề làm lu mờ một chút nào tài năng và nhân cách của Trịnh Công Sơn. Nhưng tại sao Trịnh Cung lại dày vò ghê gớm đến như thế mấy chục năm để cuối cùng nói ra với một thái độ không phải là chia sẻ, không phải là thương xót và không phải là sự cảm thông, mà là một thái độ không lương thiện?

Viết chân dung để dựng lên số phận nhân loại

Viết chân dung một nghệ sỹ là thông qua con người nghệ sỹ đó dựng lên số phận nhân loại cùng với những buồn vui và những giấc mơ của nhân loại trong thời đại mà nghệ sỹ đó sống và sáng tạo. Nhưng không ít văn nghệ sỹ Việt Nam đang viết chân dung hay hồi ký hay tự truyện là nhằm bôi nhọ hay bóp méo nhân vật và dựng một nhân vật khác là chính người viết nên.

Một câu nói tục nếu có vào một lúc nào đó của Trịnh Công Sơn đâu phải là một “tư liệu” cần mang đến cho bạn đọc. Một khoảnh khắc lưỡng lự của tư tưởng nếu có trong một lúc nào đó của Trịnh Công Sơn có phải là một sự kiện quan trọng trong đời sống và sự nghiệp sáng tạo lớn lao của Trịnh Công Sơn không?

Nếu viết chân dung là đưa tất cả thượng vàng hạ cám ra thì sau này ai đó viết về Trịnh Cung mọi chuyện sẽ như thế nào? Viết chân dung, kể cả viết chân dung một người mà ta không hề yêu quí hay không cùng chí hướng, thì cũng không phải là để lăng mạ người đó để thoả mãn dục vọng thấp hèn của mình mà nhằm lý giải con người đó như lý giải cái thế giới người phức tạp này.

Khi trả lời một tờ báo nước ngoài, Trịnh Cung nói đại ý để “chúng ta vẽ lại một chân dung trung thực hơn” về Trịnh Công Sơn. Chẳng lẽ mấy câu chuyện mà Trịnh Cung đã viết ra trong bài báo của ông mới là những điều làm nên tài năng và nhân cách Trịnh Công Sơn sao?

Trong khi đó, rất nhiều người còn sống đầy tên tuổi và có lương tâm mấy ngày nay đã lên tiếng về sự bịa đặt của ông ở những câu chuyện đó.

Cứ cho rằng những điều Trịnh Cung viết trong bài viết của mình có phần đúng thì mục đích kể ra những chuyện ấy không phải là một mục đích trong sáng, nhất là khi Trịnh Cung đã từng xin HỌ của Trịnh Công Sơn. Đấy mới là vấn đề văn hoá của con người Việt Nam.

Tôi không nói hoạ sỹ Trịnh Cung là người phản bội. Nhưng hành động đó của ông cho thấy những giá trị văn hoá Việt đang bị phá vỡ một cách ghê gớm ngay trong một tầng lớp được coi là tinh hoa của xã hội.

Qua bài chân dung thấy nhân cách của người viết

Chúng ta đều biết rằng khi đọc không ít chân dung văn nghệ sỹ Việt Nam còn sống hay đã mất được những người khác viết lại thì sẽ thấy nhân cách của những người viết.

Họ vẫn nói đến những bi đát, những lầm lạc của nhân vật nhưng vẫn làm người đọc xúc động và suy ngẫm. Bởi những chân dung đó chỉ nhằm dựng nên số phận hay bi kịch của con người phải đi qua chứ không nhằm bôi nhọ nhân cách của nhân vật.

Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Nó sẽ ở bên này hay ở bên kia chỉ phụ thuộc vào lương tâm và trí tuệ của người viết.

Một nhà văn trong những năm đói khát, đau thương, chiến tranh của cả dân tộc gặp một bữa ăn ngon đã ăn như một người không được ăn 1000 năm. Nhưng trong mắt người kể lại chuyện đó (viết chân dung) sẽ có thể rơi vào một trong hai tình trạng sau:

Một, việc ăn bữa ăn của nhân vật đó trở thành bi kịch trong những năm đói khát và chết chóc của nhân loại.

Hai, việc ăn của nhân vật đó trở thành sự nhếch nhác và thô lỗ của con người nhà văn kia. Hình ảnh của nhà văn trong cơn đói kia sẽ trở thành một trong hai tình trạng nói trên là hoàn toàn phụ thuộc vào nhân cách và tài năng của người viết chân dung. Tất nhiên qua hình ảnh nào đó của nhân vật được viết, tác giả cũng có thể nói về sự suy đồi của con người.

Hoạ sỹ Trịnh Cung nói "Sơn dễ bị những người có quyền lực, giàu có chinh phục anh". Trịnh Cung không được phép nói như vậy cho dù ông có quyền phát biểu những gì ông nghĩ. Nhưng ông mang danh một trí thức, mang danh một người thân của Trịnh Công Sơn và gia đình nhạc sỹ.

Cả hai cái “danh nghĩa” này bắt buộc ông phải suy nghĩ thật chín chắn, có trách nhiệm với hậu thế và không cho phép ông phát biểu hồ đồ như thế.

Những phát biểu miệng hay bài viết của ông về Trịnh Công Sơn thiếu tính khoa học. Ông Võ Văn Kiệt yêu quí Trịnh Công Sơn là một nét đẹp của một chính trị gia đối với một nghệ sỹ lớn.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn quý trọng ông Võ Văn Kiệt là thái độ văn hoá của một nghệ sỹ với một chính khách hiểu biết văn hoá nghệ thuật và tôn trọng người làm ra nó. Tôi cho đó là một quan hệ đẹp và cần thiết ở mọi quốc gia. Hãy công bằng với mối quan hệ đó.

Hiện thực cho thấy một số văn nghệ sỹ luôn tìm cách xuyên tạc những mối quan hệ như thế.

Một nghệ sỹ kể lại cho tôi nghe ông Nguyễn Khoa Điềm khi còn làm Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá đã gặp gỡ nhà văn Phạm Thị Hoài. Theo tôi cuộc gặp gỡ đó là để tăng sự hiểu biết và tìm một tiếng nói chung cho dù cuộc gặp đó theo dự đoán của tôi là cuộc gặp mang tính cá nhân.

Sự tiến bộ và văn minh đích thực của nhân loại theo tôi là con đường tiến tới sự gặp gỡ trong một mục đích chung giữa một chính thể với các lực lượng xã hội và đặc biệt là trí thức.

Bởi thế, kể ra quan hệ của ông Võ Văn Kiệt và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và với lời phát biểu ở trên cho thấy hoạ sỹ Trịnh Cung đã gián tiếp “quy chụp” Trịnh Công Sơn cả về nhân cách lẫn chính trị.

Đấy cũng là một trong những điểm tồi tệ nhất trong không ít các bài viết chân dung, trong một số cuốn hồi ký hay tự truyện xuất hiện trong những năm gần đây ở Việt Nam.

Bài viết của hoạ sỹ Trịnh Cung đương nhiên không làm thay đổi bất cứ điều gì về con người và tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bởi sự chứng minh có sức mạnh và ý nghĩa nhất của một nghệ sỹ chính là tác phẩm của con người nghệ sỹ đó.

Trịnh Công Sơn đã để lại một gia sản tinh thần lớn cho người Việt Nam. Tôi chỉ bắt đầu biết nhạc Trịnh Công Sơn từ năm 1980, khi mà có những người đã rỉ tai tôi nói rằng đó là những nhạc phẩm phản động. Nhân loại vĩ đại nhưng cũng thường có những lúc ấu trĩ như thế. Nhưng những ấu trĩ như vậy lại sẽ qua đi và những gì thực sự là vẻ đẹp và nhân văn mãi mãi còn lại.

Cho đến bây giờ, tôi chưa một lần nhìn thấy mặt Trịnh Công Sơn và cũng chẳng biết lý lịch của ông như thế nào. Nhưng bản lý lịch chính xác nhất của một nghệ sỹ chính là tác phẩm của họ. Và Trịnh Công Sơn mang một bản lý lịch của tâm hồn và những giấc mơ về một thế giới hoà bình và tràn ngập yêu thương của chúng ta.

*****************************************
Phản hồi của độc giả

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: dngoclac@gmail.com
Tôi chỉ xin một ý nhỏ:
Trên mỗi tượng đài vĩnh cửu của nhân loại, đâu thiếu đi những vết rong rêu. Nhưng rong rêu dẫu có bám chặt vào tượng đài bao nhiêu thì cũng không làm hoen ố được tượng đài....
Họ và tên: Vinh Hoà
Địa chỉ: Nha Trang
Email: dangvinhhuent@yahoo.com
Đánh giá con người ta trước hết là đánh giá những gì mà người đó để lại cho đời. Tôi không phải là người am hiểu nhiều về nhạc Trịnh, tuy nhiên tôi, và nhiều người Việt Nam ở hai phía, đều thích nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn. Ông Trịnh Cung viết xấu về Trịnh Công Sơn như vậy thì Ông làm bạn với Trịnh Công Sơn để làm gì, hay Ông muốn đứng cạnh Trịnh Công Sơn để được thơm lây? Đấy là điều người ta sẽ suy xét về phía ông Trịnh Cung, chứ không phải về phía Trịnh Công Sơn.

Họ và tên: cucphuong29
Địa chỉ:
Email: cucphuong29@yahoo.com
Đọc xong cảm thấy buồn cho Trịnh Cung một họa sỹ không đủ nhân cách và tư cách để viết bài phản bác về Trịnh Công Sơn như thế.
Bài viết Trịnh Cung như một lời cảnh báo cho tất cả văn nghệ sỹ, những ai đã từng và đang làm bạn với Trịnh Cung nên xem lại có nên làm bạn không?

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: luongmienj@yahoo.com.vn
Tôi rất tán thành quan điểm của TG Vương Thảo: "bản lý lịch chính xác nhất của một nghệ sỹ chính là tác phẩm của họ. Và Trịnh Công Sơn mang một bản lý lịch của tâm hồn và những giấc mơ về một thế giới hoà bình và tràn ngập yêu thương của chúng ta". Tôi nghĩ Trịnh Cung sẽ có lúc phải hối hận về bài viết với động cơ không trong sáng của mình. Tôi chờ một lời "sám hối" công khai của TC trước vong linh của TCS và những người bạn cùng thời của TCS.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: luc_712@yahoo.com
Trịnh công Sơn là "người". Tính người trong ông là chân chính. Cái nhân cách tiểu nhân bới móc sao dám nêu nhận xét gì. Suy đi tính lại mà làm gì, cười thay với cuộc đời

Họ và tên: DungNguyen
Địa chỉ:
Email:
Việc gì đã qua thì cứ để cho nó qua, tốt xấu gì cũng đã xong một kiếp người, khơi dậy để làm chi nữa cho nhọc lòng người còn sống và buồn lòng người đã khuất. Xin mạn phép lấy một câu trong lời của một bài hát: "Nếu còn kiếp sau ước ao không làm giống người, suốt đời lấy hơn thua làm vui..."

Họ và tên: hathanhtu
Địa chỉ:
Email: hathanhtu@gmail.com
Chỉ cần nghe nhạc của Trịnh Công Sơn là có thể hình dung về con người, nhân cách và tính tình của ông. Thêm một bài viết về Trịnh Công Sơn không thay đổi được gì, có khi người viết rước hoạ vào thân vì (vô tình hay cố ý) xúc phạm thần tượng của công chúng. Ông Trịnh Cung đã "nêu gương" này.

Hà Thanh Tú
Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: hotanut@gmail.com
Gởi bác Trịnh Cung: đúng là bác không nổi tiếng như nhạc sĩ họ Trịnh kia. Tôi yêu Trịnh Công Sơn không phải vì ông là một vị thánh mà vì những gì rất đời thường trong con người tài hoa. Đã qua rồi thời thần thánh hóa những nhân vật, công chúng yêu những tâm hồn cao đẹp trong những con người băng xương bằng thịt và dĩ nhiên vẫn còn hỷ nộ ái ố. Vì qui cho cùng thì có ai là vị thánh sống đâu. Nhưng điều TCS làm được cho công chúng là tinh yêu thánh thiện thấm đậm nhân văn và điều đó thì khán giả tự cảm nhân được và TCS không cần phải thanh minh cho công chúng, đó là sự khác biệt giữa thiên tài và người thường. Chúc bác luôn an lạc, sông vui từng ngày.

Họ và tên: Bảy Xương
Địa chỉ: Đà Năng
Email: bayxuong@gmail.com
Tôi đã đọc bài viết của Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn và tôi rất phẫn nộ về con người Trịnh Cung. Tôi tán thành ý kiến của tác giả Vương Thảo rằng qua bài viết chân dung thấy được ngay nhân cách của người viết. Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm rằng đã có cầu nói đại ý " anh bắn súng lục vào quá khứ, thì tương lai sẽ bắn đại bác vào anh"

Họ và tên: Duy Thành
Địa chỉ:
Email: goldenlotus_vn@yahoo.com
Tôi là môt người ưa thích các tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Theo tôi ông là một tài năng thực sự và hiếm có về âm nhạc.
Còn về ngòai âm nhạc, không ai trên đời này là một vị thánh cả bởi đơn giản họ sinh ra trên đời này thì đã làm một con người. Tham vọng không phải là một cái gì xấu xa, bởi một con người sinh ra trên đời không có chút tham vọng nào thì cuộc sống quá tẻ nhạt.
Cho dù những điều ông Trịnh Cung viết là đúng, sai, hay không hoàn toàn đúng thì tôi vẫn yêu thích các tác phẩm âm nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: puppyox@gmail.com
Trịnh Công Sơn cũng chỉ là một con người -nghĩa là có đầy đủ cả yếu tố xấu-tốt trong cá nhân
thiết nghĩ,có lẽ chúng ta đã quen với việc thần tượng tuyệt đối và tôn sùng quá đáng một cá nhân nên mới có bài viết này
Vì dù có như thế nào ,thì hình ảnh của Trịnh trong lòng mọi người cũng không thay đổi
Hãy chấp nhận Trịnh như chính bản thân con người ông
Xấu có và tốt vẫn có, không có gì hoặc một ai đó là hoàn hảo ở mọi khía cạnh cả

Họ và tên: Nguyen Phu Huu
Địa chỉ: Thanh Xuan, Hanoi
Email: huuproject@jahoo.com.vn
Không hiểu ông Trịnh Cung là ông nào, chúng tôi chưa nghe tên ông bao giờ, nhưng ông cần thận trọng khi viết để đừng làm hại chính ông và làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của một con người sống chỉ có tình yêu và nghệ thuật Trịnh Công Sơn.

Cam ơn Vietnamnet
Họ và tên: Lê Thanh Tùng
Địa chỉ: Công ty cổ phần Giấy Vạn Điểm
Email:
Đàm luận không hay về người đã khuất là xấu
Đàm luận không hay về bạn đã vĩnh hằng là kẻ phản bội.

Họ và tên: Nguyễn
Địa chỉ: Minh
Email: d1189381@yahoo.com
Báo chí nên chấp nhận có phản biện. Hình ảnh Trịnh Công Sơn vốn được xây dựng 1 chiều, chắc chắn rằng ông ấy không thể hoàn mỹ đến như vậy. Ngay cả các tác phẩm của Trịnh cũng rất nhiều thứ không thể gọi là hoàn hảo, thậm chí có một vài thứ khá phản cảm.

Họ và tên: Thu Trang
Địa chỉ: TP.HCM
Email: veteject@hcm.vnn.vn
Đọc bài viết của ông Trịnh Cung viết về Trịnh Công Sơn, tôi thấy tức anh ách, rõ ràng là ông ta đang bôi nhọ người nhạc sỹ tài năng. Tôi yêu thích nét nhạc của Trinh Công Sơn, đặc biệt là ca từ của nhạc sỹ, thật là sâu săc, ý nghĩa, mang nặng tính nhân văn.Cám ơn bài viết của Vương Thảo đã nói lên được nhưng điều tôi nghĩ mà không thể phân tích được rõ ràng, chính xác như vậy, đọc bài viết rồi tôi thấy mình yên tâm hơn vì chắc mọi người cũng sẽ thấy được rõ sự sai lệch trong bài viết của ông Trịnh Cung

Họ và tên: VNC
Địa chỉ:
Email: thanhlam_khatvong@yahoo.com
Tôi nghĩ là mỗi một giai đoạn, mỗi một thời kỳ của xã hội, chúng ta có cách nhìn nhận khác nhau. Nhạc Trịnh không ai phủ nhận được cái hay cái đẹp trong ca từ, nhưng theo tôi nghĩ trong một giai đoạn nào đó thì có một số bài của nhạc sĩ không phù hợp. Ví dụ bài " Để gió cuốn đi" . Một bài hát giai điệu rất hay nhưng trong thời kỳ chiến tranh, xây dựng đất nước bảo vệ tổ quốc thì rõ ràng bài này không phù hợp. Vì vậy Tôi nghĩ đã là con người thì ắt có sai sót, chúng ta nên nhìn những điều tốt của họ và hãy du di, bỏ qua đi những khiếm khuyết, những lỗi lầm của họ. Chúng ta hãy nghe nhạc Trịnh và đừng nên bàn sâu về những vấn đề khác.




nguồn: tuanvietnam.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho