bài viết




Trịnh Công Sơn: giữa trùng vây... thập diện mai phục - Phần 1

--- Khương Duy ---


Tự muôn thuở, chiến tranh, hoà bình, tình yêu, thân phận con người... luôn là những chủ đề vô tận của người nghệ sĩ, nói hoài không hết, tát mãi không vơi... Trong số những chủ đề mênh mông ấy, tình yêu có lẽ là đề tài dễ nhất, còn chiến tranh, hòa bình và thân phận con người quả là những chủ đề khó nuốt, khô nóng và đôi khi khét lẹt như mùi thuốc súng. Nhạc về mảng đề tài khô nóng ấy, đã có không biết bao nhiêu người viết và cũng có không ít tác phẩm đã nằm lại trong ký ức của nhiều người... Trong số những tác phẩm ấy, ta phải nhắc đến những tác phẩm... nằm giữa hai lằn đạn của Trịnh Công Sơn.

Từ thế đứng giữa trùng vây thập diện mai phục... ..

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, TCS gần như chưa bao giờ đặt mình vào một tọa độ mà từ đó người ta có thể nhanh chóng định vị chỗ đứng hay góc nhìn của ông để rồi sau đó chụp lên đầu ông vô số mũ, đủ thứ màu, từ vàng đến đỏ... Ông luôn khéo léo nép mình trong một cõi riêng, rất riêng, rất Trịnh Công Sơn. Trong cái cõi đi về buồn hiu hắt đó, hình như chỉ tồn tại một mình ông...

buồn như gịọt máu
lặng lẽ nơi này
trời cao đất rộng
một mình tôi đi,
một mình... tôi về với tôi!


Ông như đứng ở đâu đó và luôn ẩn hiện trong cuộc chiến ba mươi năm của dân tộc, để chiêm nghiệm, để hoài niệm, để cho nguồn cảm xúc dâng tràn và trào lên khuôn nhạc một cách hết sức tự nhiên, tự nhiên như là những giọt mưa, rơi tí tách trên phím đàn. Ông đã đứng đâu để chứng kiến “xác người nằm trôi sông, trôi trên ruộng đồng”, ông đã đứng đâu để nhìn và “hát trên những xác người”?; ông đã đứng đâu trong “một buổi sáng mùa xuân” để chứng kiến hình ảnh của ” Một đứa bé ra đồng. Đạp trái mìn nổ chậm? Ông đứng đâu để nghe tiếng “đại bác đêm đêm dội về thành phố”?

Không, hình như Trịnh Công Sơn không hẳn đứng đâu cả, vì ông đã hoá thân vào cái cõi đi về lặng lẽ và vô định đó để lặng ngắm mọi thứ bằng “những con mắt trần gian”: Đó là vị trí nằm giữa thế trận... thập diện mai phục, giữa chốn tên bay đạn lạc vô chừng... Đó là nơi mà ... ”mai kia về chốn xa xôi, cũng gần!”

Không xa đời, và cũng không xa mộ người
Không xa tình, và cũng không xa thù hận
Không xa trời, và cũng không xa phận người
Không xa ngậm ngùi, và cũng không xa nụ cười
Không xa cửa nhà, và cũng không xa ngục tù

(Đời cho ta thế)

Từ một vị trí “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa” ấy,Trịnh Công Sơn đã viết về chiến tranh, viết về những mất mát, tan tác, đau thương, chia lìa, đổ vỡ... viết về những nỗi đau đời, nỗi đau của người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha... bằng một bút pháp và ca từ không thể lẫn lộn với bất cứ ai khác, dù rằng đã có không ít tác phẩm khác thành danh về đề tài này.Trong “ Đôi mắt người Sơn Tây” Quang Dũng ngậm ngùi khi viết:

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi, xác trẻ trôi sông?


Nhưng, cũng trong cùng hoàn cảnh ấy, Trịnh Công Sơn lại viết một cách dửng dưng

Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên con đường quanh co


Hay là
Xác nào là em tôi dưới hố hầm này?

Viết về những người ngã xuống trong chiến tranh, ông viết cứ dửng dưng như thể đó là “chuyện... thường ngày ở huyện,” vì trên thực tế, đó đúng là những hình ảnh đi đâu cũng gặp, nhìn đâu cũng thấy trên quê hương thời chiến! Không cần có sự phân biệt xác ta hay xác thù, ông xung phong trực diện vào vấn đề muốn nói và kể cho ta nghe một cách tự nhiên ...

Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều trên hàng kẽm gai
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay rất nhiều trên thành phố ấy

(Xác ta xác thù)

Với những người trong cuộc, ông dành cho họ một lời khuyên rướm máu để có thể tiếp tục sống mà chấp nhận số phận

Đừng buồn chi em, ta như cỏ mọn bên đường
Đừng buồn chi em, ta như giọt lệ vô tình
Cười lên em nhé dẫu đau lòng.

(Xác ta xác thù)

Viết về người mẹ mất con hay người vợ mất chồng, ông không hề phân biệt chiến tuyến, cho dù là người ta luôn muốn xác định nó để phán xét ông, phán xét lập trường và quan điểm trong sáng tác của ông về mảng đề tài khó nuốt ấy, bởi khi dẹp bỏ mọi định kiến, nhìn đâu ông cũng thấy toàn là “xác người Việt nằm!”

Tôi có người yêu, chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới

(Tình ca của người mất trí)

Ông viết về chiến tranh bằng những góc nhìn xa lạ với mọi người, đôi khi là cái nhìn của một người điên:

Tôi có người yêu chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng chết rừng mịt mù
Chết lạnh lùng mình cháy như than

(Tình ca của người mất trí)

Bấy nhiêu địa danh, bấy nhiêu địa điểm là bấy nhiêu phát đạn, ghim thẳng vào tâm trí người nghe bằng một sự cười cợt, hời hợt đến dửng dưng của một người mất trí...

Tôi có người yêu, chết trận A Sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo

Tôi có người yêu, chết trận Ba Gia
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ

(Tình ca của người mất trí)

Khi khác, ông lại khắc hoạ chiến tranh bằng một âm thanh quen thuộc khác, một âm thanh không hề thiếu vắng trong màn đêm trên quê hương thời chiến, thứ âm thanh đã dần trở thành quen thuộc như tiếng ru con của người mẹ trong đêm khuya thanh vắng

Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác đêm đêm đánh thức mẹ dậy
Đại bác đêm đêm em thơ giật mình

(Đại bác ru đêm)

Thứ âm thanh tử thần ấy, dù là đêm đêm gây kinh hoàng cho giấc ngủ của từng người, nhưng không thấy người trong cuộc có chút thái độ hay phản ứng gay gắt nào, chỉ có duy nhất..”Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe!” Chỉ đứng nghe mà không hề có chút biểu hiện phê phán, thù hận... Và Trịnh Công Sơn đã kể lại cho chúng ta cũng bằng một thái độ chấp nhận và chịu đựng không than thở... Cho dù TCS có ý lên án cái âm thanh của tử thần ấy hay không thì người trong cuộc chiến, người ở bên này và bên kia chiến tuyến... cũng không ai kết tội được Trịnh Công Sơn với bài hát này vì ông đã rất khéo léo khi viết rằng nó “DỘI VỀ thành phố” : từ đó không thể xác định đó là tiếng đạn pháo của bên nào cả! Thật may mắn vì bên này thì đã hiểu là nó là của bên kia, bởi nếu chỉ cần thay chữ DỘI VỀ bằng chữ DỘI VÀO thì có thể mọi sự đã khác!

Lại có khi ông làm một cú máy zoom cận cảnh cực kỳ sống động, sống động đến độ tàn khốc trong lời kể chuyện của mình

Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân


Buổi sáng mùa xuân, mặt trời lên đỏ rực chân trời, trên đường “tung tăng ra đồng giữa ngọ”, thằng bé dẫm phải mìn và ngực nó cũng đỏ rực... vì máu! Nếu tưởng tượng đấy là kịch bản phân cảnh cho từng cú máy thì còn gì gây sốc hơn khi ông mô tả cái chết của đứa trẻ với sự thương tiếc của hoa đồng cỏ nội: cây cỏ còn biết bày tỏ sự thương tiếc một cách trân trọng như vậy, còn kẻ gài mìn.. thì sao?

Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim.


Sau tai nạn thê thảm ấy, liệu ngọn cỏ còn có thể nhìn gì ở trái tim của đứa bé? Không, ngọn cỏ chỉ đơn giản gục đầu bên xác nạn nhân. Nhưng hình như sự đời không chỉ đơn giản có vậy, vì Trịnh Công Sơn có lẽ còn muốn, khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, chúng ta, ít nhất có một lần trong đời, phải “cúi xuống” để nhìn thấu vào những trái tim... không hề biết đau của ai đó vốn đang bị lên án và phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến đang diễn ra.

Rồi Trịnh Công Sơn lại dẫn ta đi đến mâu thuẩn nội tại cùng cực với hình ảnh của sự níu kéo tuyệt vọng cái sống khi con người đang cận kề cái chết, một hy vọng cũng... mong manh không kém mấy cánh hoa vàng... Cứu cánh cho niềm hy vọng đó có lẽ cũng đã... bật gốc từ lâu rồi! Đó là tất cả những gì đã diễn ra trong... ”một buổi sáng mùa xuân” định mệnh...

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé yên nằm
bàn tay cầm cỏ dại
có hoa vàng mong manh


Trịnh Công Sơn không hề nói rằng quê hương ông trong thời chiến là địa ngục, nhưng cứ nghe lời ông kể, nếu như đứa bé đang nằm chết trên thiên đường của chính nó thì nó sẽ không tự hỏi thầm mình như vậy? Không! Đứa bé không thể hỏi, vì nó không hề ngờ rằng cái chết đã đến với nó một cách tức thời và tức tưởi đến thế. Nó chết trong tư thế miệng không kịp kêu la, bờ môi của nó mím chặt như một cử chỉ biểu hiện thái độ chịu đựng đến tận cùng... Chứng kiến cái hình ảnh tàn khốc ấy, chính Trịnh Công Sơn, và cả chúng ta, chỉ những người còn sống, mới có thể thầm hỏi lại mình : có thiên đường hay không?

Một buổi sáng mùa xuân
một đứa bé im lìm
bờ môi dường thầm hỏi
có thiên đường hay không?


Thay cho câu trả lời trực tiếp, Trịnh Công Sơn chiếu cho ta thấy những hình ảnh còn lại bằng những băn khoăn ray rứt, bằng tình NGƯỜI của chính mình:

Em thơ ơi chiều nay trường học lại
trong sân chơi bạn và thầy im lời


Trong lớp học, đứa bé ấy đã được dạy những bài học về tình yêu, tình người... và vào cái buổi sáng định mệnh ấy, trái mìn nổ chậm đã cho nó thêm bài học phụ đạo rằng thuộc được bài học ấy quả không dễ dàng... và dù chưa có ai thuộc nhưng bài học ấy hình như đã sắp... phai rồi!

bài học về yêu thương trên giấy mới
sao hôm nay nét mực đã phai.


Nếu như những lời kể trên không phải là ca từ, thì nó phải hẳn là những vần thơ máu, đau đáu một nỗi đau đời bất tận! Chính vì xuất phát từ vết thương đời đang mưng mủ trong tim, Trịnh Công Sơn cứ luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh thê thảm về số phận của những đứa trẻ trong làn tên mũi đạn :

Từng vùng đêm đen hoả châu thắp đỏ
Em bé loã lồ suốt đời lang thang...

hay

Đàn trẻ thơ vẫn đi trong đêm
Đến trường cố chờ ngày bình yên

(Dân ta vẫn sống)

Trong khói lửa chiến tranh, niềm hy vọng về một ngày mai hòa bình cứ ngày càng mờ nhạt, làm cho Trịnh Công Sơn, từ thế đứng ấy, ngày càng cảm thấy bị chìm sâu trong tuyệt vọng... Không hẳn là hòa bình không đến, nhưng nếu như nó đến quá muộn màng thì liệu điều đó còn có ý nghĩa gì cho cuộc sống của những nạn nhân chiến tranh hiện tại?

Dân ta đã bao nhiêu năm
Lòng chìm sâu ước mơ hân hoan
Nhìn rừng phơi xác thân anh em
Nhìn trái tim rơi theo đại bác
Thịt người cho thú nhai ngon
Mẹ cha tóc khô như rơm
Chờ đàn con đã đi bao năm không về
Đứa về cụt bàn chân

Cơn mơ nào vừa bừng lên trong giờ cuối
Khi viên đạn vừa cắm vào người
Trên chiếc nạng, một rạng đông chưa kịp lớn
Trong hy vọng đã có nụ tàn


Bằng thủ pháp tường thuật, Trịnh Công Sơn đã nêu hết những góc cạnh, mảng tối, bóng đen của chiến tranh mà không cần lên án chiến tranh, chỉ cần nêu cảm nhận về hậu quả cuộc chiến là đã quá đủ...

Dân ta đã bao nhiêu năm
Đầu đội bom bước đi mong manh
Tầm đạn bay nhức đau trong xương
Nhìn trái tim treo trên đầu súng
Một đời nước mắt chan cơm
Hờn căm cắt chia anh em

(Dân ta vẫn sống)

Phóng sự trường thiên về cuộc chiến của Trịnh Công Sơn không cần lời bình, mà chỉ có những cú zoom máy và bức ảnh tĩnh ( không động), nó không nhằm diển tả sự kiện đã xảy tuần tự như thế nào mà chỉ lột tả cái sự thật trần trụi và thê thảm của cuộc chiến, cái thê thảm tê tái đã từng làm cho Henry Dunant rụng rời khi chứng kiến, cái thê thảm đã khai sinh ra lá cờ Hồng Thập Tự...

Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều trên đồi núi xa
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay rất nhiều trên giòng sông đó
.............................

Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều giữa đồng lúa thơm
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay rất nhiều trên đồi hoa thắm

Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên con đường quanh co


Từ những “Giọt nước mắt quê hương” ấy, “từ đêm bây giờ, mơ đến đêm mai”, TCS đã mơ, mơ mình sẽ sống mà đợi đến một ngày...

Giọt lệ gian nan cho ta khóc với
Đợi thấy anh em dưới ánh mặt trời

(Đợi có một ngày)

Chiến tranh cứ kéo dài lê thê và hướng về ngõ cụt, viễn cảnh hòa bình có vẻ như từ hiện thực đi dần về hướng... siêu thực, và con người vẫn hăng say chém giết nhau... . Tất cả những yếu tố đó đã khiến cho Trịnh Công Sơn lo lắng, sự lo lắng của một người đang quan sát từ... ”cõi trên”: ông lo rằng, trong tâm thức của thế hệ, hình ảnh của hòa bình có nguy cơ sẽ bị lụi tàn trước khi nó kịp đến... Ông lo lắng cũng phải, vì sự hận thù vô hình của thế hệ này, sớm muộn gì cũng sẽ được truyền hết một cách vô thức cho thế hệ sau, và khi đó, sẽ không ai còn bận tâm đến hai tiếng hòa bình, mà chỉ lo tìm cách trả cho xong (một cách vô thức?) cái mối thù truyền kiếp và chồng chất do cha ông và cả lịch sử để lại...

Tuổi trẻ Việt Nam còn vừng trán nhăn nheo
Sáng bên kia rừng tối đã qua lưng đèo
Trong tim người Phật Chúa chìm sâu
Hai mươi năm tội ác còn nhiệm mầu

Dù mùa Xuân đã đến đây
Vẫn còn tiếng khóc thầm
Triệu nụ hoa đang thoát thai
Viên đạn vẫn trên nòng
Hận thù trên cánh tay
Bao mùa Xuân rồi
Hận thù trong trái tim
Hận thù trên cây lá
Trong đêm hồng

(Xanh lòng tàn phai)

Con người cứ chém giết nhau vì chung quanh họ tràn đầy thù hận. Dù chưa hề quen biết hay xích mích nhau, nhưng người ta luôn vẫn nhắm mắt mà bóp cò súng, và nếu cứ kéo dài như vậy thì liệu mai này sẽ còn có đôi mắt nào còn mở ra để đón hòa bình?

Đôi mắt nào mở ra hôm nay
Để nhìn thấy nắng và loài người
Đôi mắt nào mở ra cho nhau
Nhìn đạn bom vũ khí im hơi

Đôi mắt nào mở ra trong tôi
Để nhìn theo nhịp mừng máu chảy
Đôi mắt nào mở ra trên vai
Nhìn bàn tay tìm hướng tương lai

(Đôi mắt nào mở ra)

Mở mắt ra để làm gì? Không phải để nhìn ngắm và phán xét ai sai ai đúng, cũng không phải để thấy chính nghĩa đang thuộc về ai, mà chỉ đơn giản là tìm lại mơ ước và hạnh phúc đơn sơ của cuộc đời...

Tìm lại đôi tay cho mẹ về thăm lúa
Họp chợ đêm nay cho chị gánh em gồng
Tìm lại con đê cho một bầy em bé
Tìm hàng tre xanh cho làng mạc miền quê

Tìm lại thơ ngây cho một bầy em bé
Tìm lại đôi chân cho người lính trở về

(Đôi mắt nào mở ra)



nguồn: tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho