tưởng niệm




Khi Bước Chân Ta Về

--- Huỳnh Ngọc Nga ---


Chàng bước ra khỏi cửa, ngoài kia nắng dọi như hào quang, cảnh sắc thanh êm như lòng chàng trong lặng. Sân vườn nhà rượi mát màu cây cỏ, dìu dịu hương hoa, những đóa vô ưu nở không đợi vầng dương, không chờ mặt nguyệt. Ngoài cổng nhà, con đường dốc dài hun hút, hình như có sương nhẹ ở cuối đường và cuối đường đó là những ngả rẽ mênh mông. Chàng đã từ một trong những ngả rẽ mênh mông đó một buổi tìm đến đây, đến nơi thanh tịnh nầy, không biết từ bao lâu rồi, chỉ biết nơi đây không có ngày và đêm, thời gian không còn là ý nghĩa.

Chợt dưng trong tận đáy sâu tiềm thức, một nổi nhớ vô hình xui chàng nhìn vào khoảng khói sương. Tần ngần một thoáng, chàng tiến về phía cổng, ngang chậu hoa vô ưu chàng đưa tay khẻ ngắt một đóa thanh tân và chậm rải bước đi. Con đường trước mặt dốc nghiêng miền hạ, càng tiến về phía trước sương trắng càng lảng bạt bay xa, những ngả rẽ hiện ra cuối đường khi chàng dừng lại, phân vân không biết nên theo lối nào để đến nơi có nổi nhớ gọi mời.

Nhìn về hướng trái, phương đông, cuối chân trời xa sao không thấy nắng mà chỉ toàn phủ những áng mây đen, hình như có cả sấm chớp và thoang thoáng theo gió đưa một mùi tanh của máu. Mùi tanh tưởi đó hơn ba mươi năm về trước chàng và dân tộc chàng đã chịu đựng suốt một chặng đường dài lịch sử của một quê hương luôn bị bào mòn bởi rẻ chia, thù hận. Đưa tay bóp trán, chàng khẻ nheo mắt nhìn về nơi có bầu trời xám xịt. Lâu rồi chàng mãi chúi mủi làm thơ, viết nhạc và cũng từ dạo theo con đường sương khói về đây chàng ít khi để tâm nhìn về phương hướng đó, nơi mà người đời thường gọi là miền Trung đông, vùng đất của hận thù, của lời nguyền chinh chiến, của vàng đen và khổ đau của bao người dân vô tội. Không, chàng không muốn theo ngả rẽ về hướng đó, đó không có tiếng nhớ đang gọi chàng về.

Quay đầu sang hướng phải, phương tây, xa xa trời êm nhưng chẳng trong xanh, một vòng khói xám, cuồn cuộn từ dưới bốc lên. Nghiêng tai chàng khẻ lắng nghe, có âm thanh gì đó như tiếng nhạc xâp xình hòa lẫn tiếng máy, tiếng xe rộn ràng hổn độn. Chàng nhớ ra rồi, đó là nơi của những quốc gia thường tự cho mình là tiên tiến, luôn nghĩ mình là chủ nhân ông thiên hạ, nay phê phán chổ này, mai định đoạt chổ kia. Quê huơng chàng đã một thời điêu đứng cũng vì những ông nhà giàu đó, và khói đen phủ trời đông bây gìơ chắc chẳng thiếu bàn tay của họ đang múa may làm đạo diễn. Chàng đã bao lần đến những nơi ấy, từ châu Âu đến châu Mỹ để thấy sự phồn hoa, tráng lệ của vật chất, kỹ thuật và cũng để thấy bao bất công giữa sự phung phí tiêu hoang của họ và sự đói nghèo của những nơi mà họ gọi là thế giới thứ ba. Ngả rẽ về hứong đó chẳng có gì lôi cuốn bước chân chàng cả.

Giữa hai hướng đông, tây còn lại con đường trước mặt với triền dốc nghiêng xoải nhiều hơn. Ngang tầm nhìn xuống dốc, một làn sương mỏng chắn ngang. Chàng nhướng đôi mày ra chìu suy nghĩ, xuyên qua bức chắn khói sương chàng thấy lao nhao bóng người, thoang thoáng mùi hương, không phải hương những loài hoa rực rở sắc màu mà là hương lúa, hương đất phù sa, hương cỏ lẫn trong mây ngàn và.. ơ kìa dường như có cả mùi nhang khói với vi vu tiếng gọi tên chàng. Như kẽ mộng du, chàng nương theo những mùi hương đó bước về phía trước, nơi có tiếng rì rào than thở như một bản kinh chiều.

Triền dốc thẳm sâu như vực vậy mà chàng vẫn bước êm cho đến lúc nhũng bóng người lao nhao lúc nãy hiện rõ hơn ra. Chung quanh chàng phố xá rộn ràng, "ngựa xe như nước, áo quần như nêm", chàng thấy như quen quen. Quen vì tên những con đường không thay đổi, giòng sông nước vẫn êm đềm trôi, bến Cảng chưa phai màu hoa phượng đỏ, đại lộ dẫn đến nhà chàng còn đó bờ hồ tháp rùa, công viên Duy Tân cây dài bóng mát. Ôi, thành phố Saigon của năm tháng cũ đây mà. Đôi chân chàng thoăn thoắt, thoáng đó, thoáng đây, nhẹ nhàng đến độ chàng không ngờ, văng vẳng bên tai chàng tiếng rì rầm mời gọi vẫn lạ lùng thúc dục. Ngang qua một hội quán chàng bỗng thấy tên mình trên bảng hiệu, tiếng nhạc bên trong vọng ra một bài nhạc cũ của chàng ngày nào. Nhưng tiếng rì rầm không phải ở đây, mùi khói nhang dường như còn xa lắm và chàng lại bước, nhũng bước chân theo hương trầm quấn quyện.

Theo con đường hương khói chàng ra hẳn ngoại ô, thỉnh thoảng chàng dừng chân lại trước vài sạp báo như thói quen thuở nào. Thấy tên tuổi, hình ảnh và sự nghiệp mình trân trọng trên trang đầu nhiều tờ báo, chàng chợt mĩm cười và đưa tay xoa mặt, đôi kính cận không có như hình chàng trên báo. Từ ngày rời chốn này ra đi chàng không cần đôi kính đó nữa mà vẫn thấy thật rõ cuộc đời, chẳng bằng ngày xưa kính đeo liền mắt nhưng chàng vẫn không nhìn thấu đáo những điều trước mặt.

Chợt dưng chàng lại nhớ đến chuyện ngày xưa, điều mà từ lâu rồi chàng không quan tâm nữa. Chân bứoc chậm theo hướng có mùi hương trầm của khói nhang, chàng như nhìn thấy lại mình của một thời xa vắng, từ thuở hội nhập với cuộc đời bên những thăng trầm của quê hương bốn mùa binh lữa, mẹ già, em dại, bạn hữu gần xa. Thời thư sinh áo trắng, thời đi dạy miền cao, thời tránh né chuyện súng đạn sa trường. Và những ngày sáng tác, những buổi trình diễn nhạc giữa các hội quán, các sân trùong đại học. Rồi ngày chiến tranh chấm dứt, niềm vui với đường tàu nối liền non sông một dãy hòa trong nổi đau chia lìa cùng thân nhân, bè bạn kẻ ở người đi. Tất cả như một giấc mơ để rồi sau "bao nhiêu năm làm kiếp con nguời" (*) với cơn bịnh dai dẳng tháng ngày và cuối cùng chàng đã bỏ tất cả để "về bên kia núi" mặc cho sau lưng còn vang vọng bao "tiếng cười khóc giữa đời".

"Bên kia núi" không có bon chen thù hận, không có gian dối lọc lừa và cũng không có cả sang hèn cách biệt. Ở đó chàng gặp lại mẹ hiền, gặp lại bao nhiêu người một thời vang bóng, tất cả sống trong tỉnh lặng an bình, sự an bình mà chàng đã một thời ao ước. Nhưng cũng thật lạ lùng đến gần như mâu thuẩn vì khi đã tìm ra điều mình mong đợi thì chàng lại nghe thiếu vắng những điều làm chàng chán nản ngày nào. Khi tâm động, thức không an thì bản ngã cũng dễ dàng lắng nghe tiếng gọi mời của nơi chàng đã bỏ đi. Và bây giờ thì chàng đang trở lại, ngước lên trời cao rồi nhìn xuống đất thấp, mênh mông lòng tự hỏi "trời đất kia, có hay ta về. Một phố hồng, một phố hư không".

Đúng là phố hư không vì đất trời có thể biết chàng đang trở lại, nhưng người nhân thế chẳng ai nhìn thấy chàng cả. Phố thị đông người vậy mà chàng chẳng có được một lời chào, một cái bắt tay, chàng lửng thửng bước theo mùi trầm hương khói và dừng lại ở trước cổng nghĩa trang Gò Dưa, nơi đây mùi hương thôi không lan tỏa mà cô động trước mộ của một người. Chàng ngẩn ngơ nhìn khung cảnh trước mặt mà cứ ngở như đang đứng trước cảnh quang một ngày hội. Một giàn nhạc với cờ và biểu ngữ giăng đầy, những biểu ngữ tưởng nhớ một người được giăng treo gần mộ phần của người đó, cạnh mộ là tượng hình người đã mất, chung quanh mộ kẻ đứng người ngồi lao xao, có cả chức sắc tôn giáo để lo việc nguyện cầu và những vị đại diện chính quyền văn hóa địa phương nữa. Chàng tò mò nhìn tên trên bia mộ, Trịnh công Sơn, tên chàng đây mà. Ngoảnh đầu lên nhìn hình tượng có hoa giăng, cờ phất phới bay chàng thấy rõ hơn nhân diện của mình. Trong đám đông người tham dự, chàng nhận ra rất nhiều gương mặt thân quen của bè bạn mới, cũ lẫn lộn. Ngày tháng tử, sinh trên bia mộ cho chàng biết chàng đã bỏ họ ra đi trọn sáu năm dài. Mọi người cười nói vui vẽ, rượu bánh cầm tay, chẳng có ai buồn, chẳng có ai khóc cả. Tiếng kèn saxo, tiếng trống, tiếng đàn hòa cùng tiếng hát của các ca sĩ có mặt đang đưa tha nhân, mặc khách thả hồn mình nhớ lại những ca khúc quen thuộc của chàng.

Chàng lại mĩm cười, bước ra giữa đám đông, đứng trước mặt mọi người nhưng chẳng ai nhận ra sự hiện diện của chàng cả, tất cả đang sinh hoạt với cái tên, cái tượng của chàng trong khi chàng thực sự chỉ là bóng ảo giữa đời, có đấy như không và trong cái không đó thế nhân đang hình dung có chàng để trực diện hội đàm bằng văn bản hoài niệm, bắng các bài ca tưởng nhớ. Trong đám đông có người đang bàn tán về những chốn xa xôi mà từ ngữ quê hương chàng gọi là hải ngoại, họ bảo ở đó vẫn còn nhiều người kết án chàng như một tên đào ngủ, một kẽ phản bội dù họ vẫn hát nhạc chàng bằng hình thức này hay hình thức khác. Chàng lắng nghe bằng sự thờ ơ, đó không là điều lạ lẫm với chàng, với người chọn nơi mình sinh ra làm chốn an thân. Khen chê, thương ghét là chuyện đời thường, máu trong tim còn phải đỏ, đen hai hướng đi, về thì trách sao được lời bình nặng, nhẹ của thế nhân. Dù gì đi nữa có một thời chàng đã khổ đau lẫn say đắm nơi chốn này, chàng đã sống hết lòng, hết tình với chung quanh cho đến ngày chàng nghe thực sự nghe đời mỏi mệt và từ bỏ tất cả để tìm về bên núi đợi. Chàng có cần gì nữa đâu chuyện thị phi trần tục, Zengetsu (*) há đã từng bảo chúng ta đừng bao giờ tranh cải chuyện đúng sai, đừng thèm khát sụ đánh giá nhất thời, hảy sống với nguyên nhân và hảy bỏ lại những thành quả cho đại luật của vũ trụ vận hành, hãy vượt qua mỗi ngày trong sự chiêm ngưỡng thanh bình đó sao ?
Tiếng hát, tiếng cười trước mộ bỗng thưa dần rồi tắt hẳn, buổi tưởng niệm chàng đã tan, mọi người thu dọn vật dụng ra về trả lại sự yên ả cho nghĩa trang. Trời cao nắng dọi, những giọt nắng thủy tinh óng ả trong giòng nhạc của chàng đang soi rọi nhưng bóng chàng chẳng in trên nền đất, chỉ có tượng đá với nhân diện chàng nghiêng nghiêng dọi bóng trước mộ địa có tên chàng. Tượng đá hiện hữu vô hồn, chàng với bản ngã không tìm thấy bóng. Giữa tượng đá và chàng, đâu thực, đâu ảo ? Khói trầm hương không còn nữa và chàng thấy đôi chân mình lại nhẹ nhàng cất bước theo hướng cũ đã đưa chàng đến đây. Đoá vô ưu vẫn còn tươi thắm trên tay chàng từ dạo chàng rời xa triền dốc, đưa cánh hoa ngang trên tầm mắt chàng tự hỏi giữa chốn bụi hồng và bên kia núi đợi đâu là điểm đến, đâu là nơi xa cho trọn lời ca của một chốn đi về và hỏi ơi, có ai còn nhớ cuộc đời này không có cái chết đầu tiên, và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng.

CHÚ THÍCH :
(*) Những chữ in đậm là lời trong các nhạc phẩm của Trịnh công Sơn
(**) Zengetsu, một đại sư Trung hoa sống vào đời Đường




nguồn: www.tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho