tin tức




Không Đề

--- Bao Bất Đồng ---


Người ta nghe nhạc, lão cũng nghe nhạc . Người ta nghe những mấy người hát, lão chỉ nghe được một . Tại vì lão nghe hát mà không cần phải có mặt . Cảm ơn thời đại tân kỳ, khoa học kỹ thuật tân tiến, cảm ơn cả những người đã ráng nghe lời lão khẩn nài ...
Hầu như đã trở thành thói quen, thiên hạ biết lão thích nhạc của ai, nghe ai hát, và ... xem ai hát . Cho nên, lâu lâu lại được người nhắn tin, lần này chị đi hát ở đâu, hát với ai, và dự định sẽ hát ... nhiều hơn là mấy bài . Vậy đó, thành ra nếu biết lần đó chị hát nhiều hơn ... mười bài mà mình lại không thể nghe được, lão lại thấy bứt rứt khó chịu . Mà bứt rứt như
vậy thì ... cứ bị hoài bị huỷ, cho đến một lần nào, có người ngỏ ý sẽ giúp lão ... nghe lén nếu không thể nghe công khai . May mà loại hình hưởng thụ nghệ thuật này vẫn chưa bị xếp vào hạng mục ... đánh cắp tác quyền văn hoá phẩm !

Ở .. quê lão, người ta gọi kiểu này giông giống như ... kỵ vọng ! Không có mặt được thì thôi, gỡ gạc bằng cách gởi lòng về nơi xa, hướng tâm về viễn phương mà ... vọng . Âu cũng là một cách gỡ gạc ! Thiệt thòi là chẳng được dịp dỏng tai nghe thiên hạ chung quanh bàn tán . Thuận lợi là bớt ... xốn xang vì những cảnh chướng tai gai mắt mà ở đâu đâu cũng có . Lại nữa, bin điện, kho chứa và bộ nhớ của máy móc, dù tân thời đến đâu cũng không phải là ... giấy lộn, xài cũng phải ... ky cóp, thành thử thông thường chỉ được thấy cái gì đáng thấy, cũng là một thuận lợi ... Mà thôi, nói dông dài chi lắm rứa, bà Hư Vô đang sốt ruột lắm rồi thì phải !

Bài hát đầu tiên, "dạy cho con tiếng nói thật thà, Mẹ mong con chớ quên mầu da, con chớ quên mầu da, nước Việt xưa ..." Bài này, lão đã nghe chị hát đi hát lại mấy lần trên sân khấu vũ trường, trên sân khấu ... sân vận động, trên sân khấu ... Tivi . Vẫn thế, một chút nhiệt tâm, một chút ... chiến lược hòng ... lôi kéo nhân tâm . Khéo thế chị ơi, nhưng mà
khổ thay, dân Kăng Gu Rù chưa đủ bia ... Phót Xì Tờ thì vẫn cứ còn ... rù (hì hì, không kỳ thị đâu nha, đừng rủa). Cho nên, bầu không khí chưa hâm đủ nóng cho bài hát vốn phổ biến rộng rãi, coi bộ lần này trúng chiêu "dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân", lần sau chị phải xếp đặt lại sách lược rồi đó, hì hì hì ...

Mỏi mắt quá, thôi thì khép chúng lại . Ừ, cũng đã đến bảy năm rồi thì phải ! Bảy năm trước, chị năm mươi tuổi, đe doạ sẽ từ bỏ sân khấu, làm đám long nhong lão đây chạy trối chết về nghe chị hát lần cuối . Bố khỉ, coi bộ chỉ là lá bài quảng cáo ! Nhưng mà thích mê tơi, sướng rêm mé đìu hiu . Bao nhiêu lần rồi, lần ấy chị hát "Gia Tài Của Mẹ" phải gọi là hay nhất . Một phần vì cái đoạn mào đầu nhắc về cái thời áo dài chân đất đi hát ca khúc Da Vàng quá hay, một phần vì ... chính chị cũng không biết mình sẽ còn ... hát nữa hay không, và một phần vì ... thành phần khán giả, trong đó có lão (hì hì, sướng phổng mũi, eo ơi !). Chị hát được một khổ, rồi cầm máy vi âm đi xuống cùng hát với mọi người . Lúc đó, lão nghèo xơ xác í, cho nên chỉ kiếm được cái vé ngồi trong góc xa ơi là
xa, vậy mà chị cũng ... đi tới . Thế là lão gào lên, "Mẹ mong con mau bước về nhà ..." Mà không chỉ một lão gào lên thôi đâu, nhìn quanh lão ai cũng gào lên, mắt ai cũng long lanh ươn ướt, giọng ai cũng run run, để dáng ai rồi cũng mờ mờ trong ai, hay chỉ là khói thuốc bay thì lão không biết . Chị đứng đó, ngừng hát, nhè nhẹ vỗ tay theo cái nhịp vỗ âm vang
trong lòng căn vũ trường bừng bừng xúc cảm ...Cũng như mọi lần, cái phần dồi dào nhất trong mỗi đêm nhạc ... loe hoe vài người hát, chị vẫn dành để hát ca khúc của anh . Có lần đã có người nặng nhẹ, vì có một cái tên đã vô hình trở thành một vĩ tuyến, dù không là mười bảy cũng vẫn là một sự cách chia . Nhưng chị vẫn hát, và mỗi lần hát, lại không quên kể một vài chi tiết về sự khởi thuỷ của ca khúc, những kỷ niệm từ những buổi nghiêu ngao trên sân khấu, trong quán, hay trên ghế ngồi bên lò sưởi . Lão yêu những bài hát, cũng yêu những câu chuyện rất người xung quanh những bài hát . Người ta nói, lão có những thiên lệch kỳ lạ trong sự đánh giá, làm ảnh hưởng đến cái "phẩm vị" vốn đã kém cỏi của lão . Cũng chẳng sao, bài hát hay không chỉ bởi ở những nốt nhạc, ừ mà hình như đã có một cuốn phim nào đó mang cái tựa đề này, uổng là phim lại chẳng mấy hay !

Sẽ là một sự thừa thãi nếu cứ đi sâu vào kể lể về giọng hát của chị, một giọng hát mà cho dù có ghét chị vì những luận điểm ... không giống ai, người ta vẫn cứ phải công nhận là ... để đời . Nên lão chỉ muốn đi quanh những bài hát . Mà lạ quá, những bài hát quá quen thuộc, quen đến độ nhắm mắt ngủ mơ cũng hát nổi, say ngất ngưỡng cũng chẳng sai
lời, vậy mà mỗi khi nghe vẫn cứ rờn rợn cuối sống lưng chân tóc gáy . Lão người dân Việt Nam chân chất mắm ruốc vạn tuế đây nè, dù đi xa muôn trùng xa chắt chiu miếng ăn cái mặc vẫn chỉ thành thạo một thứ tiếng đây nè, tiếng ... Huế ! Vậy mà nghe chị góp nhặt về con đường phượng vĩ "mù không lối vào", về cái hình bóng "em đi về cầu ... mưa ướt
áo", về hai hàng cây "lá xanh gần với nhau", vẫn thấy mơ màng hình bóng ... quê dzà . Chao ơi thương biết mấy . Ơ mà chị ơi, đừng mù mờ khó hiểu thế, dân Việt ta vốn giàu óc tưởng tượng, lại đi xa lắc xa lơ cho mà coi . Em không ... cầu cho cơn mưa ướt áo để ... thấp thoáng đâu chứ hở, coi bộ lần sau nếu được, phải ngắt chữ một cách ... dứt khoát, "em đi về cầu ... mưa ướt áo" đúng theo phong cách ... Biển Nhớ Đặc Trưng thì mới nghe . Và nữa, gắn cả con đường phượng bay với những hàng cây ... xanh gần với nhau vào một bức tổng thể, coi bộ cái thuyết cầu Phú Cam tạm đứng vững . Chị không tin lão ư, sao không đi hỏi lại ... anh ? (hì hà) À, mà còn nữa, hai cái chữ "xanh gần" này, nghe
đâu cũng có một ... "truyền thuyết" chứ chẳng chơi, nghe đâu tổ tiên của nó vốn là ... "xanh dờn", hì hì, đúng theo tinh thần ... thần kinh gốc ! Mà gượm đã, nói lộn phèo nãy giờ, quên nhấn mạnh vào cái trọng điểm của bài hát, "cuộc đời đó có bao lâu ... mà hững hờ ..." Cái thông điệp cuối bài, lão giữ lại, cám ơn cái ý của chị, và cái tứ của anh !

"... Còn lời ru mãi, vang vọng một thời, mùa xanh lá vội, ru em miệt mài ...
Còn lời ru mãi, còn lời ru này, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai ..."
Chết lặng ! Bài hát mà chị nói mà chị thích lắm, hát đi hát lại cũng hàng trăm lần, sao hôm nay bỗng dưng có chút nghèn nghẹn . Cái giọng hát vẫn dễ dàng đi suốt bốn quãng âm, sao hôm nay bỗng dưng có chút khàn đục . Thiên hạ vẫn nói, giong hát bắt đầu từ ... phổi, đi qua cuống họng . Nếu phải nghẹn, đâu cần đợi tới hôm nay ! Hay những cốc men chị nuốt xuống cho vơi nỗi nhớ niềm đau đã bắt đầu hoành hành . Mới đây, nghe nói là tay run tay đau, rồi da vàng da tái, giờ đến giọng hát cũng rưng rưng, sao thế chị ơi ! Hay là từ nay, cứ hát ra từ mỗi buồng phổi như biết bao nhiêu người vẫn làm, đừng bắt nói phải luân chuyển một vòng qua hết tâm can tì phế thận rồi mới phát nó ra, đừng làm cơn đau làm mệt nhoài thêm từng câu từng chữ tự nó đã nằng nặng nỗi đau, khổ thế !

Lão không nghe được cả, không xem được cả . Nhưng từ những gì lão "thấy" ra, cái đinh của đêm nằm ở "Rơi Lệ Ru Người" ... Ca khúc được ít người hát, vì cái cảm nhận dường như chỉ để ... dành cho nhau . Rồi chị cũng chẳng hát ! Cả cái câu chuyện kể đằng sau những cảm nhận cũng ít người biết, câu chuyện về một bài hát có những ý tưởng ... gần hai mươi năm ngủ yên ...

Nếu thật,
hôm nào em bỏ đi ...
Em bỏ đi ...
Sau lưng em còn con phố dài
Những hàng cây loan tin nhau
rồi im tiếng nói
Quanh đây
hoang vu tiếng cười ...
Có ngày xưa em theo tôi
cùng ra quán ngồi,
Bên đời ... xe ngựa ngược xuôi

Có cái gì đó nghẹn ngào quá ! Hai mươi năm sau gặp lại, trao nhau một tình huống chỉ là ... "thí dụ" thôi, mà sao nhói quá thế này ! Có biết bao điều không nói, bao điều chưa nói . Để rồi anh đi thực, vẫn còn biết bao điều chưa nói ...

... Tự cho mình nghỉ giảo lao, lão đứng lên nhìn ra cửa kiếng . Cái phòng làm việc nằm ở góc, hai mặt hướng về hai con đường, ngày ngày vẫn cho lão một góc độ thật ly tưởng để nhìn ... rõ những "hàng cây loan tin nhau" và bóng "xe ngựa ngược xuôi" từ phía trên cao, hôm nay như mờ mờ trước mắt . Đoạn phim cũ chạy lại chầm chậm, có bóng chiếc áo
dài đứng trên sân khấu, cạnh mấy cây đàn thùng nhẫn nhục chờ đợi ... "Ông là hình, và tôi là bóng ..." Đoạn phim cũ chạy lại rõ nét như vừa mới hôm qua, một bông hoa cài ... trắng, một giòng tóc ... đen . "Tôi ngỡ là mình không còn sống nổi, không còn có thể cất tiếng hát được nữa ... Tôi đã nghĩ đến cái chết, khi thấy mình không còn hy vọng để
sống ..."

Có một bài hát nữa, anh cũng cho ra đời trong giai đoạn đó, cùng một mạch đập, cùng một cơn đau . Anh nói gì với chị không, lão đâu biết, lão chỉ cảm thấy là có, bằng cách của anh, xa xôi rất anh ... Còn Ai Với Ai ...

Em đi biền biệt muôn trùng quá,
Từng cơn gió và từng cơn gió
Em đi gió lạnh bến xa bờ
Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ ...

Hình như có lần anh thổ lộ, "viết/hát một bài tình ca là đang nói về chính cuộc tình mình ... vì nó đã là một phần máu thịt của chính mình ..."

Đoạn phim coi ké dừng lại đúng lúc chị đứng lặng người, đầu cúi xuống ... "tóc trăm đường thê thiết" ... Cúi xuống cho tắt nụ cười, cho chút da thịt ngời ... trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang ...

... Tới đây thì lão không muốn viết nữa . Có một cái gì đó như cứ chực trào lên . Không biết, và cũng chẳng tìm hiểu nữa ... Ừ, hãy để cho mọi người tự hiểu lấy ...




nguồn: www.dactrung.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho