bài viết




Từ Độ Chim Thiêng Hót Lời Bạc Mệnh

--- Hà Vũ Trọng ---


“Tôi không thể phân biệt được nước mắt với âm nhạc” (Nietzsche). Ai không tức khắc ngộ ra điều ấy thì là chưa hề thân thiết với nhạc. Mọi âm nhạc đích thực đều xuất phát từ cái khóc nảy sinh từ niềm nuối tiếc thiên đàng.
- E.M. Cioran


Thí dụ bây giờ tôi phải đi. Tay chia li cùng đời sống này. Có chiều hôm đưa chân tôi về biên giới mới, Nghe ra quanh tôi đêm dài... là một thí dụ đến đau lòng của người nhạc sĩ đã từng ôm đàn “hát nói” như vậy khi còn giữa chúng ta. Cuộc chia li đầy luyến tiếc khỏi cõi tạm này chắc không phải là một ngẫu nhiên khi người nhạc sĩ ấy đã nặng tình với cuộc đời này. Kìa còn biết bao người dìu dặt đến quanh đây. Trong đám người dìu dặt ấy có chúng ta đến bên anh để hát trên cùng một cõi đi về, thế nhưng bây giờ biển sóng đã anh sang tới bờ bên kia rồi...

Sự ra đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc làm xúc động biết bao người, nhạc của anh trong suốt 40 năm bể dâu qua đã trở thành xương thịt hay một phần đời của mỗi người, và trong đó còn chứa đựng vong linh oan khuất của cả một thời chiến tranh. Nhạc và hình tượng thơ của anh luôn chừa lại khoảng trống cho trí tưởng tượng của người hát, gợi cho chúng ta biết cách mơ và linh cảm theo cách riêng của mỗi người khi đứng trước những nỗi tuyệt vọng của cuộc đời. Trên mỗi thân người có nghìn phím tơ. Búng ngón tay đàn thức dậy ước mơ...Chúng ta làm sao trả nợ đối với những tặng phẩm của người nhạc sĩ ấy?

Để cảm nhận cái đẹp trong nhạc của Trịnh Công Sơn cần có sự linh cảm nhậy bén và một số kiến thức nhất định. Và sự cảm nhận này có thể hơi khác biệt theo từng thế hệ thuộc ba thời điểm: trước 75, lớn lên sau 75 và của lứa tuổi sinh sau 75. Riêng cá nhân tôi và phần lớn bạn bè thuộc thế hệ thứ hai – gạch nối giữa hai “triều đại” - cũng đều chịu sự ảnh hưởng nặng hoặc có thể nói là có thời điểm bị “ám ảnh” bởi nhạc và ca từ củaTrịnh Công Sơn tựa như là một thứ “đạo sống”. Các tình khúc Trịnh Công Sơn đối với chúng tôi là những bài kinh tình yêu, các chủ đề thân phận quê hương và thần thoại là một loại phúc âm buồn tái hiện cuộc chiến đã qua để chiêm nghiệm lại, mà bản thân tôi thời điểm ấy còn là trẻ con chưa lớn để thấy quê hương. Và từ nhạc Trịnh Công Sơn như thể từ đó đã hình thành một thứ “đạo bạn bè” và là dấu hiệu để kết bạn chia sẻ đối với bất cứ ai thích “nhạc Trịnh”. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá... Chính trong thời mà Người vinh quang mơ ước địa đàng. Người gian nan mơ ước bình thường đó, chúng tôi hát “nhạc Trịnh” ở những chốn riêng tư gần như bất khả xâm phạm. Hát lên cái “tôi” riêng của Trịnh để cứu rỗi cái “ta” bị tập thể hoá thành đồng ca của dòng ca khúc “cách mạng” hồ hởi bên ngoài. Chủ thể luôn luôn là “tôi” trong nhạc của Trịnh Công Sơn là lí do tồn tại (raison d’être) chỉ cách cho chúng ta trực diện sống với nỗi cô đơn của chính mình. Ngay cả khi nói tới cái “ta” cũng là cái tôi tuy mong manh nhưng phơi phới. Đời ta có khi là lá cỏ ngồi hát ca rất tự do... hoặc Đôi khi ta lắng nghe ta... Tôi chưa hề quên cái hiệu lệnh muôn đời: “Cái ta đáng ghét”. Tuy nhiên trong cuộc sống thường nhật nơi đây, ngoài những ngày hét la to đầy nộ khí, vẫn có những giây phút lui về muốn thở than. Phải chăng thở than cũng là niềm bí ẩn của con người.

“Trên cánh đồng ca khúc, tôi như đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi”. Ra đồng giữa ngọ đứa bé với cuộn dây vừa mở chân thoắt như chim. Chúng ta ai cũng từng thả những con diều thơ cánh nhạc tung tăng ước mơ ấy lên bầu trời mênh mông rạng ngời tìm lại địa đàng đã mất dấu, thế nhưng sợi dây vẫn bắt nguồn từ mặt đất của cõi người hệ luỵ. Con diều như là biểu tượng nhớ thương tìm về tuổi thơ hướng vọng lên trời cao, thả tìm lại trí tưởng tượng mà chiến tranh đã làm cạn kiệt tinh thể của chúng ta.

Ở hải ngoại, những sáng tác của Trịnh Công Sơn trước 1975 và một số ca khúc về người Việt ở ngoài sau 1975 cũng vẫn nhập tâm chúng ta hơn cả. Nhiều bài như đã tiên tri cho thân phận chim xa lìa bầy và tâm trạng “lưu vong” của chúng ta từ cảm thức lưu vong của anh trên chính quê hương mình hay đúng hơn là “trong cõi người ta” này... Rồi một lần kia khăn gói đi xa, tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà... Có khi anh cũng trách móc những bạn bè khăn gói đi xa ấy. Người ra đi có đôi dòng lệ, cỏ xanh rì cỏ mướt chân đi. Miệng môi kia ốm o lời thề, chân đi xa trái tim bên nhà.....Chúng ta đã chứng kiến nhạc và bản thân Trịnh Công Sơn cũng như ca sĩ Khánh Ly có thời kì trở thành mục tiêu kết án của phía cực hữu, giờ đã là một vết nhục đối với họ khi đứng trước những tác phẩm đã được coi là lương tâm không thể phủ nhận của Việt Nam trong thời khổ nạn. Ca khúc da vàng đã nhập thể vào tiếng hát Khánh Ly chính là những bài Kinh cầu từ Vực sâu (De Profundis) trầm thống đến rợn người. Bức tranh đêm dài trên quê hương được thắp sáng bằng hoả châu cháy đỏ, bài hát ru mới là tiếng đại bác nghe quen, người già co ro, người điên, em bé lõa lồ, chó sủa vườn hoang, bom rung từng liếp cửa, em bé đi học đạp trái mìn nổ chậm ngực vỡ tan tành, xác người trôi sông, hầm trú tan hoang, từng vùng thịt xương có mẹ có con...... những hình ảnh đổ nát hỗn độn đó tạo thành bức tranh tang thương Guernica khổng lồ một nước Việt Nam ngập trong khói lửa triền miên đến độ siêu thực. Một ngày mùa đông, hai bên là rừng, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan. Những bài Gia tài của mẹ, Nối vòng tay lớn, Tình ca người mất trí... đã xoá lằn ranh phân tranh của hai ý hệ và địa lí đã chia cắt thân thể Mẹ Việt Nam.

Hình tượng và cách gọi thân phận người nô lệ da vàng phải chăng là sự đồng cảm của Trịnh Công Sơn với thân phận người nô lệ da đen trong thể nhạc blues, jazz mà ông rất yêu thích và chịu ảnh hưởng? Cũng tương tự như lời nhạc blues đã trở thành văn học bằng chất thơ độc đáo mà tiếng nói đặc thù cá nhân nói thay cho bao người da đen bị đẩy vào cảnh sống khốn cùng, lời thơ trong nhạc của Trịnh Công Sơn cũng dẵ trở thành văn học (còn phải kể thêm yếu tố hoạ mà Trịnh Công Sơn luôn “vẽ” trong thơ). Ca khúc của Trịnh Công Sơn – nhiều bài là những folksong hiện đại và chất liệu dân ca Việt Nam (như các thể hát nói, chầu văn Huế, hát ru...) được sử dụng nhuần nhuyễn tới độ vô thức khiến người nghe khó có thể nhận ra. Đây là điểm cao nghệ thuật cần những người chuyên về nhạc phân tích vì nó vượt xa và khác hẳn các ca khúc dựa vào dân ca thời tân nhạc hoặc các bài dân ca “cải biên” về sau. Cho đến nay, kể tất cả những ca khúc đã phát hành của Trịnh Công Sơn, những bài đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của anh (thời kì 72 -- 75) về nhạc và thơ đã tạo ra một loại thiền và “mĩ học” riêng từ sự trầm tư trước cái chết và nỗi bất an thường trực. Tác phẩm lớn nhất có thể kể tổ khúc (hay liên ca khúc) Đoá hoa vô thường. Cấu trúc “giao hưởng thơ” của bài ca khúc nghệ thuật này dài và phức tạp hơn cả so với mọi tác phẩm khác của Trịnh Công Sơn. Cách chuyển giọng và điệu rất tinh tế mỗi khi sang một “chương” khác. Nhiều chỗ chừa thoáng cho nhạc cụ tự “hát”. Giọng người hát đòi hỏi mang nhiều sắc thái hơn, và phần hoà âm thích hợp cũng cần tới nhạc khí thính phòng. Có thể vì vậy nên khó ai có thể diễn tả trọn vẹn được tác phẩm này?

Sự thịnh hành hay “phục hồi” trở lại chủ yếu các tình khúc sáng tác trước 1975 của TCS đối với giới trẻ VN sau thời mở cửa hiện nay và đối với đồng bào miền Bắc đang lên đến đỉnh cao, rõ ràng là sự phải trả lại cho tuổi trẻ những gì từng bị coi là trái cấm. Tuy nhiên những Tình khúc Da Vàng (hay Kinh Việt Nam) -- những bài kinh thương khó của Việt Nam. Tiếng oan những muốn vạch trời kêu lên (Nguyễn Du). Những tác phẩm này vẫn còn chưa được nhìn nhận lại hoặc vẫn bị che giấu đối với tuổi trẻ hiện nay, người ta sợ phơi mở sự thật về cuộc chiến vừa qua, bởi mỗi Tình khúc Da Vàng này là tấm gương phản chiếu vận mệnh quê hương qua những thị kiến và linh cảm của một người nghệ sĩ đứng ngoài hai lằn ranh ý hệ để nói lên nỗiï thống khổ chung và ước mơ hoà bình của dân Việt, trong nỗi tuyệt vọng sống từng ngày chết từng ngày đợi con kên kên trên cành nhỏ lệ. Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi... Trịnh Công Sơn nói rằng Tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có ảnh hưởng trên đời sống tinh thần và tình cảm của tôi... Quá khứ hiện tại tương lai trong tôi chỉ là một. Nếu có gì khác biệt thì đó là trạng thái tinh thần của từng giai đoạn và sự thay đổi trong những diễn biến tình cảm. Người ta không thể cắt rời quá khứ ra khỏi với hiện tại như một thân thể bị chia lìa. Nếu như vậy, thì những giọt máu của hai triệu người oan khuất biết đến bao giờ nảy mầm trổ bông.

Khi được hỏi về sự tài hoa và chiêm nghiệm về chính mình qua hai câu thơ tài mệnh tương đố của Nguyễn Du, anh đáp: tôi muốn viết sai câu thơ Nguyễn Du cho riêng mình: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh cũng là bể dâu” Như vậy, tài mệnh của Trịnh Công Sơn đã trở thành một với sử mệnh của dân tộc Việt Nam suốt trong cuộc bể dâu vừa qua: Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung (Nguyễn Du).

Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo. Nhưng trong những giấc mơ đời hư ảo ấy, những giọt lệ là có thật từ độ chim thiêng hót lời bạc mệnh, từng giọt vô biên, trôi chìm tiếng tăm... Ta có thể mượn lời nhà văn Cioran để nói về cái hư ảo ấy trong nhạc Trịnh Công Sơn “Âm nhạc là cái hư ảo chuộc lại cho tất cả những cái hư ảo khác”.

Hà Vũ Trọng
Toronto, 4/4/2001
___________________________
*) Chữ in nghiêng nếu không để tên đều trích từ lời nhạc hoặc phát biểu của TCS.



nguồn: Hà Vũ Trọng
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho