tưởng niệm




Vọng mãi âm vang “Tâm – Tài”

--- Việt Khuê ---


Trong nghệ thuật nói chung, có nhiều yếu tố để đánh giá sự thành công của người nghệ sĩ, sự trường tồn của tác phẩm. Đứng ở từng góc độ, người tiếp nhận có cách đánh giá tác phẩm khác nhau, người khen kẻ chê, người đồng tình kẻ phản đối, người tôn thờ kẻ phỉ báng. Điều đó thật dễ hiểu, bởi mỗi người có cách cảm thụ nghệ thuật riêng. Song, với Trịnh Công Sơn và các ca khúc của anh có lẽ là một ngoại lệ.

Không biết đã bao nhiêu lần tôi nghe thấy những lời tâm sự tình cờ giống nhau: “Tôi yêu nhạc Trịnh”. Gần đây nhất trong cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình năm 2004” do Đài Truyền hình Sài Gòn tổ chức, trong phần tự giới thiệu của các thí sinh, thì rất nhiều lần tôi lại bắt gặp điểm chung của những con người khác nhau ấy “Tôi yêu nhạc Trịnh”. Sao lại có quá nhiều người yêu nhạc Trịnh đến thế? Tôi tự hỏi, phải chăng nhạc Trịnh chiếm trọn trái tim thính giả vì đó là thanh âm kết hợp tuyệt vời giữa “Trái tim” và “Tài hoa”. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du).

Ai trong chúng ta ít nhiều một lần bắt gặp chính mình, được ủi an qua ca từ của Trịnh Công Sơn. Bạn sẽ thế nào khi đang cùng cực trong tuyệt vọng, tìm được một lối thoát:

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo.

Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai, như một nỗi đời riêng
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên
Có đường xa và gió chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”

(Tôi ơi đừng tuyệt vọng)

Mỗi lần nghe bài hát này, nhất là những khi chán nản cô đơn, lại cho tôi tìm thấy một niềm tin, một hy vọng. Tôi hiểu ra, so với nhiều người tôi vẫn thật hạnh phúc. Có một lời từ trái tim nhạc sỹ đang động viên tôi, làm điểm tựa vô hình cho tôi: “Em là tôi và tôi cũng là em”.

Một người bạn của tôi cũng rất yêu nhạc Trịnh, người ấy đặc biệt yêu tính triết lí của nó, khi cùng tôi ngồi nghe bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” người bạn ấy hỏi tôi: “Cậu thấy Trịnh Công Sơn vĩ đại không, đã đặt ra câu hỏi ngàn đời chưa có câu đáp của loài người”

“Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này


Trịnh như gào lên dồn dập: “Tôi là ai”, “Tôi là ai”, “Tôi là ai”, một câu hỏi tưởng rất dễ nhưng khó có câu trả lời chính xác, “Tôi là bác sĩ”, “Tôi là cô giáo”, “Tôi là nhà báo”… có nhiều danh xưng định danh cho mỗi ngành nghề, mỗi công việc… Song khi một mình đối diện với chính mình, không phải trong công việc, bổn phận, nghĩa vụ, có mấy ai trả lời được cặn kẽ “Tôi là ai” trong cuộc đời này. Dù có giỏi giang đến mấy ta vẫn thuộc về “trần gian”, ta vẫn là “con người” vẫn không thoát khỏi “hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, ai”. Đó là khó khăn tất yếu của mỗi người trong mỗi hoàn cảnh nhất định, vậy nên “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Cuộc đời thì bao la, đời người là có hạn, hãy sống và “yêu quá đời này”. Nhờ có người bạn yêu tính triết lí trên đã giúp tôi thêm thích thú, chú ý, hiểu thêm được nhiều “ý tại ngôn ngoại” trong các khúc tình ca của Trịnh.

“Thưởng thức nhạc Trịnh không chỉ bắt thính giác hoạt động mà còn phải lĩnh hội bằng mọi giác quan, am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau: Thi, ca, nhạc, hoạ…”. Câu nói trên cũng là của một người bạn tặng cho tôi, khi anh ta khó chịu về cách thưởng thức nhạc Trịnh amateur như tôi. Tôi không am hiểu nhiều về các bộ môn nghệ thuật, nên tôi vẫn giữ thói quen nghe nhạc Trịnh theo cách riêng của mình – nghe, cảm nhận bằng cảm xúc ca khúc đem lại.

Tôi là người nhạy cảm, rất dễ xúc động và hay vướng những giận dỗi, buồn phiền, khổ đau… những lúc ấy tôi thường tìm đến ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ở đó tôi luôn nhận được sự ủi an, một bài học triết lí sâu sắc, một sự đồng cảm. Đôi khi nghe xong bản nhạc tôi muốn biến thành cơn gió, thành cánh diều, muốn được chìm đắm, ngủ quên như một loài cỏ dại, tôi còn bắt gặp những kỉ niệm đã quên từ lâu nay được đánh thức qua ca từ của Trịnh. Mỗi bài hát là một lời tâm sự, nhắn nhủ, ủi an cả lẫn thắc mắc. Tình yêu, cuộc sống, kiếp làm người… luôn được Trịnh Công Sơn ưu ái và trăn trở.

Nhạc và lời của Trịnh Công Sơn đã phản ánh một phần nào sự biến đổi của quê hương Việt Nam, cách sống và suy nghĩ của người dân Việt qua nhiều thập niên.
Nhắc đến nhạc Trịnh có nhiều điều được đề cập, khám phá. Riêng tôi thì đặc biệt chú ý, khâm phục cách dùng từ mới lạ, so sánh độc đáo, rất phong cách của anh. Người ta thường nói sống trên đời có ba việc lớn cần lập: “Lập thân, lập chí, lập ngôn”. Riêng việc “Lập ngôn” thì chắc chắn Trịnh Công Sơn đã thành công một cách xuất sắc. Chả thế mà có người ví Trịnh Công Sơn là “Nguyễn Du của thế kỷ 20”.

Tôi thích nhất là cách so sánh nhân hoá trong nhạc Trịnh. Hình ảnh “cát bụi” luôn được anh nhắc đến trong thân phận người, con người ta được hoá thân từ cát bụi “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi”, cát bụi cũng oằn oại trải qua những biến đổi “vươn hình hài lớn dậy”, cát bụi cũng biết “mệt nhoài”. Anh nghĩ về cuộc sống ngắn ngủi của con người “Cho trăm năm vào chết một ngày”. Khi con người tàn lụi thì tình yêu cũng “xay mòn thành đá cuội”. Sự chờ đợi mỏi mòn được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá: “Lá khô vì đợi chờ. Cũng như đời người mãi âm u”. Bọt sóng cũng thốt đau: “Ta xô biển lại sóng nằm đau” hay “Sóng đong đưa linh hồn”. Chim chóc cũng tựa như người: “Chim non cười tình nhìn diều lên ngon”; “Hoa vông mùa hè lập loè thinh không”… nhiều lắm những hình ảnh nhân hoá, không thể liệt kê qua một vài trang viết. Chỉ biết rằng Trịnh Công Sơn đã thổi vào mọi vật vô tri một hơi thở, một mạch máu và một linh hồn. Tình yêu con người, thiên nhiên, cuộc sống, hoà quyện làm nên bản hoà ca sinh động, nhiều sắc màu.

Trịnh Công Sơn không bao giờ đưa ra một lời khuyên cụ thể, ông chỉ gửi gắm suy tư, trăn trở qua những thông điệp kín đáo, thâm trầm mà sâu sắc.

“Sống trong đời cần có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi.
Để gió cuốn đi”.


Trịnh Công Sơn đã trả lời một cách rất lạ “Để gió cuốn đi”. Trước đây tôi rất thắc mắc, tò mò trước câu hỏi thú vị: “Để làm gì em biết không?” Câu trả lời theo sau lại làm tôi cụt hứng, trả lời mà như đánh đố.

Anh đã vĩnh viễn đi xa, ra đi một cách nhẹ nhàng “Để gió cuốn đi”. Giờ tôi cũng hiểu phần nào về câu trả lời vu vơ nhưng đầy ý nghĩa trên. Với cuộc đời anh luôn coi mình như một người khách lữ thứ “Dù đến rồi đi tôi cũng xin cảm ơn đời”.

Cái cốt lõi, vĩnh hằng, cần chăm sóc, nuôi dưỡng là “Một trái tim – Một tấm lòng”. Phải có một tấm lòng yêu đờI, yêu người mãnh liệt mới giúp người ta sống vui tươi, thanh thản trước mọi đổi thay của đời người. Cái cuối cùng còn lại giữa người và người là gì? Một trái tim nhiệt huyết chân thành, một nghĩa tình ấm áp yêu thương.

Và anh đã làm được điều đó, dù anh đã bỏ lại tất cả, nhưng “Tấm lòng” anh đã trao tặng cho nghệ thuật, cho cuộc đời, cho người yêu nhạc mãi mãi không bị “cuốn đi”, ngược lại nó được đáp trả, tâm hồn nghệ sĩ và tài năng thi sĩ của anh sống mãi cùng thời gian.

Xin mượn lại lời của anh – gửi một “tấm lòng” của người đi sau, tưởng nhớ đến anh trong ngày lễ giỗ này. Như một lời ru anh - ngủ yên trong cõi vĩnh hằng.

“Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian
Những khi chiều tới cần có một tiếng cười,
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi. Rồi nước cuốn trôi
Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình.
Chỉ lặng nhìn không nói năng.
Để buốt trái tim. Để buốt trái tim
Trong trái tim con chim đau nằm yên.
Ngủ dài lâu theo vết thương sầu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hát tan trong trời gió lên
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta vẫn cứ vui.
Dù vắng bóng ai. Dù vắng bóng ai.

(Để gió cuốn đi)



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho