bài viết




Ca khúc da vàng và kinh Việt Nam

--- Hoàng Tá Thích ---


TTO - Có thể nói hầu hết mọi người trong chúng ta đều đã ít nhất một lần nghe ca khúc Nối vòng tay lớn. Trước năm 1975, ca khúc này từng được sử dụng trong chương trình Nối vòng tay lớn quy tụ sinh viên hải ngoại trở về sinh hoạt ở miền Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ca khúc này được cất lên ở Đài phát thanh Sài Gòn mừng ngày Tổ quốc thống nhất.

Và bây giờ, Nối vòng tay lớn cũng là ca khúc dành cho những chương trình sinh hoạt sinh viên học sinh trong cả nước. Nếu những biến cố chính trị hay quân sự có thể thay đổi tình hình đất nước, thì Nối vòng tay lớn mãi mãi tồn tại không hề thay đổi. Đơn giản chỉ vì nội dung của ca khúc thể hiện ước mơ thống nhất hai miền Nam Bắc của người dân Việt: Mặt đất bao la, anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng, bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam … Nối vòng tay lớn nằm trong tuyển tập Kinh Việt Nam, được viết sau Ca khúc da vàng và Ta phải thấy mặt trời, trong những năm 1966, 1967, 1968, nói lên những ước mơ xây dựng quê hương đổ nát sau chiến tranh.

Rất nhiều người không được nghe hoặc ít biết đến hai tập ca khúc này, vì lý do rất đơn giản: từ 1965, 1966, chiến tranh leo thang khắp Việt Nam, người ta chỉ nói đến chiến tranh, chưa ai bàn đến việc xây dựng. Tại Hoa Kỳ, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam lan mạnh trong thời kỳ đó, cuối cùng đã làm cho chính phủ Mỹ phải thay đổi chính sách, dần dà tính chuyện rút quân. Một nhà báo của tờ New York Times đã tường thuật buổi diễn của Khánh Ly tại Sài Gòn hồi năm 1970 như sau: “Khánh Ly, 23 tuổi, trình bày ca khúc Tình ca người mất trí. Bài ca chấm dứt, thính đường im phăng phắc, không một tiếng vỗ tay.

Bởi vì nhạc Trịnh Công Sơn không phải viết ra để được tán thưởng mà là để người ta phải suy nghĩ, chiêm nghiệm”. Khắp nơi đều là chiến tranh, và khắp nơi mọi người đều âu lo vì tiếng đại bác đêm đêm dội về thành phố, vì những ngày quá dài trên quê hương đang bị tàn phá. Khắp nơi trên đất nước Việt Nam, người ta đều nghe Ca khúc da vàng, để xót xa cho thân phận quê hương mình. Tập ca khúc này gồm 12 bài, phát hành năm 1967: Đại bác ru đêm, Tình ca người mất trí, Người con gái Việt Nam Ngụ ngôn mùa đông, Ngày dài trên quê hương, Ngủ đi con Đi tìm quê hương, Đêm bây giờ đêm mai, Nhưng hôm nay Hãy nói dùm tôi, Gia tài của mẹ Lần tái bản vào năm 1968 được thêm vào hai ca khúc: Bài ca dành cho những xác người, Hát trên những xác người Ngoài ra còn có tuyển tập Phụ khúc da vàng được ấn hành khoảng năm 1972, gồm chín ca khúc.

Ca khúc da vàng gồm những bài hát nói đến thân phận quê hương, thân phận một đất nước nhược tiểu phải chịu ảnh hưởng chi phối của các cường quốc, vì vậy mà không tránh được cuộc chiến tranh tương tàn. Đây là một đề tài tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Còn với anh Sơn, thì hình ảnh người con gái trong Người con gái Việt Nam, chính là hình ảnh một quốc gia nhược tiểu, thực chất yếu đuối nhưng tinh thần vẫn kiên cường.

Hầu hết những ca khúc này gần như là những lời kể chuyện mang đầy hình ảnh của một đất nước đang chịu đựng chiến tranh: Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Đại bác qua đây, con thơ giật mình, hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng... Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương (Đại bác ru đêm). Người con gái Việt Nam da vàng, đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng... Người con gái chợt ôm tim mình, trên da thơm, vết máu loang dần... (Người con gái Việt Nam).
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm, gọi tên anh, tên Việt Nam, gần nhau trong tiếng nói da vàng... (Tình ca người mất trí) Nghe một Đại bác ru đêm, hay một Tình ca người mất trí, tưởng như đã đọc hết một cuốn sách về nỗi buồn chiến tranh. Không những thế, nhờ ca từ đơn giản, dễ hiểu, không có những ẩn dụ như trong các ca khúc tình yêu, cùng với cái âm điệu kể chuyện như một loại kinh nhật tụng nên Ca khúc da vàng dễ dàng đi sâu vào lòng người hơn những câu văn xuôi. Hãy lắng nghe ca từ của anh: “Trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ”.

Bạn thử ngồi một mình nghe cho hết những khắc khoải, lời than khóc cho thân phận quê hương còn mãi chìm trong khói lửa chiến tranh, để thấy Trịnh Công Sơn không chỉ là một người viết nhạc mà còn là một họa sĩ, không cần cây cọ mà vẽ lên được những hình ảnh đau thương của cuộc đời. Cảm thông với thân phận quê hương thật ra đâu phải chỉ một mình Trịnh Công Sơn. Ở miền Nam thời ấy, nhiều nhạc sĩ cũng đã viết những ca khúc mang đầy đủ ý nghĩa hai chữ phản chiến, nhưng phần nhiều chỉ thể hiện những mất mát của bản thân dẫn đến không chấp nhận chiến tranh. Ca khúc da vàng thì không phải như thế. Trịnh Công Sơn là người rất lãng mạn.

Anh biết yêu từ tuổi mới lớn và đã yêu đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Tình yêu là hơi thở của anh, là hạnh phúc của người nghệ sĩ tài hoa này. Trong hàng trăm ca khúc đã được sáng tác thì gần hết là những bản nhạc tình bất hủ. Vậy mà khi viết Ca khúc da vàng hay Kinh Việt Nam thì cái lãng mạn đôi khi yếm thế đó đã nhường chỗ cho sự dấn thân: Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi, đã lâu rồi, mà sao chờ đợi, sao còn ngồi, sao im lìm, ngủ hoài các anh… Còn thấy gì ngoài bom lửa đạn, anh chị này, sao vui mừng làm người cúi xin. (Hãy sống dùm tôi). Sau những xót xa cho thân phận quê hương đổ nát vì chiến tranh, Trịnh Công Sơn vẽ lên những ước mơ xây dựng lại quê hương trên khắp hai miền đất nước. Và tuyển tập Kinh Việt Nam ra đời khoảng năm 1968, mặc dù lúc đó chiến tranh vẫn leo thang với mức độ tàn khốc. Kinh Việt Nam cũng gồm 12 ca khúc: Dân ta vẫn sống - Chờ nhìn quê hương sáng chói - Dựng lại người, dựng lại nhà. Ngày mai đây bình yên - Cánh đồng hòa bình - Ta thấy gì đêm nay - Sao mắt mẹ chưa vui - Đôi mắt nào mở ra - Hãy đi cùng nhau - Hành ca - Đồng dao hòa bình - Nối vòng tay lớn.

Ngoài ra còn có tuyển tập Ta phải thấy mặt trời gồm 11 ca khúc, cũng nói đến ước mơ nhìn thấy một đất nước được xây dựng hùng mạnh sau ngày thống nhất. Nghĩ cho cùng, viết về những ước mơ có thể không khó khăn lắm, bởi ai chẳng có ước mơ. Trịnh Công Sơn cũng thế, nhưng không phải cho riêng mình. Trong khi chiến tranh lan tràn nhiều nơi trên quê hương, tuy vẫn bình an ở thành phố nhưng anh đã đau với nỗi đau thân phận người dân.

Không phải chỉ đau xót cho quê hương, anh còn mơ ước dựng lại đất nước sau những năm tháng bị chiến tranh tàn phá: Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao Vác những cây rừng to về nơi đây, ta xây dựng nhà Bàn chân ta lên non ra sông ra tới biển xanh Gánh đá mang về kinh, về nơi đây ta xây làm nền (Dựng lại người, dựng lại nhà) Hình ảnh một khung cảnh đất nước thanh bình được vẽ lên như một niềm tin, một tương lai êm đềm cho quê hương yêu dấu: Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai ven rừng Một đàn gà cao tiếng gáy đánh thức bình minh (Ta thấy gì đêm nay) Người người hân hoan vui sướng, sống với nhau bằng yêu thương dưới một bầu trời tự do: Đường ta đi mênh mông phố xa bao người quen Bàn chân ta thênh thang những nắm tay reo mừng Đường Việt Nam hôm nay có bước chân tự do Người Việt ta hôm nay sống với nhau thật thà (Đồng dao hòa bình) Trước và sau ngày anh mất, đã có rất nhiều bài viết ca tụng những tình khúc của anh, phân tích từ ca từ, hình ảnh đến triết lý trong nhạc tình Trịnh Công Sơn.

Thế mà có rất ít những bài đề cập đến nhạc chống chiến tranh của anh. Trong khi đó thì người nước ngoài biết nhiều đến Trịnh Công Sơn không phải vì những ca khúc tình yêu mà chính vì những ca khúc về thân phận quê hương. Khoảng năm 1970, Khánh Ly được mời tham dự một Nhạc hội Dân ca ở Nhật. Ca khúc được người Nhật chọn lựa để Khánh Ly trình bày, dịch ra Nhật ngữ, là bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn. Vậy mà sau đó ca khúc được phổ biến nhiều nhất với hơn một triệu đĩa tại Nhật lại là bài Ngủ đi con trong tuyển tập Ca khúc da vàng. Trước đó, một người Nhật đã thu băng chương trình Hát cho thân phận quê hương của Trịnh Công Sơn tại Việt Nam. Khi về Nhật, ông giới thiệu với sinh viên trong nước và lắng nghe ý kiến của họ. Ông đã phỏng vấn nhiều sinh viên và phần đông đều trả lời họ rất thích ca khúc “Tôi sẽ đi thăm” vì nó gợi nhớ lại hai quả bom nguyên tử đã dội xuống Nhật Bản năm 1945. Người Nhật cũng có nỗi buồn chiến tranh, cũng đã từng đau với những tàn phá của chiến tranh trên quê hương của họ.
Đó là lý do vì sao giới trẻ ở Nhật cảm thấy gần gũi và kính trọng người nhạc sĩ họ Trịnh. Sau năm 1975, có nhiều người phê phán, chỉ trích và đặt Trịnh Công Sơn “bên kia chiến tuyến”. Nhưng đối với anh Sơn thì chẳng có một chiến tuyến nào trước mắt, mà chỉ có giải đất hình chữ S thân thương trải dài từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan. Trong ca khúc Như một hòn bi xanh, anh đã viết: Như một hòn bi xanh Trái đất này quay tròn Này em có mỗi con tim Nhớ mang quê hương của mình Thật vậy, trái đất quay tròn, đi đâu rồi cũng về chốn cũ. Trong tim mọi người chỉ có một quê hương. Nhiều người lại đặt đủ chuyện không hay về Trịnh Công Sơn, thậm chí có những điều mà ngay cả chính anh cũng không nghĩ đến. Nhưng anh Sơn không bao giờ cất công cải chính.

Anh thường nói, đời sống có bao lâu mà phải mất thì giờ đi cải chính mỗi lần người ta nói sai về mình. Dĩ nhiên, dù tài năng đến đâu, thì Trịnh Công Sơn cũng là một con người của đời thường, cũng có những khuyết điểm, cũng hỷ nộ ai ái ố như bao nhiêu người khác. Đôi lúc anh cũng giận, cũng hờn một người bạn nào đó, nhưng giận mà không đoạn tuyệt, hờn mà không thù ghét. Anh cũng thích vật chất, nhưng không bao giờ để vật chất sai khiến. Anh cũng yêu rất nhiều, nhưng chưa bao giờ làm phương hại đến hạnh phúc người khác. Đó là tính cách Trịnh Công Sơn.

Nếu hiểu rõ tính cách của Trịnh Công Sơn, biết rằng ngay khi vừa đến tuổi trưởng thành anh đã nặng mang trong lòng những suy nghĩ về quê hương, trăn trở về thân phận con người và ấp ủ những ước mơ tươi sáng cho đất nước, cho người người an vui hạnh phúc, thì hẳn sẽ không có những suy luận sai lạc về anh. Có chứng kiến tận mắt cảnh hàng vạn người đứng trước mộ anh vừa khóc vừa hát những ca khúc Trịnh Công Sơn trong cái ngày anh giã từ cõi tạm để trở về làm cát bụi, thì chúng ta có thể tin rằng, anh sống mãi trong lòng nhiều người, không chỉ nhờ vào tài năng mà chính vì tấm lòng bao la, cái nhân phẩm cao quý của anh.



nguồn: Như Những Dòng Sông
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho