bài viết




Tìm và gặp...

--- Trịnh Công Sơn ---


Những tháng cuối năm 90 có nhiều phòng tranh trong thành phố. Tôi có hai người bạn thầy thuốc triển lãm tranh của họ cùng với một bệnh nhân là họa sĩ.

Một trong hai người thầy thuốc nọ viết trong phần catalogue của mình: Tôi đi tìm thuốc trong hội họa. Tại sao không? Tìm gì mà chả được. Người muốn đi tìm thì bất cứ ở đâu cũng tìm, bất kỳ từ một sự vật gì, dù nhỏ nhoi đến mấy, cũng tìm.

Kẻ vô tâm thì đang ở trước mặt cái muốn tìm cũng không thấy.

Chưa tìm được thuốc trong lúc này thì ắt phải bắt gặp được lòng trắc ẩn. Không thấy lòng trắc ẩn biết đâu lại không tình cờ nắm được ngọn nguồn của một thứ tình yêu.

Những người bạn tôi đã may mắn tìm được thuốc.

Bệnh nhân họa sĩ kia đã được vực dậy từ một cơn đau trầm kha không tìm ra manh mối, mặt mũi. Thế rồi người thầy thuốc nọ mang giá vẽ đến, lấy màu sắc phủ đầy lên toile. Thầy thuốc và con bệnh trao đổi với nhau về những thứ lẽ đời, lẽ đạo, lẽ người. Rồi cuối cùng là lẽ sống để vẽ và là vẽ để sống. Và cứ thế, cọ, dao, màu cứ chập chùng không ngơi nghỉ cho đến lúc người bệnh đã từ thế giới màu sắc bước ra như một con người khác.

Đã có biết bao nhiêu câu chuyện quanh cái sự vẽ vời để cứu người.

“Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình.

Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi.

Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời.”
Như chuyện “Chiếc lá cuối cùng” của O’Henry. Chuyện kể có một nữ bệnh nhân đã kéo dài cái sống của mình bằng những chiếc lá rụng dần ở một cành cây ngoài khung cửa sổ. Khi trên cành chỉ còn một chiếc lá duy nhất, thì người bệnh nói với người thân của mình: “Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng ấy không còn nữa thì em sẽ chết”. Ở phòng trọ bên dưới có một họa sĩ tình cờ nghe được. Nửa đêm, giữa trời tuyết lạnh, người họa sĩ bắc thang leo lên vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô, khi chiếc lá thật đã rụng xuống. Sáng hôm sau, người bệnh thức dậy, nhìn ra cành cây và vẫn thấy còn chiếc lá vàng. Cô đã yên tâm và bảo rằng: “Như thế, là em vẫn còn có thể sống hôm nữa được”. Dĩ nhiên câu chuyện đã kết thúc bằng cái chết âm thầm của người họa sĩ nghèo bị cóng lạnh…

“Tôi đi tìm thuốc trong hội họa” là điều không thể trách móc được. Và cũng chẳng có gì quá đáng khi nói lên điều này.

Và cuộc hành trình đi tìm thuốc trong văn học nghệ thuật không chỉ vì một độ hứng nhất thời mà là cả một quá trình suy nghiệm. Phải đớn đau dang dở mình trong thành tựu này để hoàn tất mình trong một thành tựu khác, lớn hơn và cũng không ít phần khổ ải hơn.

Hãy biết đi tìm, nhẫn nhục tìm kiếm sẽ có ngày thấy được. Dù ở đâu. Từ trong một hạt bụi đến cõi trời bao la. Từ cái sờ mó được đến cõi vô hình.


Triển lãm tranh, 1990
Tháng Mười Hai năm một ngàn chín trăm chín mươi, tôi cùng hai họa sĩ bạn rủ nhau tổ chức một phòng tranh.

Nhiều người đến phòng tranh và nói với tôi: ông vẽ như viết nhạc vậy.

Đúng.

Tôi muốn đi tìm cái phần-nhạc-không-nói-được trong hội họa của tôi. Nếu tôi có thể nói được tất cả mọi điều của đời sống, của con người, của thiên nhiên bằng âm nhạc thì tội gì tôi phải vơ vào cho mình thêm một tội lỗi nữa.

Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc thi ca.

Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình.

Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi.

Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ “mình” đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời.

Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng vô vọng.

Và tôi đã tìm đến với thế giới của im lặng và hội họa. Ở đây tôi đã bắt gặp một mảng đời của mình bấy lâu nay vẫn còn bị che dấu. Chính ở trong cõi màu sắc này, tôi đã chạm vào được cái chìa khóa Libido để mở dần những cánh cửa vô thức của bản thân mình.

“Tôi đi tìm thuốc trong hội họa”. Câu nói của người bạn bác sĩ làm hội họa chưa phải là điều đáng vội bình phẩm, phê phán. Nghĩ cho cùng, rõ ràng cũng không phải là lộng ngôn.

Chúng ta có khi mất nhau và đã gắng tìm nhau trong cuộc đời. Chúng ta tìm tuổi thơ trong con gà đất tu huýt, trong cái lục lạc lùng tung. Chúng ta tìm quên lãng trong tách cà phê, trong ly rượu. Tìm nỗi nhớ trong dòng nước, trên vài cầu, ở hè phố, trong màu nắng giọt mưa.

“Tôi tìm thuốc trong hội họa” cũng chẳng khác gì tôi đã thấy no trong đói, thấy ánh sáng trong đêm tối, thấy hạnh phúc trong khổ đau, thấy niềm an ủi trong hận thù, thấy cái thật trong sự dối trá.

Giờ đây, tôi bỗng thèm đi tìm cái vô thanh trong sự khoác lác.



nguồn: www.tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho