tin tức




HS Trịnh Cung giúp nhóm The Friends

--- Nguyễn Quang Minh ---


LTS: Trong vòng 3 tuần lễ, đến từ Việt Nam, họa sĩ Trịnh Cung có mặt tại Mỹ để giúp nhóm The Friends thực hiện chương trình “Phúc Âm Buồn của Trịnh”, một sinh hoạt âm nhạc độc đáo, nhân dịp giỗ lần thứ 5 ngày mất của thiên tài Trịnh Công Sơn. Câu chuyện trao đổi với Trịnh Cung về đêm nhạc TCS đã hé lộ nhiều suy nghĩ độc lập của ông về những sự việc quanh “vấn đề Trịnh” mà mỗi dịp 1 tháng 4, ngày giỗ Trịnh, người ta hay bàn tán…

VW: Thưa Họa sĩ Trịnh Cung trong vai trò điều hợp cho chương trình Phúc Âm Buồn của Trịnh. Từ Việt Nam sang California giúp nhóm The Friends thực hiện chương trình, xin ông cho biết cảm nhận của ông về Trịnh Công Sơn?


TC: Trước hết, tôi xin đính chính là tôi không phải là người nghĩ ra chương trình này, tôi bất ngờ nhận được lời mời với tư cách là người bạn cũ của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giúp cho anh em trẻ ở Mỹ làm chương trình tưởng niệm 5 năm ngày mất của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi tham dự với tư cách là một người kể chuyện, một narrator của chương trình mà thôi. Tất cả những ý tưởng dàn dựng và tổ chức đều là của các anh em trẻ. Nếu đây là tổ chức thương mại hay là tổ chức của những người chuyên nghiệp, có lẽ tôi cũng không dự, bởi vì không cần thiết tôi phải dự những chương trình như vậy. Nhưng đây là thế hệ trẻ ở tại Hoa Kỳ nghĩ về Trịnh Công Sơn và những dòng nhạc của quá khứ Việt Nam, tôi cho đây là điều tôi cần phải giúp và rất hãnh diện để giúp, bởi vì để cho thế hệ trẻ được hiểu về một người Nhạc sĩ nhiều huyền thoại như Trịnh Công Sơn, đó là điều cần thiết.

VW: Tại Việt Nam có những chương trình tưởng niệm, ở bên Mỹ cũng có những buổi nói chuyện trao đổi về Trịnh Công Sơn. Ông nghĩ sao về một cuộc thi ở Việt Nam đã bị hủy bỏ do Ban Tổ Chức đó đặt ra những câu hỏi, mặc dù rất thành thật, rất là rõ ràng về đời sống riêng của Trịnh Công Sơn? Có phải huyền thoại hay thần tượng Trịnh Công Sơn vẫn còn đang nóng bỏng, người ta chưa muốn tìm hiểu, khai thác? Ông có thể cho biết rằng nên hay không nên, trong những tình huống nói về Trịnh Công Sơn?

TC: Nói về Trịnh Công Sơn cho đến giờ phút này số đông vẫn rất quý trọng. Sự quý trọng đó cao tới mức người ta coi Trịnh Công Sơn như một thần tượng, cho nên khi đụng chạm vào những vấn đề đời thường, người ta cảm thấy như là thần tượng bị xúc phạm. Như một cuộc thi của một Công ty tại Huế muốn tổ chức, có một câu hỏi đề cập đến đời thường của Trịnh Công Sơn, tức đời sống sex, trong đó họ muốn khám phá vấn đề sex như là trong dư luận vẫn thường hay hỏi là Trịnh Công Sơn có khả năng hay không. Đây là một câu hỏi tôi cũng thường gặp. Đời thường nói với nhau không sao, nhưng mà khi đem ra công luận chắc chắn sẽ có sự va chạm đối với những người quí trọng Trịnh Công Sơn đến mức là họ không muốn ai đụng chạm tới đời tư của Trịnh Công Sơn cả. Phần lớn những sự phản đối ấy có lý do chính đáng của nó, nhất là đối với ở Việt Nam, một đất nước còn nằm trong hệ thống lễ giáo rất là cổ, rất là cũ, nêu lên vấn đề sex rất nhạy cảm, vì vậy phản ứng đó rất là dễ hiểu thôi. Riêng tôi, luôn luôn đánh giá rất tuyệt vời về sự đóng góp âm nhạc của Trịnh Công Sơn trong nền âm nhạc Việt Nam. Tôi rất yêu Trịnh Công Sơn vì một tình bạn, một con người rất là thú vị trong đời thường, nhưng tôi không có nghĩ Trịnh Công Sơn là một thần tượng ghê gớm đến mức là người ta không được phép chạm tới đời thường của ông ta. Đối với tôi, con người vẫn là con người, nên trả Trịnh Công Sơn về với đời thường, với một con người bình thường ngoài giá trị âm nhạc là giá trị gần như tuyệt đối chúng ta ai cũng thừa nhận, không ai quên được dòng nhạc tuyệt đẹp ấy. Nhưng về quan niệm thần tượng, tôi cho rằng, chúng ta nên tách ra làm hai, tài năng và đời thường, đừng gộp lại một để rồi chúng ta sẽ thất vọng. Chúng ta không nên thất vọng điều đó, bởi vì con người nên có đầy đủ những yếu tố sống, yếu tố nào cũng rất là đáng quý cả kể cả vấn đề sex, bởi vì sex là một vấn đề quyết định của con người, vấn đề tồn tại của con người, vấn đề tuyệt vời nhứt để con người sống trên cõi đời này.

VW: Đứng ở góc cạnh người thực hiện tổ chức hay là có thẩm quyền để đánh giá về con người Trịnh Công Sơn. Qua cuộc thi đó người ta đã hỏi gia đình Trịnh Công Sơn có đồng ý hay không? Người ta hỏi cơ sở chủ quản đó có đồng ý để tổ chức hay không? Câu trả lời là không. Nhưng mà người ta quên rằng, người ta không hỏi khán giả, những người yêu mến Trịnh Công Sơn có đồng ý hay không? Cuộc thi không thành công, không được thực hiện, câu trả lời chưa có. Trong một cương vị của ông, đi ra trong và ngoài nước, ông có nghĩ rằng trong ba yếu tố, gia đình và người có thẩm quyền với khán giả, ông cho rằng, yếu tố thứ ba, khán giả, có quan trọng để đóng góp hay trao đổi về một con người chúng ta yêu mến như Trịnh Công Sơn không?

TC: Chúng ta đang ở giữa hai môi trường, Việt Nam và hải ngoại. Môi trường hải ngoại có tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận từ lâu rồi, cho nên khi thấy một vấn đề như vậy ở Việt Nam, quý vị sẽ thấy hơi lạ, hơi khó chịu, nhưng mà ở trong nước đã quen với môi trường văn hóa tương đối khép, không mở như ở đây, cho nên trong điều kiện để coi điều kiện nào quan trọng hơn, gia đình, công chúng và cơ quan văn hóa. Ở trong môi trường như vậy làm những việc có liên quan đến những người như Trịnh Công Sơn, yếu tố quần chúng luôn luôn là yếu tố đứng thứ ba, bởi vì gia đình của Trịnh Công Sơn và những mối quan hệ thân hữu của ông ta rất quan trọng, họ cho phép hay không cho phép và khi họ đã nhờ tới những phương tiện truyền thông mạnh như báo chí can thiệp, chắc chắn là những tổ chức như vậy sẽ bị hủy bỏ, sẽ bị dẹp ngay. Thành ra, công chúng là thành phần chỉ được nhận hay không được nhận mà thôi, chớ không phải là yếu tố quyết định đòi phải cho bằng được. Tôi muốn nói thêm là Trịnh Công Sơn không phải là con người của riêng ai nữa, bởi vì một tài năng, một thiên tài âm nhạc là một con người của tất cả mọi người, những ai yêu âm nhạc ông ta đều thuộc về họ, chớ không phải của riêng gia đình hay của riêng của một nhóm người nào. Mặc dù gia đình và những người ấy có quyền đề cao Trịnh Công Sơn cũng như có quyền nhận những phần lợi nhuận do ông để lại, nhưng về mặt tinh thần, ông là của tất cả mọi người. Vì vậy, người ta muốn tìm hiểu về một con người, đó là quyền của mọi người. Không ai cấm một sinh viên làm một luận văn về Trịnh Công Sơn, không ai cấm một bà bán rau ở chợ đọc về những cuộc tình của Trịnh Công Sơn hay là không ai cấm một nhà báo viết về cuộc sống riêng tư của Trịnh Công Sơn. Bởi vì ngày nay ông Trịnh Công Sơn đã trở thành một con người mà ai cũng muốn biết rõ, về một thần tượng của họ sống ra rao, yêu ra sao, thất vọng ra sao… Tất cả đều là những vấn đề mà mọi người quan tâm đều có quyền tìm hiểu, nhưng vấn đề là tất cả những tìm hiểu ấy là vì một tấm lòng, vì muốn hiểu biết chớ không phải là sự lợi dụng. Những ai lợi dụng trên phương diện làm thương mại, mới đáng trách. Còn nếu tìm hiểu để cho mình có một kiến thức đầy đủ về một con người mà mình yêu quý, không có gì là không nên làm cả.

VW: Chúng ta đang ở thời đại tin học, tất cả thông tin đều có quyền được hiểu biết. Người làm thương mại có thể khai thác về mặt thương mại để mang lợi nhuận đến cho họ. Ông có nghĩ rằng dù dưới khía cạnh thương mại hay là nghiêm túc trong vấn đề tìm hiểu Trịnh Công Sơn, giá trị thông tin cuối cùng đến với đám đông có quan trọng không?

TC: Vấn đề mà khai thác về thương mại, chắc chắn là phải có sự sòng phẳng giữa việc thu lợi và việc trả tiền bản quyền, vấn đề đó có luật lệ, có sự hợp lý. Riêng về vấn đề thông tin cũng không thể phủ nhận vấn đề thương mại, đem lại cho những người thụ hưởng, những thông tin từ công việc thương mại, bao giờ cũng có hai mặt của vấn đề. Vì vậy, chúng ta cũng đừng nên lên án việc làm thương mại, bởi vì không có thương mại, không có phổ biến và không có ca tụng, việc nuôi dưỡng một nền văn hóa mà không có sự tiếp tay của thương mại, chúng ta sẽ rất thiệt thòi. Bởi vậy, phải đánh giá ở mặt tích cực của vấn đề thương mại, phải đi kèm theo sự sòng phẳng của lợi nhuận. Còn về thông tin về một con người, nhứt là những con người mà ai cũng biết, ai cũng muốn quan tâm, tại vì biết để làm gì, biết để rút ra cho mình một bài học, biết để thấy được một giá trị lớn lao của đất nước. Điều biết đó rất thú vị và thậm chí bổ sung cho đời sống kiến thức của con người.

VW: Thưa Họa sĩ Trịnh Cung, như vậy theo ông, những khuynh hướng muốn tìm hiểu hay thậm chí cho rằng khai thác Trịnh Công Sơn dưới khía cạnh thương mại, dưới xã hội thông tin này là cần thiết hay không?

TC: Rất cần thiết, tại vì đời sống ngày hôm nay là đời sống thương mại, đời sống kinh tế thị trường. Do đó, không có sự hoạt động của thương mại, đời sống sẽ là đời sống chết. Lúc Trịnh Công Sơn còn sống, tôi đã ngồi bên cạnh và Sơn đã nói với tôi, trong một buổi chiều ở Sàigòn rằng là, khi gia đình đặt vấn đề bản quyền là không được giao cho người ngoài, Sơn có nói rằng là, chúng ta ngày hôm nay có được sự nghiệp như thế này, có một tên tuổi mà hằng triệu triệu người biết đến, không có ca sĩ làm sao chúng ta có được ngày này. Bởi vậy cho nên, đồng tiền bản quyền mà chúng ta nhận ở những ca sĩ không đáng là bao nhiêu, nhưng điều mà họ mang lại cho chúng ta sự vang dội, đi vào lòng hằng triệu con người không phải là điều có thể làm được một cách dễ dàng. Điều này, tôi rất phục Trịnh Công Sơn, bởi vì anh ta đã có một nhận thức rất ư là sâu xa, rất ư là cởi mở và thậm chí là nhìn vấn đề rất là sòng phẳng.

VW: Thưa anh nhân nói đến ca sĩ, Khánh Ly là một trong những tên tuổi không thể phủ nhận sự gắn liền giọng hát của cô với nhạc Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, chính trong khúc mắc, thời điểm mà Trịnh Công Sơn nằm xuống cách đây vài năm, vấn đề tác quyền, vấn đề sử dụng nhạc, cho nên tên tuổi của chị với Trịnh Công Sơn vẫn là vấn đề húy kỵ. Ở hải ngoại hiện nay, tất cả những dự tính của Khánh Ly với Trịnh Công Sơn đều luôn luôn phải đặt lại và luôn luôn phải xem lại. Cho nên, chúng ta đã bị gò bó, chúng ta đã bị cơ hữu hóa, tiếng hát đó cũng không còn thuần túy là Trịnh Công Sơn nữa bởi những điều tiếng qua lại về vấn đề thương mại. Với những sự gò bó đó, ông có nghĩ rằng sẽ phần nào làm móp méo hay là hạn chế hình ảnh đẹp của Trịnh Công Sơn bởi vì gia đình hoặc là bởi vì những định chế đặt ra đối với tiếng hát Khánh Ly và Trịnh Công Sơn hay không?

TC: Khánh Ly là một huyền thoại đối với nhạc Trịnh Công Sơn, cho đến giờ phút này và ý tưởng này sẽ không có gì thay đổi đâu. Nhưng mà về vấn đề tác quyền, Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn cũng có xảy ra một số dư luận. Tôi thấy Trịnh Công Sơn không coi việc đó quan trọng tới mức là phải đòi Khánh Ly làm nhiệm vụ của một người khai thác nhạc Trịnh Công Sơn như là những người khác nghĩ. Bởi vì Sơn là người hiểu hơn ai hết về sự hiện diện của Trịnh Công Sơn trong cuộc đời âm nhạc của mình và anh ta, lẽ dĩ nhiên cũng có những than phiền, những lúc mà bất chợt thôi, chớ còn thực ra khi xét vấn đề một cách lớn, Trịnh Công Sơn thường không coi vấn đề giữa Khánh Ly với Trịnh Công Sơn về bản quyền là vấn đề quan trọng. Nhưng mà Trịnh Công Sơn như chúng ta đã biết, anh ta không phải sống một mình, anh ta có một đời sống gia đình rất là chặt chẽ, và lẽ nhiên, những người thân xung quanh anh có tác động tới vấn đề bản quyền, vì vậy, từ đó sinh ra những dư luận qua lại giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ rằng, Khánh Ly cũng đừng buồn về những điều đó và cũng không nên giận, vì có một sự đòi hỏi nào giữa gia đình Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, mà chúng ta đang sống ở thời đại luật pháp, luật tác quyền được thực hiện trên toàn thế giới, cho nên giữa người hát và các tác giả nên có sự thương lượng với nhau, có sự rõ ràng với nhau, mọi việc sẽ kết thúc và vẫn giữ được tình với nhau. Tôi cảm thấy là, đối với người Việt Nam chưa quen trò chơi luật lệ, cho nên vấn đề này đang là một trở ngại, các ca sĩ ở Việt Nam không phải dễ dàng để hát nhạc Trịnh Công Sơn, trừ khi là hát miễn phí, còn nếu hát mà thu lợi nhuận, vấn đề bản quyền luôn luôn được đặt ra, cho nên lớp ca sĩ trẻ ngày nay họ không hát nhạc Trịnh Công Sơn bao nhiêu và giới trẻ ngày nay cũng không cần phải nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Điều này là một thực tế. Cho nên chúng ta cần phải suy nghĩ lại là, có nên thực hiện nghiêm chỉnh quá về vấn đề luật bản quyền không, để nuôi dưỡng một dòng nhạc vốn đã không hợp thời với các thế hệ tám X hay là trong tương lai là chín, mười X, không thích hợp và bây giờ dòng nhạc thích hợp với đám trẻ là Rock, Hip Hop, R&B và v.v... Cho nên ở Việt Nam giới ca sĩ trẻ đều loại hát nhạc bình dân, loại mì ăn liền mà vẫn được vỗ tay, cát xê vẫn cao, như vậy hà cớ gì phải hát nhạc Trịnh Công Sơn cho khó khăn vì vấn đề tác quyền. Điều này tôi cho rằng cần phải suy nghĩ lại, nên có một cách nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn để cho các ca sĩ thực hiện phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn một cách rộng rãi hơn. Chúng ta thử quay lại những thập niên 60, 70 có ai hỏi về tác quyền đâu và nếu có sự đó, làm sao mà dòng nhạc này mạnh và phổ biến sâu rộng đến như vậy. Chúng ta phải cân nhắc lại giữa quyền lợi đồng tiền và quyền lợi bonus vô hình, một tài sản vô hình lớn hơn nhiều đồng tiền mà nhận lại ở tác quyền, đó là tình yêu và sự nuôi dưỡng nhạc Trịnh Công Sơn ở nhiều thế hệ tới. Chúng ta nên nghĩ tương lai của nó hơn là đồng tiền.

VW: Không riêng gì vấn đề nhạc Trịnh Công Sơn và kể cả những người bạn như ông chẳng hạn, như thực hiện cuốn sách tập hợp những bài viết, làm sao để không bị lấn cấn bởi vấn đề là viết như vậy có bị gia đình phản đối về tác quyền hay không, bị người ta cho rằng có lợi dụng hay không, làm sao giải thoát được bóng đen đó?

TC: Việc người ta nghĩ là những người bạn của Trịnh Công Sơn làm những việc gì đó về Trịnh Công Sơn có thể là đang lợi dụng, mình không cấm được họ suy nghĩ như vậy, bởi vì họ coi Trịnh Công Sơn là một tài sản riêng, mà nếu mình đụng chạm vào có nghĩa là mình đụng chạm vào tài sản của họ. Điều đó cũng là thường thôi. Nhưng mà chúng tôi phải vượt qua tất cả những dư luận như vậy để làm, bởi vì nếu không có những người ngoài, những người bạn nói về Trịnh Công Sơn, nhắc về Trịnh Công Sơn, ai sẽ làm. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận những tai tiếng để vì một điều chung của mọi người Việt Nam mà làm chớ không phải vì một vài người thân của Trịnh Công Sơn để phải khép mình lại vì sợ. Bởi vì chúng tôi không nổi tiếng bằng những việc làm cho Trịnh Công Sơn, chúng tôi đã có những vị trí của chúng tôi trong xã hội Việt Nam, trong thế giới văn nghệ Việt Nam, chúng tôi đã có chỗ đứng, chúng tôi có sự nghiệp riêng. Khi chúng tôi nói về Trịnh Công Sơn là nói về một tài năng của mọi người đáng yêu và mọi người đang yêu và chúng tôi cũng đang yêu, vậy thôi chớ không có cần thiết một điều gì trong đó cả.

VW: Và vì lý do đó ông có mặt ở Mỹ để giúp các bạn trẻ thực hiện đêm Phúc Âm Buồn vào cuối tuần này?

TC: Đúng là như vậy. Khi tôi nghe nhóm trẻ thực hiện về một Nhạc sĩ gần như là thuộc về thế hệ trước, nhất là nhóm trẻ ở Mỹ, đến trường nói tiếng Anh, về nhà nói tiếng Anh, ra phố nói tiếng Anh, vậy mà lại hát nhạc Việt Nam, lại hát nhạc Trịnh Công Sơn, lời lẽ khá phức tạp, ngay cả với người lớn đôi khi có những từ không hiểu mà các bạn đã phổ biến và say mê, tại sao mình không giúp cho các bạn để làm một cái gì đó cho Trịnh Công Sơn vẫn tồn tại trên cuộc đời này, nhứt là ở hải ngoại.

VW: Xin ông cho biết rằng những suy nghĩ của ông có thể sẽ gây ra một số những phản ứng của đám đông, tại sao ông lại nói thẳng những suy nghĩ của ông như vậy?

TC: Đây là những suy nghĩ của một người mà thời gian trên cuộc đời này không còn bao nhiêu nữa. Không phải vì những điều mà tôi nói sẽ xúc phạm tới một số người nào đó, nếu có sự xúc phạm đó cho tôi được xin lỗi và tôi muốn bày tỏ những cảm nghĩ của tôi không thể mang đi theo về bên kia thế giới mà tôi muốn để lại những cảm nghĩ này trên cuộc đời này như một điều muốn nói với những thế hệ sau về một tài năng lớn của âm nhạc Việt Nam, Trịnh Công Sơn.



nguồn: VW
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho