tin tức




Sức sống của ca khúc

--- Thiên Lang ---


Ca khúc của Trịnh Công Sơn là một hiện tượng đặc biệt, đã “hạnh ngộ” cùng giọng hát Khánh Ly

Những tác giả lớn bao giờ cũng in hằn dấu ấn của họ trong tác phẩm. Những giọng ca lớn bao giờ cũng có cái riêng, không trộn lẫn khi chuyển tải thông điệp thẩm mỹ của ca khúc. Và để có cuộc gặp gỡ của những cái thực sự lớn như thế, nhiều khi những cơ may tính bằng năm hay vài chục năm.

Sức sống của một ca khúc phụ thuộc nhiều yếu tố, có thứ nằm trong bản thân ca khúc, tức là ở ngay văn bản do ca khúc gia viết ra, và có thứ nằm ngoài văn bản.
Ở văn bản là những gì thuộc tài năng của người viết như giai điệu và lời ca, còn nằm ngoài văn bản là giọng hát của ca sĩ hay phần hòa âm/phối khí. Không kể trong đời sống ca nhạc hiện nay, tai nghe gắn với mắt nhìn, còn nhiều yếu tố quan trọng tham gia vào việc tạo hình một ca khúc như thiết kế sân khấu, ánh sáng, vũ đạo... Thành công của một ca khúc không chỉ phụ thuộc vào tài năng âm nhạc của người viết ca khúc mà phụ thuộc vào nhiều người khác. Đôi khi, tài năng của người viết ca khúc chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn.

Cuộc kết hợp trong âm nhạc của cặp Lê Minh Sơn - Thanh Lam là cuộc kết hợp đầy may rủi

Dĩ nhiên, có bột mới gột nên hồ, có giai điệu và lời ca mới có ca khúc, nhưng có thể có rất ít bột mà hồ vẫn đặc, giai điệu và ca từ đều... xoàng vẫn làm nên một hiện tượng, dẫu chỉ là hiện tượng thị trường.

Còn một ca khúc thật đẹp ngay từ văn bản, giai điệu và lời ca đặc sắc, “bị” một giọng ca karaoke trình diễn thì kết quả “đổ sông đổ biển” dễ đến 99%! Vì vậy mà cuộc tìm kiếm những giọng ca vàng luôn luôn là tâm điểm của đời sống ca nhạc.
Nhiều nhạc sĩ tư duy giai điệu của mình từ ấn tượng về một giọng hát, viết ca khúc dành cho giọng hát đó và đặt cược sức sống tác phẩm của mình bằng giọng hát mà mình lựa chọn. Việc này cũng giống như các nhạc sĩ khí nhạc tư duy tác phẩm không phải bằng những nhạc cụ “trừu tượng” mà là trên tính năng, tầm cữ và âm sắc của từng nhạc cụ cụ thể. Việc chuyển biên (transcription) tác phẩm khí nhạc vốn viết cho nhạc cụ này - hoặc cho cả dàn nhạc - sang cho nhạc cụ kia là một quy trình khác hẳn, tác phẩm chuyển biên thường do một nhạc sĩ khác thực hiện (ví dụ, F.Liszt chuyển biên Giao hưởng số 6 F major - “Pastoral” - của L.V.Beethoven cho piano).

Trong lịch sử nhạc Việt, ca khúc của Trịnh Công Sơn là hiện tượng đặc biệt. Những giá trị tự thân của ca khúc Trịnh Công Sơn, phần lớn nằm ở ca từ. Những ca khúc có giai điệu lạ hoặc có cấu trúc phức tạp chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong gia tài ca khúc của ông. Nhưng, nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn lại “thống trị bảng xếp hạng” ca khúc Việt cho đến tận thời điểm này, nếu như chúng ta có một bảng xếp hạng kiểu Billboard.

Tâm cảm của nhạc sĩ họ Trịnh hay sức quyến rũ “vượt thời gian” của những hình tượng âm nhạc đã trở nên quen thuộc với công chúng vốn nằm ở lời ca đầy chất thơ, ở những thi ảnh, sức liên tưởng... trong ngôn ngữ ca từ. Những đặc sắc của ngôn ngữ ca từ lại phải được chuyển tải bằng một... giọng hát tương thích. Ca khúc Trịnh Công Sơn đã “hạnh ngộ” với giọng hát chân phương, tròn vành rõ chữ nhưng đầy tâm trạng của Khánh Ly đã góp phần quan trọng tạo nên hiện tượng Trịnh Công Sơn.

Ngược lại, những tình khúc Trịnh Công Sơn cũng đưa giọng hát Khánh Ly thành một tượng đài. Một số giọng hát sau này cũng tạo dấu ấn với nhạc Trịnh như Hồng Nhung với ca khúc Đóa hoa vô thường, Mỹ Linh với Đêm thấy ta là thác đổ… , nhưng con số đó không nhiều và thực sự cũng không còn nhiều “đất” để có thể tạo nên hiện tượng nữa. Ngay cả việc “phá cách” nhạc Trịnh của một vài ca sĩ hiện nay cũng có thể coi là những nỗ lực nhằm khẳng định mình trong từ trường “theo/chống, học tập/vượt qua” Khánh Ly.

Một ca khúc để đời ngay khi xuất hiện đã gắn liền với một giọng ca xuất sắc như thể “trời sinh ra thế”: Imagine với giọng hát John Lennon, Sacrifice với Elton John, I will always love you với Whitney Houston... Và khi nghe lại, dù ở bất kỳ dạng nào, do một ca sĩ khác hát hay chuyển biên cho nhạc cụ/dàn nhạc, chúng ta đều nghe trong từ trường của ấn tượng, của cảm xúc, của hồi ức về giọng ca đã “đóng đinh” ca khúc ấy thuở ban đầu. Giọng ca khác, muốn khẳng định giá trị, phải nỗ lực gấp đôi để chính mình thoát khỏi và đưa người nghe thoát khỏi từ trường này, đồng thời tạo ra một từ trường mới. Mà một ca khúc, hay một chùm ca khúc, của một tác giả đã thành danh cũng chỉ là một rẻo đất nhỏ, không dễ vẫy vùng. Chính vì thế, những ca sĩ có ý thức nghề nghiệp cao luôn đi tìm một “miền Viễn Tây” thưa vắng dấu ngựa xe, hy vọng nó sẽ là miền đất vàng Eldorado làm bệ phóng đưa giọng hát của mình vào quỹ đạo.

Vậy là, nhạc sĩ thì đi tìm giọng hát “trời cho riêng”, còn ca sĩ thì đi tìm một ca khúc “đo ni đóng giày” cho giọng hát của mình hoặc may mắn hơn là tìm được một tác giả “duyên số” đang chờ mình ở ngã ba nào đó trên hành trình nghề nghiệp. Có ca sĩ có thể hát bất kỳ bài hát nào của bất kỳ tác giả nào cũng thành công, có ca sĩ chỉ bật lên nhờ một ca khúc “trúng tủ” hay một tác giả “ăn rơ” mà thôi. Nhưng, một giọng ca độc đáo cũng như một người viết ca khúc có phong cách đặc thù thì dứt khoát phải tìm thấy “nửa kia” của mình trong đời sống âm nhạc, nếu muốn trở thành “hiện tượng”. Những tuyên bố ồn ào của cặp Lê Minh Sơn - Thanh Lam hồi nào chẳng hạn, phản ánh xúc cảm của những người trong cuộc chơi “hide and seek” (trốn tìm) đầy may rủi, cần được hiểu và thông cảm. Còn việc thành công hay thất bại thì... hồi sau sẽ rõ!



nguồn: thanhnien.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho