tin tức




Oan Khiên Nực Cười: Giải Khăn Sô Cho Huế và phim “Ðất Khổ”

--- Nguyễn Xuân Nghĩa ---


Tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân trong Giai phẩm Việt Báo Xuân Mậu Tý vừa xuất bản bỗng soi ra nhiều chuyện bất ngờ từ một cuốn phim đã bị lãng quên là phim "Đất Khổ".

Số báo Xuân nhắc tới "Giải khăn sô cho Huế" của Nhã Ca và cuốn phim "Đất Khổ" được dựng lên một phần từ cuốn sách, do Hà Thúc Cần làm đạo diễn, Nguyễn Bá Hùng sản xuất, Nhã Ca viết đối thoại, với các diễn viên như Kim Cương, Bích Hợp, Lê Thương, Trịnh Công Sơn, Vân Quỳnh v.v... Đinh Từ Bích Thúy, giám đốc một Film Festival tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, là người nêu vấn đề trong bài "Phim Đất Khổ, một tạo tác lạ kỳ", và nối tiếp, chủ biên tờ báo Xuân đã tìm lại và ghi xuống những kỷ niệm và hình ảnh của một số người trong cuộc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ được coi là tinh hoa của miền Nam, về một biến cố đau thương của đất nước, với cái nhìn rất nhân bản...

Nỗi ngậm ngùi của mọi người là khi thấy cuốn sách "Giải khăn sô cho Huế" bị cộng sản trưng bày trong "Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy", cuốn phim Đất Khổ xưa kia bị cấm chiếu tại Sàigòn nay tái xuất hiện tại Hoa Kỳ, với lá cờ đỏ sao vàng trên bìa.

Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca khi thành phim Đất Khổ bị cắm cờ oan khiên đến hai lần!

Ngay sau khi phát hành, tờ báo Xuân được "Fedex" qua Paris để trao tận tay ông Nguyễn Bá Hùng, cùng với cuốn phim ông đã bỏ tiền sản xuất mà chưa hề được xem trọn vẹn, và cũng chẳng thu lại một đồng. Khi ấy chúng ta lại khám phá ra một chuyện ly kỳ khác về "Đất Khổ".

Nhà sản xuất cuốn phim lặng lẽ ngồi xem tác phẩm và tờ báo rồi gọi qua California để cám ơn Việt Báo và nói chuyện:

Năm ấy, doanh gia Nguyễn Bá Hùng đang ở Paris và tài trợ việc thực hiện cuốn phim vì thấy đó là một việc phải làm. Tại Việt Nam, sau khi Hà Thúc Cần quay xong tác phẩm từ mùa Thu năm 1971 qua đầu năm 1972 thì ông gửi bộ phim qua Nhật để rửa. Kết quả là một thất bại lớn về kỹ thuật. Hà Thúc Cần lại gọi qua nhà sản xuất đang ở bên Pháp để cầu cứu. Tại Paris, ông Hùng liên lạc với các phim trường Pháp để tìm cách giải quyết vấn đề: hãy gửi phim qua rửa tại Pháp!

Đấy cũng là lý do vì sao tấm bích chương quảng cáo cuốn phim lại là tiếng Pháp!

Ngẫm lại toàn chuyện, ông Nguyễn Bá Hùng cười thành tiếng qua điện thoại. Đất Khổ có định mệnh cũng lạ: thực hiện ở trong Nam, chạy qua Nhật qua Tây rồi nay lại tái sinh trên đất Mỹ với cái bìa là... cờ đỏ sao vàng. Ngần ấy quốc gia đều có liên hệ đến lịch sử cận đại của Việt Nam!

Không nực cười sao?

Từ một thế giới thu hẹp của phim Đất Khổ mà suy ra chuyện lớn của đất nước, nếu Hoa Kỳ ngày nay có bắt tay với lá cờ đỏ để tính chuyện làm ăn thì cũng là... hợp quy luật! Cái khác ở đây là tư bản chủ nghĩa làm ăn cũng có lề lối quy củ hơn xã hội chủ nghĩa. Và những người ngây thơ nhất của họ cũng hiểu ra lẽ phải quấy, thấy sai thì sửa, miễn là được biết là sai.

Vì, như Việt Báo số ra ngày đầu tuần đã loan báo tin mới nhất: sau khi vấn đề được nêu ra trong báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý và trên tạp chí văn chương Da Màu trên mạng internet, cuốn phim đã được khẩn cấp đổi bìa!



nguồn: damau.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho