tin tức




Người làm đá cuội lăn trên gót hài

--- Kiến Giang ---


Lỡ thì tuổi học, hơn 15 năm mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp ở Dốc Ma, ông vẫn miệt mài nghiên bút học thư họa. Không có tiền mua giấy đẹp, tác giả đành họa nhạc của Trịnh Công Sơn lên mặt sau tờ lịch cũ và trên những hòn đá tự nhiên, nhưng đó là những tuyệt tác khiến nhiều người mê mẩn...

Ông là Lê Đàn, sinh năm 1952 tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1954 ông theo bố mẹ chuyển vào Quảng Trị. Hiện ông sống cùng với vợ và 3 người con trong một ngôi nhà nhỏ tại 218 Chu Mạnh Trinh, thị xã Đông Hà. Năm 1975, vì gia đình nghèo khó lại không ai nuôi dưỡng mẹ già nên ông phải bỏ giữa chừng Khoa Việt-Hán, Đại học Văn khoa Huế. Về quê, ông sắm đồ sửa xe đạp, hành nghề ở Dốc Ma, mãi đến năm 2000 mới nghỉ vì sức khỏe yếu.

Dáng người cao dong dỏng, cùng với cái kính cận dày trên khuôn mặt nhỏ, có chút gì đó từa tựa khiến người ta liên tưởng đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa. Dù ông luôn miệng chưa nhận mình viết, vẽ đẹp, nhưng với tôi, ông đúng là một họa sĩ. Ông tâm sự: "Vì mình mê nhạc Trịnh quá, từ hồi còn phong trào học sinh-sinh viên, tụi mình đã thuộc nhiều bài rồi, ngâm nga như một thứ bảo bối bỏ túi. Nhạc Trịnh nó từ từ trôi chảy như dòng đời, nhẹ nhàng mà sâu lắng, ai nghe cũng thấy như có mình ở trong đó vậy. Mình biết ở các nơi khác người ta viết vẽ này nọ thì tại sao mình không thử làm. Tìm mua được quyển thư pháp nhập môn tái bản Tục thư phổ của Khương Bạch Thạch ở đời nhà Tống thì mừng lắm".

Luyện suốt hai năm, ông viết vẽ thành thạo. Tác phẩm của ông hội tụ nhiều yếu tố. Liếc qua cũng cảm nhận được chân dung đó của ai, nếu có quen, hoặc đơn thuần chỉ là gương mặt duyên dáng của cô thôn nữ đôi mươi, nhưng nhìn kỹ, ngẫm nghĩ sẽ đọc được một câu nào đó của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đấy chính là cái thần của sự chấm phá. Ví như tựa đề Một cõi đi về, ông "biến" thành chân dung Bồ Đề Đạt Ma trên cả giấy và đá. Ông bảo đang nghiên cứu đưa câu này thành chân dung của nhạc sĩ. Dưới mỗi chân dung bằng chữ ấy ông viết một hai dòng nhạc hoặc câu danh ngôn nào đó bằng thư pháp.

Để tạc vào đá quả là khó và công phu. Đầu tiên ông chọn mua những cục đá có dáng dấp, hình hài rồi chọn lại lần nữa. Sau đó đem rửa sạch, phơi khô, đánh dầu bóng. Công đoạn tiếp theo, cất vào nhà chờ... tôn vinh cái đẹp. Ông giới thiệu: "Viên này có hình rất giống chiếc hài nên mình đề câu: Tôi xin làm đá cuội và lăn trên gót hài. Nó nhỏ nhưng khi mình kê lên một viên nền khác thì có đôi có cặp ngay!".

Có khi một tuần, khi một tháng mới hoàn thành một bức. Có ý tưởng nào hay thì ông lại thêm vào cho đầy đủ. Nhiều lúc đang nằm ngủ nhưng chợt tỉnh, lóe ý tưởng, ông lập tức bật dậy cầm bút, dù 2 hay 3 giờ sáng. Còn chuyện vợ con gọi ăn cơm mà ông vẫn say sưa vẽ thì như cơm bữa, nhiều lúc cũng bị la. Nhưng qua đôi mắt của bà Lê - vợ ông, tôi hiểu được niềm vui và sự hãnh diện. Bà ấy cũng là một người yêu thích nhạc Trịnh, thỉnh thoảng ông đánh đàn guitar cho bà hát, các con cùng nghe. Một số người biết, hễ có việc gì họ tìm đến nhờ ông cho vài chữ thư pháp về treo với giá "vui vẻ là chính". Dịp sinh nhật hay muốn tặng người trong mộng, nhiều học sinh cũng nhờ ông giúp vài bức miễn phí.

Hiện ông đã sáng tác gần 100 bức thư họa nhạc Trịnh và hơn 50 bức cho các đề tài khác. Có người bạn đang giúp ông in một quyển sách làm kỷ niệm. Ông ao ước: "Mình thích nhất câu: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Trong cuộc sống hằng ngày, chỉ thế thôi là dư đủ. Nếu được tặng một vài bức cho người thân của cố nhạc sĩ thì quá vui".



nguồn: thanhnien.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho