tưởng niệm




Phố Sơn

--- Không rõ tác giả ---


Trịnh Công Sơn không vẽ phố bằng màu sắc, hình khối như "Phố Phái", mà bằng âm nhạc và ngôn từ. Phố của ông đẹp, rất Sơn, nên xin được gọi đó là Phố Sơn.

Phố tình buồn

Có thể nói Trịnh Công Sơn (ảnh) là người bị ám ảnh bởi những con phố. Phố của Sơn là phố của những cuộc tình, hò hẹn, yêu thương và chia xa. Phố hoang vu buồn càng thêm tê tái như "Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố, thành phố hoang vu" (Tình xa), "Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những quán không. Bàn im hơi bên ghế ngồi, ngày đi đêm tới đã vắng tiếng người" (Nghe những tàn phai).

Trịnh Công Sơn thích "vẽ" tranh phố về đêm, nên phố của ông nhiều cô đơn. Trong mảng màu đen của đêm chỉ ánh lên chút sáng vàng vọt của đèn đường. Với Sơn, phố gắn liền với hình bóng em, thế mà em ra đi để lại ông một mình với phố. Đã vậy lại còn mưa nữa, sao không tủi thân cho được? "Ngày mai em đi cồn đá rêu phong rũ buồn, đèn phố nghe mưa tủi hờn" (Biển nhớ).

Em của Sơn cứ từng người bỏ ông đi, nhưng ông vẫn nhớ và mong em quay về. "Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em" (Chiều một mình qua phố). Ông chờ hoài đến mộng mị, "Dưới đường phố kia có người nhớ em nằm mộng suốt đêm trong thiên đường" (Cho đời chút ơn). Để rồi ông hy vọng ngày nào đó em sẽ trở về, nhẹ nhàng về với ông và với phố, "Đời nhẹ nâng bước chân em, về lại trong phố thênh thang" (Đời gọi em biết bao lần).

Mỗi người tình trở về đều mang cho ông cảm xúc riêng, có lúc mênh mông, đôi khi ấm áp. Chỉ một nét vẽ bờ môi của em thôi, bức tranh con phố mùa đông thêm một màu mạnh, "Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng". Có lúc cao hứng, ông háo hức như trẻ thơ, rằng "Ngoài phố kia loài người đã về" (Em hãy ngủ đi).

Phố xa xưa

Mỗi phố xưa của em là phố của một trong những mối tình của Sơn. Nơi hai người tới lui nhiều đến nỗi phố cũng biết nhớ tên người. Cho nên khi em xa, ông băn khoăn không biết em có "Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân" (Em còn nhớ hay em đã quên). Có người bảo đó là con phố ở Huế, nơi có căn nhà ông sống suốt thời ấu thơ. Nhưng thế thì không phải là con phố trong nỗi bơ vơ và niềm hoài nhớ của Sơn.

Con phố xưa xa lơ lắc trong thiên thu, đó là cội nguồn, là cát bụi, là chốn quê nhà. Có lúc Sơn khát khao về với con phố nằm trong cõi vĩnh hằng đó để ngủ vùi một giấc, nên ông thảng thốt "Về trong phố xưa tôi nằm. Có lần nghe tiếng ru bên thềm. Nhiều khi muốn đi về con phố xa" (Lời thiên thu gọi). Có khi ông nhớ về phố xưa đó lắm, "Đôi khi nắng qua phố xưa làm tôi nhớ" (Rồi như đá ngây ngô). Ông nhớ như trẻ nhớ nhà, nhớ quay quắt như có thác đổ trong lòng, "Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà, từ những phố kia tôi về" (Đêm thấy ta là thác đổ). Đôi khi con phố là quê quán xưa gợi nhớ trong ông sự trở về nên ông đã từng "Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa". Khi ấy cũng chính là lúc Sơn nằm mơ "Tôi thấy tôi qua đời".

Phố tình buồn quá buồn. Phố xa xưa còn buồn hơn. Vì vậy, đôi khi Sơn thấy bơ vơ quá, sợ hãi quá mà thốt lên "Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày" (Ru ta ngậm ngùi). Trịnh Công Sơn thèm một con phố vui, đông người cười nói để bớt cô đơn. Nhưng mãi hoài ông không tìm thấy, đành phải trở về với phố xưa trong cõi thiên thu..



nguồn: Lao Động
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho