tin tức




Đêm Nhạc Thính Phòng Trịnh Công Sơn

--- Thái Hoà ---


Lausanne 26-3-2005


Ca sĩ : Khánh Ly, Thái Hoà

Lời Bạt của anh Nguyễn Tấn Trung
Không đợi chờ những cánh én vờn bay báo hiệu, không đợi chờ những nụ hoa mai, hoa đào chớm hé, chỉ cần một cơn gió nhẹ, se se lạnh làn da giữa đêm dài trở giấc, chỉ cần một vài sợi mưa bay lất phất và chỉ cần vài giọt nắng lung linh, ta đã nghe mùa xuân đang đến gần mình và nhận biết đất trời vươn vai đổi mới. Một mùa xuân đang tới, vâng thưa quí vị và các bạn, mùa xuân đang tới và trở về với chúng ta. Mùa xuân mở ra một chân trời rộng mở, tràn ngập bao hy vọng, niềm tin, mộng ước, nhưng vẫn có những giây phút chúng ta nhìn lại quá khứ, nhớ từng kỷ niệm buồn vui đã trôi qua đời mình. Anh Trịnh Công Sơn đã viết về những ngày xưa như sau "Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên". Đêm hôm nay, chúng tôi xin được hân hạnh mời quí vị và các bạn cùng chúng tôi mang kỷ niệm trở về với hiện tại, níu kéo quá khứ ra khỏi lãng quên bằng những khúc nhạc, lời ca và những kỷ niệm sống với anh Trịnh Công Sơn qua hai người bạn của chúng tôi, đó là ca sĩ Khánh Ly và anh Thái Hòa.

Chương trình đêm hôm nay được đúc kết bằng hai phần : phần đầu là phần trình diễn chủ yếu của chị Khánh Ly và anh Thái Hòa, lồng trong những ca khúc bất hủ mà chị Khánh Ly và anh Thái Hòa muốn chia sẻ cảm xúc tuyệt đỉnh của mình với các quí vị. Sau đó là phần giải lao khoảng 45 phút để chị Khánh Ly và anh Thái Hoà có cơ hội giới thiệu với quí vị và các bạn những CD mới. Và kết thúc là phần nhạc yêu cầu của các quí vị. Chúng tôi có để sẵn trên mỗi bàn một tờ giấy mà quí vị có thể viết những bản nhạc mà quí vị ưa thích để yêu cầu chị Khánh Ly hay anh Thái Hòa diễn cảm.
Thưa quí vị và các bạn, một người bạn có nhắc chúng tôi là chị Khánh Ly đã hát lần đầu tiên ở Lausanne vào khoảng năm 1969, đó cũng là lần đầu mà chị Khánh Ly xuất ngoại để đi hát ở nước ngoài với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và chị Thanh Lan. Đêm hôm nay, cũng ở thành phố Lausanne này, chị Khánh Ly sẽ trở lại với chúng ta trong lần trình diễn độc nhất tại Thụy Sĩ. Chúng tôi xin quí vị cùng chúng tôi đón tiếp ca sĩ Khánh Ly với những trân trọng và quí mến nhất của những người Việt ở Thụy Sĩ và ở Châu Âu. Xin quí vị một tràng pháo tay nồng nhiệt nhất cho người ca sĩ mà chúng tôi coi như một loại cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

Chị Khánh Ly có viết rằng : những ngày nắng nhẹ nhàng. Những đêm mưa dịu dàng. Những bình minh rực rỡ. Những hoàng hôn cô lẻ. Đâu có ai để ý. Chỉ riêng mình tôi lặng lẽ trên con dốc dài, bên dòng suối nhỏ, giữa bao la hoang dại, cố gắng hít cho đầy buồng phổi của mình hương thơm của đất trời hoa cỏ. Để thân tặng chị Khánh Ly, tôi xin đọc một đoạn thơ để gởi về nơi chốn ấy :

Thế nào tôi cũng về miền núi
Để đứng ngậm ngùi dưới mái xưa
Dốc lên trường cũ còn hoa bướm
Người có hao gầy với gió mưa

Thế nào tôi cũng về miền núi
Để thở đầy trời thông ngát hương
Còn ai má đỏ qua hồ vắng
Chuông có reo vang nóc giáo đường

Sau đây tôi xin nhường lời lại cho chị Khánh Ly sẽ dẫn dắt và điều khiển chương trình đêm hôm nay.
Thưa quí vị và các bạn, nói như thi sĩ Sương Mai "Hãy nâng ly cùng cạn chén rượu mừng các bạn nhé". Dù các quí vị nào không biết uống rượu thì chỉ nhấp một chút thôi, ban tổ chức xin thân ái chúc quí vị và các bạn một mùa xuân thật đầm ấm, yêu thương, một năm mới phía trước tràn đầy ước mơ hy vọng và thành đạt.
Xin cám ơn chị Phương Thảo, chị Tuyết Vân, chị Mai, anh Thanh Tuấn, anh Văn Sang, anh Đăng Khoa.


Trước khi vào chương trình Khánh Ly có lời tâm sự với khán giả , vừa mới sinh nhật tuổi 60, không còn trẻ nữa, những gì gắn bó với khán giả là những kỷ niệm với nhau suốt 40 năm sinh hoạt văn nghệ của Khánh Ly, do đó không thể nào tìm được ở Khánh Ly cái tươi trẻ của một thiếu nữ tuổi 18 và giọng hát của một cô gái mới 20, chỉ với niềm hy vọng Khánh Ly tạo được niềm hạnh phúc cho người nghe trong một buổi chiều.


Khánh Ly
Người con gái Việt nam 1965
Biển nhớ 1962
Còn tuổi nào cho em 1964
Diễm xưa 1960

Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng của năm 1967. Chúng tôi những người bạn nghèo, đến với nhau, gắn bó không ngờ. Gia đình anh giầu, gia đình Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang cũng giầu, nhưng cá nhân chúng tôi đều nghèo. Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cũng hút, một ly cafe cũng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhầu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nảy mầm ở đó. Quán Văn, cái tên quán dễ nhớ và dễ thương, mọc lên chơ vơ giữa lòng Saigon trăm ngàn màu sắc. Những tấm ván ép hư bể, được ghép lại, nhỏ hơn cái bếp ở đây, chỉ dành làm chỗ pha cafe. Mọi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Ðó là nơi gặp gỡ đẹp đẽ nhất của một thời tôi còn trẻ.
Chúng tôi không hề biết ngoài đời có gì vui. Chúng tôi không cần biết vì niềm vui đã có. Rất đơn sơ mà thắm thiết không rời. Ðến với nhau qua sự run rủi của định mệnh. Không thề thốt, không hứa hẹn. Ðến và ngồi với nhau. Một lần rồi thì có nghĩa là mãi mãi. Giang đó, Sơn đó, Nhuận đó, Thảo đó, Anh và tôi... từ những ngày lăn lóc đó cho đến bây giờ vẫn không dời đổi. Qua những bài hát của anh, sự kết hợp những người trẻ thật khít khao vừa vặn. Ai đến cũng được, ai đi cũng được...
"Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...". Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh dành cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Ðời cơm áo quả thật đã cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè đã chẳng bao giờ tôi quên... dù đời sống có làm tan vỡ, có làm chìm sâu những mơ ước của một đời người - thì trong trái tim bầm dập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất...
Khánh Ly (Trích Tạp Chí Văn Nghệ Số 1.2000)


Thái Hòa
Trong nỗi đau tình cờ 1981
Lặng lẽ nơi này 1987
Đêm thấy ta là thác đổ 1968

Nếu các bạn đọc tựa các bài hát sẽ thấy kèm theo năm sáng tác hay xuất bản, dòng nhạc của Thái Hoà đa số là nhạc mới TCS sáng tác trong những năm 80 trở đi, Khánh Ly hát những bài của những thập niên 60, phong cách hai người khác nhau và không trùng lập.

Khánh Ly
Huế Sài Gòn Hà nội 1969
Ru em từng ngón xuân nồng 1964 ?
Đóa hoa vô thường 1972

Chị Phương Thảo, chị Tuyết Vân, anh Thanh Tuấn, đã cố gắng tập trong một đêm để đệm bài hát dài và không đơn giản này, chị Khánh Ly kể đã 30 năm không hát bài này vì bên Mỹ không ai chịu đệm bản này vì phải tập rất nhiều, họ bảo no money no honey.

Thái Hòa
Chiều trên quê hương tôi 1980 (Sang Lyon hát cùng)

Em còn nhớ hay em đã quên 1980

Sơn Nam. Lời bạt cho tập nhạc "Em còn nhớ hay em đã quên".
Nhuần nhuyễn, ý tứ gắn bó hữu cơ, không cường điệu, tính thuyết phục, tính khái quát, nhân bản... bao nhiêu đòi hỏi về lý thuyết văn nghệ quả là hiển hiện trong nhạc Trịnh Công Sơn. Người thuộc thế hệ khác, - tuy không hơn Trịnh Công Sơn bao nhiêu tuổi - nhưng may mắn ở vào lứa tuổi khỏi bị bắt quân dịch, thời chiến, cuộc chiến tranh chấm dứt trước 1975, cũng vẫn là thấy xót xa cho vận mệnh dân tộc. Những người buổi ấy dầu đi xe Huê Kỳ, xe Đức, xe Nhật hoặc đi bộ, đạp xích lô, sống kiếp ăn may... đã nhìn nhau, với niềm đau ruột thịt. Những con thú bị thương. Vẫn là bị thương khi cắp sách đến trường vào lứa tuổi biết yêu, khi bị đày đến chốn heo hút rừng rậm Cao Nguyên hoặc ngồi trên ghế mây, hút thuốc đen, bên tách cà phê đắng. Cơn mưa dai dẳng trên tầng Tháp Cổ. Những bài nhạc ngắn, trữ tình, không lê thê. Điệu hát Nam Ai hiện đại của người ven biển Đông...


Đời gọi em biết bao lần 1980

4 giờ sáng ngày 4-4-2001, trong lúc Thái Hoà và các bạn hát lần cuối với TCS thì có 20 cô gái ăn sương mặc đồ rất lạ đến đám tang, họ cảm ơn TCS qua bài hát này.
Trong phần giải lao Kiên Xuân Đào không bỏ lở cơ hội để tìm CD với chữ ký

Và bạn bè vietnamiti quây quần chụp hình với Khánh Ly

Với Mai vàng Lan Hồng

Chị Ngọc Nga được gặp người mình ái mộ sau một thời gian dài tiếp xúc qua email.

Sau phần giải lao Khánh Ly hát những bài trong Ca khúc TCS,


Khánh Ly
Người già em bé 1965
Vết lăn trầm 1963
Du mục 1965
Hãy nói giùm tôi 1967

Khánh Ly tâm sự thích hát Ca khúc da vàng hơn những bài tình ca vì có nhiều kỷ niệm và biết nhiều về tập nhạc này.

Thái Hòa
Người về bỗng nhớ 1971
Tình nhớ 1966
Ca dao mẹ 1965 (Sang Mai)


Buổi chiều. Là buổi chiều của hơn 30 năm về trước. Có những người trẻ ngồi hát bên nhau, nói với nhau về tình yêu, cuộc đời, thân phận và quê hương. Ở đâu đó, tiếng đại bác vọng về. Ở đâu đó, không xa lắm, đêm đêm nỗi chết hiện diện cận kề như một người tình không chờ đợi. Những người trẻ vẫn ngồi hát bên nhau. Tiếng đàn hát của họ không che lấp được tiếng đại bác. Không che lấp được tiếng khóc than. Không lau khô được những dòng nước mắt. Nhưng họ vẫn hát. Chính là họ đang vỗ về an ủi trái tim của họ, trái tim của những người cùng một thế hệ. Những trái tim chưa kịp trẻ. Còn rất non trẻ.
Khánh Ly (Trích Tạp Chí Văn Nghệ Số 1.2000)


Khánh Ly
Cúi xuống thật gần 1966
Ngẫu nhiên 1972 ?
Một cõi đi về 1974
Bên đời hiu quạnh 1970-71

Thái Hòa
Phúc âm buồn 1965

Lúc đầu bài hát chỉ mang tựa Phúc Âm, dù TCS rất kỵ người khác xem hay đụng vào các bài nhạc nháp nhưng vì tinh nghịch Khánh Ly thêm chữ Buồn vào bằng bút chì, lúc bài nhạc xuất hiện Khánh Ly mới biết TCS đã sửa tựa như Khánh Ly đã ghi thêm.

Khánh Ly Thái Hòa hát chung
Nước mắt cho Quê hương 1965

Khánh Ly không ngờ là sẽ có ngày hát chung với con bạn thân của mình, Thái Hòa sinh vào năm 1969, mẹ Thái Hòa, chị Tuyết Hoa đã hỗ trợ đắc lực TCS và Khánh Ly trong giai đoạn đầu, như một sự tiếp nối, Khánh Ly nói ngày xưa TCS đàn cho Khánh Ly hát ở khuôn viên Đại Học Văn Khoa thì bây giờ, trong lần trình diển chung đầu tiên người đàn cho Khánh Ly là Thái Hoà.



Nhạc yêu cầu Khánh Ly
Phôi pha 1960
Ru ta ngậm ngùi 1970
Mưa hồng 1964
Hạ trắng 1961
Tôi đang lắng nghe (một tựa khác là Im lặng thở dài) 1981
Rơi lệ ru người 1976 ?

Còn có tên là Thí dụ. Theo Khánh Ly, "(...) bài Rơi lệ ru người anh (TCS) viết sau năm 1975 khi anh nghĩ là tôi đã chết trên Biển Đông, và anh viết bài đó cho tôi. Rồi mãi đên năm 90, 91, anh mới tìm lại được bài hát đó và anh đã tập cho tôi khi anh qua đây (Canada) năm 92". "Khánh Ly: Những lời tử tế ông Sơn dạy tôi", Trường Kỳ, Văn, số 53 & 54 (tháng 5 & 6, 2001), tr. 118-124.

Để gió cuốn đi 1971

... Hơn 30 năm không còn cùng nhau ngồi hát ca. 25 năm xa lìa cố quận. Bao nhiêu cay đắng bể dâu không khiến lòng tôi phai mờ những dấu ấn tốt đẹp đã để lại mảnh đất nhiều bất hạnh khổ đau. Quê hương thì bao giờ cũng thế. Nhưng đời người, những con đường, những góc phố, những dòng sông, những khuôn mặt, những nụ cười, những ánh mắt... tất cả dường như đã biến dạng. Ðiều còn lại, phải chăng là những ước mơ đâu đó trong trái tim mọi người. Anh gầy hơn xưa, tưởng như chẳng còn có thể gầy hơn nữa. Anh trầm lắng như tượng đá. Ánh mắt xa vắng. Nụ cười vu vơ khiến tôi đau lòng. Sao anh không khóc đi. Nước mắt có khi thay được cho bao nhiêu điều muốn nói... Vẫn những người em gái xưa, nay đã thành thiếu phụ, ở quanh anh. Không còn phải là những phút xum vầy sung sướng hạnh phúc đơn sơ. Chẳng có gì, chẳng có ai lấp đầy nỗi đơn lẻ trong anh. Ôi, làm sao trả lại cho anh, cho tôi, cho chúng tôi những tháng ngày đã mất... Người quen biết cũ lần lượt vắng xa và sẽ chẳng còn bao lâu nữa, tôi cũng sẽ rong chơi một nơi nào đó. Sẽ chẳng còn gì. Sẽ chẳng còn ai từng ngày, ngồi thương tiếc. Kỷ niệm sẽ tàn phai, mất hút. Như chưa bao giờ xảy ra, như một điều không có thật. Như huyền thoại... Một ngày nào, anh bảo tôi... Huyền thoại là điều không có thật...

Ngày đó... ngày đó chúng tôi còn trẻ và rất gắn bó. Có ai trong chúng tôi nghĩ rằng có một ngày nào đó lại phải thương nhớ nhau từng phút giây. Tuy vậy, bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn ở trong trí tưởng của mỗi người, như ngày đầu ngồi với nhau, vào đời nhau bằng những bản tình ca. Hồn xa rồi, người ta còn có thể sống được không? Trái tim ngưng đập rồi, người ta có thể nào không chết? Chúng tôi đã đến với nhau một lần. Chỉ một lần nhưng xin đủ cho một đời...
Khánh Ly (Trích Tạp Chí Văn Nghệ Số 1.2000)




nguồn: Thái Hoà
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho