tin tức




Trịnh Công Sơn đang được hát như thế nào?

--- Theo Người đẹp VN ---


Nhạc Trịnh Công Sơn, có thể nói "ai nghe cũng thấy hay, ai hát cũng thấy hay" (!), nhưng hát để mọi người cùng thấy hay là cả một thử thách. Đôi khi không biết nhạc Trịnh hay Khánh Ly là "chủ thể" trong thử thách này.
Xuất hiện trong chương trình Như cánh vạc bay khi Trịnh Công Sơn vừa qua đời: Lan Ngọc - một đại diện của những giọng hát cùng thời với nhạc sĩ. Chị hát đầy đặn hơn nhiều giọng hát trẻ và đáng kể là cái hồn của một thời vẫn còn thoang thoảng đâu đây (đâu đây luôn cả bóng dáng Khánh Ly). Thời mà cách hát thẳng tuột, không biểu lộ tình cảm trực tiếp, đối xử với từng chữ như nhau... rất phổ biến (mấy năm trước, Ngọc Sơn là người tái hiện cách hát này), bên cạnh cách hát tục lụy- sến.
Có hơn một cách hoá giải môt bài hát, nhất nó là của Trịnh. Ánh Tuyết thật ra cũng có căn cứ khi đem lại một khoảnh khắc có hơi hướng "tục lụy" khi chọn Đường xa vạn dặm - nhạc sĩ khóc mẹ - để hát. Giọng hiếm hoi có thể hát bi ca làm cho người ta tin ấy, đã đem lại một lối ngỏ cho những Lặng lẽ nơi này hay Hãy khóc đi em. Môt Trịnh Công Sơn ướt át, không liêu trai.
Tin buồn cho những người hát nhạc Trịnh: thấp thoáng đằng sau họ - Khánh Ly vẫn "khoanh tay mỉm cười", nụ cười còn "tươi" với những phiên bản. Tuổi 20, một ca sĩ có thể thuyết phục được người nghe nếu chịu nghĩ và sống với bài hát, bớt phô trương chất giọng trẻ khoẻ của mình. Một vài giọng hát một bước lên sân khấu lớn cũng nhờ nhạc Trịnh. Không quên rằng, nhạc Trịnh (và cách hát Khánh Ly) gợi không khí phòng trà, nơi những tâm hồn cô đơn đến thả mình vào..., nơi âm nhạc không choang choang trên sân khấu, mà có thể hít thở và uống được.
Không phải ai cũng thích bị đem ra so bì với Khánh Ly, vậy nên có thêm các "trường phái" khác trong hát nhạc Trịnh. Tạm gọi là "đương đại" có Thanh Lam, Mỹ Linh. Linh có lẽ là ca sĩ hiện nay "cư xử" với nhạc Trịnh một cách chân phương hơn cả - bản thân "có cái gì hát nấy" - chính vị ngọt của giọng ca này đã đem lại cái gì đó của hơi thở đương đại - tựa như Hồng Nhung đã phả vào nhạc Trịnh. Nếu Hồng Nhung vẫn tìm cách thể hiện mình qua nhạc Trịnh, thì có thể nói trong đó, Thanh Lam đi tìm mình - tìm một cách thật lòng. Thanh Lam đúng có phiêu có hơi "văng mạng" thật nhưng vẫn có người thích, chủ yếu là vì hồi hộp chờ đợi cách chị sẽ chọn để "xử lý" dù chỉ một nốt của bài hát.
Nhạc Trịnh chính là thứ nhạc nên và cần phải làm mới hơn cả, nếu không muốn nó thành môt thứ "lương khô" của tâm hồn. Tô Lịch là một đại diện của động thái dám làm mới này. Anh áp dụng cách làm "mái" giọng của Beegees, nhả chữ gọn, không ngân nga, không làm cho Trịnh lai căng - bằng cảm xúc của một tay vĩ cầm tuổi ngoài 30, vẫn lăn lộn trên sàn diễn salon ở Hà Nội. Chợt nghĩ, với môt giọng hát, cách hát như vậy, có thể nghe cả một alum nhạc Trịnh không chán.
Vẫn thấy rằng, giọng trung dung của Hồng Nhung bao quát được biên độ rộng hơn cả trong nhạc Trịnh. Trong đó, Mỹ Linh tâm đắc với bản những bản ballad nồng nàn, có cao trào (Ru em từng ngón xuân nồng). Trần Thu Hà bằng lòng với những đồng dao trong sáng (Nguyệt ca). Thanh Lam có chỗ để... nghỉ ngơi qua những khúc tự sự sâu lắng (Tình sầu, Mưa hồng).
Hát theo kiểu thẳng tuột như Khánh Ly - hơi khó. Kiểu này đòi một chất giọng đẹp, không cần tiểu xảo vẫn có sức hấp dẫn người nghe. Các giọng hát bây giờ ngày càng vận dụng kĩ thuật, hơn là cảm xúc và sự thả lỏng cần thiết, khi đến với âm nhạc và "triết học" Trịnh Công Sơn. Tròn vành rõ chữ hay nhấn nhá quá vào chỗ này chỗ khác chưa chắc đã có lợi cho người hát, mà có thể còn phá vỡ tính giai điệu và sự mê hoặc của nhạc - thơ Trịnh.
... Bởi nhạc Trịnh còn có một cách cảm nhận rất hữu hiệu- cảm nhận bằng chính giọng hát của mình và không ai nghe ngoài chính mình. Nhiều ca sĩ trẻ hát cho người khác nghe mà bản thân lại không để ý lắng nghe chính mình. Hồng Nhung kể lại, nhạc sĩ có lần đã nói với chị: "Muốn đến với mọi người hãy hát bằng những gì thật là mình". Nghe thật giản dị nhưng là "học phí" phải trả bằng cả cuộc đời của người hát. Bởi phải sống đã, mới mong đem sự sống vào tiếng hát. Muốn hát nói chung và hát nhạc Trịnh nói riêng, hãy học cách thở - nếu người hát chưa có một hơi thở "tự nhiên", như thừa hưởng từ những tiền kiếp, của Khánh Ly.



nguồn: www.hue.vnn.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho