tin tức




Frank Gerke, tín đồ nhạc Trịnh

--- Dã Viên ---


Frank Gerke hát trước mộ Trịnh Công Sơn

TTCN - Một buổi chiều tháng ba gần đây, có một người nước ngoài cao to ôm đàn ngồi hát những ca khúc của Trịnh ngay trước phần mộ của người nhạc sĩ đã khuất.
Trong không gian yên tĩnh, vắng lặng của nghĩa trang, tiếng hát anh trầm ấm bay xa...
Với những ai chưa biết Frank Gerke hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến anh chàng người Đức hát bằng tiếng Việt tròn tiếng, rõ lời, với ngữ điệu không bị cứng và với một cảm xúc có thể thấy rõ trên gương mặt.
Đó chính là Trịnh Công Long mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng giới thiệu trên TTCN. Đó cũng chính là tác giả một chùm thơ viết bằng tiếng Việt từng được nhà thơ Nguyễn Duy giới thiệu trên TTCN. Nhưng vẫn còn nhiều điều thú vị khác ở Long hay Frank.
Chẳng hạn, anh chàng người Đức 42 tuổi này thông thạo Hán văn, đã tốt nghiệp Đại học Bonn về văn học Trung Quốc, làm luận văn cao học về nhà văn Tào Ngu trước khi thông thạo tiếng Việt và làm luận án tiến sĩ về đối chiếu văn học VN và văn học Trung Quốc thời kỳ đổi mới, cải cách. Nhưng bất ngờ là khi được hỏi vì sao lại chọn Trung văn để học ở đại học, Trịnh Công Long chìa ngay ra một nắm đấm chắc nụi - một cánh tay gân guốc, khỏe mạnh của con nhà võ.
* Vì võ thuật ư?
- Đúng vậy. Long mê võ từ bé. Hiện là võ sư đệ tam đẳng karate, từng thi đấu quốc tế và sắp thi lên tứ đẳng. Mê võ nên Long tìm hiểu võ thuật, võ đạo phương Đông rồi từ đó bước sang lĩnh vực văn chương lúc nào không hay.
Long còn đùa, bảo: để có được vốn tiếng Việt như hiện nay (Long không chỉ làm thơ bằng tiếng Việt mà còn có thể viết truyện ngắn, viết tiểu luận văn học bằng tiếng Việt thật trơn tru, còn nói tiếng Việt thì có thể diễn đạt đủ cách với một vốn từ đời sống khá dồi dào) là nhờ học từ những quán... thịt chó! Từng làm việc nhiều năm tại VN trong một chương trình về phát triển cây cà phê tại Tây nguyên, hiện Long sang Áo, sống tại thành Vienne.
Sắp tới đây, Long sẽ sang VN làm việc với tư cách là chuyên viên của một dự án cải tạo hệ thống đường sắt tại VN do Bộ Giao thông nước Cộng hòa Áo tài trợ và “sẽ sống luôn ở VN”. Làm công việc ấy nhưng Long vẫn dành thời gian cho văn chương, nghệ thuật. Anh đã bắt đầu dịch sang tiếng Đức những bài thơ thiền trong tập Thơ thiền Lý - Trần.

* Khi làm luận án tiến sĩ, những tác phẩm nào của VN được Long đọc và tìm hiểu kỹ nhất? Tác phẩm nào (cả cổ điển lẫn hiện đại, cả văn xuôi lẫn thơ) được Long thích nhất?

- Để làm luận án Long đã nghiên cứu, chủ yếu về văn xuôi, những tác giả VN như Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Sáng... Đã đọc hết tác phẩm của các tác giả kể trên và bình luận về văn chương của họ trong luận án. Về sau Long đã từng dịch sang tiếng Đức một số truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng cũng như thơ Nguyễn Duy, thơ Hồ Xuân Hương và dĩ nhiên không thể thiếu ca khúc Trịnh Công Sơn.
Cũng có thể nói cho đến nay đó là những nhà văn, nhà thơ Long ưa thích nhất dù còn đọc và thích nhiều tác giả khác như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính của thơ; Tô Hoài, Nhất Linh, Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Hồ Biểu Chánh... của văn xuôi.

* Riêng với Trịnh Công Sơn thì Long quen và thân cách nào?

- Đó là vào năm 1996, nhân dịp có một triển lãm sách Đức tại TP.HCM mà Long tham gia tổ chức. Một buổi trưa, khoảng ba ngày trước khi khai mạc triển lãm, Long uống bia hơi tại nhà một người bạn VN. Vì chỉ mới mời được duy nhất nhà văn Nguyễn Quang Sáng dự lễ khai mạc, nên Long đề nghị với anh bạn nên mời Trịnh Công Sơn.
Vậy là Long và bạn phóng xe qua Hội Âm nhạc xin địa chỉ của anh Sơn. Đúng chiều hôm đó Long đến nhà anh Sơn nói chuyện về triển lãm và uống vài ly rượu. Sau đó gần như buổi trưa nào Long cũng ghé nhà anh Sơn ăn cơm...

* Khi đó Long đã biết gì về âm nhạc Trịnh Công Sơn chưa?

- Đã biết. Khi còn là học sinh trung học (cấp III) bên Đức, Long đã làm quen với vài người Việt. Vì không biết tiếng Việt, chả hiểu họ nói chuyện gì với nhau nên Long bắt đầu học tiếng Việt mỗi tuần một buổi tại nhà anh Vinh, một trong những người VN Long quen khi đó.
Anh Vinh lại rất thích nhạc Trịnh Công Sơn và có tặng cho Long một băng cassette “Sơn Ca 7” nên lần đầu tiên Long nghe nhạc Trịnh Công Sơn là qua tiếng hát Khánh Ly. Mặc dù gần như không hiểu gì hết về ca từ nhưng không biết vì sao Long vẫn mê nhạc anh Sơn ngay. Hồi đó Long mới 17 tuổi và không thể tưởng tượng nổi có một ngày được làm quen và kết bạn với chính tác giả của những ca khúc trong cái băng cassette ấy!

* Long thích nhất những ca khúc nào của Trịnh Công Sơn và vì sao lại thích, bởi để có thể cảm được những lời hát trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, với một người nước ngoài như Long đâu phải dễ dàng?

- Nói chung Long thích tất cả các bài hát của anh Sơn - những bài phản chiến, yêu quê hương, những bài trữ tình hoặc đầy tính triết lý... Long nghĩ trong nhiều bài hát của mình anh Sơn đã cô đọng triết lý đời sống nhân gian của người Việt. Dĩ nhiên để có thể hiểu được lời của những bài hát ấy không dễ chút nào, thậm chí có những ca từ lạ lùng đến mức gần như không thể hiểu được, kể cả với người Việt.
Nhưng qua thời gian được gần gũi với anh Sơn, Long ngày càng hiểu anh. Có lần, anh Sơn nói với Long: “Muốn hiểu âm nhạc của anh thì Long nên biết rằng những ca khúc của anh phản ánh “le monde à moi” (cái thế giới riêng của tôi). Long đến chơi với mình thì sẽ hiểu âm nhạc của mình”.
Có thể nhắc lại chi tiết: cái tên Việt là do Long tự đặt vì tuổi Thìn, còn họ là do chính Trịnh Công Sơn tặng cho anh.

* * *

Nhà thơ Nguyễn Duy bảo Frank Gerke là một “tín đồ thuần thành” của nhạc Trịnh Công Sơn. Bởi Long có thể hát thuộc vài chục bài bằng tiếng Việt và trong những chuyến đi rong ruổi đến nhiều nước, khi cần đàn hát thì anh chỉ hát mỗi một thứ là nhạc Trịnh Công Sơn.

Nếu bạn có dịp nghe Frank Gerke đàn và hát, chắc bạn cũng tin rằng đó là một người yêu và hiểu nhạc Trịnh Công Sơn chẳng kém bất kỳ người Việt nào yêu mến những Phôi pha, Cát bụi, Ướt mi, Lời buồn thánh... hay Hát trên những xác người, Đại bác ru đêm, Người con gái Việt Nam da vàng...

(*) Nguyễn Duy chủ biên, NXB Văn Hóa Sài Gòn



nguồn: www.tuoitre.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho