tưởng niệm




Ai cũng thấy mình trong nhạc Trịnh

--- H.Hoàng - Lê Na ghi ---


Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy là một người rất yêu mến nhạc Trịnh. Anh đã có buổi trò chuyện với phóng viên nhacSO về âm nhạc của Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn của một nhạc sĩ trẻ.

- Là một nhạc sĩ trẻ, anh có suy nghĩ gì về nhạc Trịnh?


Từ hồi trẻ tôi đã hâm mộ nhạc Trịnh Công Sơn rồi. Khoảng 15, 16 tuổi tôi đã biết hát Tình nhớ, Diễm xưa, Hạ trắng… Sau này tôi thích thêm một số bài hát Da Vàng. Xét về mặt xã hội thì ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn là rất lớn. Sự nghiệp của ông bao trùm đời sống âm nhạc. Nội dung ca khúc của ông mang đậm tính triết lý. Về chất liệu âm nhạc thì giai điệu rất dễ hát, người nào bắt đầu chơi ghi ta cũng có thể chơi được. Ngày đầu tiên tôi học ghi ta cũng là bắt đầu với bài Diễm xưa.

- Vậy còn suy nghĩ của anh về con người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Trước đây lúc còn rất trẻ tôi là cộng tác viên của báo Sóng Nhạc, nơi Trịnh Công Sơn là thư ký toà soạn. Ngày đó tôi cũng thường hay gặp ông ở Hội Âm Nhạc thành phố. Trịnh Công Sơn thường hay ngồi chung với những nhạc sỹ tiền bối như Thanh Tùng, Trần Long Ẩn… Tôi thì chỉ mới là cậu sinh viên mới chập chững vào nghề nên đâu dám đến gần trò chuyện, chỉ ngồi đằng xa và lắng nghe thôi. Tôi cũng không có cơ hội tiếp xúc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, ấn tượng của tôi về ông là một người rất bình dị nhưng lại toát lên đầy tính nghệ sĩ. Khí chất nghệ sĩ ở ông khiến người bình thường nhìn vào cũng có thể nhận ra ngay đây là một nghệ sĩ thực thụ, mà không cần tô vẽ hay giới thiệu gì hết. Trịnh Công Sơn có lẽ là một người rất chan hòa với bạn bè vì kề bên ông lúc nào cũng có rất nhiều bạn, cùng với một ly rượu nhỏ.

- Yêu thích nhạc Trịnh như vậy, các ca khúc của anh có bị ảnh hưởng một phần nào đó từ phong cách của Trịnh Công Sơn hay không?

Trịnh Công Sơn viết rất nhiều dòng nhạc, tạm chia làm ba dòng: nhạc tình, những ca khúc da vàng và dòng lãng du. Còn tôi thì viết theo kiểu Canto pop nên không gần gũi và ảnh hưởng gì. Chỉ là mình nghe và thấm, hiểu. Nhưng mà chẳng bao giờ có thể viết được một bài giống Trịnh Công Sơn. (Cười) Nói đúng ra, nhạc Trịnh xuất phát từ tư chất của một con người mà hơn thế còn là một dòng tư tưởng. Tôi chưa có may mắn viết được một bài hát nào cho giống ông.

- Nhưng mà anh nghe nhạc Trịnh rất nhiều vậy dòng tư tưởng ấy có ảnh hưởng gì đến anh không? Có thay đổi gu thẩm mĩ của anh không? Và anh có thể mang những tư tưởng ấy vào trong sáng tác của mình?

Trịnh Công Sơn luôn đứng về phía con người, yêu thương trân trọng cuộc sống hiện tại và những gì mình đang có. Đó là điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nhưng không phải ai cũng viết được.Trịnh Công Sơn có thể gọi là phù thủy về ngôn từ. Vì bất cứ những điều gì qua ngôn ngữ của ông cũng trở nên nên thơ và dễ hiểu. Tôi cũng học cách viết ấy. Tức là khi tả cảnh hay tả tình, tôi cũng đưa vào những hình ảnh ví von, ẩn dụ để làm cho khung cảnh trở nên thơ hơn, đẹp hơn. Người Về Cuối Phố là một ca khúc tôi viết theo phong cách ấy. Trịnh Công Sơn luôn viết những bài tình buồn nhưng là diễm tình, tình đẹp. Không sướt mướt, không bi lụy mà vẫn làm người ta day dứt, đồng cảm. Những bài tình buồn ấy đã được nâng lên một tầm nhân văn, khiến người ta suy nghĩ và nhận ra nhiều ý nghĩa. Đó là lý do vì sao ta nghe hoài nhạc Trịnh mà không thấy chán, không thấy cũ. Tôi nghĩ những bộ phim Hàn Quốc bây giờ chắc là chôm rất nhiều ý tưởng của Trịnh Công Sơn như lá lá rơi, những cánh đồng bát ngát…(Cười) Dù chia tay nhưng mọi thứ vẫn còn rất đẹp, cái đẹp sẽ theo người ta mãi.

- Anh thích bài nào nhất trong hơn 600 bài hát của Trịnh Công Sơn?

Nếu chỉ được chọn một bài thì khó quá. Cái hay của nhạc Trịnh là trong bất cứ khung cảnh nào, tâm trạng nào mình cũng có thể tìm thấy một bài để nghe, để thấm thía. Ông sáng tác nhiều bài hát về thân phận, nhân sinh, tình yêu thậm chí cả luân hồi. Vậy nên mỗi người chúng ta đều thấy mình trong đó. Đó cũng chính là lý do để nhạc Trịnh sống mãi trong lòng người.
Tuy vậy, có ba bài tôi biết đầu tiên và cũng là ba bài tôi rất tâm đắc đến tận bây giờ là: Hạ Trắng, Diễm Xưa, Biển Nhớ cả ba bài đều viết về tình yêu. Sau đó là những bài Da Vàng. Tôi cũng rất thích bài “Một ngày như mọi ngày”. Mỗi buổi sáng tôi đều nghe bài này. Hay là bài “ Để gió cuốn đi”. Trong đó có những câu đại ý như sống phải có một tấm lòng, nỗi đau mà dấy lên thì cứ lặng nhìn không nói năng… Đó là một tư tưởng rất thiền. Không khuấy động nỗi đau, mà cũng không đè nèn nó, hãy để nó tự nhiên dịu đi. Hãy nhìn cuộc sống như nó vốn diễn ra và học cách hòa hợp với nó. Cái hay của Trịnh Công Sơn là ông viết triết lý nhưng rất dễ hiểu. Tôi biết cũng có rất nhiều nhạc sĩ viết triết lý nhưng chỉ có mình họ hiểu hoặc rất ít người hiểu. Còn Trịnh Công Sơn thì triết lý nhưng là thứ triết lý bật ra từ những trải nghiệm rất đời, rất bình dị mà bất kỳ ai cũng có thể đồng cảm được. Thêm một điều đặc biệt là ai cũng có thể hát nhạc Trịnh nhưng hát hay thì chắc chỉ có vài người.

- Theo anh thì vài người hát nhạc Trịnh hay là ai?

Tôi thì chỉ thích chị Khánh Ly thôi. Tôi không quen biết chị Khánh Ly nhưng tôi có được tất cả những đĩa nhạc Da Vàng, các album nhạc Trịnh mà Khánh Ly ký tặng. Dù rằng Khánh Ly chỉ biết tôi là một nhạc sĩ trẻ ở Việt Nam. Và có một món quà tôi rất quý là một DVD tên Mưa Hồng, nói về cuộc đời của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly mà chị đã đích thân ký “tặng Nhất Huy”. Trong Iphone của tôi cũng chỉ toàn nhạc Trịnh do chị Khánh Ly hát. Giọng hát ấy sinh ra là để hát nhạc Trịnh. Và dường như Trịnh Công Sơn sáng tác là để cho Khánh Ly hát vậy. Đó có lẽ là định mệnh của cuộc sống, họ sinh ra để gặp nhau. Cũng có rất nhiều người đã hát nhạc Trịnh, làm cách này hay cách khác nhưng vẫn chưa thành công.

- Anh có nghĩ là nếu không có Khánh Ly, thì nhạc Trịnh sẽ không được yêu thích như bây giờ?

Điều đó thì không biết được. Tuy nhiên, sức sống âm nhạc Trịnh Công Sơn quá mãnh liệt. Ai hát thì mình không cần biết. Nhưng khi mà tác phẩm chỉ mới nằm trên giấy thôi thì đã có sức hút rồi. Người hát chỉ là để thổi thêm, chắp thêm hồn cho tác phẩm. Họ có thể làm cho nó hay hơn hoặc tệ hơn những cái giá trị cốt lõi của nó thì không thể mất đi. Nếu không có Khánh Ly hát thì chắc cũng sẽ có ai đó hát. Dĩ nhiên là hát theo một cách khác và công chúng sẽ cảm nhận khác nhưng giá trị tác phẩm Trịnh Công Sơn thì sẽ vẫn mãi không mất đi.

- Anh nghĩ sao về sức quyến rũ của nhạc Trịnh?

Tôi không nghĩ là nhạc Trịnh quyến rũ. Ông đâu có make up hay làm gì để quyến rũ đâu? Chỉ đơn giản là nhạc Trịnh là cái phần đời của mỗi người, gặp nhạc Trịnh như gặp một người bạn tri âm. Mỗi người đều thấy mình trong nhạc Trịnh. Đấy là mọi người tự đến và ở lại với nhạc Trịnh. Như vậy đó không phải là một sự quyến rũ. Vì nếu quyến rũ thì sau này nó có thể bị rũ bỏ. Nhưng chưa có ai đến rồi từ bỏ nhạc Trịnh. Đó dường như là giá trị vĩnh hằng.

- Thế còn về trào lưu hát nhạc Trịnh hiện nay? Anh có nhận xét gì?

Nhạc Trịnh nên để cho nhiều thế hệ hát, không nên đóng đinh một dòng nhạc vào một người nào. Và tôi nghĩ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống cũng sẽ nghĩ như vậy. Với tư cách một người sáng tác, tôi mong nên để nhiều người thể hiện theo cách của họ. Có người hát bằng lòng hâm mộ, có người hát để gây sốc… nhưng tất cả mọi người đều có thể hát, nên hát… Hát để thấm nhuần, để hiểu. Các giai điệu đẹp ấy cần phải được phát triển, khám phá, tôn tạo nhất là trong thời kỳ mà âm nhạc đang gặp nhiều vấn đề phức tạp như lúc này. Nếu ai có lòng yêu và muốn hát nhạc Trịnh nên khuyến khích họ hát. Không nên lên án người này sao lại hát nhạc Trịnh như thế này, làm hỏng nhạc Trịnh như thế kia? Mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Ngay cả hòa âm phối khí mỗi thời cũng khác. Không thể áp đặt cái gì là đúng, cái gì là không đúng. Bản thân nhạc Trịnh không không phải vì một hai người hát hay là có thể nâng lên, hay vì một người hát dở mà có thể làm hỏng nó. Tự bản thân mỗi người hát phải hiểu rằng họ có thích hợp để hát nhạc Trịnh hay không. Và chấp nhận thế nào lại thuộc về công chúng.

- Gần đây trong giới trẻ dấy lên trào lưu nghe nhạc Trịnh. Anh nghĩ sao?

Thực ra giới trẻ bây giờ rất mông lung. Giới trẻ có thể là 8x, 9x rồi cả 10x(cười). Cá nhân tôi cho rằng, nhạc Trịnh phải đến một độ tuổi nào đó thì mới có thể hiểu và thấm được. Còn một số người trẻ nghe để chứng tỏ ta đây “sang”, “sâu sắc” như một thứ trào lưu để tô điểm thì không hay. Tất nhiên những người còn trẻ mà thích và hiểu được nhạc Trịnh thì quá tốt. Vì nhạc Trịnh là thứ âm nhạc làm người ta tốt đẹp lên.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.



nguồn: Nhacso.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho