những kỷ niệm




Khánh Ly và Trịnh Công Sơn

--- Mây Trắng ---


Năm đó, Dalat yên lặng hiền hòa bỗng xôn xao, hân hoan với niềm vui ngỡ ngàng qua những bài báo từ báo chí dưới Saigon ồn ào đưa lên, những bài tường thuật về những đêm hát ngoài trời trên sân cỏ quán Văn với cả ngàn sinh viên lắng nghe, những bài báo nói về sự xuất hiện của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly như một hiện tượng, những bài báo khen tặng một giòng nhạc lạ lùng, với một tiếng hát lạ lùng hơn, tiếng hát như huyền thoại thu hút hồn người, báo chí viết về những bài hát của chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly, họ ca tụng một “nữ hoàng chân đất”, họ nhắc đi nhắc lại Khánh Ly là một ca sĩ từ Dalat . “Một ca sĩ từ Dalat” chao ơi nghe mà vui sướng quá, bạn bè tôi, gia đình bố mẹ anh chị tôi, hình như tất cả người dân Dalat và riêng tôi bỗng cảm thấy hãnh diện vô cùng, sung sướng như là người nhà mình vừa giật giải huy chương vàng thế vận hội ! Không phải “thấy sang bắt quàng làm họ” nhưng từ lâu đã có gì thân thương, từ lâu cả thành phố đều mong có một ngày cả nước sẽ nghe được giọng hát của cô Khánh Ly mà dân Dalat đã coi là “Khánh Ly của dân Dalat”, từ lâu mọi người đều mong có một ngày tiếng hát của cô sẽ vang lên vượt ra ngoài thành phố nhỏ bé này để bay cao bay xa khắp nơi, chúng tôi không mong gì hơn là Khánh Ly sẽ nổi tiếng .

Và ngày đó đã đến . Tiếng hát Khánh Ly bắt đầu vang lên trên đài phát thanh trực tiếp đài Saigon, chúng tôi xúm nhau lắng nghe, qua những bài ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giọng ca Khánh Ly quả thật mới lạ làm sao, nó buồn lênh đênh, nó rã rời làm ngây ngất cả lòng người . Cả thành phố như mải mê theo tiếng hát này với những bài ca mới lạ này . Bà chị tôi đang học dưới Sàigòn trong thư gửi về nhà chị viết “ …chị ước gì có em ở đây để chị dẫn em đi nghe Khánh Ly hát với anh Trịnh Công Sơn, những bài hát thật hay và buồn lắm, em biết không Khánh Ly hát hay vô cùng, chỉ một mình cô hát mà càng nghe càng mê, nghe mãi không chán và không muốn về, tối nào chị với anh Hưng cũng đi nghe cả, đông lắm em ơi cả ngàn người toàn là sinh viên học sinh, đến nghe Khánh Ly hát, em mà được nghe cô khánh Ly hát Diễm Xưa chắc em mê lắm và chắc em cũng sẽ khóc như chị khi nghe Khánh Ly hát những bài ca về quê hương chiến tranh của anh Sơn, nghe buồn không tả được. Em ơi, nhìn cô Khánh Ly trên sân khấu thật dễ thương và thật là xinh lắm, chị và bạn bè mê cô chết thôi......”

Rồi sau này những cuộn băng akai “Trịnh Công Sơn Khánh Ly hát cho quê hương Việt Nam” được phát hành, như bảo vật quý giá . Chúng tôi về đến nhà là mở máy chạy băng, tiếng hát chị lại vang lên não nùng buồn thảm đến quay quắt . Tiếng hát chị vang vọng khắp nơi khắp phố và tôi như bềnh bồng theo tiếng hát của chị vây quanh, trên đường đến trường tôi đi ngang những quán chè, quán café, quán nào cũng đầy tiếng hát của chị bay ra níu bước chân tôi “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp nhỏ ..dài tay em mấy thuở mắt xanh xao …” tiếng hát đã ngày ngày đưa tôi đi học và theo tôi tan trường về. Bạn bè tụ lại cũng để nghe chị hát “Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang …từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường….”. Trong những chiều trời Dalat đổ mưa ướt xám, những đêm gió lộng rì rào mấy anh em tôi lại xúm nhau cùng bạn bè pha café mở máy chạy băng ngân nga “Mầu nắng hay là mầu mắt em …mùa thu qua đây đã bao lần …” cả bọn đong đưa hát theo để vui buồn đê mê với chị Khánh Ly, tiếng hát chị là hạnh phúc là niềm vui đầm ấm của chúng tôi .

Tiếng hát “ưu phiền lênh đênh”của chị làm tôi yêu những bài hát của Trịnh Công Sơn, mà lúc đó tôi không có nhu cầu cần biết Trịnh Công Sơn là ai, tôi chỉ yêu bài hát và tiếng hát, mãi về sau nhìn lại tôi mới chợt nhận ra tôi đã lớn lên giữa những bài ca tuyệt diệu này và người nhạc sĩ đã ở trong tim tôi tự bao giờ .

Tết Mậu Thân ! một cái tết thật kinh hoàng, làm thay đổi suy tưởng của tôi về cuộc sống, trong đầu óc non nớt của một cô bé thành phố như tôi lúc đó mới thật sự biết mùi vị chiến tranh khi một đêm với bom rơi đạn nổ ngay bên nhà mình, sáng ra với những căn nhà đổ nát, những đống gạch vụn, những vũng máu đen thẩm tràn lan đây đó và những đoàn người từ thôn ấp lân cận hối hả bồng bế con cái nhỏ dại, bao gia đình nheo nhóc gồng gánh nhau kéo về thành phố “tị nạn”, những người già nua còn phải chen chúc nhau tạm trú ở khắp các trường học, nhà thờ, chùa chiền, lớp học của tôi biến thành nhà ở tạm cho cả mấy chục gia đình khốn khổ và còn bao nhiêu là người khác phải chịu cảnh màn nhà tan cửa sập, những hình ảnh đau thương đó in đậm mãi mãi trong tôi .

Có lẽ vì một phần những hình ảnh chiến tranh của cái tết Mậu Thân nên tôi phải sững sờ, nước mắt tôi ứa ra khi nghe tiếng chị vang vọng “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe ….” Tôi bỗng thương đất nước tôi quá, thương những người dân tôi bất hạnh và thương cả chính mình “người già co ro em bé lõa lồ …từng hạt cơm khô, trong miếng hững hờ ..” anh đã nói dùm tôi chị đã hát dùm tôi bao nhiêu là tình cảm đã không nói được trong trái tim nhỏ này. Rồi một ngày đi học về thấy Trâm cô bạn hàng xóm đứng khóc thút thít “Anh Quang tao mất rồi” Tôi lặng cả người không tin cả tai mình, thật sao ? mau vậy sao ? Tôi nhớ anh Quang ngập lòng, anh Quang mới vào lính đây thôi mà, và mới ngày nào anh còn chạy chơi đánh banh với anh em tôi, anh còn trẻ quá tôi không tưởng tượng ra được anh đã không còn nữa . Nắm chặt tay Trâm mà lòng tôi ray rứt với tiếng hát kể lể của chị, chị kể cho chị hay chị kể cho tôi “Tôi có người yêu chết trận Ba Gia ….tôi có người yêu vừa chết đêm qua … chết thật tình cờ chết chẳng hẹn hò ..không hận thù nằm chết như mơ” Mãi về sau tôi vẫn thích hát bài hát này tôi hát hoài như nằm lòng, sáng trưa chiều tối tôi rên ư ử “Tôi có người yêu chết trận Chu Prong …tôi có người yêu nằm chết trôi sông ….” Anh tôi la “bài này người ta cấm đấy mày hát coi chừng bị bắt đó”, tôi chả hiểu tại sao người ta cấm mà cấm cái gì, kệ ! tôi vẫn cứ hát vì ngoài phố tiệm nào, nhà nào cũng vẫn vang tiếng chị Khánh Ly hát suốt ngày đó, có thấy bắt bớ gì đâu , có ai bị ở tù vì hát đâu, ông anh tôi chỉ có dọa tôi là giỏi, tôi chẳng sợ ! Tôi càng hát bạo dĩ nhiên chỉ hát ở trong nhà thôi, tôi chẳng dám hát cho người khác nghe, tôi vốn hay xấu hổ.


“Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nhìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không!

Mặc dù tôi biết anh Trịnh Công Sơn viết bài này cho ông Lưu Kim Cương nhưng bất cứ lúc nào khi nghe chị hát những lời này tôi bỗng thương chị xót xa, tôi cảm thấy rõ ràng như chị hát cho chính người thương của chị, giọng chị đau thương nức nở “bạn bè còn đó anh nhớ không anh ….người tình còn đây anh nhớ không anh …” làm tôi nghẹn ngào, nghẹt thở . Tôi nhớ đến cái chết kinh hoàng tức tưởi của người thiếu úy không quân trên Pleiku mà tôi đã được nghe kể lại mấy năm trước, một chuyện thương tâm và đau đớn vì chính chị Khánh Ly là nạn nhân, là người phải chứng kiến cảnh người mình thương kẹt trong chiếc máy bay rực lửa . Có lẽ không có gì đau lòng hơn khi chính mắt mình nhìn thấy người thân mình ngã xuống ngay trước mặt mà mình bó tay không làm gì được, đau đớn nào lớn hơn, đó là vết thương lòng của chị mà không biết vô tình hay cố ý anh Trịnh Công Sơn đã diễn đạt được tình cảm đó bằng những lời nhạc quá thiết tha cảm động như vậy. Nhưng chưa hết, cuộc đời không ngờ như là định mệnh oan khiên, khiến chị phải gánh chịu nhiều lần, khi người chị thương cứ lần lượt ra đi để chị vẫn còn phải chịu đựng và tiếp tục cất tiếng đau thương “ …bạn bè còn đó anh nhớ không anh ..người tình còn đây anh nhớ không anh ?” Tiếng hát chị làm tim tôi se lại và tôi chắc dù ở đâu, nơi nào thì ai cũng nhớ chị và ai cũng thương chị vô cùng .

Ba người anh tôi lần lượt bị động viên, làm thân trai đi lính xa nhà, nên mẹ tôi bỗng ít nói, tư lự hơn và gầy hẳn đi, mẹ thích nghe chị hát, mẹ hay nhắc tôi “con để cái bài tối hôm qua mẹ nghe đó con” tôi biết bài gì rồi , khi tiếng chị ray rứt cất lên “Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui ..me hãy ra xem đường phố ngập người …đêm nay hòa bình ….” là tôi thấy mẹ ngồi thật yên, để giòng nước mắt ứa ra, một lúc lâu mẹ quay đi dấu kín nhớ thương rồi nói nhỏ “Sao cô ấy có thể hát buồn đến thế !” Vâng giọng hát buồn, bài hát buồn và lòng người nghe cũng buồn, tôi thương mẹ tôi xót xa . Bây giờ tôi thương nhớ me tôi nhiều hơn nữa mỗi lần tôi nghe lại chị hát “Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ không vui…”, giọng chị vẫn buồn ray rứt, lênh đênh u uẩn và tôi thì buồn hơn vì mẹ tôi không còn bên tôi nữa .

Tôi nghĩ nói về chị Khánh Ly mà không nói về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì thật hơi thiếu sót nên ở đây tôi xin được nhắc một chút về anh Trịnh Công Sơn trong cái duyên gặp gỡ buổi đầu tiên mà tôi được nghe anh hát .

Năm tôi học đệ Tam trường BTX, nhân dịp anh Trịnh Công Sơn lên Dalat chơi, cô hiệu trưởng và một số giáo sư người Huế có mời anh đến hát cho nữ sinh của trường tôi nghe, dịp ấy anh đến với ca sĩ Hà Thanh . Nỗi vui mừng hân hoan của bọn nữ sinh chúng tôi thật vỡ bờ, sáng hôm đó trong hội trường đông nghẹt, mấy trăm cô học sinh đứng ngồi kín mít, khi được giới thiệu lên sân khấu anh Trịnh Công Sơn đứng ở bên trái và ca sĩ Hà Thanh đứng cách xa mấy bước phía bên phải anh. Lần đầu tiên tôi được thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh trẻ lắm, hơi gầy làm dáng người thêm nhỏ, khuôn mặt xương xương với gọng kính cận đồi mồi, anh ôm cây đàn guitar trước ngực .

Bọn con gái chúng tôi vỗ tay reo mừng khi thấy anh xuất hiện và dĩ nhiên bao nhiêu cái miệng cùng la lớn “Cô Khánh Ly đâu ? cô Khánh Ly đâu ? “ Dạ thưa nhạc sĩ sao cô Khánh Ly không đi với ông ? anh Trịnh Công Sơn mỉm cười từ tốn anh nói “ Khánh Ly bận nhiều việc ở Saigòn nên không thể đi lên Dalat được, nhưng hôm nay chúng ta có ca sĩ Hà Thanh sẽ hát cho chúng ta nghe” anh chỉ về phía cô Hà Thanh, rồi như đọc được ánh mắt nghi ngờ của lũ học trò về tài nghệ “hát nhạc TCS” của Hà Thanh, anh tiếp thêm “Hà Thanh đã hát nhạc Trịnh Công Sơn lâu lắm rồi, từ lúc chúng tôi còn trẻ ở Huế ….”

Nghe danh tiếng hát cô Hà Thanh từ lâu mà bây giờ tôi mới thấy mặt cô, dáng cô cao, nước da trắng, mặt cô tươi sáng rạng rỡ, cô mặc chiếc áo dài màu xanh lá cây nhạt nhạt, suốt buổi trình diễn cô chỉ cười hiền hòa duyên dáng và hát thôi chứ không nói gì cả .

Bắt đầu chương trình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cầm micro tự giới thiệu một bài hát quen thuộc của anh, anh dạo đàn và nói một chút về bài hát rồi quay ra đệm cho cô Hà Thanh hát, liên tiếp trong buổi trình diễn là những bài tình ca nổi tiếng của anh Diễm xưa, Hạ trắng, Nắng thủy tinh, Nhìn những muà thu đi …. Cô Hà Thanh hát rất nhẹ nhàng điệu nghệ, lâu lâu anh Trịnh Công Sơn hát theo phụ họa trong một vài bài thật nhịp nhàng . Giọng cô Hà Thanh trong veo, cao vút, nghe nhạc sống nên thấy cô hát nhạc TCS hay quá, bài nào cũng được chúng tôi vỗ tay rầm rầm. Trong buổi trình diễn này tôi nhớ nhất và nhớ mãi là lúc anh Trịnh Công Sơn giới thiệu bài “ Như cánh vạc bay”, anh nói đây là một bài hát anh mới sáng tác cho một cuộc tình đã mất, không nhất thiết của ai, có thể là cuộc tình của bất cứ người bạn nào đã…có cuộc tình , anh nói như vậy và anh rất thích bài hát này, anh vừa dứt lời thì một cô nữ sinh vụt hỏi “Dạ thưa, tại sao lại “Như cánh vạc bay” ? Anh Sơn nhìn xuống khán giả, hơi mỉm cười rồi trả lời giọng chậm chậm “À như thế này, khi mình đi theo sau những người con gái mặc chiếc áo dài kiểu decoletté, mình thấy một hình ảnh hay hay, là ở chiếc khuy cài sau cổ áo của các cô trông như một cánh chim, một cánh chim vạc nho nhỏ ….”, anh ngừng một lúc mắt nhìn xa xa rồi mới tiếp “.. khi người con gái phụ tình mình, là người con gái quay lưng bỏ mình mà đi , mình nhìn với theo, thấy thấp thoáng theo từng bước chân của người con gái, nhấp nhô hai cánh chim bay, cánh vạc bay bay càng lúc càng xa, bỏ mình lại nơi đây một mình…” Chúng tôi òa ra, đẹp quá, lạ quá, dễ thương quá, nên thơ quá, tôi bái phục cái ông nhạc sĩ Trịnh Công Sơn này vô cùng, chỉ có dưới con mắt nghệ sĩ giàu tưởng tượng của anh hình ảnh đơn sơ của chiếc khuy áo dài decoletté mới được nhìn ra là cánh vạc bay bay dịu vợi như vậy, đẹp quá là đẹp .

Bài hát còn đẹp hơn cả bội phần, hội trường mấy trăm nữ sinh im phăng phắc khi âm thanh tiếng đàn guitar anh dạo bắt đầu vang lên và cô Hà Thanh cất tiếng hát “Nắng có hồng bằng đôi môi em ..Mưa có buồn bằng đôi mắt em ….tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống thành hồ nước lênh đênh” . Chúng tôi lặng đi mà nghe, bài hát hay quá, cô Hà Thanh hát hay quá . Hồi đó tôi chưa để ý lời hát mấy hay phải nói là chưa ngấm mấy, chỉ cảm thấy là êm đềm và hay quá thế thôi, sau này lớn lên qua mối tình thơ dại rồi đi lấy chồng, hạnh phúc gia đình đầm ấm nhưng những ngày mưa , những ngày nắng, vui buồn nhìn bầu trời trong xanh tôi hay chợt nhớ lời hát anh Sơn đã viết, tôi mới thấm thía, ngậm ngùi ứa lệ “ Nơi em về ngày vui không em ..nơi em về trời xanh không em …”, tôi nghe ở đó như lời hỏi thăm đầy âu lo, của một tấm lòng ngập tràn yêu thương từ một người tình đôn hậu, tôi đã yêu em và tôi mãi mong em hạnh phúc dù em ở nơi nào, dù em ở với ai tôi vẫn yêu em, tôi vẫn thương em vô vàn .

Sau này tôi may mắn còn được gặp anh Sơn nhiều lần nữa để được nghe anh hát nhiều hơn, có nhiều kỷ niệm dễ thương hơn, như lần gặp anh ở Huế mùa Hè 74, cũng một buổi văn nghệ bỏ túi thân mật, giữa các sinh viên vây quanh anh Sơn lại đàn, lại hát, lại nói về những bài ca của anh, hôm đó anh cho chúng tôi nghe mấy sáng tác mới của anh, tôi nhớ có bài “Biết đâu nguồn cội”, “Ngẫu nhiên” và “Ở trọ” (lúc đó anh gọi là “Cõi tạm”), chúng tôi rất thích thú với giai điệu mới lạ âm hưởng ca dao trong những bài hát này, và anh Sơn tập cho chúng tôi cùng hát “Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông năm kể..trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về …Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội …tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi”. Tôi nhớ mãi điệu bộ vui tươi, thân hình hơi đong đưa của anh khi anh tập bài “Ở trọ” làm cho tất cả chúng tôi hân hoan theo anh, trên chuyến về cả bọn cứ nhâm nhi những câu hát này hoài và ê a mãi đến tận Saigon, đêm đó tôi còn nhớ thêm ánh mắt thật trìu mến của anh chàng sinh viên khác trường nhìn mãi tôi rồi bắt chước anh Sơn hát nho nhỏ “…Tim em người trọ là tôi …mai kia về chốn xa xăm cũng gần ….”, như là duyên nợ, câu hát khiến sau này người ấy “ở trọ” rồi đòi “ở luôn” trong tim tôi cho đến ngày nay.

Buổi trình diễn của anh Trịnh Công Sơn ở trường BTX năm đó làm cho tôi vui hoài, vui suốt ngày, cho đến bây giờ nhớ lại còn thấy vui, và tôi nhớ mãi buổi đầu tiên được hội ngộ đó, được ngắm anh đàn, nghe anh hát, và nhất là giọng nói, lối kể chuyện nhè nhẹ thật có duyên của anh, tôi thấy là mình may mắn quá, nghĩ lại tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng đã được gặp anh, và tôi thật sự hãnh diện được sống và lớn lên giữa những bài ca anh viết, anh đã cho thế hệ chúng tôi nhiều quá, mỗi bài hát của anh là một kỷ niệm trong tôi . Không bao giờ tôi quên được tâm hồn hiền hòa và con người tài hoa đặc biệt của anh, nên với tôi dù anh Sơn đã ra đi về chốn xa xăm cuối trời nhưng yêu thương của anh vẫn còn mãi nơi đây cho người và cho đời .



nguồn: www.khanhly.net/phoxua
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho