tưởng niệm




Nhà thơ Anh Ngọc gọi Trịnh Công Sơn là… “Thiên Sứ''

--- Phúc Sơn ---


"Nhiều người thường cho rằng ba nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, tôi cũng thấy thế. Nhưng nếu phải bỏ phiếu cho một người thôi, thì tôi chọn Trịnh Công Sơn"

Nhà thơ Anh Ngọc trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 8 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.


Làm sao cắt nghĩa được tình yêu nhạc Trịnh?


- Thưa nhà thơ Anh Ngọc, theo ông điều gì tạo nên sức hấp dẫn của Nhạc Trịnh?

- Nhà thơ Anh Ngọc: Ai trả lời được thấu đáo câu hỏi “tại sao bạn thích nhạc Trịnh” là dường như đã có thể yên tâm về tình yêu của mình dành cho Nhạc Trịnh.

Đó là sự yên tâm với chính mình vì Nhạc Trịnh có sức hấp dẫn to lớn đối với hàng triệu người, nhưng mỗi người tiếp thu theo một cách khác nhau và thích theo một kiểu khác nhau, thậm chí mỗi thời điểm ta lại thích những bài khác nhau.

Cho đến hôm nay trong nền Tân nhạc Việt Nam, chưa có nhạc sỹ nào được phổ cập trong công chúng như Trịnh Công Sơn.

Ngay với cả những người hiểu biết cũng không thể bằng mấy lời mà nói hết giá trị của Nhạc Trịnh. Ca từ của Trịnh Công Sơn không phải dễ hiểu, thế mà từ những người ít học đến những bậc trí thức uyên bác đều có thể yêu thích.

Nói thật khái quát thì Nhạc Trịnh không gì khác hơn là cách người nhạc sĩ ấy giúp chúng ta thấu hiểu, khám phá chính mình, trò chuyện với chính mình, an ủi chính mình.

Chỉ có như thế con người mới bình tâm để sống với cuộc đời vốn đầy rẫy những mặt trái luôn lăm le kéo bật mỗi cá thể ra khỏi quỹ đạo của con người đúng nghĩa, ra khỏi những niềm vui sống bình dị.

Một điều đơn giản như vậy, nhưng không dễ nhận ra và lý giải. Nên với nhiều người, đôi lúc trong đó có cả tôi, cách lý giải dễ dàng nhất là đổ thừa cho những lý do cảm tính như cách nói của Xuân Diệu ngày xưa: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu…

Yêu ở nhạc và yêu ở người

Người an ủi những linh hồn đau khổ
Bằng nỗi buồn tên gọi Trịnh Công Sơn…

- Về mặt cá nhân mình, ông thích Trịnh Công Sơn ở điểm nào?

- Tôi yêu mến và kính trọng Trịnh Công Sơn cả như một người nghệ sĩ và như một con người.

Tôi sẵn lòng gọi ông là Thiên Sứ, với cách hiểu là một con người tự nguyện hay được phái đến để làm bạn với con người, chia sẻ những buồn vui, được mất của con người, nhất là để nâng giấc con người trong những phút giây cô đơn, đớn đau hay tuyệt vọng…

Anh thuộc phía tủi hờn, anh thuộc phía mong manh
Anh thuộc phía những con người bé nhỏ
Người an ủi những linh hồn đau khổ
Bằng nỗi buồn tên gọi Trịnh Công Sơn…


Tôi đã viết như vậy. Cái cách chia sẻ ấy của Trịnh Công Sơn không phải lúc nào cũng được mọi người thông cảm, nhưng sau rất nhiều tìm kiếm và chiêm nghiệm, dường như cuộc sống đã đứng về phía anh.

Việc càng ngày càng có nhiều người tìm đến với Nhạc Trịnh, nhất là các bạn trẻ, dĩ nhiên là phải trừ những kẻ xu thời, đã chứng tỏ sức mạnh truyền cảm kỳ lạ của Nhạc Trịnh, một dòng âm nhạc nhân bản và thánh thiện như một thứ tôn giáo sinh ra bởi con người và dành trọn cho con người.

Thực lòng tôi không muốn thần thánh hóa một điều gì, nhưng cảm giác ấy của những người đam mê Nhạc Trịnh là hoàn toàn có thật.

- Đó là về nội dung, còn về hình thức thể hiện thưa ông?

- Khi một tác phẩm nghệ thuật đã chinh phục chúng ta đến thế, thì tách bạch giá trị nội dung và nghệ thuật là điều không thể.

Chỉ cần nói thêm một điều không thể không nói, ấy là: Ngoài giá trị của ca từ trong Nhạc Trịnh vốn đã được “chúng khẩu đồng từ” tôn vinh, phần âm nhạc của Trịnh Công Sơn, cũng đủ sức chở ca từ tuyệt vời của tác giả đến với triệu triệu lòng người.

Cũng như con chim phải bay bằng hai cánh, ca khúc đích thực có giá trị phải bay bằng cả âm nhạc và ca từ. Đơn giản thế thôi. Câu chuyện này quá dài cho một bài báo, bạn phải dành cho nó một dịp khác.

"Người ta yêu tôi là yêu dòng sông chảy xiết ở trong tôi"

- Nhưng có rất nhiều người cho rằng nhạc Trịnh Công Sơn đơn điệu, nhất là về giai điệu…

- Một người viết nhiều tác phẩm thì sự gẫn gũi nhau phần nào là có thật và không thể tránh khỏi. Thậm chí nhìn từ một phương diện tích cực, mỗi tác giả thực tài bao giờ cũng có một bút pháp nhất quán, đến nỗi, bịt tên tác giả đi người ta vẫn nhận ra. Tính nhất quán đó làm nên sức mạnh của cả một dòng sông tác phẩm chảy xiết.

Trịnh Công Sơn đã từng nói: Người ta yêu tôi là yêu dòng sông chảy xiết ở trong tôi. Đúng như thế. Chỉ những ai không hiểu hoặc cố tình không hiểu mới bắt bẻ một cách vô lối.

Người ta gọi những người hay bắt bẻ một cách vô lối ấy là “biết một mà không biết hai” hay là những kẻ “ngộ chữ” kiểu câu chuyện tiếu lâm “tràng cảnh tắc đại thanh”, dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.

- Ông nghĩ thế nào khi thử so sánh Trịnh Công Sơn và Văn Cao?

- Nhiều người thường cho rằng ba nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, tôi cũng thấy thế.

Nhưng nếu phải bỏ phiếu cho một người thôi, thì tôi chọn Trịnh Công Sơn. Đây là nhận định của cá nhân tôi và tôi tin có nhiều người sẽ cùng quan điểm với mình...

- Ông có thể nói chút ít về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn...?

- Đây là một vấn đề đến nay vẫn còn là nhạy cảm. Tranh luận thì tốt thôi và cần thiết nữa, nhưng vẫn còn những cách lên tiếng theo kiểu quyền uy, không có tính bình đẳng và dân chủ, nên nhiều người ngại bàn đến chủ đề này.

Tôi chỉ có thể nói rằng tôi vô cùng xúc động vì nhạc phản chiến của anh Sơn, hễ nghe là chỉ muốn khóc.

Macxim Goocky nói: Đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ. Ở đây, trái tim yêu người của anh Sơn quá lớn, nó vượt qua mọi thứ thành kiến và định kiến, để kêu thét lên nỗi đau của con người Việt Nam trong chiến tranh.

Nhà thơ Dương Tường có một câu nói hay: Tôi đứng về phe nước mắt. Tôi cũng đứng về phía ấy. Đơn giản thế thôi.



nguồn: Tuanvietnam.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho