tưởng niệm




Người phu quét đường

--- Lê Trọng Nhi ---


Tháng 1/2004 có một sự việc trùng hợp ngẫu nhiên và khá lý thú về hai nhân vật. Một người Mỹ da đen và một người Việt da vàng. Người Mỹ là cố mục sư Martin Luther King. Người Việt là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai ông, người trước đây 40 năm - 1964, người mới đầu năm nay - 2004, là những người được vinh danh đã có những cống hiến vào hòa bình nhân loại. Không hẹn, nhưng hai ông đều đề cập về một nhân vật rất đời thường: Người phu quét đường.

Ngày thứ hai của tuần thứ ba của tháng 1 hằng năm là Ngày Quốc lễ Martin Luther King tại Mỹ. Mục sư Martin Luther King, Jr, là một trong những người khởi xướng và lãnh đạo phong trào tranh đấu Quyền công dân từ cuối thập niên 50 và kêu gọi hòa bình thế giới trong những năm giữa thập niên 60 - thời kỳ chiến tranh bắt đầu có những quy mô lớn và khốc liệt trên đất nước chúng ta. Năm 1964, mục sư Martin Luther King được trao giải Nobel Hòa bình. Năm 1967, trong một bài giảng cho học sinh tại một trường trung học, ông đã nói:

"Nếu một người đã được gọi để làm một người phu quét đường, hãy quét những con đường như đại danh họa Michelangelo đã họa tranh, hãy quét những con đường như đại nhạc sư Beethoven đã soạn nhạc, hãy quét những con đường như đại văn hào Shakespeare đã làm thơ. Người phu quét đường phải quét những con đường một cách tốt đẹp nhất để tất cả khán thính giả trên thiên đàng và nơi trần gian sẽ ngẫm nghĩ và nói: Đây là đời sống của một người phu quét đường vĩ đại - ông ta đã làm công việc của mình thật tốt đẹp".

Người phu quét đường da đen của Martin Luther King với tinh thần tương tức và lương tâm khai sáng làm sạch những con đường kỳ thị và áp bức để kêu gọi mọi người cùng đưa đẩy nhau đi đến những cái mỹ học của cuộc đời - nơi đó có hòa bình và có nhân bản. Người phu quét đường trong phong trào tranh đấu quyền công dân và kêu gọi hòa bình của mục sư Martin Luther King là thế.
40 năm sau khi mục sư Martin Luther King được trao giải thưởng Nobel Hòa bình, đầu tháng 1.2004, giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (mới và không mang tính hàn lâm) vinh danh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong 6 nhạc sĩ khác được công nhận vì "Sự nghiệp hòa bình". Một điệp khúc của bài hát Đại bác ru đêm trong tập nhạc Ca khúc da vàng phát hành năm 1967 - 1968, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết:

"Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy. Đại bác qua đây con thơ buồn tủi. Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi... Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng. Đại bác như kinh không mang lời nguyền. Trẻ thơ quên sống từng đêm nghe ngóng...”.

Người phu quét đường da vàng của Trịnh Công Sơn với tinh thần tương tức và lương tâm khai sáng lắng nghe những nỗi đau cùng cực để kêu gọi mọi người hướng về miền phước hạnh - nơi đó có hòa bình và có nhân bản. Người phu quét đường trong phong trào chống chiến tranh và đòi hỏi hòa bình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là thế.

Một người phu quét đường của những đỉnh cao văn học nghệ thuật. Một người phu quét đường của những vực sâu cùng cực chiến tranh. Hai người phu quét đường của hai con người được vinh danh vì hòa bình này, nếu nói theo ý niệm về thời gian và tính chất "đi đâu loanh quanh..." của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì họ chẳng có gì khác nhau cả. Ở nơi đỉnh cao hoặc chốn vực sâu thì họ cũng vẫn là những người phu quét đường. Vâng, họ là những người phu quét đường rất bình thường. Hai người phu quét đường này đã gặp nhau trong tâm tưởng của một quá khứ và thân phận làm người nô lệ.

Người phu quét đường, trách nhiệm và nhiệm vụ lớn nhất, quan trọng nhất của nghề nghiệp và công việc của họ là rác - rác theo nghĩa rộng nhất. Quét rác. Gom rác. Dời rác. Đổ rác. Đốt rác. Chôn rác. Người và đời quấn quyện làm ra rác, nhiều thứ rác. Rác bẩn thỉu, rác hôi thối, rác ô nhiễm, rác bệnh hoạn. Rác tạo ra khoảng cách và xa cách. Người phu quét đường của ông Martin Luther King cũng như người phu quét đường của ông Trịnh Công Sơn, họ làm và sống với rác. Những người phu quét đường này không lười biếng và rất tự tin làm công việc quét rác, gom rác, dời rác, đổ rác, đốt rác và chôn rác để người và đời mỗi ngày còn được gần nhau hơn, được thấy những con đường sạch của khai sáng và hưởng hương thơm của sự khai sáng. Với tôi, bây giờ cảm nhận lại những nghề nghiệp và công việc lương thiện bình thường trong cuộc đời thì người phu quét đường thể hiện được cái rất bình thường nhưng chẳng tầm thường. Cũng có thể vì thế mà cả hai ông Martin Luther King và Trịnh Công Sơn từ hai phương trời không hò hẹn, chưa một lần gặp gỡ nhưng cùng một thời điểm gần nhau đã cùng thoát ly để cùng chọn và ôm ấp hình ảnh của người phu quét đường bình thường để làm nên, tạo ra và để lại cho chúng ta những tinh tế nhân bản vô cùng. Phải chăng chính nơi chốn và thân phận rất bình thường của những người phu quét đường này mà hai ông đã nhận thức rõ hơn con đường hòa bình cho xã hội riêng của mỗi ông vào thời bấy giờ và chung cho nhân loại hôm nay?

Tết năm nay không như mọi năm, tôi chọn vài chuyến đi lang thang ngắn ngày và cố ý tìm, ngắm, nhìn, hàn huyên với những người phu quét đường của ông Trịnh Công Sơn vài nơi trên ba miền đất nước. Vẫn thế, những người phu quét đường tiếp tục quét rác, gom rác, dời rác, đổ rác và chôn rác. Vẫn thế, những người phu quét đường tiếp tục và thỉnh thoảng dừng chổi lắng nghe. Nhưng họ không còn nghe đại bác, tiếng bom nổ tàn phá đất nước và dường như họ không chỉ đang lắng nghe những âm thanh khác lạ mà họ còn đang ngóng chờ để nhìn thấy cái gì đó. Đêm khuya, bên lề đường của thành phố năm xưa, tôi yên lặng và lắng nghe. Tôi chợt nhận ra tôi và một phần nào đó của tôi ở đâu đó trong những người phu quét đường mà tôi đã gặp và hàn huyên trong mùa tết năm nay. Đâu đó tôi lại vừa chợt thấy thêm một ít hạnh phúc làm người trong thân phận những người phu quét đường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...!

Cách đây một năm, con trai 9 tuổi của tôi hỏi vài điều về mục sư Martin Luther King cho bài học của nó. Bài học của con giúp tôi thấy lại tôi và người phu quét đường của năm 1967 và 1968 mà tôi chưa một lần hiểu tới. Giúp con học bài học của con, tôi được học lại một chặng đường trên con đường khai sáng một thời của đất nước. Bây giờ và một tương lai gần, con tôi chắc chưa đủ từ ngữ tiếng Việt và có đủ mớ tri thức về Việt Nam để hỏi và nói về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng hy vọng rằng, một mai này khi con tôi lớn lên nó sẽ tự tìm, hỏi và học về người phu quét đường của ông Trịnh Công Sơn, của đất nước một thời nhọc nhằn - nơi cha nó được sinh ra.

Hai đứa con trẻ thơ của tôi và của triệu triệu người Việt Nam khác bây giờ không còn quên sống và cũng không còn từng đêm nghe ngóng. Cám ơn, cám ơn rất nhiều những người phu quét đường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xưa, nay và trong tương lai. Xin cám ơn.



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho