tưởng niệm




Trịnh Cung nói đến chữ liêm sỉ vào lúc này không phù hợp

--- Etcetera ghi ---


LTS: Họa sĩ Hồ Thành Đức là một tên tuổi quen thuộc trong giới hội họa tại hải ngoại. Ông là phu quân của họa sĩ Bé Ký. Họa sĩ Hồ Thành Đức là bạn cùng thời với họa sĩ Trịnh Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ Đinh Cường, và là người am tường nhiều sự kiện bên trong. Nhân chuyện bài viết của Trịnh Cung “Trịnh Công Sơn & Tham vọng chính trị” được nổ ra trên các diễn đàn báo chí trong và ngoài nước, họa sĩ Hồ Thành Đức đã dành cho Việt Weekly một cuộc trao đổi thẳng thắn. Việt Weekly với chủ trương diễn đàn đa chiều, không bênh vực hay cổ vũ cho bất kỳ một phe phái nào, chỉ muốn làm vai trò thông tin và dành phần quyết định cho độc giả. Do đó, Việt Weekly xin dành diễn đàn cho bất kỳ phe nhóm nào có nhu cầu lên tiếng, trình bày quan điểm của mình trong tinh thần tương kính và tôn trọng.

VW: Thưa ông Hồ Thành Đức, bài viết của họa sĩ Trịnh Cung vừa qua, theo ông đã có những dư luận thế nào đối với giới nghệ sĩ ở hải ngoại mà ông nhận định được?


Hồ Thành Đức (HTĐ): Tôi đã đọc bài viết của họa sĩ Trịnh Cung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những gì Trịnh Cung viết ra, theo tôi phản ánh sự bức xúc rất đáng kính nể, vì anh là người thẳng thắn, không xu nịnh. Tuy nhiên, tôi thấy không vui về bài viết được viết vào lúc này, nhất là chữ “liêm sỉ” được Trịnh Cung nhắc tới. Thật ra, đối với các văn nghệ sĩ miền Nam, tấm lòng nhân bản rất đáng ghi nhận. Đối với Trịnh Công Sơn, tấm lòng tình cảm của ông, ai cũng đã biết, không ai chối cãi được. Còn chuyện ngả qua bên này bên kia, hay run sợ trước khó khăn của chế độ như Trịnh Cung nói, theo tôi, ở thời điểm đó, ai cũng vậy, cũng đều sống trong tâm trạng sợ hãi. Bây giờ, sau khi thành trì cộng sản Mát-Cơ-Va sụp đổ, người ta mới hay nhắc tới chữ “liêm sỉ.” Lúc đó, cả miền Nam đều ngỡ ngàng trước chiến thắng của miền Bắc và hầu hết người miền Nam đều khiếp sợ. Ngay cả những người mà trước đó được đánh giá là đàng hoàng, đứng đắn và liêm sỉ nhất, khi vào tù, mới lộ ra bản chất, mới thấy được sự thật là thế nào. Người ta tìm mọi cách để sống qua khỏi cơn bão dữ dội của buổi giao thời. Vì vậy, chuyện Trịnh Cung nói về Trịnh Công Sơn trong lúc này, khi nhạc sĩ không còn nữa là không nên.
Theo tôi, Trịnh Công Sơn là sản phẩm của miền Nam. Chi tiết Trịnh Cung trách Trịnh Công Sơn năm 1975 lên đài phát thanh hát “Nối vòng tay lớn” cần được xem lại. Chúng ta còn nhớ, thời VNCH, khi các đài phát thanh, truyền hình khi mở đầu, hay có những bài hát “Tung cánh chim tìm về tổ ấm,” còn bên quân đội là “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn.” Theo tôi, bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn là làm theo ý muốn của miền Nam Việt Nam, chứ không phải Trịnh Công Sơn là người làm sụp đổ miền Nam, và cũng không phải là người cơ hội. Trịnh Công Sơn chỉ kêu gọi thương nhau. Ai thắng cũng được, miễn là anh em thương nhau, đừng giết nhau nữa. Chúng ta phải thấy sự trong sáng của Trịnh Công Sơn. Còn chuyện gia đình, bạn bè, liên hệ trong ngoài vào thời kỳ rối ren đó, theo tôi thấy, chỗ nào cũng vậy. Trong quân đội, ngoài xã hội, giữa giới văn nghệ sĩ, trí thức, như một bầy ong vỡ tổ, mà không ai ngờ chuyện xảy ra như vậy. Bây giờ ngồi lại để bàn những chuyện xấu của nhau, bàn chuyện liêm sỉ không phải là đúng. Ai qua Mỹ chống cộng mà chẳng được, dễ hiểu quá.

VW: Bài viết của họa sĩ Trịnh Cung cho rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tham vọng chính trị cả bên VNCH lẫn bên CSVN, là người bạn của cả hai, ông nhận định thế nào về đánh giá này của Trịnh Cung?

HTĐ: Tôi là dân ở Huế, tôi biết tại sao ở Huế xảy ra vụ Mậu Thân (1968) dữ dội như vậy mà không xảy ra ở chỗ khác? Giới trí thức ở Huế có một kiểu cách đặc biệt. Nhiều khi tình hình đất nước rối ren, họ không hẳn đi theo cách mạng, nhưng họ làm ra vẻ ngả bên này một chút, bên kia một chút (cười), là một phong trào, một kiểu “làm dáng,” nhiều khi chẳng có tổ chức nào móc nối đâu. Khi cơn sóng cách mạng trào vô, anh này nghĩ anh kia có tổ chức, anh nọ vì muốn bảo vệ an ninh bản thân, gia đình, cũng làm bộ thế này thế nọ. Tình cờ là vậy, chứ kiểm lại, hầu hết chẳng có gì là xác thực, ai móc nối với ai hết. Trừ những anh dấn thân vào khu. Nếu nói Trịnh Công Sơn có tham vọng chính trị, tôi có thể nói chính Trịnh Cung cũng có tham vọng chính trị.

VW: Tham vọng chính trị của Trịnh Cung là thế nào?

HTĐ: Khi Trịnh Cung đi tù về, anh ấy cũng chạy chỗ này chỗ kia. Bài Trịnh Cung viết, tôi rất thích, nhưng Trịnh Cung nói Trịnh Công Sơn tham vọng thế này thế kia, tôi thấy không công bằng. Trịnh Cung viết đã bày tỏ sự thật thà, nóng nảy của mình, liêm sỉ của mình. Nhưng đã nói liêm sĩ, tại sao không nói lúc trước? Khi Trịnh Công Sơn còn sống, hay lúc trước nữa? Bây giờ mới nói? Tôi thấy, và có lẽ nhiều người cũng thấy Trịnh Cung viết trong sự ức chế, bởi sự đối xử không vui vẻ từ phía gia đình Trịnh Công Sơn sau này. Nói rõ là thế. Còn chuyện dính líu đến họa sĩ Đinh Cường, tại sao cần phải móc vào? Cho dù là khen hay chê, lúc này Trịnh Cung lại đưa vào trong câu chuyện những sự việc đã lâu, đã qua rồi. Nhắc lại, chỉ khiến cho mọi người đau đớn. Tôi thấy không ai có lỗi trong chuyện này cả. Anh em chỉ nên vui, lấy tài năng của nhau làm vinh dự cho nhau.

VW: Ông có nghĩ rằng ông Trịnh Cung nhắc lại những chi tiết có dính líu đến họa sĩ Đinh Cường có liên hệ với phía cộng sản thời điểm trước 1975 sẽ tạo ra những ảnh hưởng thế nào? Theo ông, sự liên hệ cộng sản này có khả tín hay không?

HTĐ: Đinh Cường và sự dính líu, liên hệ với cộng sản hay không làm sao biết được. Tôi chỉ biết họ là những nghệ sĩ chơi với nhau, rồi nổi tiếng cùng thời ở Huế. Họ công kiệu với nhau, đưa đẩy tinh thần, giả đò ra vẻ “bí mật” quen biết người này, móc nối người kia, để hù dọa nhau cho vui, là “mốt” của giới trí thức Huế. Đánh giá mấy anh nghệ sĩ là cộng sản theo lối nhìn của Trịnh Cung là không chính xác đâu. Người cộng sản tinh vi lắm, chứ không phải hời hợt như vậy đâu. Người cộng sản không bao giờ dễ dãi chấp nhận cho những người trí thức tiểu tư sản vô khu, vô rừng đâu.

VW: Trường hợp Ngô Kha được Trịnh Cung nhắc tới thế nào?

HTĐ: Tầm bậy. Chuyện Ngô Kha là không được. Ngô Kha là một trí thức, tiểu tư sản. Ngô Kha bất mãn vì Huế lúc bấy giờ thối nát, nên không biết quay về đâu. Tôi rất thân với Ngô Kha, anh ấy không muốn anh em người Việt chém giết nhau. Hầu hết các nhân vật được nhắc tới trong bài viết của Trịnh Cung, tôi biết hết. Họ cũng biết tôi. Lúc đó, tôi cũng là người được phía bên kia “có cảm tình,” nhưng tôi biết, không làm được gì hết. Người cộng sản, đối với “trí vận,” họ chặt chẽ lắm. Những người trí thức tiểu tư sản, ra ngoài khu, chỉ làm phiền người cộng sản. Nói không có bằng chứng, đừng nói bậy. Nói không chứng cớ là chụp mũ. Vì không biết sự việc có thực hay giả, đang sống vui vẻ với nhau, đất nước đang có những thay đổi, nói như vậy chẳng khác nào đổ một thùng dầu vào lửa. Bài viết của Trịnh Cung có thể sẽ làm sứt mẻ nhiều liên hệ bạn bè, tạo cho những người quá khích có cơ hội gây một sự xáo trộn không đáng có.

VW: Ông Trịnh Cung chọn viết một bài nẩy lửa này vào thời điểm mà ông cho rằng không còn nhiều cơ hội nói lên sự thật, cho lịch sử về con người Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, ông cũng đã nói rõ về trách nhiệm của ông đối với sự việc trình bày. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hồ Thành Đức, ông Trịnh Cung còn có mục tiêu nào khác không?

HTĐ: Trịnh Cung là người có tinh thần chống cộng, chứ không phải không. Nhưng anh ấy lại chơi với những người bạn thiên tả. Thiên tả thôi, chứ không phải là thuần chất cộng sản. Trước đây, khi Trịnh Công Sơn còn, lúc nào tôi đến nhà nhạc sĩ, cũng đều thấy Trịnh Cung ngồi ở đó. Trịnh Cung lúc đó có ý “giành” Trịnh Công Sơn về mình. Chuyện này nhiều người chứng kiến. Gia đình Trịnh Công Sơn không ưa Trịnh Cung trong nhiều vấn đề. Trịnh Cung sau này bức xúc chuyện đó, đến bây giờ mới tỏ ra. Nhiều dư luận bên nhà nói đến tai tôi, tôi biết. Trong bài viết, tôi thấy Trịnh Cung sai một điểm quan trọng là: Viết làm gì? Anh em đến tuổi gần chết, mà Trịnh Công Sơn thì không còn. Nhạc Trịnh rất có uy tín mà bất cứ chế độ nào cũng cần để nối lại nhịp cầu giữa người Việt Nam. Nói ra để giải tỏa bức xúc cá nhân, nhưng lại gây ngộ nhận, chia rẽ cho rất nhiều người. Tôi thấy cách hành xử này không người lớn. Tôi nói như vậy chắc anh Trịnh Cung cũng hiểu cho tôi.

VW: Ông có nghĩ bài viết của Trịnh Cung có yếu tố đánh bóng tên tuổi cá nhân mình, tự ti mặc cảm, hay có mưu tính một chuyện nào khác hay không?

HTĐ: (Suy nghĩ) Về điểm này, tôi đọc và có thoáng thấy có yếu tố chính trị nào đó. Trường hợp Trịnh Công Sơn được ông Võ Văn Kiệt chiêu đãi quá đáng, đã gây ra một số khó chịu. Đối với cá nhân Trịnh Công Sơn không nói làm chi, còn đối với gia đình của ông nhạc sĩ, đã dựa vào sự ưu đãi này để có những vấn đề khác không liên hệ gì với chuyện nhạc của Trịnh Công Sơn, đã nảy sinh vấn đề ganh tị về chính trị ở những người miền Bắc và miền Nam.

VW: Ông có nghĩ rằng, bài viết này sẽ tạo khó khăn cho họa sĩ Trịnh Cung ở trong nước hay không?

HTĐ: Họa sĩ Trịnh Cung trong bài viết có nói rằng sẵn sàng đón nhận những bất lợi xảy đến, và chịu trách nhiệm những gì mình tuyên bố. Tuy nhiên, theo tôi, đây không phải là lần đầu Trịnh Cung làm như vậy, mà đã rất nhiều lần, rất nhiều chuyện, rất nhiều bài, thấy không ưng cái gì là viết. Tạo ra việc nhiều người không ưa anh ta. Cho nên, lần này, cho dù anh nói trúng chăng nữa, người ta vẫn không tin, có người còn không muốn đọc nữa là khác.



nguồn: Vietweekly
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho