bài viết




Nhìn lại mình đời có xanh rêu

--- Đỗ Trung Quân ---


Cơn mưa chiều đột ngột đẩy một thiếu niên 14 tuổi vào mái hiên ven đường . Buổi chiều tháng 7 vàng vọt ẩm ướt. Dưới mái hiên sũng nước, bồn chồn đợi cơn mưa dứt, cậu chợt nghe tiếng hát của người ca sĩ nổi tiếng vọng ra tiếng được tiếng mất từ ô cửa nào đó “ trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang ... đóa hoa hồng vùi quên trong tay ..ôi đường phố dài …” Tuổi mười bốn chưa hề biết thế nào là tình yêu, nhưng trong khoảnh khắc của buổi chiều màu hoa cúc, cậu thiếu niên bỗng bàng hoàng biết mình đã yêu những lời hát kỳ lạ, rời rạc- ẩn giấu nỗi cô đơn khó hiểu nào đó người nhạc sĩ đã viết nên bằng những ca từ kỳ lạ ấy.
Bây giờ, ba mươi bốn tuổi – cậu thiếu niên ngày nọ đã biết được đó là những ẩn dụ về điều lớn lao nhất của con người : Tình yêu .
Người nhạc sĩ ấy cũng từ đó đi cùng tôi- đi cùng thế hệ tôi suốt tuổi hai mươi cho đến tận bây giờ . vâng, không thể phủ nhận có một thế hệ lớn lên tâm hồn rải đầy những nốt nhạc của tình khúc Trịnh Công Sơn.
Con chim nhỏ hót chơi trên đầu ngọn lau ấy chưa bay đi . Mười bốn năm qua anh vẫn còn đó, vẫn những ca khúc mang dụ ngôn quen thuộc của tình yêu dành cho mọi người và cho chính mình. Có người tiếp nhận, có người lặng thinh, có người quay lưng đi với nỗi niềm anh muốn bày tỏ - anh có buồn không ? Bày tỏ với đời một số gì đó và tìm được sự chia sẻ, cảm thông, đó là mục đích duy nhất của người làm nghệ thuật. Tôi có cảm giác trong hơn 10 năm qua tâm lý con người có vẻ trở nên phức tạp hơn. Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của người sáng tác .. Và cái hay cái đẹp tự thân nó là lý do tồn tại của chính nó ..Mấy ai đã dám khẳng định mình hiểu được chính mình. Có một câu nói của Socrate "Connais-toi-toi même – Hãy tự hiểu lấy chính mình"…
Và Trịnh Công Sơn cứ thế , vẫn lặng lẽ đi suốt con đường – con đường như một duyên kiếp tiền định: một người viết tình ca. Dù trên đường đi, anh hái được hoa hồng lẫn gai góc, cảm thông và ngộ nhận. Hãy để người nghệ sĩ không chỉ gặp được toàn hoa hồng mà còn gai góc nữa (Tsêkhôp). Trịnh Công Sơn vẫn đi tìm hạnh phúc trong những ca khúc của mình, vậy mà sao nỗi cô đơn cứ bàng bạc mãi trong hầu hết các giai điệu. Vì sao vậy? “Tôi có khuynh hướng nghiêng về nỗi bất hạnh của đời người từ lúc còn trẻ“. Trong đời sống nói chung hạnh phúc bao giờ cũng là điều khó tìm.. Khó tìm, nhưng đôi lúc ngay chính trong khía cạnh đời sống anh đã bắt gặp nó rồi. Người ta vẫn tiếp tục nghe bài hát của anh khi đã xa quê hương. Đó là một niềm vui, người Việt đâu cũng là người Việt cả … Những con người ở lại, những con người tha hương vẫn còn nghe ca khúc của anh như tìm một niềm an ủi, trong nỗi nhớ nhung không nguôi nào đó – để tự an ủi mình. Tôi biết chắc rằng cũng đã có nhiều người khi lang thang ngoài phố, trên môi vẫn thì thầm, vẫn bật ra một vài câu hát của anh. Tuyết có thể chữa lành mọi bệnh (Paxternac) thì âm nhạc cũng tương tự. Đối với người này người nọ nó cũng có thể chữa lành và an ủi nỗi đau tâm hồn.
Và có một đêm bước lên sân khấu anh không ngồi hát với cây đàn ghi-ta quen thuộc của mình. Cầm micro trên tay, đứng dưới quầng sáng màu tím nhạt, đôi tròng kính của anh phản chiếu ánh sáng trông như một người mù đơn độc bày tỏ nỗi niềm riêng với mọi người “Tình yêu vô tội để lại cho ai...buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này .. Trời cao đất rộng một mình tôi đi ..đời như vô tận một mình tôi về… một mình tôi về với tôi “ Bài hát dành cho một người, một số phận nào đó trong phim Tình xa với những giai điệu quen thuộc, tôi bỗng gặp lại nỗi bàng hoàng, như nỗi bàng hoàng xưa kia – buổi chiều mưa 14 tuổi .
Nỗi cô đơn, dằng dặc theo đuổi mãi trong người nhạc sĩ từ lâu đã trở thành của nhiều người. Phải chăng đó là cái thông điệp lớn lao – bi kịch cũng đồng thời là niềm hạnh phúc – của người nghệ sĩ? Nỗi cô đơn nhiều bất ổn hay là số phận của con người trong thế giới nhiều bất ôn? Tôi vốn sợ những điều dự báo trong tác phẩm. Đi và về - Cái khái niệm chuyển dịch nhưng đồng thời cũng là một hò hẹn với hư không. Thôi cầu mong đó chỉ là nỗi ám ảnh, lo sợ vu vơ của tôi – một kẻ nhát gan. Anh vẫn còn đang sáng tác, vẫn còn đến cùng đám đông . Đời sống có lúc căng thẳng quá nên vẫn cần gặp lại những tình khúc dịu dàng của anh lắm đấy.
Tôi mang đến anh một câu hỏi của những người yêu mến anh: nhìn lại đời mình có xanh rêu? Và đã đựoc nghe câu trả lời: “la Pierre qui roule ne ramasse pas mousse – nhưng vì cuộc đời người vẫn còn lăn mãi nên rong rêu có lúc không bám nữa“ .
Lặng lẽ nơi này, nhưng không phải cuộc hò hẹn với rong rêu. Cầu mong như vậy .

Mùa thu 1989



nguồn: Tuổi Trẻ
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho