tưởng niệm




Sơn Đã 'Bỏ Ta Đứng Bên Trời Kia'

--- Đỗ Quang Hạnh ---


Dường như, hiện hữu trong cuộc đời hay ra đi khỏi bề mặt đời sống, đã từ lâu đối với Trịnh Công Sơn không còn là điều quan trọng. Nhưng thật sự số phận đã trao cho anh và suốt đời, anh an nhiên đi đến cùng một sự nghiệp sáng tạo to lớn trong một hình hài - thân xác rất đỗi mong manh, dễ bị tổn thương.
Tôi tin rằng, chỉ bằng một phần nhỏ trong thành quả sáng tạo ấy, nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc Việt Nam đã có thể yên lòng ra đi. Dẫu sao, Trịnh Công Sơn chia tay với chúng ta vào ngày cá tháng tư (1-4) như là lời nói dối, để chúng ta đau xót nghĩ rằng, đó là điều đùa cợt tàn nhẫn và thật sự cay đắng. Trong một năm chỉ có một ngày "nói dối" và chính trong cái ngày ấy, Trịnh Công Sơn cũng chọn để nói với chúng ta lời từ biệt chân thành.
Anh ra đi vào giờ Ngọ (12h45’). Trong các bài của Trịnh Công Sơn, ít có ca từ nói về giữa trưa. Từ trong vô thức, anh không thích nói đến sự lưng chừng, một nửa chăng? Rất ít ban trưa, nhưng không phải là không có. Trong Em còn nhớ hay em đã quên, anh đã từng gợi lại: "Có chút nắng trong tiếng gà trưa". Và hôm nay tôi chợt nghe thấy Lời thiên thu gọi anh từ rất xa xăm: "Về trên phố cao nguyên ngồi. Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi. Chợt như phố kia không người. Còn lại tôi bước hoài...". Trong những bước đi của thuở hoa niên, mảnh đất cao nguyên với Sơn như là sự tình tự đầu tiên, nơi nâng niu những nguồn cảm hứng sáng tạo đầu tiên, và cũng từ đấy, anh chọn cho mình một con đường mới. Là người Huế, từng sống nhiều ở Huế, nhưng Trịnh Công Sơn lại sinh ở Đắc Lắc (1939). Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, anh về dạy ở Blao (Bảo Lộc - Lâm Đồng hiện nay), rồi anh quyết định thôi dạy, nhưng chỉ để làm một nghề rất đỗi thiên lương khác là âm nhạc.
Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác từ cuối những năm 50. Tôi vẫn còn nhớ bức hình chụp một chàng trai trẻ ôm guitar trên sân thượng. Bài được biết đến đầu tiên là Ướt mi. Có lẽ đó không chỉ là tình khúc, nó đã hướng tới nỗi đau nhân thế, kiếp người. Và cũng không khác những nghệ sĩ sáng tạo đích thực, Trịnh Công Sơn đã viết trong sự cô đơn, về cái cô đơn. Sau hàng loạt những ca khúc mà chúng ta quen gọi một cách lười biếng và dễ dãi là "ca khúc trữ tình", chặng đường sang tác của Trịnh Công Sơn có bước ngoặt. Chiến tranh ngày càng leo thang, Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, người nhạc sĩ vẻ chừng "yếu đuối" ấy kiên quyết trốn quân dịch, trở thành một nhân vật phản chiến, hướng lòng mình vào phong trào thanh niên sinh viên yêu nước. Các ca khúc đã tiếp sức rất nhiều cho phong trào đấu tranh sôi nổi ở các đô thị miền Nam. Anh đã "hát cho đồng bào tôi nghe" và thật sự đồng bào đã nghe các bài hát của anh. Không chỉ có đồng bào, còn có những người tận các phương trời khác. Có thể nói đây là một giai đoạn sáng tạo của Trịnh Công Sơn. Tên của anh xuất hiện trong bộ Từ điển Bách khoa Pháp (Encyclopédie de tous pays du monde), trên nhiều báo chí quốc tế.
Sáng tác của Trịnh Công Sơn là lời kêu gọi yêu thương. Đó là máu thịt, nó xa lạ với thói hoa mỹ, lắm lời của không ít văn nghệ sĩ. Sự yêu thương phải là tự nguyện, một hành động tự nhiên như đời sống. Đối với anh có lẽ nó giản dị, không vất vả, vật vã hay là sự làm dáng. Anh từng nói: "Khi viết những ca khúc trong thời gian đó, tôi đề cập đến lòng yêu thương như một sự tự phát chứ không hề từ một ý đồ có sẵn... Cái gì xuất phát từ trái tim chân thật thì dễ tạo ra sự cảm thông với thế giới quanh ta..."
Có thể coi đây là những điều tâm niệm - và cũng là sự dặn lại của Trịnh Công Sơn: "Đi qua đời sống này tôi rút ra được một bài học: Không có cái gì quý hơn trong con người bằng lòng bao dung; và luôn luôn phải biết tha thứ cho lỗi lầm của người quanh mình. Sống được như vậy sẽ thấy cuộc đời dễ thở hơn và sẽ đánh thức được lòng yêu thương trong mỗi con người đối với mọi người..." (Tạp chí Thế giới Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, số 2-2001).
Trịnh Công Sơn đã đi qua đời sống này phải chăng để đến một nơi trời mới, đất mới? Dù anh đã "Bỏ ta đứng bên trời kia" (Đêm thấy ta là thác đổ), nhưng ở bên trời ấy, có lẽ anh vẫn đang mỉm cười nhìn chúng ta thân thiện và bao dung biết bao. Tôi không muốn nói theo kiểu dễ dãi là sự ra đi của anh là tổn thất lớn, là "khoảng trống không gì bù đắp nổi" trong nền âm nhạc nước nhà. Trịnh Công Sơn không bao giờ mong làm thứ cây lớn xốp xáp, anh từng muốn "Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do”, (Đêm thấy ta là thác đổ). Tâm hồn của anh, ca khúc của anh luôn là "đốm lửa", luôn "nhóm trong vườn khuya". Và vì thế, Trịnh Công Sơn sẽ còn sống, chừng nào mà mỗi người còn muốn nắm tay nhau, để Nối vòng tay lớn, để "cho tròn một vòng Việt Nam".



nguồn: Báo Lao Động
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho