tin tức




Khánh Ly biểu diễn nhạc TCS tại Sydney

--- lys ---


Dân tình đi xem cũng đông, ước khoảng đến 500 người, ngồi kín cả hội trường, mà toàn nghe nói tiếng miền Nam.

(xin phép bà con cho kể chuyện râu ria trước)

Chả biết tình hình mua vé trên thị trường có khó khăn hay không (lys nhờ người mua hộ nên cũng không rõ mức độ khan hiếm), chỉ biết rằng hội trường không còn thừa một chỗ.

Và trong đám khán giả có những người như lys, lặn lội từ cách đó gần 2 tiếng đi bus và train để tới một chỗ lạ hoắc, lại có nhiều tai tiếng về an ninh không đảm bảo như Bankstown, chỉ để được mục sở thị con người và tiếng hát lừng danh "Nữ hoàng chân đất" một thuở.

Đủ biết rằng người ta đã yêu quí tiếng hát này đến thế nào.

Việc đảm bảo an ninh cho đêm nhạc được tiến hành nghiêm ngặt. Tất cả các quí vị, quí ông, quí bà, quí cô quí cậu trước khi vào đều được kiểm tra qua máy quang tuyến, y như ở sân bay.

Mở đầu chương trình là một giọng ca trẻ "ấn tượng" và "nhiều triển vọng" có tên Hoài Vũ. Anh này hát 3 bài: Đa tạ tình em, một bài tiếng Anh, và ... bài cuối là... Đi về nơi xa! Phong cách cũng khá Aussie: hát xong mỗi bài đều có "Thank you", nghe cũng... hay hay.

Thôi, râu ria đủ rồi. Phần chính:

Khánh Ly, "Nữ hoàng chân đất" huyền thoại. Áo dài, tóc dài. Tôi chợt nhớ câu chuyện "Qua đèo Hải Vân nhớ cột tóc lại kẻo gió bay nghe em..." Và lấy làm lạ: chiếc áo dài của cô may đúng kiểu và chất liệu có lẽ đang là "mốt" ở HN bây giờ.

Tôi thầm nghĩ, tôi muốn nghĩ: dù đi đâu, bao giờ, cô vẫn là "Người con gái Việt Nam da vàng", không khác đi được.

Áo dài, tóc dài, tha thướt thế, tiếng hát thì "liêu trai" thế, nhưng mà nói chuyện thì làm người ta chết cười, sắc sảo và... ngoa không chịu được.

Bài hát đầu tiên, Gia tài của mẹ, cô hát theo điệu Swing, "nhịp điệu vui". Hát xong thì nói sang chuyện lấy visa sang Úc, rồi khen ban nhạc... Rồi cô dẫn dắt thế nào sang luôn chuyện đời, chuyện sống chết. Và cô nói một ý tưởng khá lạ lùng, đại ý, "trong các bạn và tôi, không biết ai sẽ là người ra đi trước. Nhưng nếu được, tôi sẽ xin để mình được ra đi trước các bạn..." Lý do: (thôi không nói nữa!)

Rồi đến "một thuở Mưa hồng", khi tiếng hát cất lên "Trời ươm nắng cho mây hồng...", nhất loạt mọi người vỗ tay rào rào... Tiếng nói thực của cô thì trầm và khàn, nghe yếu yếu, nhưng khi hát thì dường như nội lực dồn cả vào từng hơi thở. Không dài hơi, hay phải dừng giữa câu hát để lấy tiếp hơi, nhưng có cảm tưởng cô sống hết mình trong từng hơi thở.

(Nghe KL hát Dân ta vẫn sống từ hồi nảo hồi nào, giọng còn trong mà giờ đã già rõ. Có điều tớ vấn thấy "giọng già" mà vẫn có cái chất ảo não KL, thậm chí như là có gì đó "đời" hơn của một người nếm trải nhiều nỗi đau, lại có thể suy tưởng ra cái câu "mệt quá thân ta này..", thì nghe cái giọng "già" ấy càng thấy thương...)

Hát hết ..."cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ", phải dừng lại uống nước, rất tự nhiên. Rồi tiếp tục "... người ngồi xuống mây ngang đầu...". Câu hát cuối cùng ngân lên: "...Cuộc đời đó có bao lâu ..." Cô nói: "...cuộc đời đó có bao lâu..." rồi ngân dài "... mà hững hờ..." , chắc làm nhiều người chết lặng...

Cô nói về Huế, về những con đường phượng vĩ rơi như mưa trên tà áo mong manh, những cơn mưa hồng, để "Em đi về cầu mưa ướt áo..." (Có bạn nào hỏi "cầu mưa ướt áo" nghĩa là gì, cô nói có hai nghĩa đấy, hiểu sao cũng được!")

Theo KL thì TCS rất thích bài này. Đây là một trong số ít những bài mà ông thuộc được lời, và lần gặp nhau nào ông cũng hát.

"Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn...." Bất giác tôi chợt nhìn lên mái tóc của cô. Mái tóc không còn mượt mà như thời con gái, nhưng phải vì một lời dặn dò nào từ thuở xa xưa: "Sau lưng ngày con gái, môi son đừng biếng lười, cho ta còn mãi mãi chút mùi phấn hương bay..." nên mái tóc ấy vẫn buông dài, để có người "chìm dưới thiên thu" vẫn còn "ngàn năm ru hoài" một dòng tóc buồn như thế?

Bài hát nào cũng vậy, cứ sau câu hát đầu tiên, là thính giả vỗ tay rào rào... Vì chính tiếng hát ấy ngày hôm nay. Vì tấm lòng yêu thương tiếng hát ấy từ mấy chục năm qua. Vì tiếng hát ấy như đang vọng về từ mấy mươi năm trước, từ trong lòng của người nghe... ?

Cô nói lại một lời của TCS: " Một điều giấu kín trong tim con người là điều giấu kín thôi..." Và cô cảm ơn người nhạc sỹ đã nhiều lần nói hộ cô những điều "có khi suốt đời không thể nào bày tỏ".

Một trong những bài hát đầu tiên mà KL được tập với TCS là Dấu chân địa đàng (ban đầu có tên là Tiếng hát dạ lan) (cảm ơn Temely, giờ lys mới tin, trước đây cứ nghĩ đó là cách gọi tầm bậy của mấy ông bà làm băng đĩa lậu chứ!). Năm ấy KL khoảng 18-20 tuổi. Tôi vẫn băn khoăn ở tuổi đó, làm sao thấy hết, làm sao hiểu hết thế nào là "...Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca lên như than phiền, bàng hoàng lạc gió mấy miền..." Nhưng có hề gì. Hồi mới hơn chục tuổi đầu tớ đã thích "tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên, tưỏng rằng đã quên, nhưng tim yếu mềm..." rồi. Có sao đâu. Với tôi, có thể đó là cái duyên; với KL, đó là duyên, là nghiệp, là nợ, "nợ lại lần này trong cõi đời nhau...".

Diễm xưa, hát ở cung La thứ. Tiếng Việt và tiếng Nhật. Tôi không biết người Nhật có được cái cảm giác của người Việt mình khi nghe đến những câu như "làm sao em biết bia đá không đau..." hay không. Với tôi, nghe KL hát tiếng Nhật thì gần như...non-sense, chỉ có điều cái khúc ở tiếng Việt là "Chiều nay còn mưa sao em không lại...", trong tiếng Nhật, khúc đó nghe cuống quít hơn, dằn vặt hơn...

Trong khán giả có người yêu cầu được nghe "Dân ta vẫn sống", KL cười và nói "bài đó khó lắm", nhưng rồi cũng hát vo mấy câu làm "ví dụ":
"Nhưng dân ta vẫn lớn như rừng
Ngày đêm luân phiên giữ nước
Da lên mầu gió sương"...

Ở dưới lại có người đề nghị Tình khúc Ơ bai, cô lại cười mà hỏi: "Bạn biết Ơ bai nghĩa là gì không?". Là "không được đâu". Cô cất tiếng hát, không nhạc đệm. Lúc đầu hát khe khẽ như tự nói với mình: "Tôi đi bằng nhịp điệu một, hai, ba, bốn, năm...", rồi cất tiếng cao và hứng khởi dần: "Sông cạn, đá mòn...Sông cạn, đá mòn...Làm sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau...". Và đến cái khúc "Ơ bai...a..." thì quả là người nghe muốn chết lặng.

Sau đó là bài Anh đến thăm em đêm ba mươi (Nguyến Đình Toàn-Vũ Thành An), thôi không bàn đến ở đây. (not relevant info., dù trong bài cũng có một ý tưởng khá thú vị là "nói với ngưòi phu quét đường xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...")

Hết phần của KL, đến phần của Tuấn Ngọc (đêm diễn Khánh Ly-Tuấn Ngọc mà). Cũng not relevant info, không bàn nhiều, nhưng mà phải nói một điều là giọng ông này hay thật...

KL trở lại với Nhìn những mùa thu đi, cùng một câu hát nhiều khi thành nỗi ám ảnh "...Chiều tím loang vỉa hè..".

Ru ta ngậm ngùi, cung C thứ (kẻo "không lên được", như KL nhận), điệu Boston. Nhưng cứ nghĩ lại cái lúc cô hát vo Tình khúc Ơ bai, tớ nghĩ có khi chả cần chiêng trống làm gì nữa.

Tiến thoái lưỡng nan, nếu TCS nhấn nặng vào chữ "lưỡng" thì KL day dứt ở chữ "nan".

Sau Hoa vàng mấy độ, KL có nói "Thực ra người nhạc sỹ không yêu ai, ông chỉ yêu tình yêu của mình..."

Cô nhắc tới bài hát Cúi xuống thật gần, có câu "Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang...", đó là hình ảnh người thiếu phụ đi nhận xác chồng, cúi ôm xác chồng mà xoà mái tóc của mình lên thi thể người chồng đã tan hoang...

Rồi lại nhắc tới Rơi lệ ru người, cùng câu hát cuối: "...Nếu thật hôm nào tôi phải đi... ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng, với bình minh, hay đêm khuya và từng trưa nắng, bao nhiêu sen xanh sen hồng, với dòng sông, hay anh em và những phố phường, Chắc lòng rất khó bình an.", cô đặt câu hỏi: Vậy trước khi ra đi ông đã kịp chào chưa? Hay ông đã "nói cùng cuộc đời" từ trước đó rất lâu rồi?

Cô hát Ru tình. Và nói về "Ru em ngồi yên nhé, tôi tìm cuộc tình cho...". hic,...mà nói sao lys quên rồi! Rất rất xin lỗi mọi người.

Sau Một cõi đi về là một liên khúc Tôi ơi đừng tuyệt vọng - Biển nhớ - Cát bụi - Nắng thuỷ tinh - Cho một người nằm xuống (bài này hát nguyên cả bài). Lúc đầu ban nhạc chỉ rải keyboard ngẫu hứng theo "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng, lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông...", nghe cũng khá ấn tượng.

Phôi pha, Tuấn Ngọc trình bày, ấm và truyền cảm.

Cuối cùng, KL hát Em ơi Hà Nội phố!




nguồn: www.ttvnol.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho