tưởng niệm




Trịnh, Rock: Đi tìm cái nguyên thủy

--- Nguyễn Trương Quý ---


Tôi đến quán café On ở Hà Nội hai lần. Lần trước là dự buổi ra mắt đĩa CD death rock "Sân khấu cuối cùng" của ban nhạc chưa tên tuổi Final Stage. Lần này là buổi tưởng niệm 9 năm ngày mất Trịnh Công Sơn của nhóm ca sĩ - nhà báo.
Làm thế nào mà một không gian cũng không rộng, trên hòn đảo hồ Thiền Quang, lại là sự lựa chọn của cả hai loại nhạc đó?

Quán café này kể ra đầy nhược điểm: nột thất kiểu xanh đỏ thông thường của các quán không có tính cách, micro hay bị hú, giọng ca sĩ thi thoảng bị nuốt, lại khuất nẻo với đường phố, nhưng ắt là khi được dùng làm nơi tổ chức sự kiện, các bạn trẻ đã có tính toán. Thực vậy, bất chấp mấy nhược điểm trên, cộng thêm tính chất amateur của người trình diễn, cả hai buổi đều đông nghịt, nhất là đêm nhạc Trịnh, người nghe còn không đủ chỗ ngồi. Chỉ có thể trả lời: tất cả là do lòng yêu mến dành cho hai loại nhạc khác xa nhau nhưng đều có cảm hứng từ tuổi trẻ.
Tuy vậy, suốt hàng mấy thập niên, người ta vẫn có cảm nhận một cách rất quán tính là nhạc Trịnh dành cho người già. Mặc dù người sáng tác, người hát và khán giả lúc đầu đều là tuổi thanh niên, nhưng màu sắc bài hát và những mối bận tâm trong đó vượt hẳn tầm suy nghĩ “bồng bột” đôi mươi. Từ những chủ đề có màu sắc triết lý tôn giáo cho đến dòng ca khúc da vàng dấn thân phản chiến, tất cả đều bàng bạc một sự từng trải khiến không ai nghĩ đó là bài hát của lứa tuổi đôi mươi.

Nhạc Trịnh thực tế là một đại biểu chiết trung của nhiều giá trị. Ca khúc ngắn gọn theo cấu trúc hai đoạn nhạc có những sắc thái Á Đông rất nhẹ nhưng đủ để gây ấn tượng, những âm hưởng ca Huế thoảng qua như sương khói. Không cầu kỳ kỹ thuật nhưng cũng vẫn có độ sang trọng. Có sự tinh khôi của cảm xúc nhưng cũng không thiếu sự rã rời buồn nản. Chiều sâu của ca khúc Trịnh Công Sơn là một sự kết hợp kỳ dị cả hình tượng Kinh Thánh (Phúc âm) lẫn chất Phật giáo.

Thêm vào đó, do xuất thân từ vùng đất miền Trung Việt Nam, nơi pha trộn nhiều ảnh hưởng văn hóa, lại là người thừa hưởng nền giáo dục Tây học cũng như xê dịch nhiều, Trịnh Công Sơn làm nhòe mờ những dấu vết ảnh hưởng một cách tinh tế. Khó nói ông nằm trong một vùng văn hóa nào, nhưng hoàn cảnh đất nước chiến tranh đứt rồi lại nối cũng khiến cho ông chọn lấy “vũ khí” là ca khúc ngắn như ballad, dễ hát lên mọi nơi, chỉ cần đệm bằng cây đàn guitar, dạo vài hợp âm là đủ vẽ nên một không khí đầy ám ảnh ma mị.

Nhạc Trịnh Công Sơn không bộc lộ rõ yếu tố giới trong mối quan hệ tình ái. Đa phần tình ca xưng “tôi - em”, rất ít bài có xưng “anh - em”. Sự trung dung đó khiến bài hát Trịnh có sự tương hợp với ý thức kín đáo trong biểu đạt tình cảm (có phần ảnh hưởng bởi giáo lý truyền thống) của người Việt. Một sự gián cách về chủ thể khiến người hát lên những ca khúc ấy dễ dàng hóa thân, giữ ở một trạng thái vừa độ, không đắm đuối cũng không gào thét bản năng. Sự chừng mực đó có thể khiến nhiều người nghe thời nay cảm giác uể oải rã rời và đơn điệu. Nhưng hơn rất nhiều người, và dường như cũng chỉ mới có Trịnh Công Sơn làm nên cả một khu rừng âm u kỳ dị, mỗi cây là một bài hát lạ lùng, mỗi hình tượng nở ra trên đó như những đóa hoa không thấy mọc nơi khác. "Ta thấy em trong tiền kiếp, với cọng buồn cỏ khô. Ta thấy em đang ngồi hát, khi rừng chiều đổ mưa". Trịnh Công Sơn vẽ ra được những trạng thái đời, bài ca có khi chẳng kể lại một câu chuyện cụ thể nào, nhưng lời ca để ngỏ những dư âm tìm giải đáp. Chỉ bằng vài chữ “Chiều nay em ra phố về”, người nghe cũng đã mường tượng ra một khung cảnh buồn u uẩn, kéo theo là chiêm nghiệm rất đỗi mơ hồ về thân phận: “thấy đời mình là con nước trôi. Đèn soi trên vai rã rời…”

Từ năm 1966, trên một bãi đất trống sau trường đại học Văn khoa Sài Gòn lấy tên là Quán Văn, những con người trẻ tuổi “gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng”, những nhạc cụ và phương tiện đơn sơ hơn rất nhiều so với On café, những kẻ ban đầu nghiệp dư tập hợp lại. Chỉ trong hai năm rưỡi, họ đã gây ảnh hưởng cho cả bao nhiêu thế hệ âm nhạc. Nhìn ở khía cạnh ảnh hưởng đó, Quán Văn cũng như nhạc hội Woodstock của giới trẻ yêu rock, diễn ra 3 ngày mùa hè 1969 trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam (“Ba ngày của hòa bình và âm nhạc”), tuy chỉ tồn tại ngắn ngủi nhưng cách chúng tồn tại đã mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là cảm hứng nhập cuộc, đồng hành của những người trẻ tìm đến nhau qua âm nhạc, để cất tiếng nói về cuộc đời, bày tỏ thái độ về xã hội mà họ đang sống.
Các cuộc hội ngộ sau này, vì thế có một nhiệm vụ bất thành văn, là đi tìm lại những Quán Văn và Woodstock ngày xưa. Đó cũng là một trong những “ám ảnh cội nguồn” mà thật tình cờ, những nghệ sĩ ấy đặt chân trên con đường tiên phong.

Những bài ca của Final Stage dẫu vẫn còn khó nhớ và chưa dễ phân biệt được chúng với nhau, nhưng đã thu hút được 400 fan trên trang web của nhóm. Buổi ở On café thực tế quá kiểu cách với chất nhạc của những cậu trai chưa quá hai lăm, hai sáu tuổi. Họ có những buổi hát trong ngôi nhà cấp bốn dùng làm quán café sau Gò Đống Đa, khán giả 8x, 9x điên cuồng nhễ nhại lắc lư theo nhạc. Ngày xưa người hát nhạc Trịnh đi chân đất, nay ca sĩ rock cởi trần tỉa một câu riff mà làm mê mị cả đám đông. Những sự bùng nổ đầy gào thét về cái chết, về sự bội bạc, về đổ vỡ trong tình yêu: “Giờ đây ngàn siêu thoát đang đưa ta đi, vội vã trong câm lặng… Đau đớn nào trên xác thân. Cắt bỏ đi hình hài nào thẳm sâu trong ta”. Các cậu trai rock Hà Nội này dễ dàng có một cuộc sống yên hàn, nhưng cái gì thôi thúc họ tìm cách trổ những bông hoa gai góc, chất chứa những suy nghĩ “điên rồ” trong những câu chữ khá là đại ngôn? Khán giả tìm đến họ cũng như đến với đêm nhạc Trịnh, bất chấp không gian ra sao, để thỏa mãn niềm đam mê về một cõi huyền hoặc, dù là “Đường hầm siêu thoát” hay “đêm thần thoại”, những gì cuộc đời thường nhật không bao giờ có.

Bên ngoài mặt hồ lăn tăn sóng, trong không gian quán cà phê, những lời âm u trên cũng như ca từ Trịnh Công Sơn dính với nhạc như xương với da, biến một không gian tầm thường thành siêu thực. Cách ban nhạc trẻ này tự hát cũng như những người ca sĩ nghiệp dư miệt mài hóa thân mình thành Diễm, thành Vết lăn trầm, là cách họ đi tìm cái cảm hứng nguyên thủy ngày xưa ấy, khi và luôn là khi họ chưa ra đời.

Nguyễn Trương Quý

Ý kiến phản hồi

Gửi noname

Trước tiên tôi xin nói với bạn tôi là một 8x, một kẻ mê Rock, nghiện Linkin Park và cũng mê nhạc Trịnh. Bạn nói giới trẻ bây giờ nghe Trịnh như chỉ chứng tỏ mình chín chắn, sành nhạc, tôi không phủ nhận có những người như thế. Nhưng xin nói với bạn nếu bạn nghĩ tất cả người trẻ như chúng tôi nghe Trịnh chỉ là để chứng tỏ một điều gì đó thì xem ra bạn xem thường lớp trẻ chúng tôi quá rồi.
Âm nhạc của Trịnh không phân biệt vùng miền, không phân biệt giai cấp, thời gian và không gian vậy thì cớ sao bạn lại lấy cái mốc 1975, cái mốc miền Bắc miền Nam, cái mốc trẻ và già để nói về nhạc Trịnh. Chúng tôi, trong một lúc nào đó, quay về sau những ồn ào của cuộc sống, khi đó chúng tôi tìm thấy mình trong nhạc Trịnh, là con đường phượng bay trong Mây Hồng mà 18 năm sống ở Huế tôi đã đi không biết bao nhiêu lần để rồi khi ở Sài Gòn phồn hoa, tôi lại thấy nhớ. Tôi tìm thấy cả những Diễm Xưa, những Nắng Thủy Tinh đâu đó trong tâm trí khi nghe Trịnh.

Tôi thích gọi Trịnh là Anh Trịnh hơn là Bác hay gọi đầy đủ tên là Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ tuy tôi và Anh chưa một lần gặp mặt, lúc anh ra đi tôi còn chưa biết đến Cát Bụi, thì với những con tim đồng điệu, tôi tìm thấy mình trong bài hát của anh. Chừng đó có lẽ đủ để tôi kêu tiếng anh thân thiết, một người anh trong tâm hồn tôi. Vì vậy bạn à, đừng nói ai hiểu nhạc Trịnh hơn ai, đừng lấy nhạc Trịnh để bàn phán điều này điều nọ. Đối với một điều gì đó thuộc về cảm xúc, hãy cảm nhận, lắng nghe từ con tim, đừng cố phán quyết nó như thế nào là đúng như thế nào là sai, hãy cứ để con tim cảm nhận, và hãy cứ nói, tôi thích nghe Trịnh, vậy là đủ rồi. Hãy để nhạc Trịnh cho chúng ta gần lại với nhau, không phán xét, không phân chia, chỉ có cảm nhận, chỉ có lắng nghe, chỉ hát và yêu, thế thôi.
( kiến xây )

Trịnh và rock
Trinh Cong Son va rock la 2 thai cuc khong the dung hoa.
( quynguyendinh )

Yêu Trịnh
Mình thích rock và nghiện Trịnh. Nghe Trịnh không bao giờ thấy chán và mỏi mệt, luôn tìm thấy những khía cạnh đồng cảm ở mỗi ca khúc của ông trong mọi hoàn cảnh sống. Đầu tiên, ngỡ là mình dở hơi khi đêm khuya chợt thức tỉnh vì nghe thấy... bức tường phòng mình ngân nga bằng giọng của Khánh Ly. Sau này mới biết là do ám ảnh mà không phải chỉ mình mới cảm thấy. Thật tuyệt vời là thế gian này có Trịnh và rock.
( jax )

Rock, Trịnh khơi nguồn những cảm xúc nguyên thủy nhất
@Lê Tiến Anh có những cảm nhận tuyệt vời về Rock và Trịnh. Rất thích ý kiến của bạn! Rõ ràng bạn tinh tế chứ không hâm tí nào. Nếu bạn ở HN thì mời liên lạc với tôi qua mail! (Chưa biết tuổi tác nên cứ hô bừa! bỏ qua nhé!) biết đâu lại có thêm một người bạn "hâm" cùng thưởng thực sự pha trộn thú vị ấy.

@ Noname: Ý kiến cực cảm tính, rất bâng quơ và thiếu sự xác thực! Bạn trình bày ý tưởng quá chủ quan, cực đoan! Hãy đi nhiều hơn, mở rộng lòng hơn để cảm nhận những gì giới trẻ tiến bộ ngày nay đang làm, đang ăn, đang chơi và đang trải nghiệm! Cũng nên quả cảm và đàng hoàng hơn khi để lại một cái tên dưới mỗi ý kiến, comment của chính mình bạn ạ! Làm một người nghe nhạc bác Trịnh mà thiếu sự bao dung, không có một cái nhìn độ lượng, một tấm lòng rộng mở thì nên chăng hãy tự xấu hổ với niềm đam mê đầy thanh tao đó! Vài thiển ý xin chia sẻ. Cảm ơn Nguyễn Trương Quý về một bài viết chất lượng.
Thân.
Phong ( jaschamltr@y.c)

đen và trắng
Tại sao người nghe nhạc Trịnh mà không thể nghe rock? Trái lại tôi cảm thấy giữa nhạc trịnh và rock có 1 diều gì đó rất gần gũi, dễ nhìn thấy nhất điểm chung của hai dòng nhạc này là nội dung thường về con người, cuộc sống, cuộc đời.
Bạn bè tôi hay nói tôi hâm vì lúc thì thấy tôi nghe "thể loại mà không thể chấp nhận được" còn lúc thì "uể oải triết lý như ông cụ". Tôi thì tôi mặc kệ.
Bạn hãy nghe cả rock và nhạc trịnh sau đó bạn sẽ chẳng phân biệt được đâu là blackmetal và đâu là Hạ trắng nữa.
( tien anh le )

Giới trẻ nghe và hát nhạc Trịnh một phần là phong trào
Viết rất hay! Bạn hẳn là người sống ở Sài Gòn trước năm 1975? Tôi cho rằng, để hiểu được nhạc Trịnh Công Sơn không phải là đơn giản. Nhạc Trịnh Công Sơn như bạn nói: "...hàng mấy thập niên, người ta vẫn có cảm nhận một cách rất quán tính là nhạc Trịnh dành cho người già”, và rằng: "Mặc dù người sáng tác, người hát và khán giả lúc đầu đều là tuổi thanh niên, nhưng màu sắc bài hát và những mối bận tâm trong đó vượt hẳn tầm suy nghĩ “bồng bột” đôi mươi".
Bạn nói đúng nhưng trên thực tế cần phải bổ sung thêm là ngay cả những người nghe các ca khúc của ông khi mới được viết ra đa phần là những người trẻ tuổi (tất nhiên có cả trung niên, già), nhưng sau hàng mấy thập niên, lứa tuổi ấy ngày càng già đi, và vẫn đam mê nhạc của ông.

Sau khi Trịnh Công Sơn chết, nhạc của ông được giới trẻ chú ý nhiều hơn, nhưng tôi cho rằng đó là phong trào. Phong trào muốn thể hiện (cho người khác thấy) sự am hiểu và đam mê của mình đối với một dòng nhạc được xem là triết học, hoặc nếu không phải là phong trào thì cũng là nhu cầu, nhưng không phải là nhu cầu thưởng thức giai điệu và ca từ của nhạc TCS mà là nhu cầu muốn thể hiện sự chín chắn, sành về âm nhạc, muốn chứng tỏ cái chiều sâu trong suy nghĩ dựa vào dòng nhạc mà mình nghe người khác nói là thâm thúy.

Tôi không nghĩ ngày nay có nhiều bạn trẻ (thậm chí cả những người lớn tuổi sống ở phía Bắc trước năm 1975) thật sự yêu mến nhạc TCS bằng chính tâm hồn mình, kiểu nghe giai điệu, lời ca mà nổi da gà vì cảm xúc ấy.
( Noname )



nguồn: vnexpress.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho