bài viết




Trịnh Công Sơn qua cái nhìn của một chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà - Phần 2

--- Bùi Văn Phú ---


Năm 1979, trước sự việc hằng trăm ngàn người Việt phải đi tù cải tạo sau chiến tranh, ca sĩ Joan Baez cùng với một trăm người khác đã ký tên trong một thư ngỏ, đăng trên các báo lớn ở Mỹ vào tháng 5.1979, kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền. Khi đó phản ứng từ phía Việt Nam đưa ra những bài viết của Nguyễn Khắc Viện (“A Letter to Some American Friends”, Vietnam Courier, 7.79) và Lưu Quý Kỳ (“Ai đạo diễn cho nữ nghệ sĩ Gio-an Ba-ye”, Đại Đoàn Kết, 7.7.1979) để phản bác ca sĩ Baez đã thay đổi lập trường, phản bội lại nhân dân Việt Nam và việc làm của bà đang bị CIA lợi dụng. Trên báo của Việt kiều yêu nước xuất bản ở Canada, Trịnh Công Sơn cũng đã lên tiếng về bức thư ngỏ của Joan Baez như là một việc làm “tiếp tay cho tư bản thọc sâu lưỡi dao vào vết thương của dân tộc Việt Nam chưa được hàn gắn” (Đất Việt, 14.10.1979). Đó cũng là thời gian Trịnh Công Sơn ở Huế và sinh hoạt trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Ngày đó tôi có đặt dấu hỏi rằng tại sao một nhạc sĩ tài ba, rất bén nhậy trước nỗi đau, trước những chia lìa của con người đã viết nhiều ca khúc nói lên nỗi thống khổ của quê hương, vậy mà sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất mà con người Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục kinh qua đau khổ, mất mát nhưng ông lại không viết lên được một lời ca nào. Chuyện học tập cải tạo, chuyện vượt biên, vượt biển, những cái chết vì bom mìn mà thanh niên Việt phải tiếp tục hi sinh để làm nghĩa vụ quốc tế ở đất nước láng giềng không làm rung động được con tim của ông như thời chiến tranh nữa sao?

Đầu thập niên 1980, một tình ca mới của Trịnh Công Sơn được truyền ra hải ngoại, bài “Em còn nhớ hay em đã quên” nhưng dưới bút danh Hồng Ngọc. Bài nhạc có sức thu hút ngay vì ai xa quê hương mà lòng không day dứt nhớ về chốn cũ.


Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng che em vòm lá me xanh

Em còn nhớ hay em đã quên
bên hàng xóm đôi khi ghé thăm
có hai mùa vẫn đi về
có con đường nằm nghe nắng mưa

Em ra đi nơi này vẫn thế
lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
vườn xưa vẫn có tiếng Mẹ ru
có tiếng em thơ
có chút nắng trong tiếng gà trưa

Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ đường dài qua cầu lại nối
nhớ những con kênh nối hai dòng sông
nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng
nỗi xôn xao hàng quán đêm đêm

Em còn nhớ hay em đã quên
trong lòng phố mưa đêm trói chân
dưới hiên nhà nước dâng tràn
phố bỗng là dòng sông uốn quanh

Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ Sài Gòn những chiều ngợp gió
lá hát như mưa suốt con đường đi
có mặt đường vàng hoa như gấm
có không gian màu áo bay lên

Em còn nhớ hay em đã quên
khi chiều xuống bên sông nước lên
én nô đùa giữa phố nhà
có nắng vàng lạc trên lối đi

Em ra đi nơi này vẫn thế
vẫn có em trong tim của mẹ
thành phố vẫn có những ước mơ
vẫn sống thiết tha
vẫn lấp lánh hoa trên đường đi

Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ Sài Gòn những chiều gặp gỡ
nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
phố em qua gạch ngói quen tên

Em còn nhớ hay em đã quên
quê nhà đó bao năm có em
có bóng dừa có câu hò
có con đò chở mưa nắng đi



Sau đó là bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”


Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
chọn những bông hoa và những nụ cười
tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
để mắt em cười tựa lá bay

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
đường đến anh em đường đến bạn bè
tôi đợi em về bàn chân quen quá
thảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày
và như thế tôi đến trong cuộc đời
đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
cùng với anh em tìm đến mọi người
tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
để thấy tiếng cười rộn rã bay

Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Và như thế tôi sống vui từng ngày
và như thế tôi đến trong cuộc đời
đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
vì đất nước cần một trái tim




*


Trong di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại, ca từ trong bài “Gia tài của Mẹ” có lẽ vẫn còn tiếp tục làm rung động con tim người Việt với hệ lụy chiến tranh và tương lai đất nước.


Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căn
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
Một trăm năm đô hộ giậc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn

Dậy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên mầu da
Con chớ quên mầu da nước Việt xưa

Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù



Lời ca này và nhiều ca khúc khác có trong một viết “Cuộc hành trình làm người Việt Nam qua Trịnh Công Sơn” của Thế Uyên in trong tập đoản văn Đoạn đường chiến binh (tr. 101-117) xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, trong nước đăng lại bài này trong tuyển tập “Trịnh Công Sơn: cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ và suy tưởng” (tr. 193-200) nhưng cắt bỏ những câu đầu của bài hát, chỉ giữ 6 câu cuối, vì lãnh đạo Việt Nam không chấp nhận cuộc chiến đã qua là nội chiến, như Trịnh Công Sơn đã nhìn thế.

Nhiều đoạn văn của Thế Uyên nhắc đến sự can dự cuả ngoại bang Nga-Mỹ-Tầu và bản chất phi lý của cuộc chiến cùng một số ca từ khác của Trịnh Công Sơn trong bản gốc cũng đã bị cắt bỏ, như “Ngày dài trên quê hương”, “Tình ca người mất trí”.


*


Bàn về con người chính trị của Trịnh Công Sơn là một đề tài gây nhiều tranh cãi.


Bìa băng nhạc Hát cho quê hương Việt Nam 2 trên báo xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975

Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra nhận xét là nếu Trịnh Công Sơn không sống ở miền Nam thì những “Kinh Việt Nam”, “Ca khúc da vàng”, “Ta phải thấy mặt trời”, “Thần thoại quê hương – tình yêu và thân phận” và những băng nhạc Hát cho quê hương Việt Nam với tiếng hát Khánh Ly đã không được ra đời và tài năng của Trịnh Công Sơn nếu rơi vào chế độ miền Bắc thì cũng chung số phận như Văn Cao, như Trần Dần.

Trong những năm cuối đời, Trịnh Công Sơn sáng tác bài “Tiến thoái lưỡng nan” mà theo nhiều người thân với ông kể lại đó là phản ánh đúng con người chính trị của Trịnh Công Sơn nhất, là phải chịu đau thương giữa hai lằn đạn.

Gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại, nhất là những bài ca cho hoà bình Việt Nam là những ca khúc đã làm nên tên tuổi Trịnh Công Sơn, chứ không phải những tình ca, đáng lí ra phải được tiếp tục hát lên, tiếp tục vinh danh vì nhờ có một xã hội tương đối tự do và có nhân bản mà những ca từ đó đã được khai sinh.

Ngày nay trong nước vẫn còn cấm phổ biến nhiều ca khúc vì hoà bình, trong khi hải ngoại phản đối tổ chức hát nhạc Trịnh, cả hai việc đều không thể hiện lí tưởng tự do nhân bản mà con người Việt Nam đã hằng ấp ủ và theo đuổi.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas


--------------------------------------------------------------------------------
[1]Nguyễn Mâu, N. D.B. Ngành đặc biệt (Special Branch) Tập I, tác giả tự xuất bản, San Jose 2007



nguồn: Talawas
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho