bài viết
Bùi Giáng, Ngô Văn Tao
--- Trịnh Công Sơn ---
Làm thơ chỉ là chuyện bình thường giữa một triều đại mà mọi quần thần ai cũng co 1thể làm thi sĩ. Có người thi sĩ xa những lạch sông khe suối quê nhà lâu năm trở về và thảng thốt viết vội những bài thơ trên những tờ giấy trắng mỏng manh của cái nóng miền nhiệt đới. Có người thi sĩ điên thơ, tự mình phong tước quyền uy bệ hạ hoàng đế, cầm cây trượng hư vô ngồ vắt vẻo trên cài ngai vàng bằng khói phù du mệnh bạc và hát: “Kể từ dâu biển thênh thênh Bất ngờ tao ngộ còn nên nói gì...” Họ đã từng gặp nhau ở một bờ cõi mộng mị hoang phế nào xa xôi và từ đó lại tiếp tục dắt dìu nhau tìm về quê quán bày biện lại một tiệc đời đìu hiu lau lách. Họ mở ra một đầu trường vô nhiễm và múa lên những đường kiếm hư không để đánh cuộc với thịnh suy của chữ nghĩa, của lời lời tiếng tiếng. Trên dặm đường hun hút của thi ca, họ mang cái đoạn trường riêng chung để mở ra một khúc luân vũ sóng đôi có khi náo nhiệt có khi ngậm ngùi. Mười chín bài thơ Pháp _ Việt chỉ là một trò chơi nhỏ của mưa nắng, của hội ngộ chia lìa, của đêm đã qua, của mai sắp tới. Nhưng giữa bầu trời tháng Ba này, có những con mưa nhỏ chuyển mùa đã làm cho người điên thơ tỉnh giấc trong thơ và người thức tỉnh lại chìm đắm trong cơn mộng mị hoang đường. Đánh cuộc với chính mình là đánh cuộc với hữu hạn. Hữu hạn của những cuộc bể dâu đã đi qua đời mình. Thi ca nằm trong một cuộc thách đố khác. Cái thách đố của bài thơ thứ hai mươi đang chờ đợi những điều không bao giờ có thể nói hết. Đó cũng chính là cái sinh mệnh vô hạn vô cùng của thơ.
Saigon 26.3.94 (lời ngỏ cho tập thơ “Vào Chung Cục Thơ” của Bùi Giáng, Ngô Văn Tao)
|
nguồn: Vào Chung Cục Thơ
|