tin tức




Nhạc Trịnh là chỗ dựa tinh thần cho những người xa quê

--- Hưng Bình (thực hiện) ---


Ca sĩ Thái Hòa - Giám đốc điều hành Thư viện Trịnh Công Sơn tại Torino (Italia) thuộc lớp nghệ sĩ trẻ song đã có nhiều năm tâm huyết và hoài bão phát triển gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn ở nước ngoài. Sau những bề bộn của công việc quản lý tại Tập đoàn Công nghiệp Điện Schneider Electric của Pháp, Thái Hòa còn dành thời gian thực hiện nhiều chuyến biểu diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn phục vụ cộng đồng ở nhiều nước châu Âu, Mỹ và Canada...

Mới đây, anh cùng những người bạn yêu mến nhạc Trịnh ở Tây Âu đã thành lập ra một thư viện âm nhạc Trịnh Công Sơn tại thành phố Torino (Italia). Đây cũng là lần đầu tiên tài sản âm nhạc của một nhạc sĩ Việt Nam được lưu giữ tại một thư viện riêng mang tên chính mình. Nhân dịp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trao tặng Giải thưởng Âm nhạc Hòa bình Thế giới, từ nước Pháp, Thái Hòa đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết (qua Internet).

Nguyên do nào anh trở thành một trong những người đi đầu phong trào phát triển âm nhạc Trịnh trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại?

- Văn hóa, âm nhạc và đam mê nghiên cứu về Trịnh Công Sơn là một chỗ dựa tinh thần của tôi khi sống xa quê hương. Bố mẹ tôi là bạn của Trịnh Công Sơn từ những năm 60, thời sinh viên Sài Gòn đòi hòa bình cho Việt Nam. Cái tên "Thái Hòa" bố mẹ đặt cho tôi cũng chính từ mong ước hòa bình của cả một thế hệ trong cuộc chiến tranh khốc liệt dai dẳng hàng mấy chục năm liền. Đối với tôi, cậu Sơn (như cách tôi vẫn gọi trong quan hệ thân tình) ngoài là một thiên tài về âm nhạc ông còn là một vị "Bồ Tát" giữa đời thường và trước cuộc đời đầy "gươm giáo".

Đã tham gia và trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn ở nước ngoài nhiều năm, từ Bắc Mỹ (Canada, Mỹ) đến châu Âu (Pháp, Đức, Italia) và Việt Nam, anh thấy nhạc Trịnh Công Sơn được bà con mình ở nước ngoài đón nhận như thế nào?

- Đối với cộng đồng Bắc Mỹ, một thực tế rõ ràng là công chúng yêu nhạc, gồm cả những người chống đối nhạc Trịnh trước đây vẫn nghe... nhạc Trịnh. Các hãng phát hành băng đĩa ở hải ngoại đã phát hành hàng ngàn băng đĩa nhạc Trịnh với nhiều thế hệ ca sĩ trẻ thể hiện mà đi đầu là ca sĩ Khánh Ly. Nhìn chung ở Bắc Mỹ, người ta hát nhiều với mảng nhạc tình ca và các ca khúc cũ của Trịnh Công Sơn trước 1975.

Tại châu Âu như Pháp, Italia, Thụy Sĩ, do thế hệ du học sinh trước 1975 chiếm đa số trong cộng đồng người Việt và họ vẫn còn rất nhiều kỷ niệm với thời sinh viên, học sinh tranh đấu cho hòa bình tại Việt Nam, nên nhạc Trịnh Công Sơn thời Ca khúc Da vàng phản chiến đã có "đất" phát triển cân bằng hơn giữa các ca khúc trước và sau năm 1975.

Ngay ở trong nước cũng chưa có thư viện âm nhạc của riêng một nhạc sĩ nào, từ đâu các anh lại có ý tưởng xây dựng một thư viện Trịnh Công Sơn?

- Chúng tôi chỉ là một nhóm bạn trẻ yêu quý Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mong làm "ngọn cờ tiên phong" cho một cái nhìn và hoạt động có chiều sâu, làm nền tảng cho sự tiếp nối của thế hệ sau. Cứ nghĩ đến các nhạc sĩ trẻ sau này khi tìm lại những bản nhạc của Ca khúc Da vàng thì không có nốt nhạc và bản nhạc gốc của tác giả mà chỉ được nghe qua các ca sĩ thể hiện, thấy đau lòng lắm.
Tôi băn khoăn mãi về mơ ước Việt Nam có những thư viện lưu giữ gia tài văn hóa của các nhạc sĩ như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Văn Khê... theo tiêu chuẩn quốc tế, để con cháu chúng ta sau này còn có chỗ, có nơi học tập và nghiên cứu. Rất mong là sẽ không quá muộn!

Hiện nay, các anh đã sưu tầm được bao nhiêu tác phẩm của Trịnh Công Sơn?
- Thực tế là chúng tôi đang vô cùng khó khăn trong việc sưu tầm, tìm hiểu các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Việt Nam không có một hệ thống thư viện âm nhạc chính thức nào làm công việc này. Rất nhiều bạn bè và gia đình Trịnh Công Sơn đều biết nhạc sĩ đã viết khoảng 600 ca khúc nhưng tất cả những gì chúng tôi và những nhà nghiên cứu đang có hôm nay không quá 350 nhạc phẩm, rất nhiều ca khúc chưa tìm được.

Chắc hẳn thư viện lập ra không chỉ để lưu giữ những ca khúc?

- Thư viện Trịnh Công Sơn là một phần của Trung tâm văn hóa Việt - Ý do một người bạn Italia, chị Sandra Scaglotti, làm Giám đốc. Hiện nay Trung tâm đã có một thư viện Việt Nam với khoảng 5000 cuốn sách viết về Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, chủ yếu do cá nhân chị Sandra và bạn bè sưu tập từ suốt mấy mươi năm qua. Trong năm 2004, trước mắt Thư viện sẽ cho ra mắt tập san giới thiệu "Chân dung Trịnh Công Sơn" với nhiều bài viết của chính Trịnh Công Sơn và các tác giả trong và ngoài nước được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau (Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, Đức...) để làm bước đầu giới thiệu định hướng và các hoạt động định kỳ về Trịnh Công Sơn sau này như: sưu tập tư liệu, đưa vào sử dụng và phục vụ cho hội viên từ cộng đồng châu Âu và Việt Nam.

Rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ yêu mến và biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn, anh có cho rằng mình là người biểu diễn thành công nhạc Trịnh?

- Đây là một câu hỏi thú vị! Trước hết tôi không quan niệm "biểu diễn" nhạc Trịnh. Khi hát, tôi hát với một tấm lòng thật thanh thản, để được "ru dỗ" chính mình trong giai điệu và ca từ của Trịnh Công Sơn. Đối với tôi, một người sống xa quê hương, nhạc Trịnh là chỗ dựa tinh thần vô cùng quý báu, là lựa chọn cho lòng yêu nước và tâm huyết phát triển văn hóa "về nguồn" của chính mình. Do vậy, việc thể hiện nhạc Trịnh bằng cái tình và cái hồn của Trịnh Công Sơn sẽ chân thật và đi thẳng vào lòng người dễ dàng như cái cách mà Trịnh Công Sơn đã sáng tác và hát với chúng tôi.

Xin trân trọng cảm ơn anh!



nguồn: Thái Hòa - Thư viện Trịnh Công Sơn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho