những kỷ niệm




Nhớ Trịnh Công Sơn

--- Phạm Kỳ Ðăng ---


Thấp thoáng bóng Trịnh Công Sơn tới trụ sở hội nghệ thuật tạo hình thành phố HCM, đám cô gái bán giải khát và chia sẻ cả mặn mà, nói: "Ðó anh Trịnh Công Sơn đó. Ảnh rất thương tụi em.“ Cô gái bình dân nói chân thật, chẳng có ý khác.
Ngày hôm sau tôi may mắn lọt được vào nhà ông ở phố Phạm Ngọc Thạch, vì gia đình thường phải chế ngự phẩm và lượng của khách vãng lai. Xung quanh bàn lớn trên lầu hai, như một sàn sân ban công không khép, bao bọc giữa cây và hoa cảnh, Trịnh Công Sơn ngồi cùng bốn năm vị khách, trện bàn còn chai uýtki mở mới uống, đã có ai vặn bung nút chai khác rồi. Tôi không dám xin, mà ngỏ ý mượn ông một băng nhạc cátxét cũ để thu lại thôi, vì tới hơn ba mươi tuổi, do đi du học từ 1977, tôi mới lần đầu nghe nhạc Trịnh Công Sơn khoảng năm 1991, 1992 gì đó. Rất nhẹ nhàng, ông nói: “Anh đâu còn băng nào. Dạo giải phóng, mấy anh ấy (chắc là mấy nhạc sỹ ngoài Bắc) vào mượn nghe và lấy đi đâu hết cả“. Ngắm cảnh trí hiên thoáng gió trời, hoa đất, trình bày vô cùng nhã, sang trọng, tôi nghĩ bụng, cũng không sai như lời ông tự nhận, đây chính là người rong ca chẳng thiết sở hữu gì. Trịnh Công Sơn ra đường vẻ như không mang theo tiền bạc. Các chế độ về thù lao bản quyền đều do các em hay người nhà ông lo hộ.
Một đôi vợ chồng người bạn, hiện chị Hằng Nga tổng biên tập tờ Người Lao Ðộng, tổ chức cho cả mấy anh em gặp mặt ăn uống tại nhà. Ông đến với hoạ sĩ Trịnh Cung, ăn mặc giản, vóc mảnh, ngồi như ngại chiếm chỗ người khác bên cỗ đàn piano của gia chủ. Thấy chị chủ nhà hồ hởi nói mong anh dạy nhạc dạy đàn cho cháu bé, ông cười khích lệ, nên tôi, trong không khí xuề xòa như vậy, thú thực với ông, rằng trong chuyến bay về Sài gòn cuối năm 1992 đó, suốt mười mấy tiếng đồng hồ, trong đầu tôi mang mang mãi khúc Nguyệt Ca. Khi tôi nhắc lại một câu, sai lời, ông nhỏ nhẹ sửa lại. Nghe tôi than thở, đại ý tiếc nay băng tape nhạc gốc của anh, do Khánh Ly hát, chính anh cũng chẳng còn, Trịnh Công Sơn với lấy cây đàn ghi-ta dựng góc hát bài Nguyệt Ca. Với tôi, dạo đó, ở nước ngoài về, ngay làm lê dân cũng đã khó, ông đã ban món quà vô giá. Ở con người ông, một người tăm tiếng thế, không hề có một chút mặc cảm sợ ảnh hưởng tới danh tiếng nào cả. Phải đáp lễ sang trọng, nghĩ vậy, tôi đọc cho hai anh nghe mấy bài thơ của mình. Ông lắng nghe, và sau, cũng trọng thị như vậy, ông nói đưa ông cầm văn bản đọc lại. Ðọc rất chăm chú. Tối khuya chia tay nhau, chúng tôi ra chiếc xe Volkswagen con bọ của anh Trịnh Cung chụp ảnh.

Về lời và nhạc của ông, trước hết xin nêu một nghịch lý do chủ quan mình mơ hồ cảm nhận:
Nhiều khi, nghe một bài hát phổ thơ, tức tác phẩm của hai tác giả, người ta cảm thấy nhạc hay, nhưng thơ, qua giai điệu và tiết tấu, qua cảm thức nghe của mình, bị lạ hóa hẳn đi. Thường là thơ, ta đọc lại, nhất là khi trong đầu vẫn lởn vởn bị quấy rầy vì điệu nhạc đã nghe, kết cục bị lạc mất diện mạo, có khi biến dạng, đến nỗi không còn là thơ nữa. Nên người ta phân biệt câu thơ và câu nhạc. Cái bẫy này rất oái oăm, nó khiến trong thực tế, có bài thơ hay phổ nhạc vào lại dở, bao bài thơ xoàng lại nương náu mình sống tiếp được trong bài nhạc phổ khá hơn.
Lại có bài hát hay cũng không bị câu thúc bởi lời, tức là không bắt buộc lời phải bật nghĩa hoặc mô tả một ẩn nghĩa như thơ.
Và ở những thành tựu hiếm như các bài hát của Schubert, Schumann phổ thơ Heinrich Heine lại xảy ra biến diễn khác. Nghe, nhưng muốn truy cập về hình hài nguyên thủy của tác phẩm ở dạng thơ và bài hát, đều vô vọng kết quả, đã khiến bao lần tôi băn khoăn tấm tiếc nghĩ, thà tôi nghe bản nhạc đó và đừng phải đọc bài thơ, hoặc chỉ đọc bài thơ, song không biết đến âm điệu nhạc, thì hay hơn. Ở đó, ngoài tài năng cùng nhiều may mắn tụ lại, thơ và nhạc tồn tại song đồng giá trị và nâng nhau lên tầng cao hơn nữa.

Ca khúc của Trịnh Công Sơn, phần lời và nhạc đều từ một con tim khối óc.
Ông bắt đầu từ gợi ý thuần về thơ hay thuần về nhạc, hay từ khi nó manh nha chưa hiện dạng, có trời mà biết nổi? Không nhận ảnh hưởng của nhạc cổ điển tây phương hay dân ca chất phác, ông ca thơ của ông, theo cách thế riêng, kết quả đã vinh danh ngôn ngữ. Khó là cung cách. Xây dựng từ chất liệu ấy, thơ của ngôn ngữ đơn âm, chuyện cũ cả thôi, nào đáng kể đâu. Ðiều quan trọng: ông tạo tác nên một chỉnh thể nhất phiến gắn quyện. Như giấy bản sẽ quyện với mật chẳng hạn.

Kể cả khi những lời đó không có ý nghĩa gì lớn lắm, kể cả nhiều phi thơ, sáo ngữ, nếu chúng đứng lẻ loi trên giấy.
Ðôi khi ta lắng nghe ta / Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá / Hồn ta gió cát phù du bay về
Hoặc:
Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn. Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Từ ngữ, bình thường vô nghĩa, láy lặp bay, xoắn xuýt, xô vào nhau thành giải nhạc. Qua cách xử lý chất liệu thơ và âm, những bài hát Trịnh Công Sơn thành những hạt sống, lóng lánh bay đi không tàn sắc, không có các đốm chân hương, để người ăn theo so nùn rơm thổi lửa. Tức không tiền khoáng hậu.

Hãy thử hình dung, nhạc ông không lời, được chơi trên một chiếc vĩ cầm hay piano từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ rằng đều không thể hay như mức hằng có. Chắc phải phối bằng nhiều nhạc cụ, việc đó vượt quá xa tầm hiểu biết của tôi. Cứ nên giả ước, rằng nhạc ông soạn bằng một nhạc cụ là tiếng Việt Nam cho một giọng hát mộc, có thể chưa thấu đáo kĩ thuật thanh nhạc, như ca sĩ Khánh Ly. Bằng chứng hôm nay, qua băng video nhạc Trịnh Công Sơn, tôi nghe ca sĩ Thanh Lam hát Cát bụi. Có thở, có thổi, có gào, có hú, nhưng tiếng hát quả có non và có phần ngô nghê nữa. Vì thiếu hẳn ý thức và cảm thức về văn hóa và thời đại, thế hệ đã thổi hồn cho nó đó chăng?

Nghệ thuật Trịnh Công Sơn ươm ắp (chứ không thuần túy phản ảnh) thần thái thời đại, thế hệ, trong những giờ hân hoan bi thiết của dân tộc ông cả hai bên bờ vĩ tuyến.
Trong cuộc tang biến chưa từng thấy, không chỉ có Tình Sầu, Tình Xa, Phôi pha, Gọi tên bốn mùa, Phúc Âm buồn, Như cánh vạc bay, Tưởng rằng đã quên. Ai đã nghe thúc giục:
Một ngày còn sống góp tiếng mong manh / Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm / Một ngày cầu xin, hai tay quy hàng / Giọng người buồn tênh, cơn đau nung hồng / Thèm tuổi hồn nhiên, ngồi nhìn trời xanh... mà thấy mình nhớ thân kẻ sĩ ở mọi điều kiện và hoàn cảnh bồn chồn đứng dậy, tuốt kiếm qua sông Ðịch.
Không chỉ tiếng thở dài hoặc giãn những khoảng lắng khoảng câm. Có cả những chùng, khựng, giằng, xé, quăng, quật trong tình thiết tha, chán nản.

Ðánh giá về con người và loại hình nhạc Trịnh Công Sơn bao nhiêu người đã có ý kiến bằng lời nghiêm túc, đùa cợt hoặc dè dặt. Là người rong ca, du ca, chantre vv..., và cách tự nhận vai trò mình thoáng vẻ tránh né của ông. Có biết tránh né mới chung sống cùng với thực tại.

Lạ thật, trong tác phẩm ông để lại, nhiều cảnh trí, thời gian, không gian lớn lao, lay thống lại thuận tung hoành biến hóa dưới cây quyền trượng của người nhạc sĩ sáng tác bài hát có dáng người nhỏ nhắn nhường kia. Không thể hiểu do đâu ông có được thế những phương diện, kích thước kì lạ như vậy trong bối cảnh thơ ca đất nước, ở phần khá đông tác giả tác phẩm, cứ ghé mắt lại chán, vì sau rào chắn của hô từ hoán ngữ, không gian thời gian của tinh thần, cảm xúc lại lè tè chắp vá, manh mún đến như vậy. Ta hãy nghe:
Khi tình đã vội quên / Tim lăn trên đường mòn / Trên giọt máu cuồng điên / Con chim đứng lặng câm / Khi về trong mùa đông / Tay rong rêu muộn màng / Xin chờ những rạng đông...
Phải có nhiều tự do mới tạo ra nhiều kích thước hút hồn đến thế.

Hỏi: - Làm sao có được tự do khinh khoái như vậy?
Trả lời: Là nghệ sĩ, tự do phải lấy...
- Tức là phải đoạt lấy? (tò mò muốn hỏi tiếp riêng Trịnh Công Sơn câu này)

.... Sẽ không nói, không tiếng nói, vì sau cặp kính là hai con mắt dịu như nhung của người nghệ sĩ nổi tiếng cả về khiêm cung, khiêm nhượng ấy, một hé thoáng ánh trối trăng cười

(Đăng lại từ www.talawas.org, ngày 6.4.2002)



nguồn: www.talawas.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho