tin tức




Trích 'Từ 'Diễm Xưa' đến 'Một Cõi Đi Về'

--- Lê Hữu ---


...Nhạc TCS quyến rũ người nghe đến như vậy, nhưng có một điều lạ là không phải ca sĩ nào cũng hát được nhạc TCS. Con số những ca sĩ hát nhạc họ Trịnh này nghe được không có nhiều, chỉ một vài. Ngay đến những ca sĩ tên tuổi thời ấy, hát thử TCS vài bài, cũng không thành công, cũng không nghe ra TCS. Từ đó, biết là không ăn, thôi không hát thêm nữa. Những ca sĩ khác, tự lượng sức mình, không chơi nhạc TCS, vì không muốn “như cánh chim chìm xuống”. Làm sao biết được giọng hát nào là thích hợp, là thể hiện được nhạc TCS? Cứ thử hát đi, thính giả sẽ nói cho biết, người nghe sẽ trả lời. Nghe nhạc TCS từ một giọng ca không phải để hát nhạc TCS giống như là uống rượu giả vậy. Từ khi những giọng ca chuyên hát nhạc TCS bỏ nước ra đi, ở trong nước người ta vẫn loay hoay tìm kiếm, cố gắng tìm cho bằng được những giọng ca khác để thay thế, cố gắng lăng-xê một vài tên tuổi, nhưng kết quả vẫn là “gần như niềm tuyệt vọng”, và người nghe vẫn nhắc nhở đến tên những ca sĩ cũ gắn liền với nhạc TCS. Có vẻ nhạc TCS thích hợp với giọng nữ nhiều hơn, chỉ một vài nam ca sĩ thể hiện được một đôi bài... Phải nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa mới biết thế nào là “trong cơn đau vùi”, mới thấy đau xót “làm sao có nhau”, mới thấy “hằn lên nỗi đau”, mới hiểu được tại sao “sỏi đá cũng cần có nhau”. Còn phải nghe “sầu thôi xuống đầy” bằng những nốt nhạc luyến láy mềm mại ở chữ “xuống”, và bằng chính giọng hát ấy, mới thấy được cánh lá khô lả tả xoay vòng trước khi chạm đất, là dấu chấm “cuối cùng cho một tình yêu”. Phải nghe Lệ Thu hát Hạ Trắng mới nghe ra được tận cùng cái thê thiết của “gọi tên em mãi suốt cơn mê này” trong tiếng kèn saxo réo gọi. Và còn phải nghe cả “Ru Ta Ngậm Ngùi”, bằng chính giọng hát ấy, mới nghe ra nỗi cô đơn sâu thẳm của “người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm”....

Con chim đau, và giấc mộng ưu phiền

Nói đến TCS, không thể nào không nhắc đến tiếng hát đã gắn liền với tên ông, gắn liền suốt chiều dài của những năm tháng mà những ca khúc ông viết ra còn được nhiều người biết đến. Tiếng hát ấy đã không ở lại cùng ông sau ngày ông chọn ở lại, nhưng đã không có lúc nào ngưng hát nhạc của ông. Tiếng hát ấy đã từng là chiếc cầu bền chắc nối liền những ca khúc của ông với trái tim người nghe. Không có tiếng hát ấy, không ai biết chắc số phận những ca khúc của ông sẽ ra sao. Và ngược lại, không có những ca khúc ấy, không ai biết chắc số phận của tiếng hát ấy sẽ như thế nào. Dù sao, nghe lại một lần nữa tiếng hát ấy sau ngày ông mất, trong băng hình của một chương trình ca nhạc, cũng thấy được rằng trước sau giọng hát ấy vẫn gắn liền với ông. Chị đã thật có lý khi chọn hát Diễm Xưa. Qua bao nhiêu là năm tháng, bao nhiêu là tang thương dâu bể, bao nhiêu là vật đổi sao dời, và như cánh chim sau một vòng bay quá dài, chị vẫn muốn tìm về Diễm Xưa. Giọng hát chị không còn trẻ nữa, làn hơi chị không còn khỏe nữa, nhưng những cảm xúc ngày ấy, tôi nghe vẫn còn nguyên vẹn. Diễm Xưa bây giờ lại còn xưa hơn cả ngày xưa. Và tôi nghe lại những “cơn đau vùi”, những “làm sao có nhau..., bước chân em xin về mau”. Còn bước chân ai nữa? Biết làm sao cho có nhau? Giọng hát ấy, tôi nghe như tiếng chim kêu bi thương, thảm thiết. Tiếng chim kêu ấy ngày xưa nghe đã bi thiết, nay lại càng bi thiết hơn. Chị đứng đó một mình trông trơ trụi quá. Sân khấu chỉ còn lại những cây guitar và những nốt nhạc đệm rời rạc, những cây guitar của hơn ba mươi năm về trước. Tôi tưởng trông thấy được những giọt nước mắt chị, (như vẫn thấy ở những ca sĩ khác trong những màn trình diễn tương tự), nhưng chị không khóc, cho dù chị vẫn có thể khóc mà không ai cấm được.
Vì nhạc TCS không phải để sụt sùi, hay vì trái tim “hằn lên nỗi đau” đã khiến chị tê dại. Chị không nói lời tình yêu, chị nói đến “định mệnh”, đến “bóng với hình”, đến “một nửa cuộc đời” chị, những lời ấy tôi nghe gấp nhiều lần tình yêu. Chị đã hát sai lời, đã quên cả lời trong những bài sau đó. Nhưng không hề gì, khán giả vẫn xúc động, vẫn có những giọt nước mắt... Gọi là liên khúc nhưng những câu hát ấy đôi lúc chẳng có liền lạc gì với nhau, nghe sao đứt đoạn, gãy vụn... như là những giấc mơ rạn vỡ. Tôi đã nhận ra chị, tôi đã nhận ra Khánh Ly. Chị là con chim đau trong lời nhạc TCS. Đã từ lâu lắm, ở một góc nào đó thật sâu kín trong trái tim chị “con chim đau nằm yên, ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu”. Tôi cầu mong “một sớm mai chim bay đi triền miên, và tiếng hót tan trong trời gió lên”. ...




nguồn: Văn Học
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho