tin tức




Sự loạn sắc của họa sĩ Trịnh Cung

--- Đoàn Vị Thượng ---


Đọc xong bài viết “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị" công bố trên trang web hải ngoại, tôi chợt nhớ ngay đến một “bài nói” khác của họa sĩ Trịnh Cung (TC), được ghi âm lại, và post lên một trang web nọ. Bài nói đó diễn ra vào ngày 4/4/2001, tại Phòng Sinh hoạt Việt Nam ở Little Saigon, California, lúc TC qua Mỹ chữa bệnh và nghe tin nhạc sĩ TCS từ trần. Nay, hầu hết nội dung bài viết trên của TC chính là “triển khai” thêm những lời nói lại ít nhiều bốc đồng ngày đó. Ai đã đọc qua, sẽ không thấy có gì mới lạ hơn. Ấy vậy, ông đã có những lời mở đầu bài này rất “to tát” như sau: “Tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua?” đã khiến nhiều người quan tâm xốn xang và tò mò đọc ngay.
Bài nói kia được đặt tựa là Bi kịch TCS thì nay là TCS & tham vọng chính trị! Nhưng suốt toàn bài viết, ông không nêu ra được cái gọi là những “tham vọng chính trị” ở người nhạc sĩ tài hoa, thánh thiện, từng là bạn thân của ông. Tất cả chỉ là “nghe hơi nồi chỏ”, vài chuyện không đâu mà thường người ta nói trong lúc “trà dư tửu hậu”. Chẳng hạn, chuyện Nguyễn Hữu Đống - một cái tên mà chính trường bấy giờ không ai nhắc đến, để rồi “nâng” lên thành “sự kiện” lớn, có tầm vóc chính trị! Ông trích dẫn một đoạn trong bài viết Có nghe ra điều gì của TCS: “Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một tình nguyện quá lớn, nhưng khi đã lỡ nhận chịu những tình cảm nồng hậu từ đám đông thì những anh em kia phải được đền bồi”, để rồi phán: "Chúng ta sẽ dễ nhận thấy ý thức làm chính trị chống đối chế độ Sài Gòn của TCS".
Thực ra, ai là người trong cuộc cũng biết, đó là lúc TCS kể về những lần ông cùng Khánh Ly hát nhạc phản chiến tại Quán Văn - ĐH Văn Khoa Sài Gòn, và “những tình cảm nồng hậu từ đám đông” không ai khác, chính là những khán giả SV-HS khiến ông muốn tiếp tục sáng tác dòng nhạc đó để “đền bồi”. Chính điều này cũng trả lời luôn cho TC rõ: không phải Nguyễn Hữu Đống là người “lập ý cho TCS viết Kinh Việt Nam” như TC đã khẳng định.
Việc TCS hát ở Đài Phát thanh Sài Gòn bài Nối vòng tay lớn ngày 30.4.1975 không có sự hiện diện của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nên anh không thể nói với TCS: “Mày có tư cách gì mà hát ở đây”! Mượn sự kiện không có thật kia, họa sĩ TC mới có cớ để bịa tiếp: “Chỉ vài ngày sau, TCS đã âm thầm cùng mẹ rời khỏi Sài Gòn bằng xe đò, trực chỉ ra Huế... Hy vọng chắc được yên thân”.
Thực ra, không phải “mấy ngày sau”, mà TCS còn ở lại Sài Gòn khá lâu, chứ không phải lo sợ “bị thủ tiêu” như TC... đe dọa! Ngót hơn nửa tháng sau, trong lá thư gửi cho Bửu Ý đề “Saigon, 18/5/1975”, TCS cho biết: “Hiện ở đây mình cũng được một số anh em ở Hà Nội và Giải phóng ghé thăm. Có vài anh em như Phạm Tiến Duật, Lê Lựu bảo là có gặp Ý, Cầm, Võ Quê ở Huế rồi. Sáng nay có Thu Bồn ghé thăm. Và Phan Vũ thì ngày nào cũng đến một chút. Đại loại những câu chuyện trao đổi rất thoải mái”.
Cũng trong thư này, TCS chủ động thông báo với Bửu Ý rằng ông sẽ về Huế - chứ không có gì “lén lút” cả: “Mình cũng đang định về Huế sinh hoạt cùng anh em. Đợi ít lâu nữa xem, nếu hoàn toàn không có gì để sinh hoạt tại Saigon thì mình sẽ dứt khoát về Huế”. Ta thấy, tâm trạng TCS lúc đó thoải mái, ông còn nói câu “nếu Saigon không có gì để sinh hoạt”, qua đó, cũng phản ánh ít nhiều thời điểm đó, có thể còn những “bất cập” giữa ông (mà không chỉ mình ông) với bộ máy làm việc mới, như chưa thuận lợi, chưa có công việc cụ thể chẳng hạn. Với câu nói đó, ông đủ sức “bịt miệng” những ai có ý đồ suy diễn là ông “lén lút” về Huế, huống chi là TC, gần 34 năm sau còn thêm thắt, đặt điều!
Phần cuối bài viết, sau khi quy chụp, suy diễn, TC tỏ ra ngậm ngùi “thông thái” trong triết lý: “Nếu con đường chính trị đối với TCS là một con đường dẫn anh xuống vực thẳm thì cái chết là một kết thúc hoàn hảo... Nó đã giải cứu và trả lại vinh quang thiên tài cho anh, vinh quang dành cho gia sản ca khúc TCS”. Ta thấy có sự mâu thuẫn rõ rệt ngay trong nhận xét này. Thực ra, với TCS, vinh quang đã đến sớm, ngay từ khi ông còn trẻ và kéo dài cho đến lúc mất, là do ông đã cật lực với sáng tạo nghệ thuật để tạo ra “vinh quang gia sản ca khúc TCS”, chứ không phải đợi đến ngày ông chết và cái chết “đã giải cứu và trả lại vinh quang” như TC suy diễn.
Tôi thực tình không hiểu tại sao TC lại có những lời “cuối cùng cho một tình yêu” như thế? Ông không sợ rằng nhân nào quả ấy, chính những gì ông viết kém thành thật đó, cũng sẽ khiến những người yêu nhạc, yêu TCS và cũng như yêu ông, sẽ nói lời “cuối cùng cho một tình yêu” dành cho chính ông hay sao? Hay đây là sự “loạn sắc” của một họa sĩ?



nguồn: phunuonline.com.vn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho