bài viết




Người Anh Cả Trong Gia Đình

--- Hoàng Tá Thích ---


TTO - Không chỉ đối với bên ngoài, mà cả trong nhà, anh Sơn cũng là một gentleman. Buổi sáng lúc anh ra khỏi phòng thì áo quần đã tươm tất như sắp sửa tiếp khách. Nói chuyện với mọi người, kể cả với các em, lúc nào anh cũng ôn nhã, không bao giờ lớn tiếng.

Phải nói là chưa bao giờ anh Sơn quên tặng quà sinh nhật cho những người thân trong gia đình. Thường thì một bó hoa kèm theo vài câu chúc trong một tấm thiệp xinh xinh. Một bức điện tín, hay một cú phôn cho những người em ở xa, tận bên kia địa cầu. Ngay cả các cháu cũng được cậu Sơn nhớ đến. May mắn cho người nào ở gần anh đúng ngày sinh nhật, không những được tặng hoa mà còn có thể kèm theo một bức chân dung anh vẽ nhanh làm quà.

Đối với bạn bè, dĩ nhiên anh hiếm khi thiếu sót. Đi chơi ở các vũ trường, quán bar, lúc nào anh cũng hào phóng. Khoản tiền tip rộng rãi cho nhân viên phục vụ thường là đề tài cho các bạn đi theo bình luận và thậm chí phê phán là anh đã chơi …. phá giá. Anh Sơn thường rất chăm chút việc ăn mặc. Mẩu chuyện nhỏ sau đây minh họa rõ tính cách ấy của anh. Khoảng năm 1995, Hội các nhà báo thế giới dự định tổ chức buổi trình diễn ca nhạc tại Huế để kỷ niệm mấy trăm phóng viên đã bỏ mình trên chiến trường Việt Nam, Campuchia và Lào trong cuộc chiến tranh vừa qua. Thành phần tham dự gồm nghệ sĩ của những quốc gia từng gửi quân tham chiến tại Việt Nam. Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và Hồng Nhung cũng nằm trong danh sách những nghệ sĩ được mời. Nhưng cuối cùng, vì một lý do nào đó, việc tổ chức không thành. Khi hay tin này anh Sơn đã cười thoải mái: “Hay quá, vì moa rất phân vân chẳng biết phải ăn mặc thế nào để lên sân khấu”.

Người ngoài có thể lấy làm lạ về câu nói này, nhưng em út trong nhà hiểu rất rõ băn khoăn của anh. Việc tham dự một chương trình khá quan trọng như vậy, dĩ nhiên anh cũng thích, nhưng điều anh quan tâm hơn, lại là chuyện phải ăn mặc như thế nào vào hôm ấy. Không chỉ chú trọng chuyện ăn mặc cho bản thân, mà với các em anh cũng để mắt đến, đặc biệt anh luôn khuyến khích các em gái phải chưng diện. Trong những năm 60, mỗi lần có dịp vào Sài Gòn, dù bận công việc anh vẫn thu xếp thì giờ đi phố mua sắm cho gia đình, nhất là cho các em gái. Vải may áo dài phải là loại hàng hiếm, nhập cảng số lượng ít. Giày thì anh đích thân chọn kiểu và đặt đóng riêng. Anh quan niệm: “Phải giữ gìn thể diện, không chỉ đơn thuần là giữ tư cách đúng đắn hay không làm chuyện sai quấy, mà phải lưu ý chăm sóc cả bề ngoài của mình”, như anh đã viết trong một bài hát: “Môi xinh ở đậu người xinh, đi đứng ở trọ đôi chân Thuý Kiều (Ở trọ). Anh hướng dẫn các em tập tướng đi dáng đứng cho đẹp bằng cách đặt một chồng sách lên đầu rồi bước tới lui với dáng điệu khoan thai.


Mẹ anh Sơn và các em

Đã thành thói quen, trước khi đi dự tiệc cưới hay tham gia buổi dạ hội nào các cô em gái đều đến “trình diện” để anh có ý kiến từ trang phục đến kiểu tóc và cả giày dép sao cho phù hợp. Lúc còn trẻ, anh luôn tự mình sắm sửa áo quần, giày vớ và là khách hàng ruột của các cửa hiệu danh tiếng ở Sài Gòn như tiệm giày Trinh, cửa hàng may áo quần Tân Tân, Văn Quân. Áo quần anh mặc luôn phải giặt ủi thẳng nếp, hài hòa với màu sắc của giày vớ, tuy đơn giản nhưng rất thanh lịch. Về sau khi lớn tuổi, việc mua sắm đều do các em và bạn bè lo cho anh. Mỗi lần sắp tham dự tiệc tùng hay lễ lạc anh đều tin cậy giao các em chọn trang phục cho mình.

Biết tính anh thích chải chuốt nên không chỉ các em út trong nhà mà cả bạn bè gần xa mỗi khi đến thăm đều biếu anh áo quần, giày dép hàng hiệu kiểu mới nhất. Do đó anh có cả một tủ quần áo toàn đồ hàng hiệu, giày thì nhiều không đếm xuể, sắp hàng hàng lớp lớp trên các kệ gỗ và cả bên dưới bàn làm việc. Bạn bè thân thiết nhìn thấy đều trầm trồ, đôi khi làm ra vẻ ganh tỵ một cách thân mật với anh. Quả thật ít ai được như anh. Ngoài bảy người em cùng với chừng đó em dâu và em rể, cộng với biết bao bạn bè nam nữ – nhất là các cô bạn gái – ở rải rác khắp nơi trên thế giới, mà người nào cũng tỉ mỉ, chịu khó chọn cho được những thứ mới nhất, đẹp nhất để mua cho anh. Phần nhiều lúc nhận được quà anh đều lên “bộ cánh” ngay sau đó.

Tuy vậy, cũng có những bộ áo quần anh chưa hề mặc qua và nhiều đôi giày chưa xỏ chân lần nào. Chọn quà cho anh Sơn thật là một công khó của em út và bạn bè, vì phải mất khá nhiều thì giờ, bởi tìm cho được món quà vừa là hàng hiệu lại vừa đúng sở thích của anh không phải chuyện đơn giản. Nhất là gần như không có loại hàng nào anh không có. Tôi còn nhớ có lần nhân ghé qua Luân Đôn, nhìn thấy một đôi bally thật đẹp tôi vui mừng mua ngay và chắc mẩm thế nào anh cũng vừa lòng về món quà này. Về đến Việt Nam, mới biết hồi này anh đã… đổi gu, chuyển sang mang những loại giày trẻ trung, mạnh mẽ và hơi thô ráp một chút. Cũng may, anh tỏ ra thích thú với kiểu dáng thanh nhã của đôi giày bally nên nói rằng sẽ bổ sung vào “bộ sưu tập” của mình. Nhưng khoảng một năm sau, tôi tình cờ nhìn thấy đôi giày ấy còn nằm nguyên trong bao treo lủng lẳng trên tường! Hỏi sao không mang, anh trả lời đôi giày tuy đẹp nhưng mang không vừa chân. Tôi ngạc nhiên vì chân anh Sơn cũng bằng cỡ chân tôi, khi lấy đôi giày xuống xem kỹ mới hay lúc xỏ vào anh lơ đễnh không rút bỏ mớ giấy độn phía trước mũi giày (để giữ cho khỏi bị xẹp). Tôi rút mớ giấy ra và đưa anh mang thử, quả nhiên rất êm ái vừa vặn! Mỗi lần nhận được một món quà, anh Sơn đều tỏ ra vui thích như một đứa trẻ.

Anh thường nói nhận được quà thì ngay cả ông cụ 80 cũng vui đừng nói chi đến người trẻ. Có lẽ vì suy nghĩ như thế nên anh Sơn rất thích tặng quà cho mọi người, xem như một thú vui của anh. Ca khúc Ướt mi xuất bản năm 1959 lúc anh vừa tròn 20 tuổi, Má là người được anh viết tặng đầu tiên, sau đó là các em trong gia đình. Bản quyền ca khúc được tặng cho ca sĩ Thanh Thúy, kèm theo món nữ trang bằng vàng do anh đích thân chọn mua. Có một dạo anh hay lui tới phòng trà Vân Cảnh tại Sài Gòn và thường khiêu vũ với một cô vũ nữ xinh đẹp. Mấy năm sau, khi tình cờ gặp lại, anh đã tặng cô một chiếc nhẫn để kỷ niệm, vì vậy bạn bè thường trêu chọc có lẽ anh muốn cưới cô vũ nữ này làm vợ. Hồi qua Moskva, tình cờ gặp một cô gái Nga xinh đẹp trên đường, anh chào hỏi làm quen dù không nói được tiếng Nga và cởi ngay sợi dây chuyền đang mang trên cổ để tặng cô. Anh là người tỉ mỉ, thường lưu tâm đến từng chi tiết nhỏ.


Anh Sơn và Vĩnh Trinh

Trong những ngày nằm chữa bệnh ở Chợ Rẫy (năm 1997), tuy không nói chuyện nhiều nhưng anh vẫn chú ý quan sát mọi người chung quanh. Một hôm anh nói với Tâm: “Đến một tuổi nào đó, phụ nữ không nên mặc áo tay ngắn để khỏi phô ra cùi tay của mình. Da khuỷu tay bao giờ cũng nhăn sớm, dễ làm cho người ta tưởng mình già hơn tuổi thật”. Đặc biệt anh luôn thích phụ nữ gầy nên thường nhắc nhở các em gái giữ gìn vóc dáng đừng để cho béo mập. Không chỉ em gái hay bạn bè mà ngay cả người giúp việc, anh cũng không thích chọn những người … có da có thịt. Anh thường nói, chỉ nhìn qua tướng tá béo tròn là đã thấy mệt lắm rồi. Vậy mà một hai năm trước khi anh mất, một hôm Trịnh Vĩnh Trinh nửa đùa nửa thật hỏi anh: “Thầy bói nói rằng hễ càng mập em sẽ càng giàu, anh thấy sao?” Suy nghĩ một lúc, anh cười nói: “Ừ, thôi thì mập hơn một chút cũng chẳng sao”. Chẳng qua Trinh lúc đó đã ngoài 40, chứ nếu trẻ hơn thì chắc chắn anh sẽ không tán thành. Thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng cả đời anh Sơn lại ít quan tâm đến tiền bạc. Hồi trong độ tuổi sinh viên, anh Sơn và tôi đều vào học ở Sài Gòn.
Tôi được gia đình chu cấp vừa đủ để sinh hoạt học hành hàng tháng, còn anh nhận được khoản tiền nhiều gấp ba lần, chưa kể anh còn có thêm vài thu nhập lẻ tẻ khác. Thường thì chưa đến cuối tháng, cả hai đều cạn túi. Những ngày đó thay vì đi khiêu vũ, chúng tôi vào vũ trường ngồi trên quầy bar uống một chai bia, nghe vài bài hát rồi tản bộ về nhà. Vậy mà khi Nhà xuất bản An Phú trả tác quyền ca khúc Thương một người khá lớn, bằng khoản tiền anh nhận được hàng tháng, anh lập tức dùng để mua quà cho mọi người trong gia đình hết nhẵn. Mấy năm sau, nhạc của anh phổ biến rộng rãi trên thị trường cả miền Nam bằng mọi hình thức, nhưng tiền tác quyền đến tay anh chẳng có bao nhiêu. Một người bạn là luật sư đề nghị anh nên tiến hành khởi kiện, có khả năng thu hồi được khoản tiền lớn. Anh tò mò hỏi bao nhiêu, người bạn trả lời có thể được một triệu (lúc bấy giờ tương đương 10.000USD). Anh cười: “Đã mất đến hàng chục triệu, kiện cáo cũng chỉ lấy được một triệu, lại còn mang tiếng, chẳng thà bỏ luôn.

Thôi kệ”. Hai chữ “thôi kệ” đã trở thành lời cửa miệng quen thuộc nổi tiếng, nói lên hết tính cách “chín bỏ làm mười” của anh. Bất cứ hoàn cảnh nào, hay đụng vào vấn đề gì mà có thể gây phiền toái cho mình thì anh đều thôi kệ và sau đó quên ngay. Nói anh Sơn không thích tiền thì chẳng đúng. Tiền bạc ai mà chẳng thích. Nhưng nói rằng anh tham tiền thì hoàn toàn sai. Đôi khi anh cũng đưa ra nhiều ý kiến sáng suốt góp ý người khác trong việc kinh doanh, những chưa bao giờ anh đặt vấn đề kinh doanh các tác phẩm của mình. Thật ra, chỉ cần có một chút khái niệm làm giàu thì với hàng trăm bản nhạc nổi tiếng của mình anh đã có thể trở thành triệu phú từ lâu. Việc khai thác những ca khúc của anh hầu hết đều giao cho Trịnh Xuân Tịnh – em trai anh – đảm nhiệm, anh không bao giờ hỏi đến. Thật ra nếu không có anh Tịnh thì trong gia đình chẳng ai đủ khả năng đảm đang công việc đó. Mấy ai biết rằng, trước kia cũng như sau này, anh Sơn đã từng từ chối không biết bao nhiêu lời đề nghị của những người quyền thế muốn giúp đỡ trực tiếp cho anh, hoặc qua các em của anh, để có thể dễ dàng trong chuyện làm ăn và làm giàu.

Nhưng anh không bao giờ muốn nhận một ân huệ của ai, để khỏi bị lệ thuộc vào một quyền lực nào. Anh Sơn thường nói, tiền có thể mua được một cái giường thật êm nhưng không mua được một giấc ngủ ngon. Anh sống ung dung tự tại và được cái may là suốt đời chưa bao giờ bị thiếu thốn về vật chất. Anh luôn tận hưởng cuộc sống và thường lập lại câu nói đùa của một người bạn: “Chẳng thà giàu mà … sung sướng còn hơn nghèo mà …. cực khổ”. Vì vậy khi căn nhà ở đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch hiện nay) vừa hoàn thành năm 1974, nhiều người nước ngoài hỏi thuê với giá cao nhưng anh đều từ chối và nói rằng: “Không gì vô lý hơn khi xây xong một căn nhà đẹp, vừa ý, lại đem cho thuê lấy tiền để rồi phải qua ở một chỗ khác không được tiện nghi bằng”. Nói về tiện nghi thì thật ít có người được như anh. Không chỉ có đến …. 14 người em – trai, gái và dâu, rể – lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ mà còn có vô số những bạn trẻ thường xuyên lui tới, người nào cũng tỏ tường về nết ăn cách ở để mà chiều chuộng anh.

Hầu như ngoài giờ ngủ và những lúc cần yên tịnh một mình để sáng tác, không lúc nào bên cạnh anh lại không có ít nhất một người bạn. Hồi còn trẻ, đôi khi anh còn đi kiếm bạn, đến lúc lớn tuổi anh chỉ ngồi nhà chờ bạn bè. Nếu chẳng ai đến thì anh bắt phone mời gọi. Thậm chí, những đêm mất ngủ, hai ba giờ sáng anh lại gọi và bạn bè vẫn đến với anh. Mọi người đều yêu thương anh, chiều chuộng anh, không chỉ vì sức khỏe hao mòn của anh mà còn vì tấm chân tình của anh đối với họ. Bữa ăn được dọn xong, trừ khi có đông đủ các em, không thì anh vẫn ngồi chờ cho đến khi có một người bạn đến, anh mới cầm đũa. Anh Sơn ăn uống không bao nhiêu, có những món ăn anh không hề đụng tới, nhưng bữa ăn vẫn phải phong phú. Mỗi bữa ăn luôn phải có bốn năm món – dù chỉ cho hai ba người ăn – và một dĩa nước mắm xắn ớt thì nhất định không bao giờ được thiếu.

Trước kia là Gái, sau là Xí đều biết ý anh không khi nào dọn lại những món đã ăn hôm trước. Anh thường chống đũa ngồi nhìn bạn bè hay các em và mời người này người nọ những món ăn mới. Vì vậy ai ngồi vào bàn cũng “bị” anh nhắc nhở một cách thân mật: “hôm nay sao ăn ít thế?”, hay “hôm nay ăn khá quá!”. Các em ngồi chung bàn đôi khi cũng mất tự nhiên vì luôn phải giữ gìn ý tứ. Bữa ăn là cơ hội họp mặt đầy đủ gia đình và cũng là lúc mà nề nếp gia phong được biểu hiện rõ nhất. Các em được anh Sơn nhắc nhở ngay từ bé, nhỏ phải xới cơm cho người lớn, em gái phải xới cơm cho anh trai, ăn uống phải ngồi nghiêm chỉnh, không được phép gắp những món ăn mà người lớn chưa đụng đũa …. Lúc Má còn sống, trong nhà lúc nào cũng đông đúc. Bữa ăn thường được dọn trên một bàn dài trong cái sân nhỏ trước nhà bếp. Lúc cơm nước đã sẵn sàng, Má rung một tiếng chuông báo cho mọi người ngồi vào bàn. Sau ngày Má mất, các em phần lớn đi xa, nhà trở nên vắng vẻ nên bữa ăn được dọn trong phòng khách nhỏ trên lầu.


Anh Sơn và các cháu

Bây giờ, tiếng chuông không còn để gọi cả nhà họp mặt mà chỉ để gọi người giúp việc. Trong căn phòng nhỏ dùng để tiếp bạn bè, anh Sơn luôn ngồi trong chiếc ghế riêng với cái chuông nhỏ bên cạnh. Hễ nghe tiếng chuông thì người giúp việc lập tức có mặt. Dần dà ai nấy đều biết rõ chuông rung lúc nào là cần phải phục vụ những gì. Chẳng hạn tiếng chuông rung sau bữa ăn là anh gọi dọn bàn. Đang lúc tiếp khách thì tiếng chuông cho biết anh đang cần thêm nước đá hoặc soda để uống rượu. (Chính vì vậy mà từ khi anh ra đi, trong nhà không ai dám động đến cái chuông. Mọi người đều sợ nghe tiếng chuông mà chẳng thấy được người). Thông thường có ít nhất hai người giúp việc lo cho anh, một nấu ăn, một dọn phòng. Sau này khi sức khỏe sa sút thêm người thứ ba chuyên xoa bóp tay chân cho anh. Những cái tên Xí, Ti, Hạ lâu ngày trở thành quen thuộc với bạn bè. Nhiều lúc anh thức thâu đêm, các cô cũng thức theo để lo nào rượu, nào soda, nào thức ăn cho anh và bạn bè. Hoặc khi anh cao hứng muốn vẽ tranh thì một cô liền nhanh nhẹn trải lên hai chân anh một tấm khăn, mang cọ đến và chuẩn bị nặn màu lên palette theo đúng ý.

Không chỉ thuần túy giúp việc nhà mà Xí và Hạ cũng đồng thời là người bảo vệ. Cú điện thoại của người lạ muốn tiếp xúc với anh luôn được các cô hỏi cặn kẽ, và nếu ai đến vào lúc anh đang ngủ thì nhất định bị từ chối không cho vào. Đó cũng là lý do nhiều người lần đầu tiên đến tìm anh phải phàn nàn và đôi lúc hiểu lầm, khi không qua được cửa ải của người giúp việc. Suốt cả đời, lúc nào anh Sơn cũng nghĩ tới đại gia đình. Anh từng ước ao khi nào có điều kiện sẽ mua một miếng đất thật lớn, cất một căn nhà rộng rãi chính giữa cho Má ở với anh, chung quanh xây thêm bảy căn nhà cho bảy anh em. Mỗi gia đình đều sinh hoạt riêng rẽ nhưng đến bữa ăn thì cùng nhau tề tựu tại nhà anh. Anh nói rằng sẽ sắm một cái chuông thật to để khi rung lên sẽ âm vang đến tất cả mọi nhà. Ngoài ra anh cũng muốn có một cái xe lớn đủ cho cả nhà cùng đi một lúc. Có lần một người bạn hỏi đùa: “Nếu trúng số 10 triệu đô la, anh sẽ làm gì”. Anh trả lời ngay lập tức: “Sẽ chia đều cho bảy em mỗi đứa một triệu, Má một triệu, moa một triệu và một triệu cho cơ quan từ thiện”. Tuy chỉ là chuyện đùa nhưng cách trả lời không cần suy nghĩ như thế chứng tỏ lúc nào anh cũng quan tâm đến người thân của mình trước hết. Những năm cuối đời, tình trạng sức khỏe sa sút khiến tinh thần anh cũng xuống thấp.

Một hôm, trong lúc bàn luận về gia đình, về hạnh phúc, anh trầm ngâm: “Mình nhận ra gia đình thật là quan trọng. Nhất là những lúc đau yếu, bệnh tật, chỉ có gia đình là chỗ duy nhất có thể nương tựa”. Những hôm phải ngồi bất động trên chiếc ghế, đến bữa ăn anh cũng không muốn dùng riêng một mình trong phòng. Việc chăm sóc vệ sinh cá nhân cho anh do các em trai – anh Hà và anh Tịnh – đảm nhiệm. Đôi khi anh Sơn cũng chịu ngồi trên một chiếc ghế trong phòng tắm cho các em gái – Thuý, Tâm hay Diệu – tắm rửa, gội đầu. Trinh phụ trách nhuộm tóc, cắt móng tay. Diệu lo nấu nướng những thức ăn kiêng. Tâm hàng ngày phải kiểm soát lượng đường trong cơ thể anh. Ngân đút thức ăn, lúc nào cũng thong thả, cẩn thận vừa ý anh Sơn. Một chút hạnh phúc hừng lên trên khuôn mặt mệt mỏi vì bệnh hoạn mỗi lần anh được các em chăm sóc như một đứa bé. Anh Sơn thường nói, người nổi tiếng thường là người cô đơn, vì đôi khi nhất thời không thể biết được mọi người đến với mình vì chút hào quang bên ngoài hay vì con người thật của mình. Một điều chắc chắn là anh Sơn không bao giờ cô đơn. Gia đình là nơi nương tựa cuối cùng, như anh vẫn nói, và những người ruột thịt không phải yêu anh vì lòng ngưỡng mộ hay vì một Trịnh Công Sơn tài hoa, mà yêu anh vì tấm lòng bao la của một người anh cả.



nguồn: Như Những Dòng Sông
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho