tưởng niệm




Cố nhạc sĩ hay không cố nhạc sĩ ?

--- Phan Hoàng Sơn ---


Một người đã mất thì gọi là cố nhân. Điều đó cũng dễ hiểu.
Cố hay cổ hay cựu đều có những ý nghĩa gần tương tự nhau. Nhưng dùng không đúng lúc, đúng chỗ, trở nên kệch cỡm.
Ví dụ như, một nhạc sỹ qua đời gọi là “cố nhạc sỹ”.Nhưng không phải gọi như vậy là ổn thỏa mọi việc, mà cách dùng từ thô thiển ở đây, không xứng đáng với con người của nhạc sỹ, không chỉ là việc dùng từ này cho nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, mà cho mọi nhạc sỹ khác cũng vậy.
Từ “cố” có thể dùng đúng ở một vài trường hợp. nhưng dùng nó tràn lan, ở mọi lúc, sẽ phản tác dụng.
Cách dùng từ cố này thử xem, đưa ra công chúng sẽ thấy phản ứng của họ ra sao?
Từ cố là dành cho người đã chết. Ở các thứ tiếng nước ngoài, từ cố đôi khi dùng như từ cựu. Nhưng trường hợp bất di bất dịch dùng từ cố là để lên trước đối với phẩm tước của người đó do tổ chức hay nhà nước nào đó phong tặng. Ví dụ như “nghệ sỹ nhân dân” là phẩm hàm của nhà nước VN hiện thời tấn phong khi còn sống hay đã chết cho một người. Đối với phẩm hàm, sau khi chết, mà không nêu ra thì là không tôn trọng người đó. Cho nên mọi lúc, mọi nơi phải dùng “cố nghệ sỹ nhân dân” mới ổn.
Cũng như là “cố chủ tịch”, “cố đại tướng”, là việc trở thành luật không thành văn.
Nhưng từ cố đứng trước một danh xưng thông thường như, thường dân, công an, lính thủy quân lục chiến, nông dân,... thì không ai dùng chữ cố đặt vào trước cả khi họ từ trần. Chẳng hạn: “cố nông dân”, “cố thường dân”. Chỉ có “bần cố nông” thôi!
Nhạc sỹ cũng thuộc vào dạng từ ngữ thường dân dùng trong lúc thông thường, nên dùng chữ cố vào đây sẽ thấy không ổn cũng như các trường hợp vừa nêu.
Mặt khác, thật đáng tiếc, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không mang một phẩm hàm nào cả, nên đặt chữ cố trước chữ nhạc sỹ là không hay.
Thứ hai, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vẫn sống cùng chúng ta, vì nhạc của ông có sức sống mãnh liệt, lại mang hàm ý sâu xa nụ cười muôn thủa của tiền nhân, lại mang đậm đà màu sắc triết lý Á đông, mang tính gần gũi không thể tách rời cuộc sống. Việc nhắc tên ông khi ông không còn, một cách trang trọng (không có chữ cố), là thể hiện tình yêu thương gần gũi như thể ông còn sống vậy.
Khi cha mẹ chết, con cháu trong gia đình thường dùng là “khi ba còn sống...”, hay “nếu ba còn thì...”. Trân trọng hơn thì nói “ lúc người sinh thời..”. Cả đối với văn viết và văn nói, cách dùng từ như vậy thật ấm cúng và gần gũi biết bao ! Nếu viết thư mà lại viết “cố papa”, “cố mama” thì sẽ ra sao ?
Khi sinh thời, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã được thường dân gọi là người hát rong. Bây giờ, Trịnh Công Sơn không còn nữa, cũng chẳng ai gọi là “cố hát rong”.
Đó là trừ hao cho việc chính quyền lạm dụng từ ngữ, cũng như trước đây, khi in nhạc của ông đều đục bỏ, thêm bớt, mà không cần nói cho nhạc sỹ biết. Bởi vì trên truyền thông nhà nước Việt nam hiện thời là dùng “cố nhạc sỹ” nhiều nhất. Ý là thượng quan hạ dân đều phải theo đó mà làm. Dùng chữ cố chẳng lợi lộc hay ho gì, tại sao không dùng nhạc sỹ không thôi ? Còn ai biết đã chết hay còn sống, không quan trọng lắm, nhất lại là khi giới thiệu một bài hát của ông sắp được trình diễn.
Tôi e rằng dùng chữ cố là cố tình muốn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chết hẳn?
Những nhạc sỹ như Chopin, Mozart, Beetthoven..., khi nhắc đến cũng chẳng ai dùng chữ cố nhạc sỹ cả.
Cho nên xin đề nghị, các cố xin đừng gọi “cố nhạc sĩ” Trịnh Công Sơn nữa!



nguồn: tcs-home.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho