tin tức




Giám Đốc hát nhạc Trịnh

--- PV ---


Giờ đây khi “liệt kê” những giọng ca gắn với âm nhạc được nhiều người hát nhất, nhưng cũng khá kén người – nhạc Trịnh Công Sơn – bên cạnh Khánh Ly, Lan Ngọc, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng…, người ta phải nhắc tới một cái tên lạ & quen khác: Nguyễn Hữu Thái Hòa. Tự gọi mình là “một kẻ ngoại đạo thứ thiệt của thị trường âm nhạc trong nước, nhưng cũng là thứ thiệt khi đầu tư tất cả tâm huyết mình có được vào âm nhạc Trịnh Công Sơn”. “Ca sĩ ” Thái Hòa “đương kim” giám đốc chất lượng (Quality Manager) toàn Châu Á và Australia của tập đoàn điện tử Pháp Schnieder Electric, vừa cùng Phương Nam phim cho ra mắt album nhạc Trịnh thứ 4 của anh. Ngay cả một ca sĩ “thứ thiệt” ở trong nước cũng ít có được một “bộ sưu tập” album nhạc Trịnh đáng nể như vậy.
Cuộc trò chuyện giữa TT& VH với Thái Hòa khá đặc biệt : câu hỏi từ TP.HCM , còn Thái Hòa thì trả lời từ New Deli (Ấn Độ), nơi đặt 1 trong số hơn 40 nhà máy của tập đoàn anh đang quản lý chất lượng.

* Từ đâu ra một “ca sĩ Thái Hòa” chuyên hát nhạc Trịnh như vậy ?


Thái Hòa hát nhạc Trịnh … từ trong bụng mẹ, mẹ tôi vốn là bạn thân của nhạc sĩ. Tôi bị ép theo học piano cổ điển từ nhỏ ở TP. HCM, theo học thanh nhạc ở Nhạc viện TP.HCM vào đầu những năm 1985-1990 cùng với các thầy Tuấn Phong, Cao Minh… tham gia ca hát phong trào với NVH Thanh Niên trong các đội hợp xướng. Sau khi xuất cảnh cùng gia đình qua Canada, tôi đã đoạt giải nhất giọng hát Montreal. Từng dạy piano ở Đại học Toronto và đi hát các phòng trà ở Canada trong lúc là sinh viên kiến trúc. Khi về làm việc tại VN những năm 1997-2001, tôi & nhóm bạn ở Nhạc viện TP.HCM thường xuyên gần gũi, ca hát với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vài lần hát cùng Jennifer Thomas (ca sĩ người Mỹ) ở quán Nhạc sĩ của nhóm Những người bạn của ông.

* Anh chỉ hát nhạc Trịnh ? Hay còn mê nhạc của ai khác ?

Tôi từng hát nhạc Phạm Duy, rất mê Bên cầu biên giới, Tiếng dân tôi, Cây đàn bỏ quên.. Đến khi thực sự gặp Phạm Duy trong một đêm diễn ở Montreal (Canada) thì bỏ hẳn. Từ đó có lẽ chỉ còn hát Trịnh Công Sơn & hát cho chính mình mà thôi.

* Nếu chỉ là hát tài tử, hát cho chính mình, tại sao anh ra album đều đặn như một ca sĩ chuyên nghiệp ? Làm như thế đĩa có bán được không ?

Có hay không cái biên giới của “tài tử”và chuyên nghiệp? Tôi cũng từng ngạc nhiên khi thấy những ca sĩ chuyên nghiệp chẳng biết đọc nốt nhạc. Tôi cũng từng rất ngạc nhiên thấy mình làm nhạc Trịnh tài tử mà quá cực nhọc và tâm huyết như vậy. Vườn xưa là CD thứ 4 tôi phát hành với Phương Nam phim, trước đó là Lặng lẽ nơi này (2005), Cõi tình - Phúc âm buồn (2004), Chiếc lá thu phai (2003), đĩa đầu tay tôi thực hiện với nhóm bạn bè là Về nơi cuối trời lưu hành nội bộ ở quán Hội ngộ (Bình Quới) năm 2001. CD với Phương Nam bán được khá tốt, ước tính sẽ đạt 10,000 đĩa/ chương trình trong vòng 5 năm, không lời không lỗ, không đến mức bán nhà cửa đi làm nhạc Trịnh…., chỉ có điều là cần ứng trước vốn đầu tư trong 5 năm (1 cách làm kinh tế rất bất hợp lý đối với 1 nhà quản lý và kinh doanh). Nhóm thực hiện hầu như không kể công sức và tâm huyết, 50% tiền lãi thu được gửi trực tiếp đến gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo các hợp đồng thỏa thuận rất rõ ràng mỗi chương trình.

* Đã có nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh theo nhiều phong cách, kể cả những phá cách, làm mới nhạc Trịnh. Phải chăng anh vẫn tìm thấy “chỗ riêng” của mình khi hát nhạc Trịnh nên mới quyết tâm thế?

Khi đã là tình yêu và đam mê thì Thái Hòa rất dũng cảm, thậm chí hơi bị cực đoan và “điên điên” như nhiều người nhận xét. Phong cách của chúng tôi chỉ là mộc mạc, bán cổ điển xoanh quanh 1 chữ tình của Trịnh Công Sơn.

* Sau Vườn xưa anh còn những dự định gì sẽ làm với nhạc Trịnh?

Điều cuối cùng trong mong ước của tôi cho nhạc Trịnh và cũng là tâm nguyện của cố nhạc sĩ là tái bản ca khúc Da vàng và dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, đây là 1 viên ngọc quý trong kho tàng văn hoá Việt Nam gắn liền với lịch sử cận đại của dân tộc. Hiện tôi đang viết 1 tập sách về hành trình của mình và bạn bè với âm nhạc Trịnh Công Sơn trong 5 năm vắng bóng ông vừa qua.

* Còn câu hỏi cuối cùng của tôi trong cuộc trò chuyện này: sẽ gọi anh là kiến trúc sư, giám đốc hay 1 ca sĩ?

- Tôi đã từng tự hỏi mình nhiều lần, thật ra mình là ai, nghề nghiệp chính là gí? Có lẽ thật khó trả lời chi tiết câu hỏi của bạn vì cuộc sống và nghề nghiệp tôi có nhiều cơ duyên hơi đặc biệt. Tôi học mỹ thuật công nghiệp ngành nội thất ở Việt nam (5 năm), sang Canada và về Việt nam trong các dự án phát triển về châu Á. Từ năm 1997 chuyển sang làm chuyên gia công nghiệp hóa xây dựng các hệ thống nhà máy, chất lượng ISO của tập đoàn Pháp Schneider Electric tại VN. Gần 8 năm nay tôi là chuyên gia quốc tế về tiêu chuẩn ISO & quản lý của tập đoàn này. Gia đình tôi hiện sống tại Hongkong (từ 2 năm nay) nơi đặt văn phòng chính. Vì công việc tôi cứ đi suốt & thường làm việc 15 giờ/ngày nhưng trong đó có ít nhất 3 giờ dành cho nhạc Trịnh.



nguồn: TT& VH
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho