những kỷ niệm




Ừ Thôi, Anh Về

--- Văn Quang ---


Khoảng gần 4 giờ chiều ngày 1 tháng Tư, 2001 tôi được Nguyễn Quốc Thái điện thoại báo tin: “Trịnh Công Sơn chết rồi.” Mới chỉ hơn ba tiếng đồng hồ sau khi Sơn “an nghỉ ở một cõi riêng," tôi và Thái tìm đến nhà anh để nhìn mặt người bạn cũ lần cuối. Xách theo cái máy chụp hình, mục đích của tôi không phải để “hành nghề" mà đơn thuần là chỉ để có một kỷ niệm. Vì thế nên tôi không mang theo máy digital để có thể gửi hình ngay qua e-mail và với cái máy Olympus, sau khi chụp hình rồi tôi vẫn còn để cuốn phim đó chưa mang đi in rửa. Khi tôi đến nơi, mới chỉ có lác đác vài người thân quen, trong số đó tôi chỉ biết đạo diễn Lê Cung Bắc. Đi thẳng vào trong nhà, thân hình Sơn nhỏ nhắn nằm sau tấm mền mỏng trên chiếc giường gỗ nhỏ, nệm trắng. Nải chuối để trên bụng. Anh nằm sát bên tường có khung cửa sổ rộng nhìn ra lối đi vào nhà trong. Xung quanh anh vẫn còn là những bức tranh lớn do chính anh vẽ và những đồ vật thường dùng hàng ngày. Những người thân của anh đang bận rộn với đủ thứ công việc lễ nghi theo đạo Phật. Thái đề nghị với “gia chủ” cho tôi được chụp một tấm hình, nhưng chúng tôi được báo tin đúng 8 giờ tối mới khâm liệm, cho đến giờ này anh vẫn chưa được tắm rửa thay quần áo. Căn nhà của anh còn tương đối im ắng lắm. Mọi người lặng lẽ như tôn trọng giấc ngủ của Sơn chứ chưa phải là một đám tang. Quả tình tôi cứ loay hoay mãi mà chưa biết phải làm gì với Sơn đây. Muốn giở tấm vải che mặt nhìn anh lần cuối, nhưng không thể làm như thế. Thôi thì đứng đây hình dung lại khuôn mặt Sơn từ những ngày xa xưa và nhìn lên tấm hình màu của Sơn những ngày gần đây cũng tạm cho là đủ.
Khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối còn khá dài, chúng tôi ngồi đợi giờ khâm liệm trên dãy ghế bày dài theo bờ tường trước cổng nhà. Trong khoảng thời gian này một vài người anh chị em của Sơn từ Mỹ vừa về đến Việt Nam lục tục mang hành lý vào nhà. Mọi người cùng hớt hải bước ngay vào bên giường Sơn đang "ngủ." Những tiếng nấc nghẹn ngào vẳng lên. Thật ra mọi người đều đã biết trước Sơn không qua khỏi từ vài ngày trước đó, nhờ vậy anh em về kịp vào đúng ngày Sơn từ trần. Vào khoảng 6 giờ, một vài lẵng hoa chia buồn được gửi đến. Trong số ba lẵng hoa đầu tiên, tôi thấy có lẵng hoa của ca sĩ Khánh Ly và Nguyễn Hoàng Đoan, có lẽ từ Mỹ Khánh Ly đã điện thoại về cho gia đình mang hoa đến với người bạn cô thường nói là một phần đời hay là nửa cuộc đời của cô. Với ai thì tôi không tin nhưng với Khánh Ly thì tôi tin hoàn toàn vì giữa chúng tôi đã có một vài kỷ niệm với Sơn từ xưa.

Những ngày xưa với Trịnh Công Sơn

Tôi biết Trịnh Công Sơn cũng là do Khánh Ly. Hồi đó vào năm Mậu Thân 1968. Một buổi chiều ngồi ở nhà hàng Pagode – nơi rất nhiều "văn nhân nghệ sĩ Sài Gòn thời xưa – thường ngồi sau những giờ còng lưng trên bàn viết, tôi gặp Khánh Ly và Ngọc Anh đi cùng Trịnh Công Sơn. Chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm chiều. Ăn ở một quán bụi xong đã đến giờ giới nghiêm, thời gian đó Sài Gòn giới nghiêm từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Khánh Ly nhờ tôi đưa Trịnh Công Sơn về. Tôi biết rõ Sơn trốn động viên, đi với tôi coi bộ "vững" hơn. Trên xe, tôi hỏi Sơn ở đâu. Sơn nói: "Mình ở với người em ở gần nhà thờ Huyện Sĩ." Và anh hỏi lại tôi ở đâu, tôi lắc đầu: “Ở sở hoặc ở building, nơi nào cũng được.” Sơn thản nhiên: "Vậây thì mình đi.” Đêm đó là đêm đầu tiên tôi đưa Trịnh Công Sơn về building Cao Thắng. Ở cái building đó chỉ có một phòng gắn máy lạnh, thực ra căn phòng đó là của một thương gia bán huy chương ở ngay chợ Bến Thành thuê làm phòng riêng, cho tôi ở chung nhưng không lấy tiền. Phía sau là phòng của ông Hoàng Ngọc Liên, cạnh đó còn một phòng của một vị "nữ quái khách" với cái bảng bằng bìa carton treo toòng teeng ngay trước cửa phòng rất hiên ngang: "Không được quấy phá giấc ngủ của cô gái nhảy về già." Tôi chỉ cho Sơn coi tấm bảng đó, Sơn cười: “Cô gái này quả là can đảm và cá tính rất đặc biệt đấy, sao anh không khai thác làm một cái truyện dài đi?" Nhưng sau một lần một lần tiếp chuyện, tôi thấy "bà này" hơi khật khùng nên bỏ dở ý định làm quen.
Sơn mang đến cây đàn guitar, ở lại phòng tôi vài ngày, tôi không nhớ rõ bao nhiêu ngày. Nhưng chính ở đó anh sáng tác hoặc hoàn tất bản Tình Xa. Tôi có cái máy ghi âm hiệu Akai, trong khi tôi đi làm, Sơn vẫn thường dùng để nghe lại bản nhạc mình đang hoàn thành. Khi tôi về đến phòng là chúng tôi lại kéo nhau đi ăn đi chơi trong cái thế giới của Sài Gòn giới nghiêm, những con đường vắng teo, dài hun hút, đêm Sài Gòn thênh thang cứ như chỉ có hai chúng tôi còn thức. Những buổi chiều thì thường ngày nào cũng đi ăn cơm bụi cùng Khánh Ly và một số bạn bè như Phạm Huấn, Nguyễn Đạt Thịnh… Một đêm nằm nghe lại bài Diễm Xưa, Sơn thủ thỉ tâm sự vụn với tôi về một người con gái mang tên Diễm. Tôi không cho là anh đã "mã hóa" cái tên ấy, cái tên của người yêu anh và cũng là người anh yêu. Tôi không rõ có phải là mối tình đầu không vì anh còn nhắc đến tên một vài người con gái khác nữa. Tôi cho rằng đó là chuyện rất thường tình của những người con trai mới lớn và mang nặng "nghiệp nghệ sĩ" trong huyết quản. Những hình bóng đi qua, còn để lại ở những người thường một kỷ niệm và để lại ở người nghệ sĩ những tác phẩm. Rồi một lần nghe Sơn hát bài thơ mới phổ nhạc của Trịnh Cung Lời Cuối Cho Một Cuộc Tình, tôi thích nhất ngay câu đầu tiên: "Ừ thôi em về…" Tôi nói với Sơn: "Thơ Trịnh Cung đã lạ, nhạc phổ thơ còn lạ hơn." Sơn hát lại và tôi vẫn thấy chữ "Ừ" nhẹ nhàng làm sao. Nếu là một lời đối thoại chữ "ừ" nghe nặng nề, thoáng một chút "phàm phu," ấy vậy mà trong lời thơ tiếng hát sao mà tự nhiên dễ thương đến thế. Nó thấm ngay vào đời thường bám lấy hình ảnh một cuộc gặp gỡ giữa hai người yêu nhau. "Ừ, thôi em về…!" Thế là hết, lời từ biệt bình thản nhưng rất xót xa. Trong thơ nhạc Việt Nam dường như chưa ai dùng chữ "ừ" và dùng hay đến thế. Rồi chợt một hôm nghe tin Lưu Kim Cương chết ở phi trường Tân Sơn Nhất, Khánh Ly lên phòng tôi, cô ngồi lặng, Sơn chỉ nhìn và cũng lặng yên. Ít ngày sau, bài Cho Một Người Vừa Nằm Xuống ra đời. Tôi không biết ai là người đã hát bản đó lần đầu tiên. Nhưng sau này ít có dịp tôi được nghe lại. "Anh nằm xuống…cho một ngày…đã vui chơi trong cuộc đời này... Người tình còn đó anh nhớ không anh? Bạn bè còn đó anh nhớ không anh?..” Đó cũng là quan niệm sống của Sơn. Anh làm bài đó cho bạn bè và bây giờ bạn bè của anh lại dành những câu hát đó tiễn đưa anh.
Hồi đó, có một vài người bạn thấy tôi hay đi chơi với Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường "bí mật" hỏi: "Họ có phải là người yêu của nhau không?" Với cái nhìn của tôi, câu trả lời rất thành thật là không, hoàn toàn không! Họ coi nhau như anh em, còn hơn anh em nữa là khác. Và đến hôm nay, nghe Khánh Ly trả lời những câu hỏi của một vài hãng truyền thanh truyền hình BBC, NHK,TBS tôi lại thấy Khánh Ly như một "tín đồ” của Trịnh Công Sơn. Điều đó không phải là quá đáng.
Còn một số tin đồn nữa về những "người tình" của Sơn, nhưng quả thật là tôi chưa thấy có dấu hiệu nào xác định ai là người đàn bà chính thức trong cuộc đời anh. Dường như tất cả đối với anh là "những cuộc tình đẹp" và chỉ có cái đẹp của những cánh hoa cho những dòng nhạc chảy dài vào vô tận.

Bữa nhậu cuối cùng

Bẵng đi một thời gian dài, tôi không gặp Trịnh Công Sơn. Cho đến năm 1987, tôi ở trại cải tạo ra, gặp lại Sơn một lần ở quán cà phê Văn Nghệ. Thấy tôi, anh thân mật vồn vã thăm hỏi và tôi nhớ câu anh nói: "Bây giờ còn gì đâu mà bên ni bên nớ, mọi chuyện cũ quên đi.” Anh hẹn tôi đến nhà chơi và gặp người bạn nào của tôi anh cũng nhắn tôi đến uống rượu. Nhưng chưa lần nào tôi đến nhà anh cả. Lý do đầu tiên là tôi không bao giờ uống được rượu, dù chỉ một ly bia, như nhiều bạn tôi đã biết. Lẽ thứ hai là hồi này anh có nhiều bạn mới mà tôi không quen. Đã không rượu lại không quen bạn thì sự có mặt của tôi chỉ làm anh khó xử và mất vui. Bằng cớ là buổi tối hôm đó, đến giờ khâm liệm Trịnh Công Sơn, quan khách, bạn bè thân thuộc đến quá đông mà vỏn vẹn tôi chỉ quen có vài ba người. Mỗi lúc một đông, và càng lúc số người tôi không quen càng tăng. Vì thế tôi len lách mãi chỉ nhìn được mặt Sơn vài giây cuối cùng rồi ra về. Tôi không cho rằng mình làm tròn "bổn phận" đối với một người bạn mà tôi tự thấy lòng mình nhẹ lại.
Suốt những năm sau này, tôi chỉ gặp lại Sơn một lần rất tình cờ cách đây vài ba tháng. Hôm đó Hà Túc Đạo mời ăn tối. Tôi ngồi sau xe Nguyễn Quốc Thái đến quán ăn nằm trên đường Hai Bà Trưng. Nghe nói quán này của người em Sơn. Hôm đó có nữ ca sĩ Thùy Dương cùng chồng là em ruột của anh Hà Túc Đạo từ Mỹ về Việt Nam. Cô có cái CD vừa thu xong những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Chừng 15 phút sau Sơn tới. Chúng tôi bắt tay nhau rất ngạc nhiên. Có lẽ những người bạn đã dành cho chúng tôi cuộc gặp gỡ tình cờ này. Giọng Sơn yếu lắm rồi, anh nói không còn uống được nhiều rượu nữa. Tôi hỏi về những bức tranh anh vừa triển lãm gần đây với Đinh Cường tại phòng triển lãm Tự Do. Anh hào hứng nói về hội họa. Lúc đó anh quên mất mình là nhạc sĩ. Thành thật mà nói, tôi thấy Sơn vẽ cũng đẹp không thua kém nhiều họa sĩ đã từng có tranh triển lãm ở Sài Gòn này. Nhưng rồi đề tài nào cũng quay về với nhạc. Hôm đó anh nói về Khánh Ly, anh ca tụng đức tính “chuyên nghiệp" của Khánh Ly. Anh kể khi Khánh Ly về Việt Nam ở nhà anh, suốt ngày cô chăm chỉ luyện tập, đó là đức tính người ta thường ít thấy ở những ca sĩ mang bệnh “ngôi sao.” Bữa đó, Sơn ăn rất ít và uống cũng rất ít. Nhưng tâm tình của anh vẫn nóng bỏng như thuở nào. Anh vẫn nhắc đến những kỷ niệm xưa, những người bạn cũ, chưa quên một ai. Hôm đó là bữa nhậu cuối cùng của anh với chúng tôi. Có một chai rượu, vẫn còn lại một nửa. Anh không bàn đến chuyện thời cuộc và tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện này. Thời sự hôm nay rồi ngày mai sẽ là hết, nhưng tình người vẫn là vô cùng. Anh nói như thế và tôi cũng tin như thế. Theo tôi, Sơn là con người rất dễ hòa đồng, anh không làm mất lòng ai bao giờ. Trong mọi nơi chốn anh đều giao thiệp hết sức dễ dàng.

Bản di chúc giản dị

Trước khi vĩnh biệt Sơn ra về, tôi được tin là Sơn biết trước ngày mình "ra đi" gần kề, anh để lại một bản di chúc cho các em. Tất nhiên là có những điều tôi không thể biết hết và cũng không thể kể hết ở đây. Tôi chỉ biết có hai điều Trịnh Công Sơn căn dặn: “Quàn anh tại nhà chứ không mang đến 81 Trần Quốc Thảo của Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật TP Sài Gòn như thông lệ." Hai là "Chôn anh bên cạnh mộ thân mẫu anh tại Nghĩa Trang Gò Dưa chứ không chôn ở nghĩa trang Thành Phố." Xem ra Sơn còn muốn gần gũi với mọi người lắm.
Cho đến khi tôi viết bài này, đám tang của anh chưa cử hành. Hai ngày qua, đã có hàng ngàn người, hàng vạn người đến vĩnh biệt anh và chắc chắn đám tang của anh sẽ rất đông. Dù có đi đưa đám anh hay không, bài này thay cho lời vĩnh biệt Trịnh Công Sơn! Một người bạn bao giờ cũng là bạn.



nguồn: tcongson.momentumcap.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho