phỏng vấn




Tôi Đã Tận Hưởng Những Tình Cảm Nhân Loại

--- Lữ Quỳnh thực hiện ---


* Gần đây, anh có giới thiệu với bạn đọc cô Michiko, người con gái Nhật Bản học đại học khoa tiếng Việt tại Paris đang soạn một luận án về nhạc Trịnh Công Sơn. Anh có thể cho biết kỹ hơn về người bạn trẻ đã nặng lòng với ngôn ngữ Việt Nam ấy?

- Michiko là một người bạn gái có lối sống hay hay. Trước giải phóng tôi có quen một cô gái Nhật khác. Cô ấy là một thi sĩ tên là Mitsuko. Chỉ quen nhau qua thư từ và cô ấy yêu nhạc tôi. Sau giải phóng tôi cũng còn nhận được thư cho đến năm 1976. Cô gái viết trong một lá thư: Bây giờ là mùa đông ở Tokyo nhưng anh đừng ngại vì những bài hát của anh đã được em sưởi ấm trong đôi cánh tay, không ngại tuyết trắng làm giá băng đâu.
Michiko nói tiếng Việt được. Điều ấy cũng đủ làm chúng ta thích thú. Lại hát được tiếng Việt và đã hát hai lần tại Câu lạc bộ Bến Nghé do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phụ trách. Michiko thích thành phố chúng ta hơn Paris. Điều đó cũng làm chúng ta suy nghĩ.
Mỗi sáng chủ nhật lúc 9 giờ (3 giờ sáng tại Paris) tôi đều có điện thoại của Michiko gọi từ Paris về. Hỏi thăm sự ăn uống, ngủ hàng ngày và nói chuyện về những bài hát chuẩn bị cho luận án ra trường. Michiko tự đệm đàn và hát trên piano hoặc guitare. Nhưng môn sở trường của Michiko là chơi volley-ball. Vô địch và huấn luyện cho sinh viên Việt Nam ở
các trường đại học tại Paris. Đó là chuyện chơi. Việc làm chính của Michiko là thông dịch. Michiko biết và nói được 6 thứ tiếng. Dĩ nhiên tiếng Nhật là giỏi nhất, sau đó là tiếng ý, Pháp và Việt. Nói thêm tiếng Anh và bút đàm bằng tiếng Trung Quốc. Michiko viết thư cho tôi bằng tiếng Việt, chỉ có những đoạn diễn đạt hơi khó, cần rõ ràng mới viết bằng tiếng Pháp. Qua điện thoại cũng vậy, chúng tôi nói chuyện với nhau vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp. Nói chung Michiko là một người con gái đáng yêu và điều đáng yêu nhất là xem Việt Nam như quê hương của mình vậy.


* Kể từ cuộc triển lãm chung với các hoạ sĩ Đinh Cường, Tôn Thất Văn vào đầu năm nay, bạn đọc ít được nghe bản nhạc mới nào của anh, trong khi đó anh vẽ tranh rất nhiều và sắp triển lãm nữa. Vậy có phải anh dành hết thì giờ cho vẽ mà không viết nhạc, hay vì không viết được mà quay qua vẽ?

- Tôi có những ham muốn và những thích thú bất chợt. Khi thích vẽ thì vẽ, viết nhạc thì viết và có những lúc chỉ muốn viết văn hoặc làm thơ. Viết văn và làm thơ đối với tôi như thở vậy. Dễ dàng và cũng nhẹ nhàng như khói bốc lên. Vẽ và viết ca khúc thì khác. Viết ca khúc có lúc chỉ vài giờ là xong, có khi cả tuần, cả tháng. Vẽ đối với tôi là một niềm say mê đặc biệt. Vấn đề là phải tạo được một không khí cho riêng mình. Đã đụng màu vào toile là không dứt ra được, mầu này kêu gọi màu khác. Nét vẽ này đòi hỏi một nét tiếp theo như Hamarque có viết câu: Le vin appellelevin. Thế là mất ngủ. Tôi đã vẽ từ rất lâu. Và cái niềm say mê vẽ thì nó cuốn hút mình như một con nước xoáy. Không thể ngừng, không thể dứt ra được. Đến 5 giờ sáng vẫn mở mắt nhìn vào toile để xem còn thêm bớt gì nữa không. Bố cục trong tranh cũng như bố cục trong âm nhạc vậy - nó chặt chẽ nhưng cũng có những khoảng tưởng như vụng về. Cái vụng về ấy là cố ý như cái răng khểnh hoặc nốt ruồi trên khuôn mặt đẹp.
Tôi và các bạn hoạ sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn đang chuẩn bị một phòng tranh về chân dung. Riêng tôi đã có khoảng 16 bức cỡ tương đối lớn.
Có những chuyện đời nói bằng thơ văn, có lúc lại phải diễn đạt bằng ca khúc và cũng có lúc phải vẽ mới nói hết những điều mình mang đến cho anh em quanh cuộc sống của mình. Bài hát năm nay của tôi chỉ cần nghe Lặng lẽ nơi này và Tình khúc Ơ bai là đủ. Viết nhiều, vẽ nhiều đâu có phải là lý do tồn tại của một tác phẩm.


* Sống ở đời lúc nào cũng cần có một tấm lòng, bài viết của Khánh Ly trong Tuần tin Thanh niên và được báo Tiền phong in lại vào số Tết 1989, đã gây ngạc nhiên và xúc động nhiều đối với bạn đọc. Riêng anh, đối tượng mà Khánh Ly nhắc đến trong bài viết, anh nghĩ như thế nào khi đọc bài đó?

- Trước tiên đó là một bài viết hay. Những câu nói âu yếm trong bài là dành cho một người khác đã chết rồi. Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn. Những gì tôi đã làm được cho Khánh Ly thì cũng là phù phiếm thôi. Có thể trong lòng Khánh Ly ngày trước có nhiều điều chưa nói được. Không nói được thì đành thôi vậy. Đời sống không đơn giản. Nếu cần một phút nói rất thật thì tôi nói rằng: Khánh Ly và tôi là hai người bạn lãng đãng trong cuộc đời mà rất thương yêu nhau.
Tôi có những người em gái cũng vậy. Yêu thương tôi hơn yêu chồng. Bởi lẽ tôi đã cố gắng mang đến trong cuộc sống ngắn ngủi của mình một tình cảm chân thật và nhân hậu. Mỗi người có đời sống riêng. Khánh Ly cũng vậy. Nhưng nhớ thương nhau vì sự đùm bọc lẫn nhau nâng nhau lên với một tình cảm phúc hậu, mà không mưu toan, thì hiếm. Chúng tôi đã có một thời chia xẻ cho nhau từng miếng ăn thức uống. Từ đó nảy sinh một thứ tình yêu không giống những tình yêu khác. Chúng tôi như hai đứa bạn trai. Nếu có điều gì chưa nói hết thì điều đó thuộc đời riêng của Khánh Ly. Có ai đủ can đảm phủ nhận một thời hạnh phúc mà trong đó Khánh Ly và tôi đã tận hưởng từ những tình cảm nhân loại nhất của mọi người.




nguồn: Cửa sổ Văn hóa
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho