tin tức




Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao lên tiếng - Phần 2

--- Phỏng vấn của Etcetera ---


(Dưới đây là 2 cuộc phỏng vấn, 1) Được thực hiện vào sáng thứ Năm, 9 tháng 7, 2009 tại quán Zen, trước khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thao lên đài Little Saigon TV nói chuyện với Ngụy Vũ vào buổi tối cùng ngày. 2) Vào sáng thứ Hai, 13 tháng 7, 2009 qua điện thoại tại tòa soạn Việt Weekly, ông Hoàng Thi Thao muốn bổ túc cho những điều cần nói rõ hơn trước và sau cuộc phỏng vấn với Ngụy Vũ và Etcetera. Việt Weekly lược bỏ những gì trùng lấp trong phần hỏi và đáp.)

VW: Tại sao anh Hoàng Thi Thao có ý bênh vực Trịnh Công Sơn?

Hoàng Thi Thao (HTT): Tôi không có ý bình luận về Trịnh Công Sơn , hay bênh vực ông có phải là cộng sản hay không. Nhưng sau 35 năm, không có ai nhận Trịnh Công Sơn thuộc tổ chức của họ. Nên có thể nói, không có chứng cớ buộc tội Trịnh Công Sơn là cộng sản. Trịnh Công Sơn cũng chẳng nhận công tác gì. Đừng nghĩ viết nhạc phản đối chiến tranh là cộng sản. Theo tôi, phản đối chiến tranh là người yêu tự do, là người miền Nam đấy. Phản đối chiến tranh là đi ngược lại chủ trương của người cộng sản Bắc Việt. Vì vậy, tôi nghe nói là ở trong rừng, người cộng sản đã họp và đòi chặt đầu Trịnh Công Sơn.

VW: Theo anh, phía gia đình Trịnh Công Sơn đã lên tiếng đầy đủ chưa?

HTT: Họ không lên tiếng vì thiếu phương tiện. Không ai hỏi họ hết.

VW: Xin anh cho biết cụ thể hơn sự liên hệ giữa anh và gia đình Trịnh Công Sơn?

HTT: Năm 1952, cụ thân sinh của Trịnh Công Sơn là một thương gia ở Saigon. Có nhờ hai ông chú của tôi là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và dược sĩ Cao Văn Nghi tới nhà dạy học cho các con của gia đình. Ông Nghi giỏi tiếng Pháp, tới nhà dạy Trịnh Công Sơn về tiếng Pháp, toán. Ông Hoàng Thi Thơ dạy cho anh Hà, em Trịnh Công Sơn, và tôi quen với gia đình Trịnh Công Sơn từ đó. Một người em ruột của Trịnh Công Sơn là anh Trịnh Xuân Tịnh là bạn chí thân của tôi. Chúng tôi sống, liên hệ với nhau tới mãi cái tết năm 2000, trước khi Trịnh Công Sơn mất, tôi còn ngồi với anh. Chúng tôi sống với nhau trong một căn nhà, và gia đình Trịnh Công Sơn xem tôi như một thành viên.

VW: Nếu đã thân thiết như vậy, có thể vì tình thân mà lời phát biểu, bênh vực gia đình Trịnh Công Sơn của anh sẽ mất đi sự khách quan khi đánh giá về con người, sự kiện lịch sử liên quan tới Trịnh Công Sơn?

HTT: Có thể nói là tôi có cảm tình đặc biệt với Trịnh Công Sơn và gia đình của anh. Nhưng khi tôi nói với đám đông, tôi không nói láo được. Tôi phải nói thật những gì tôi biết. Thú thật, khi gần gũi với Trịnh Công Sơn , tôi ít thấy những điều xấu. Con người ai cũng có tốt, có xấu, “nhân vô thập toàn”, nhưng cái xấu ở Trịnh Công Sơn rất hiếm. Xấu của Trịnh Công Sơn là mê ăn ngon mặc đẹp, mê phụ nữ đẹp. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường.

VW: Tình bạn giữa Trịnh Cung và Trịnh Công Sơn trước khi có bài viết này, theo nhận định của anh thế nào?

HTT: Họ biết nhau khoảng năm 1959, khi Trịnh Cung từ Nha Trang ra Huế học mỹ thuật. Họ gặp nhau thường xuyên cho tới năm 1961 thì xa nhau. Vì Trịnh Cung vào Saigon, Trịnh Công Sơn ra Quy Nhơn. Sau năm 1968 mới gặp lại nhau. Trong suốt thời gian chơi với nhau, theo tôi nhớ, không dưới 5, 7 lần họ giận nhau. Giận vì khác quan điểm, rất nhiều lần. Lần cuối, họ giận nhau đến độ không giao du với nhau nữa, đó là năm 1998, sau đó dù có gặp lại nhưng không thân thiết nữa.

VW: Anh nghĩ họ giận nhau, có thể vì ganh tị tài năng, tình cảm cá nhân hay vấn đề tài chánh hay không?

HTT: (nghĩ) Tôi thấy họ qúi trọng nhau về nghệ thuật. Nhưng trong đời sống, có khi Trịnh Cung muốn theo kiểu này, Trịnh Công Sơn lại muốn ngã kia. Họ khác nhau về chính kiến nhiều hơn và về nghề nghiệp.

VW: Sau bài viết phát pháo của Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn , giới quan sát thấy rõ hai thái độ: Bên trong nước trên mặt báo chí, truyền thông thì bênh vực Trịnh Công Sơn tối đa, ngược lại ở hải ngoại, các bài viết lại lên án tối đa. Anh là người thân với gia đình Trịnh Công Sơn nhưng sống ở hải ngoại, anh có thấy sự bênh hay chống có giữ được tinh thần tôn trọng sự thật hay khách quan đủ để nói một cách đúng mực về Trịnh Công Sơn hay không?

HTT: Người ở hải ngoại có lý do để thù ghét Trịnh Công Sơn vì ngay ngày 30 tháng 4, 1975 Trịnh Công Sơn đã lên đài phát thanh hát bài “Nối Vòng Tay Lớn”. Đối với nhiều người ở hải ngoại, ngày đó là ngày đau đớn của họ, nên Trịnh Công Sơn đã làm họ đau lòng. Còn ở trong nước, nhiều người nhìn tấm lòng Trịnh Công Sơn đối với dân tộc nên khi bài viết của Trịnh Cung nói về Trịnh Công Sơn như vậy, họ phản đối là chuyện hiểu được.

VW: Một chi tiết trong bài của Trịnh Cung phủ nhận Trịnh Công Sơn có mặt trong đài phát thanh ngày 30 tháng 4, 1975, dựa vào đâu mà anh khẳng định là Trịnh Công Sơn có mặt?

HTT: Trịnh Cung nêu ra tên của nhạc sĩ Tôn Thất Lập là người đuổi Trịnh Công Sơn ra khỏi đài phát thanh là sai. Vì lúc đó, Tôn Thất Lập không có mặt ở Việt Nam. Lúc đó, Tôn Thất Lập đi Pháp để vận động cho hoà bình, và dự trù đi Canada tiếp mãi đến tháng 8, 1975, Tôn Thất Lập mới trở về Việt Nam.

VW: Những thông tin này nhờ đâu anh biết?

HTT: Tôi có quen với Tôn Thất Lập.

VW: Nhạc sĩ Tôn Thất Lập kể với anh?

HTT: Đúng. Cùng với một số đông các bạn bè khác.

VW: Chi tiết nào anh thấy không đúng trong bài viết của ông Đặng Văn Âu?

HTT: Tôi xin kể một ví dụ: Nhà Trịnh Công Sơn là nơi bạn bè tới chơi rất đông. Nhà có tới 2, 3 người làm, bạn bè có khi ở lại nhà luôn. Giáo sư Bửu Ý đến chơi, bị mất một số tiền ở trong nhà, và ông Đặng Văn Âu đã viết chi tiết này ra, có ý gán ghép Trịnh Công Sơn phải chịu trách nhiệm và gần như là nhúng tay vào chuyện mất tiền này. Anh Bửu Ý vừa email cho tôi, hỏi là tại sao có người dám viết và có ý nói như vậy. Đối với Bửu Ý, khi Trịnh Công Sơn mất ngày 1 tháng 4, 2001, gia đình Trịnh Công Sơn đã lập tức mời Bửu Ý trong vai trò chủ tế, đọc điếu văn thay cho gia đình. Tình cảm của Bửu Ý và gia đình Trịnh Công Sơn rất nồng thắm. Không lẽ ông Âu là chủ chuyến bay, không lẽ một trong 80 hành khách mất ví, ông Âu là thủ phạm hay sao?

VW: Lý do chính của Trịnh Cung viết xấu về bạn mình, ngoài đối tượng chính là Trịnh Công Sơn , còn đối với gia đình của ông ta thì sao?

HTT: Có lẽ hiện nay, gia đình Trịnh Công Sơn đã khá giả, mấy người em của Trịnh Công Sơn giàu có, nhưhg lại không gần gũi với Trịnh Cung như thời trước, kể cả có thái độ “chảnh” với Trịnh Cung.

VW: Đối với nền kinh tế thị trường, thừa hưởng gia tài nghệ thuật của người thân của mình khi họ không còn như Elvis Presley, như Michael Jackson là chuyện bình thường. Anh nghĩ sao về việc dư luận bàn tán về vấn đề sử dụng gia tài này của gia đình Trịnh Công Sơn đối với quần chúng hiện nay?

HTT: Gần Trịnh Công Sơn , ai cũng biết Trịnh Công Sơn không hề đoái hoài đến vấn đề tác quyền âm nhạc của ông. Trịnh Công Sơn chỉ muốn mọi người biết đến âm nhạc của ông. Nhưng một số thành viên trong gia đình Trịnh Công Sơn đặt vấn đề đó ra, một cách hơi quá đáng, cho nên bị dư luận không thấy hợp lý.

VW: Theo anh, sự quá đáng thế nào?

HTT: Chính tôi có lên tiếng với gia đình, nói với họ là nếu đặt vấn đề thì phải cho chính đáng. Ví dụ nếu các trung tâm băng nhạc sản xuất, khai thác thương mại, thì tính tiền. Còn ca sĩ khi trình diễn, khi hát ở các phòng trà, vũ trường, tụ điểm, đại nhạc hội, không nên thu tiền họ.

VW: Họa sĩ Trịnh Cung đâu có cạnh tranh gì với gia đình Trịnh Công Sơn , đúng không?

HTT: Đúng. Không cạnh tranh gì, nhưng thấy mấy người em Trịnh Công Sơn hơi “chảnh”, ta đây, quên quá khứ quá sớm, quá vội. Quên thuở hàn vi khi anh em bù khú với nhau. Thêm nữa, nhiều người thần tượng Trịnh Công Sơn quá, nên Trịnh Cung có thái độ như vậy. Tôi đọc nhiều bài ca ngợi Trịnh Công Sơn , tôi cũng phì cười. Nhưng tôi thấy người ta ca ngợi bạn mình, thì kệ họ, có gì đâu. Nên lấy đó làm vui, tại sao phải viết như vậy.

VW: Anh có thân với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh?

HTT: Có thể nói là thân.

VW: Phản ứng của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh về loạt bài viết liên quan đến chị ấy, về Trịnh Công Sơn và gia đình thế nào?

HTT: Trịnh Vĩnh Trinh buồn, giận, uất ức. Cô ấy có phát biểu trên BBC, một vài tờ báo. Nhưng cũng có người khuyên là không nên nói nhiều, hãy để người khác nói.

VW: Theo anh, tìm hiểu, đánh giá, khai thác đề tài về một nhân vật công chúng như Trịnh Công Sơn là nên hay không?

HTT: Theo tôi là nên. Nhưng phải nói cho đúng. Dựa trên sự hiểu biết và sự thật. Đừng cường điệu, làm vui lòng người đọc. Nên nói thật.

VW: Bài viết của Trịnh Cung, theo anh có bao nhiêu phần trăm sự thật?

HTT: (suy nghĩ) chỉ có khoảng từ 5%-10% mà thôi. Phần tham vọng chính trị sai hoàn toàn. Trịnh Cung là người có tham vọng chính trị. Khoảng năm 72-73, tôi còn nhớ khi biệt phái từ quân đội về Bộ Dân Vận Chiêu Hồi, Trịnh Cung rất le lói trong bộ Kaki màu vàng bốn túi, đeo kính đen, xách cặp táp rất xum xoe, hào hứng trong bộ đồ mới của mình. Còn Trịnh Công Sơn chỉ là một nhạc sĩ bình thường.

VW: Một cách khách quan, cần cho ông Trịnh Cung một điểm son, là mặc dù ở trong nước nhiều người thần tượng Trịnh Công Sơn như anh đã công nhận, nhưng Trịnh Cung đã can đảm nói ra sự thật về Trịnh Công Sơn theo cách nhìn của ông ta, anh nghĩ sao?

HTT: Tôi cho sự can đảm đặt sai chỗ. Trịnh Cung tự lập ra võ đài, lên đó đấu một mình rồi tự nhận mình là chiến thắng. Sao gọi là can đảm? Đánh ai phải có đối thủ chứ. Trịnh Cung quá thân với Trịnh Công Sơn , tại sao lúc ông ấy còn sống, Trịnh Cung không viết ra? Lúc đó, Trịnh Công Sơn có cơ hội trả lời. Tại sao chờ Trịnh Công Sơn chết, các người em Trịnh Công Sơn không có khả năng lý luận, viết lách để trả lời. Trịnh Công Sơn đã chết, không nói được, các người em của Trịnh Công Sơn rất đau khổ vì bị nghe những lời dựng đứng lên về Trịnh Công Sơn và gia đình họ.

VW: Gia đình Trịnh Công Sơn có trực tiếp hay gián tiếp nhờ anh lên tiếng giúp họ?

HTT: Ngay khi bài viết của Trịnh Cung tung ra, các người em của Trịnh Công Sơn gọi tôi nhiều lần. Họ thắc mắc tại sao Trịnh Cung làm như vậy? Họ không nói thẳng họ nhờ tôi, nhưng trong thái độ nói chuyện với tôi, trên dưới 10 cú điện thoại, tôi biết họ muốn tôi lên tiếng. Nhưng tôi đã nói, không phải tôi lên tiếng vì họ, mà vì tôi muốn sự thật trả về cho sự thật.

VW: Về bài viết của ông Liên Thành, anh Hoàng Thi Thao muốn phản biện thêm chi tiết gì?

HTT: Có một chi tiết ông Liên Thành viết, nói rằng đã cấp giấy “Mật báo viên” cho Trịnh Công Sơn. Tôi muốn làm rõ chi tiết này. Điều đó thế này. Vì ông Liên Thành là trưởng ty cảnh sát, nên bị “méo mó nghề nghiệp”, nhìn ai cũng thấy là mật vụ. Tôi có biết một người, có thể nói là bạn thân của tôi tên là Nhuận. Ông Nhuận trực tiếp nói với tôi, ông là người chi tiền cho ông Liên Thành cấp giấy “Mật báo viên” của chiến dịch Phượng Hoàng.

VW: Ông Nhuận có vai trò, vị trí và thẩm quyền gì để chi tiền cho ông Liên Thành?

HTT: Ông Nhuận là người có tiền, là bạn thân với gia đình Trịnh Công Sơn. Ngoài chuyện cấp giấy “Mật báo viên” cho Trịnh Công Sơn ra, còn có thêm hai người khác cũng được cấp giấy này, vẫn còn sống là giáo sư Bửu Ý ở Huế, và em Trịnh Công Sơn là Trịnh Xuân Tịnh. Giấy này chỉ có tính cách để đi đường, trong thành phố Huế mà thôi. Ra khỏi Huế, vẫn bị bắt như thường.

VW: Ông Nhuận hiện nay ở đâu?

HTT: Còn sống, hiện đang ở Maryland.

VW: Theo anh, khi cần, ông Nhuận có thể đối chất sự thật không?

HTT: Sự việc này, chính ông Nhuận kể cho tôi nghe. Còn việc ông có đối chất hay không, tôi không biết.

VW: Số tiền để mua tờ giấy “Mật vụ viên” là bao nhiêu?

HTT: Không nói rõ. Nhưng có người cấp dưới ông Liên Thành một tí, ví dụ như phó trưởng ty hay phòng đặc biệt nào đó, cũng biết chuyện này. Ông Liên Thành giao du rất gần với ông Nhuận, có khi còn cho ông Nhuận mượn xe cảnh sát để lái trong thành phố Huế. Ông Liên Thành chỉ nhận tiền, cấp một cái giấy vô thưởng vô phạt gọi là “Mật báo viên” của chiến dịch Phượng Hoàng để giúp cho Trịnh Công Sơn trốn lính mà thôi. Ông Liên Thành là tổng thư ký của chiến dịch này nên có thẩm quyền cấp cho ai thì cấp.

VW: Khi cấp giấy, ông Liên Thành có thông qua ông chủ tịch chiến dịch hay không?

HTT: Giấy ma giấy muội. Cấp cho ai thì cấp. Ông Liên Thành bây giờ dùng chi tiết này để nói rằng Trịnh Công Sơn là nhân viên của mình, sự thật là không phải. Không một ngày nào, một lần nào sau khi cấp giấy, ông Liên Thành giao du, lui tới với Trịnh Công Sơn. Thêm một chi tiết nữa, ông Liên Thành khi bắt được tay cán binh cộng sản, tên này khai ra tướng Trần Văn Trung, nguyên tổng cục trưởng, tổng cục CTCT là cán bộ cộng sản. Cấp trưởng ty cảnh sát địa phương, nếu Liên Thành nhận được tin này, phải trình lên cấp cao hơn là Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát. Vì đây là vụ lớn, ông tướng Trung là một cấp lớn, ông coi 6 cục khác nhau. Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát khi được biết, sẽ phối hợp với Cục An Ninh Tình Báo và Cục An Ninh Quân Đội để điều tra, và báo luôn cho Bộ Quốc Phòng nữa. Ông Liên Thành không hề báo gì hết. Còn nói thêm chi tiết là khai thác hoài không được tên cán binh này, nên đã dùng “mỹ nhân kế” cho một cô điếm có bệnh ngủ với tên cán bộ để hắn mắc bệnh và từ đó khai thác ra. Chuyện một cán bộ cấp nào mà lại bị “mỹ nhân kế” dễ dàng như vậy? Nếu loại cán bộ bị dụ như vậy chỉ đáng hàng cò con, đâu có đáng tin cậy. Chi tiết thứ hai, ông Liên Thành cho rằng ông Đỗ Ngọc Yến là người của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo (PĐUTUTB). Anh em biết ông Đỗ Ngọc Yến phải cười phì. Hiện nay ông tướng Nguyễn Khắc Bình còn sống, ông là Trung tâm trưởng của PĐUTUTB. Dưới ông Bình là ông Lê Minh Quang, chánh sự vụ, còn có thiếu tá Tâm, chồng của ca sĩ Phương Hồng Hạnh, người của PĐUTUTB, không ai nhận ông Đỗ Ngọc Yến là người của mình. Ông Liên Thành nói hoang tưởng. Từ những chuyện viết sai về Trịnh Công Sơn , về gia đình Trịnh Công Sơn , tiếp theo, ông Liên Thành nói sai về những người khác.

VW: Khi đặt vấn đề xác ông giáo sư Ngô Kha hiện chôn ở đâu với ông Liên Thành, anh muốn qui trách nhiệm cho ông ta, tại sao lại như vậy?

HTT: Vì ông Liên Thành là trưởng ty cảnh sát. Chính ông Liên Thành ra lệnh bắt ông Ngô Kha. Việc ông Ngô Kha là người cộng sản hay quốc gia hay dân tộc thế nào, tôi không bình luận. Tôi chỉ đặt vấn đề khi Ngô Kha bị bắt vào ty cảnh sát mà ông Liên Thành chịu trách nhiệm, sau đó mất tích luôn. Có nguồn tin nói rằng, phía ty cảnh sát lỡ tay đánh chết ông Ngô Kha, sau đó vùi vào trong một thùng dầu nào đó, rồi chôn ở đâu đó. Không biết thực hư ra sao. Chỉ biết vậy thôi. Chuyện ông Liên Thành là người chịu trách nhiệm về Ngô Kha đã rõ, ai cũng biết.

VW: Gia đình ông Ngô Kha sau khi biết ông bị bắt và mất tích, không phản ứng gì sao?

HTT: Họ không biết đâu vào đâu cả. Vì Ngô Kha chỉ có một bà mẹ già, thân phụ Ngô Kha mất sớm. Nghe nói có kêu ca, nhưng không có tác động nào.

VW: Khi bị bắt, giáo sư Ngô Kha đã lấy cô Trịnh Vĩnh Thúy, em gái Trịnh Công Sơn chưa?

HTT: Đã lấy rồi. Hai người làm đám cưới khá lâu, trước đó.

VW: Phía cô Trịnh Vĩnh Thúy, vợ của Ngô Kha, hay gia đình Trịnh Công Sơn có khiếu nại gì hay không?

HTT: Hình như có hỏi han, nhưng không khiếu nại gì hết. Tôi không rõ chi tiết lắm. Nhưng sau đó, ông Liên Thành bị cách chức năm 1974.

VW: Ông Liên Thành liệt kê những chi tiết về Trịnh Công Sơn , cho rằng nhạc sĩ bị bệnh liệt dương kể từ sau năm 1974, trong khi anh lại cho rằng Trịnh Công Sơn là người không có bệnh gì hết, bình thường khỏe mạnh như mọi người đàn ông khác. Xin anh cho biết thêm chứng cứ nếu có thể?

HTT: Vấn đề này cũng khá tế nhị. Nhưng anh hỏi, tôi xin nói luôn. Sau này, khoảng những năm 1989, khi tôi về Việt Nam chơi, tôi và Trịnh Công Sơn vẫn thường rủ rê nhau đi đến những chỗ gọi lịch sự là “lầu xanh” để kiếm gái. Chuyện này anh em chúng tôi đi với nhau thường xuyên. Nói như vậy, nhưng tôi biết Trịnh Công Sơn không bao giờ nài ép bạn gái hay bất kỳ người phụ nữ nào trong vấn đề tình dục. Vì vậy, bất cứ người phụ nữ nào đã biết Trịnh Công Sơn , đều tỏ ra thương mến, kính trọng Trịnh Công Sơn. Không có bất cứ người phụ nữ nào bị Trịnh Công Sơn đòi hỏi “chuyện đó” khi họ không muốn.

VW: Làm sao anh dám chắc chắn 100% rằng Trịnh Công Sơn không bao giờ sàm sỡ với phụ nữ. Có thể những mảng tối trong Trịnh Công Sơn ông ta dấu đi, hay làm chuyện đó mà anh không biết?

HTT: Tôi xác nhận chuyện đó. Có thể những lúc quá say rượu thì chỉ quàng vai hay cầm tay người phụ nữ nào Trịnh Công Sơn thật là thích, thế thôi. Sự ngả ngớn đến mức giới hạn cuối cùng là như vậy. Với tôi, tư cách chính trị tôi không nói, vì tôi không biết hết. Nhưng ở phương diện người đàn ông, tôi cho Trịnh Công Sơn là người rất đàng hoàng, có tư cách, không có chuyện sàm sỡ, bậy bạ với bất cứ người phụ nữ nào.




nguồn: Vietweekly
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho