bài viết




Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn

--- Bửu Chỉ ---


Ý thức phản chiến trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đã manh nha vào những năm 1965, 1966. Trong giai đoạn này anh đã cho ra đời tập ca khúc Ca Khúc Trịnh Công Sơn - Thần thoại quê hương, Tình yêu và Thân phận do An Tiêm xuất bản năm 1966. Sau đó phát triển dần trong tập Ca Khúc Da Vàng vào cuối 1966 và đầu 1967, tập Kinh Việt Nam năm 1968, tất cả đều do anh tự ấn hành lấy. Cùng với những cuộc xuống đường rầm rộ của thanh niên, sinh viên, học sinh ở đô thị niềm nam Việt Nam chống Mỹ và chế độ cũ đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, anh đã cho xuất bản tập ca khúc Ta Phải Thấy Mặt Trời vào năm 1970 (tự ấn hành dưới cái tên Nhà Xuất Bản Nhân Bản). Năm 1972, khi tình hình chiến sự ở miền nam Việt Nam ngày càng leo thang đền độ khốc liệt nhất, anh đã cho ra đời tiếp tập Phụ Khúc Da Vàng (tự ấn hành dưới cái tên Nhà Xuất Bản Nhân Bản). Đây là tập cuối cùng của dòng nhạc phản chiến của anh. Tổng kết tất cả gồm 5 tập, với 58 ca khúc chưa kể những bài hát rời được sáng tác ngay trong những cuộc xuống đường cùng thanh niên, sinh viên, học sinh Huế.

So với những tình khúc mà Trịnh Công Sơn đã sáng tác được trong suốt cuộc đời mình cho đến lúc qua đời, số luợng của những ca khúc phản chiến tương đối ít. Nhưng chính những ca khúc này đã làm cho danh tiếng của anh sáng lên một cách chói lọi. Phải nói là độc sáng. Và chính trong cái vầng hào quang làm nền này, tình khúc của Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng giá cho đến hôm nay và mai sau. Chính những ca khúc phản chiến thời bấy giờ đã chắp cánh cho danh tiếng của anh bay ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Nơi xứ sở này anh đã từng có những "Đĩa Vàng". Và lưu danh trong bộ tự điển Bách Khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde.

Thật vậy, vào những năm 58, 59, 61, và 62, những tình khúc như Ướt Mi, Thương Một Người, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Biển Nhớ v.v... đã bắt đầu nổi tiếng trong những phòng trà ca nhạc ở miền Nam. Nhưng phải chờ đến những năm 65, 66, 67 khi tiếng hát của Trịnh Công Sơn cất lên trong các giảng đường Đại Học Sài Gòn và Huế, trước hàng ngàn sinh viên, học sinh cuồng nhiệt, với những ca khúc trong các tập Ca Khúc Trịnh Công Sơn và Ca Khúc Da Vàng, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở nên một hiện tượng. Hiện tượng Trịnh Công Sơn.

Những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được chép chuyền tay, được in ra băng cassette, hoặc băng từ loại lớn, còn gọi là băng Akai ... Nghĩa là mọi hình thức phổ biến, phương tiện phổ biến đều được tận dụng. Người ta nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong quán cà phê, người ta nghe trong những cuộc sinh hoạt tập thể của thanh niên, thậm chí người ta nghe trong khuê phòng và nghe ở cả những tiền đồn heo hút ...

Dài trải trên nền một điệu Blue buồn đau và uất nghẹn, với nhịp hát kể recitativo, ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vút lên :

" ... Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương
còn có ai không còn người,
ôi nhân loại mặt trời
và em tôi này đôi môi xin thương người
ôi nhân loại mặt trời trong tôi ... "

(Xin Mặt Trời Ngủ Yên – Ca khúc Trịnh Công Sơn)

Và,

" ... Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng
Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất càn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong"

(Nước Mắt Cho Quê Hương - Ca khúc Trịnh Công Sơn)

Rồi,

"Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn.
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn.
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân ... "

(Ca Dao Mẹ - Ca khúc Trịnh Công Sơn)

Hay từ một hiện thực vừa mới xảy ra trong thành phố:

"Ghế đá công viên dời ra đường phố.
Người già co ro chiền thiu thiu ngủ.
Người già co ro buồn nghe tiếng nổ.
Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi ... "

Người Già Em Bé - Ca khúc Trịnh Công Sơn)

Bằng một phương cách biểu hiện rất khéo do ở chỗ sử dụng những ẩn dụ, những hình tượng rất mới, anh đã gây được những ấn tượng mạnh cho người nghe, và đặc biệt khi cần phải đối kháng với một thực tại mà anh không thể nào vãn hồi được, anh dựng một thần thoại. Nhờ thế mà tiếng nói của anh dễ dàng lọt vào lòng người, và dễ dàng được đồng cảm.

"Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm
...
Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi
Người ngồi đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài
Nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay"

(Phúc Âm Buồn - Ca khúc Trịnh Công Sơn)

Bằng một định hướng, cũng như một phương pháp sáng tác như đã được trình bày ở trên, Trịnh Công Sơn đi vào giai đoạn "Ca Khúc Da Vàng". Ở đây, những cảm nhận về quê hương và thân phận đã trở nên mãnh liệt hơn, quặn thắt hơn và đôi khi dẫn đến sự phẫn nộ. Từ Ngày Dài Trên Quê Hương, Người Con Gái Việt Nam, Đại Bác Ru Đêm cho đến Tôi Sẽ Đi Thăm, Tình ca Người Mất Trí, Gia Tài Của Mẹ…đã nói lên điều đó.

Ta hãy nghe:

"Người nô lệ da vàng ngủ quên ngủ quên trong căn nhà nhỏ đèn thắp thì mờ ngủ quên quên đã bao năm ngủ quên không thấy quê hương. Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc ta bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do ... "
(Đi Tìm Quê Hương – Ca Khúc Da Vàng)

"Hãy sống dùm tôi hãy nói dùm tôi hãy thở giùm tôi
thịt da này dành cho thù hận cho bạo cường của một lũ điên ... "

Hãy Sống Dùm Tôi – Ca Khúc Da Vàng)

Tiếng hát đã tạo nên những hiệu quả trong đời sống xã hội thật sự. Nó đã làm cho một số không ít thanh niên đã nhìn ra cái bản chất phi nhân và tàn bạo của cuộc chiến khiến họ đi đến hành động trốn lính hay đào ngũ. Dưới con mắt của những người cầm quyền Sơn là một kẻ phá hoại tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ.

Ở miền Nam lúc bấy giờ cường độ của cuộc chiến càng lúc càng gia tăng. Người Mỹ ra sức củng cố chế độ và đẩy mạnh cuộc chiến. Chiến tranh càng lan tràn khắp nơi một cách khốc liệt. Năm 1968, với cuộc tổng công kích xuân Mậu Thân, nhiều thành phố ở khắp miền Nam đã trở thành bãi chiến trường. "Con Người Trong Tôi" của Trịnh Công Sơn lại tiếp tục lên tiếng mỗi lúc một khẩn thiết hơn:

"Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
Trên giáo đường thành phố trên thềm nhà hoang vu ... "

(Bài Ca Dành Cho Những Xác Người - Ca Khúc Da Vàng 2)

Và trong cái cảnh tượng trần gian là một lò sát sinh đó, đã có những người mẹ, những người chị đã lâm vào một trạng thái tâm thần bịnh lý:

" ... Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh chị vỗ tay hoan hô hòa bình nguời vỗ tay cho thêm thù hận người vỗ tay xa dần ăn năn"
(Hát Trên Những Xác Người - Ca Khúc Da Vàng 2)

Và sau đó nhiều năm, người dân ở trong các thành phố miền Nam vẫn tiếp tục chịu đựng những cuộc nổ mìn, những trận pháo kích gây không ít thương vong cho đám dân lành vô tội. Ngày ngày không dứt tiếng súng tiếng bom. Và hàng đêm trong ánh hỏa châu vàng vọt ghê rợn, người dân thành phố nín thở, nơm nớp đợi chờ những điều không may có thể xảy đến cho mình. Mỗi ngày, từ chiến tuyến những chiếc quan tài phủ cờ được đưa về thành phố, trên đầu những trẻ mồ côi, những góa phụ, khăn tang cứ bay như phướn.

Từ 1968 cho đến những năm 1969, 1970, 1971, thỉnh thoảng người ta lại nghe phong thanh đâu đó về một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Rồi tất cả lại tắt ngấm. Người dân Việt khát khao hòa bình như kẻ đi trong sa mạc khát đến cháy bỏng cổ họng mà ốc đảo xanh tươi hiện ra trước mặt mình chỉ là những ảo ảnh. Cuộc chiến khốc liệt cứ tiếp diễn. Phong trào đấu tranh hòa bình Việt Nam ở các đô thị lại bùng lên mãnh liệt. Đặc biệt là phong trào thanh niên sinh viên học sinh. Tôi, kẻ viết bài này đã quyết định, đã chọn lựa đứng vào phong trào đó. Nhưng chọn lựa nào cũng có những đau đớn. Tôi phải đứng về phía dân tộc theo cách của tôi. Để có hòa bình thì dân tộc phải có quyền tự quyết, mà quyền tự quyết thì phải đấu tranh mà dành lấy chứ chẳng ai cho. Nhưng càng đấu tranh thì càng chồng chất đau thương. Những kẻ dễ quên thì dễ sống, còn tôi thì không thể quên điều này. Và phải nói một cách thành thật rằng chính những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong những năm đầu đã đánh thức tôi trong tình tự dân tộc, sau đó thì tôi chọn một thế đứng quyết liệt hơn, âu cũng là do tánh khí riêng của mình. Nhưng về sau tôi vẫn thường tiếp tục hát những ca khúc phản chiến của anh. Vì tôi thấy nó mang lại cho đầu óc mình sự "mát mẻ", khi mà mình không thể thường xuyên chịu đựng mãi một sự căng thẳng sắt máu. Và đôi khi nó cũng khiến cho mình mơ mộng về một nền hòa bình có thể thế này mà không phải thế kia... Đó là con đường tự do đi đến hòa bình mà không phải đổ máu. Tôi sợ máu!

Trịnh Công Sơn trong giai đoạn cực đoan này thì sao? - Vẫn trung thành với con đường mà tự anh đã vạch ra từ trước, anh tiếp tục đi, đi theo tiếng gọi của dân tộc mà anh đã nghe thấy theo cách của mình. Có khi anh đi một cách mạnh dạn hơn, và anh kêu gọi, anh hô hào. Và tinh thần của anh, tùy mỗi hoàn cảnh khác nhau mà hy vọng, hào hứng hay tuyệt vọng ... hoặc ngược lại. Kết quả là hai tập ca khúc kế tiếp nhau ra đời Kinh Việt Nam (1968) và Ta Phải Thấy Mặt Trời (1970) (anh tự ấn hành dưới tên Nhà Xuất Bản Nhân Bản). Ở giai đoạn này, anh cùng xuống đường với thanh niên, sinh viên, học sinh.
Anh hát:

"Nơi đây tôi chờ.
Nơi kia anh chờ.
Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ.
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu.
Người tù ngồi chờ bóng tồi mịt mù ...

... Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vùng trán mẹ thắp lên bình minh
Chờ khô nước mắt chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ thơ không nhà
Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ.

(Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói – Kinh Việt Nam)

Hay:

"Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà ..."

(Nối Vòng tay Lớn – Kinh Việt Nam)

Hoặc:

"Ta bước bước đi, bước bước hoài, trên quê hương dấu yêu này
Còn bao nhiêu người nhìn nhau hôm nay
Đôi mắt bóng tôi trái tim nghi ngại còn ai quanh đây
chưa góp tiếng nói chưa nối lại nắm tay ..."

(Chưa Mòn Giấc Mơ – Ta Phải Thấy Mặt Trời)

Và:

"Huế - Sài Gòn - Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa. Huế - Sài Gòn - Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ. Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau ..."
(Huế - Sài Gòn - Hà Nội – Ta Phải Thấy Mặt Trời)

Sang đến năm 1972, cục diện chiến tranh trên toàn miền Nam vô cùng ác liệt, một cuộc "Việt Nam hóa chiến tranh" dưới mắt người Mỹ. Bằng con đường phản chiến lấy trái tim nhân ái mà giải quyết mọi điều, trên cơ sở tình tự dân tộc, Trịnh Công Sơn đến đây thì đã mệt nhoài, và tuyệt vọng. Anh cho ra đời tập ca khúc Phụ Khúc Da Vàng, mà anh đã cho rằng đáng lẽ không nên viết. Đây là tập ca khúc cuối cùng của dòng nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.

Anh hát để kết thúc cho một nỗ lực vô vọng của chính mình:

" ... Đường anh em sao đi hoài không tới
Đường văn minh xương cao cùng với núi
Đường lương tâm mênh mông hoài bóng tối
Trái đau thương cho con mới ra đời ..."

(Hãy Nhìn Lại - Phụ Khúc Da Vàng)

Sau 1975, có một sự im lặng đè nặng lên những ca khúc phản chiến từng một thời nổi tiếng lẫy lừng của anh. Và chính anh cũng giữ sự im lặng cho đến ngày qua đời.



nguồn: bạn đọc góp bài
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho