tin tức




Về một hiện tượng - Trịnh Cung và Trịnh Công Sơn

--- Phương Ngạn ---


Trong những ngày gần đây, giới văn nghệ Sài Gòn nói riêng và văn nghệ Việt Nam nói chung đang xôn xao bàn tán một đề tài rất HOT – Trịnh Công Sơn và Trịnh Cung, tình bạn và những giá trị văn nghệ. Có thể nhận thấy điều này khi ghé quán cà phê vỉa hè trước hẽm 47 – Phạm Ngọc Thạch - Q3 – Sài Gòn (hẻm vào nhà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Đây vốn là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ [phần lớn là “phi chính thống”] Sài Gòn. Và điều này càng dễ thấy hơn trên những nhật báo như Thanh Niên, Nông Nghiệp… Các web văn học như Da màu, Talawas, Tiền vệ… Trên tinh thần Khoa học, Minh bạch, lấy Chân – Thiện – Mỹ làm nền tảng, Eo Gió xin gửi đến quí độc giả gần xa bài viết Về một hiện tượng – Trịnh Cung và Trịnh Công Sơn – đang rạy lên trong văn nghệ Sài Gòn và hiệu ứng của nó. Mong rằng bài viết sẽ nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trao đổi và nhận định của quí độc giả [cũng trên tinh thần này] nhằm làm sáng tỏ vấn đề…!

1.
Đầu tiên, phải nói rằng sở dĩ đặt tên Trịnh Cung trước tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì lẽ: hiện tượng này do Trịnh Cung là tác nhân, nguyên nhân; nếu nói một cách sòng phẳng và công tâm thì Trịnh Cung đã “tái sinh” ra Trịnh Công Sơn với một hình hài khác (cho dù hư thực ra sao vẫn chưa được lý giải rõ ràng) khiến cho cách nhìn về người nghệ sĩ tài hoa này có phần méo mó, thiên lệch; sau bài viết Trịnh Công Sơn và những tham vọng chính trị(đăng trên tạp chí Damau.org), hàng loạt những bài viết khác ra đời, xoáy sâu vào câu chuyện về tình bạn giữa Trịnh Công Sơn và Trịnh Cung mà trong đó có số rất nhỏ [không quá 10%] đứng về phía Trịnh Cung, 3% đứng góc tài phán [trường hợp bài viết của Lý Đợi, Bùi Văn Phú… trên tạp chí Da Màu], những người còn lại tỏ ra bức xúc [trong đó có cả bức xúc thật lòng vì yêu mến người nghệ sĩ này và cũng có cả những người mượn chút bức xúc để làm cho thiên hạ thấy mình sâu sắc, lớn hơn… từng có quan hệ với Trịnh Công Sơn…]; và hiệu ứng của hiện tượng trên là gì?

Thực ra, nếu nói Trịnh Cung đúng thì cũng chưa hẳn sai, vì xét trên góc độ mối quan hệ thân thiết giữa ông và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từng hiểu nhau như răng với môi, từng lấy tên họ của nhau làm nghệ danh, lấy thơ của nhau làm nên ca khúc… thì chuyện biết những điều thâm cung bí sử của nhau không phải là lạ lẫm ở xứ sở này. Chỉ có điều [và cũng chính điều này khiến cho tình bạn của họ trở nên “bất hủ”, “đi vào lịch sử”] là lúc sinh thời, họ yêu quí nhau lắm lắm, tạo ra một hình ảnh đẹp trong tình bạn, tình người, nhưng đến lúc một người qua đời, người còn lại dường như bức xúc một điều gì đó nên “ngứa cổ hát chơi” những bí mật của bạn mình mà ngỡ đã chôn sâu nơi mộ yên…

2.
Giả sử tất cả những gì Trịnh Cung nói đúng, thì vấn đề sẽ đi đến đâu? Trịnh Công Sơn là người tham vọng chính trị, thèm muốn cái chức Quốc vụ khanh… Từng ra vào qua lại dây mơ rễ má với Cộng sản…? Trịnh Công Sơn là một “bi kịch” nằm chông chênh giữa hai bờ ý thức hệ?

Trong trường hợp Trịnh Cung nói chính xác, có đủ cơ sở luận chứng trước ánh sáng lịch sử, thì Trịnh Công Sơn vẫn là một nghệ sĩ tài hoa, một thiên tài về ca từ, một con chim trời tự do ca hát với đôi cánh yêu thương giang rộng giữa bầu trời. Vì trong lịch sử Việt Nam không thiếu những nghệ sĩ lớn đồng thời là nhà chính trị [trường hợp Nguyễn Trãi, Nguyễn Du với nhiều oan khuất và hệ lụy mà mấy trăm năm sau mới tỏ tường là những điển hình]. Giữa nhà chính trị và người nghệ sĩ, người ta sẽ tự lựa chọn một trong hai con người đó [trong phức thể Trịnh Công Sơn] để mà “phán xét”, yêu mến, hâm mộ, tôn vinh hay nguyền rủa, thù hận… Và sở dĩ người nghệ sĩ tài hoa đồng thời là một nhà chính trị đầy tham vọng và quyền uy thì vẫn chưa có gì là không tốt, là có lỗi. Bởi lúc đó người ta bắt buộc phải đứng trên quan điểm khoa học mà tách riêng từng con người trong cái phức thể kia ra trước pháp đình để soi xét, luận tội, luận công…

3.
Trong trường hợp là nhà chính trị: người ta sẽ xét công tội dựa trên sự cống hiến cho nhân dân và tội ác anh đã gây ra; trong trường hợp sự cống hiến nhiều hơn [dù trên nghĩa nào, đứng trên chính kiến nào] so với tội ác thì xem như anh không có công trạng gì, nếu chỉ có công mà không có tội thì đáng để nhân dân kính nể, tôn thờ. Và khi xét anh là người có công, tiêu chuẩn đầu tiên cần xét là anh tuyệt đối không gây nợ máu với nhân dân – đó là tiêu chuẩn tối thiết!

4.
Trong trường hợp một nghệ sĩ: người ta sẽ xét trên khía cạnh nghệ thuật và những đóng góp của anh với công chúng; mức độ ảnh hưởng nghệ thuật của anh với xã hội anh đang sống, với những thế hệ… Với đạo đức xã hội và chiều hướng tư tưởng, thẩm mỹ mà con người nhận được, lĩnh hội thông qua tác phẩm nghệ thuật của anh. Đứng trên khía cạnh và góc độ này, có thể nói Trịnh Công Sơn là người có công rất lớn với nền âm nhạc Việt Nam, là người có những tác phẩm âm nhạc có độ sâu nội dung đủ tác động đến người khác về mặt ý thức hệ và nhân tính (có thể nêu ra hàng loạt ca khúc phản đối chiến tranh của ông như: Ca khúc da vàng, Người nô lệ da vàng, Đàn bò vào thành phố… để làm luận cứ cho ý trên); và có một điều hiển nhiên không thể chối bỏ được là tất cả những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều sáng tác dựa trên tinh thần lấy tình yêu, lấy cái đẹp, lấy tính thiện làm nền tảng, làm cảm hứng sáng tạo và ngược lại tinh thần sáng tạo của ông được xuất phát từ ý nghĩa sinh tử, ý nghĩa tôn vinh tình yêu, lòng thánh thiện nên ca từ của ông đi vào lòng công chúng tạo ra một hiệu ứng lành tính, đánh thức nhân cảm, làm cho con người trở nên sâu sắc hơn, đáng yêu và yêu cuộc sống, tôn trọng những gì thuộc về đời sống, thuộc về lẽ vô thường nhiều hơn khi họ hiểu ông, cảm nhận được ông. Điều này được minh chứng qua thực tế lịch sử, suốt mấy mươi năm nay, bất kì một người nào yêu nhạc Trịnh Công Sơn, chắc chắn người đó phải là người sâu sắc, có đạo đức và chiều sâu tâm hồn (Tôi rất mong ai đó có thể chứng minh ngược luận điểm này bằng những bằng chứng cụ thể!). Và âm nhạc của ông chuyển hóa tâm hồn cho nhiều thế hệ Việt Nam trở nên lành tính hơn, tha thiết với đời sống hơn, hướng thiện hơn. Đây là điều dễ thấy nhất! (Xin quí vị tham khảo thêm những ca khúc Đóa hoa vô thường, Hạ Trắng, Bốn mùa thay lá… của ông).

5.
Và, một nghi vấn lớn, một câu hỏi không nhỏ khi đọc bài viết của Trịnh Cung về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người bạn chí thân của ông, người đã làm cho người có cái tên Nguyễn Văn Liễu đổi tên thành Trịnh Cung, cùng mang họ với người bạn tài hoa của mình, người đã vẽ rất nhiều chân dung của Trịnh Công Sơn, vẽ nhân dịp đi triển lãm tranh tại Mỹ vào ngày giỗ lần thứ 5 của Trịnh Công Sơn, người đã thừa nhận trước công chúng rằng mình là bạn thân với Trịnh Công Sơn… - rằng do đâu, nguyên nhân nào đã đẩy tình huống, đẩy câu chuyện đến sự thể dở cười dở khóc như vậy – một tình bạn bị tùng xẻo, một nhân duyên bị cắt ra nhiều mảnh…?!

Phải chăng có một “thế lực” nào đó đang đứng sau lưng Trịnh Cung, xúi giục ông đi ngược với lương tri của mình? Hay là vốn dĩ Trịnh Cung muốn chấm dứt tình bạn [với một người đã nằm xuống ngủ yên] bằng một bài viết như vậy? Hoặc giả Trịnh Cung muốn đánh bóng cái tên mình một lần nữa bằng kiểu viết bất chấp và đầy tính “ngự sử”?!

Dường như mọi sự vẫn còn nằm trong bóng tối, những lập luận, những tình huống, những chi tiết mà Trịnh Cung nêu ra trong bài viết Trịnh Công Sơn và những tham vọng chính trị vẫn chưa có đủ cơ sở luận chứng thuyết phục, những người trong cuộc (ở đây được hiểu theo nghĩa là những người mà Trịnh Cung đã nêu tên trong bài viết thì hoàn toàn phản đối, cho rằng Trịnh Cung “ngậm máu phun người”, Trịnh Cung bịa đặt… Đương nhiên, những người kia cũng không có đủ cơ sở để chứng minh [rằng Trịnh Cung bịa đặt] một cách thuyết phục mà chỉ nêu ra những lời nhận xét, những ý kiến không có dẫn chứng cụ thể). Câu chuyện hư thực, đúng sai, đâu là chân lý vẫn còn nằm trong đám rối mù. Chỉ có điều danh dự của một người đã chết bị xúc phạm, nhân cách của một người còn sống bị đặt lại vấn đề và một tình bạn đi vào khôi hài, bi thảm là có thật!

6.
Và, liệu khi mà cái tình bạn chí thiết đã bị chấm dứt trong trạng huống chẳng hay ho tí nào, cái tiểu sử một người bị đào bới, những mạng nhện rối mù của thứ tâm lý ăn theo, thứ tâm lý lấy sự nhục mạ người khác làm bệ phóng cho mình, lấy sự sụp đổ của một thần tượng nào đấy làm khoản trống cho chỗ đứng của mình, lấy một cái tên bị hoen ố làm thú vui riêng chung còn diễn ra đầy rẫy trong sân chơi văn nghệ Việt Nam thì liệu công chúng có còn đủ niềm tin vào giá trị nghệ thuật? Có còn đủ niềm tin vào những người nghệ sĩ? Có còn đủ niềm tin rằng nghệ thuật là liều thuốc xoa dịu nỗi đau tâm hồn, là thứ nước mát làm cho cây thánh thiện trưởng thành, sinh sôi…?!

Và đôi khi tôi thấy thật là vô lý khi mà thứ âm nhạc thị trường ra đời một cách phì đại, một cách bộc phát, khuynh hướng thực dụng vẫn diễn ra tràn đầy trong từng thớ thịt của văn nghệ Việt, những tác phẩm thiếu tính nghệ thuật, hời hợt đang mọc lên như nấm sau mưa… Chỉ còn một chút giá trị có chiều sâu để người ta có thể chiêm ngưỡng, có thể chia sẻ thì lại bị người ta tiếp tục vùi dập bằng con đường soi rọi nhân thân, bằng lăng kính chính trị…!

Giả sử như câu chuyện Trịnh Cung nói về Trịnh Công Sơn là sự thật, thì Trịnh Công Sơn có lỗi hay không có lỗi lại thuộc về phán xét của lịch sử. Cái điều sai lầm và gây khổ sở nhất là Trịnh Cung đã đụng đến một vấn đề nhạy cảm có thể gây sụp đổ cho bản thân và có thể làm chết đi hình tượng người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Lỗi thuộc về ai? Khó mà trả lời cho thấu đáo! Chỉ biết rằng chưa bao giờ cái nhìn về văn nghệ, sự tôn trọng về tình bạn đẹp lại được nhìn theo một chiều kích hết sức kì lạ, dễ gây thất vọng như bây giờ! Phải chăng đó là Lời cuối cho một tình yêu, một dự cảm đã định sẵn trong ca khúc này – sản phẩm hoài thai từ một tình bạn quí và chết đi từ một tình bạn?! Buồn!



nguồn: www.eogio.com
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho