tưởng niệm




Đã một năm...

--- Phạm văn Đỉnh ---


23/03/2002.

Mùa xuân lên đồi cỏ thơm
Mùa hạ nhìn trời mây khói
Thu tím chân cầu tím núi
Đông xa ngày trắng mưa dầm
Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói

Mới thôi mà đã một năm (1)

Tin Trịnh Công Sơn (TCS) mất đến với tôi một buổi chiều chủ nhật, một chiều chủ nhật không buồn, nắng đẹp đầu xuân, tôi đang quây quẩn trên căn vườn ngoài hiên, mấy chục thước vuông nhặt hoài không hết lá. Tôi nhắt điện thoại lên, tiếng của Liêm, Paris vừa gọi xuống, nói TCS mất rồi. Ai thông tin ? RFI hay AFP gì đó ! Tôi hụt cẳng, nhưng cố bíu lại, bữa nay là 01/04, poisson d’avril, cá tháng tư! Vội vã bấm về 47c Duy Tân, tiếng của Xíu mếu máo, cậu Sơn mất rồi! Điếng người, ngơ ngẩn. Mới ngày kia tôi đã gọi về, được báo cậu Sơn sắp ra bệnh viện!...

Một thiên tài vừa nằm xuống, một người bạn đã ra đi, tuy đã gặp nhau rất nhiều, rất nhiều lần, nhưng chừng như chưa nói với nhau chửa được bao, tình ly còn vơi vẳng, làm sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau. Nên từ đó, tôi lang thang trên trang sách vở, trên mạng trên mail, lãng đãng trên trí nhớ con tim của chính mình, của bè bạn, tìm dấu chim di nơi cõi vô thưòng.

Trịnh Công Sơn và Diễn Đàn

Diễn Đàn (DĐ) là một trong vài tạp chí đưa tin và có bài sớm nhứt trên mạng. Ngày 02/04/2001, ngay trang đầu, có ảnh TCS, viềng hai băng tang xé dọc với dòng chữ Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa ra đi và liên kết với một số hình ảnh ở mấy trang sau. Và sau đó, mỗi ngày bài vở cứ tăng dần, ngày 06/04, Nguyễn Duy chiêm ngưỡng Huyền thoại cát bụi, phân vân Ngày sau sỏi đá..., Đỗ Tuyết Khanh chia sẻ Một vài kỹ niệm nhỏ về anh TCS trong đầu những năm 80, nhè nhẹ, man mác, mà ai có la cà thời đó cũng nhận ra ngay những ánh nét chân thật. Rồi lần lượt Phạm Duy tỏ Lời truy điệu, Tương Lai tường thuật đám tang trong Một cõi đi về, Nam Dao so nhìn TCS như cánh vạc bay (2) . Rồi tháng sau, với số đặc biệt Tưởng niệm TCS (3) tập họp những bài viết của bạn bè sinh sống ở Âu Mỹ, và những tháng kế tiếp rải rác các bài của Đinh Cường (4) , Phạm văn Đỉnh (5) , Bửu Chỉ (6) , Văn Ngọc (7) , Thái Kim Lan (8), Đặng Tiến (9)..., DĐ quả có góp phần đáng kể trong cuộc hành trình chia sẻ và giải bày những tình lý yêu mộ ca thơ TCS, mến chuộng con người TCS của bao thế hệ, hôm nay và của mai sau. Phải nói thêm, cuối tháng 5/2001, bạn bè khắp nước Pháp và mấy nước phụ cận đã tụ về Paris, trong một Đêm hoài niệm TCS rất trang trọng, người đông hơn sức chứa của hội trường, với sự đóng góp của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ không xa lạ gì với TCS, như Thanh Hải, Lệ Thu, Hồng Ngọc, Trần Vĩnh... Riêng tôi, rất thích thú với các « thuyết văn » duyên dáng, dí dỏm của Cao Huy Thuần về Tình yêu và giấc ngủ, Mưa và gót chân hoàng cung, và tức nhiên, về các đề tài không thể thiếu khác, như Chiến tranh, Kiếp người, Tuyệt vọng, Đừng tuyệt vọng, trên đường tìm Một cõi đi về. Đáng ghi nhớ khác: một giây phúc* bất ngờ : Hồng Anh, mà hình như chưa ai biết tiếng, một mình Bay đi thầm lặng, đơn côi vuốt phím guitare, thật trong sáng, tâm tình đến lặng điên (10,11).

Ảo bản

Cũng trong đầu trung tuần tháng 4/2001, tạp chí điện tử Văn Học Nghệ Thuật (12)đã nhanh chóng đưa lên mạng một Phụ Trương Đặc Biệt, phong phú và đa dạng, tranh ảnh, văn thơ, tiếng nhạc, giọng ca, có cả bài văn thơ tiếng Anh, và với nhiều bài rút đăng lại từ các sách báo trong nước, ngoài nước. Đặc biệt có trích nhiều đoạn từ Phác thảo chân dung tôi của TCS. Tôi chú ý 2 bài hồi ký của Khánh Ly, tìm đọc Ghi lại buổi nói chuyện của Trịnh Cung về TCS ở Little Saigon ngày 4/4/2001, để biết cái sự việc, sự lời gì đã đem buồn phiền cho tình bạn (13). Phụ trương đặc biệt này cũng được một hội ái hữu bên Đức đem vào trang nhà Câu lạc bộ Người-Việt (14), cùng với một vài bài vở và bài hát khác.

Đặc biệt tôi trân trọng website tiếng Pháp của Patrick Guenin, “Le Viêt Nam, aujourd’hui” (15), công phu, nhiều hình ảnh đẹp, cập nhật luôn, dự trữ nhiều tư liệu và địa chỉ liên quan đến VN. Và tức nhiên có những trang về TCS, có cả hình Thanh Hải và TCS hát năm nào ở Paris (16), có luôn kết dẫn đến trang nhà Khánh Ly (17). Cũng nên nói qua một chi tiết nhỏ, ngộ, dù không có giá trị khoa học sác xuất thống kê, về một cuộc thăm do dư luận lướt sóng: chuyện gì quan trọng nhứt đã xẩy ra ở VN trong năm 2001 ( trong 10 sự kiện được tác giả đề ra để chọn, có Hiệp ước thương mại Việt-Mỹ, Ô. Nông Đức Mạnh đắc cử chức TBT, vv..., và TCS...)? Chắc độc giả cũng đoán được sự cố gì đã được internautes đánh giá là hệ trọng nhứt? Không biết có phải phạm huý không?

Ấn bản

Chỉ trong nội ngày chủ nhựt 01/04, bạn bè, người Việt toàn thế giới đã hay/báo nhau tin buồn, rồi báo hằng ngày, hằng tuần, tạp chí nào, trong nước, ngoài nước, cũng có tin tức, bài vở, hình ảnh về/của TCS, không thể kê khai hết…Cả những tạp chí “choi choi” như Trẻ Magazine (18), vài ngày sau ngày 1 tháng tư, cũng có số đặc biệt dầy cộm về TCS, gom góp đăng lại sự việc, hình ảnh, bài vở từ các báo khác bên Mỹ, như Người Việt, Việt Mercury, Việt Báo, Sài Gòn Nhỏ, vv...

Ngoài DĐ, phải kể tạp chí Văn (19), số tháng 5-6/2001, với một chân dung TCS tự hoạ trước hung nhật cở hơn một năm, hết sức lạ lùng, đem cho người nhìn một cảm giác ghê ghê, khó chịu, toả từ một hình hài méo mó, ung bứu đã vây quanh, quấn kín mũi miệng cổ, như cấm ngăn lời ca, tiếng hát, hơi thở, chỉ chừa một đớm mắt, còn cái nón vật thể thì không hề hấn gì…Trong 156 trang dành cho chủ đề TCS, phần lớn in lại từ nhũng trang tôi đã đọc được đó đây (Đặng Tiến, Phạm Duy, Tô Thuỳ Yên, Nam Dao, Đinh Cường, Trịnh Cung, Trường Kỳ, vv….), cũng có vài bài lần đầu tôi tiếp cận, như Về Trịnh Công Sơn của Bùi Bảo Trúc, một nổ lực đáng kể, vận hành trong mấy ngày liền sau khi TCS mất, để phân tách, giải bày, phân loại một số ca khúc TCS. Và trong số đó, phải nói đến một bất ngờ lý thú: Chú Lộ, truyện ngắn (duy nhứt?) của TCS, mà Tuổi Trẻ Chủ Nhật (8-14/04/2001) đã “phát hiện” được, một văn bản tuy còn dang dở, nhưng cũng hiện dạng rẩt rõ nét những nỗi nhẫn uất của Người nô lệ da vàng...

Kế tiếp, phải kể đến Hợp Lưu²0, tuy không phải là một số dành riêng cho đề tài TCS, như Thư toà soạn đã ghi chú và khất hẹn trong môt số về sau, xứng đáng hơn với tầm vóc TCS, nhưng ban biên tập cũng đã dành được 72 trang đầu cho anh chàng rong chơi có Một cõi đi về. Trong đó, Hà Thái Thuỷ có ý kiến hay, khi kêu gọi độc giả bổ sung danh sách kê khai 194 nhạc phẩm TCS của mình, nhưng, tôi nghĩ, nếu muốn có hiệu quả, tác giả nên đưa lên mạng một danh sách được nhật cập thường xuyên để mọi người có thể dễ dàng tham gia. Tôi cảm ứng với Đâu có bao giờ, trong đó Y Chi kể những kỹ niệm quá ngắn ngủi, so với ước mơ của người con gái, từ lúc còn là “con nít”, cùng lũ bạn, kéo qua quán Monge “coi mặt” TCS, rồi lần hồi cũng “dụ” được anh chàng hay say họ Trịnh sang chơi phòng trọ, mà hồng đôi má, Hồng đi nhé, trong ngần áo lụa, cho đến lúc màu hồng ấy đã bị nắng Sài thành phủ phai qua gác nhỏ. Và từ đó, từ đó mới biết Nỗi buồn đâu có bao giờ gặp nhau, một thứ buồn mà hình như ít ai muốn vung vãi, mà cứ muốn ấp ủ, thỉnh thoảng hé ra, cho nó chập chờn, lơ lửng, lững lờ trên tâm thức, lúc sáng, lúc tối, như một đớm sao ma…

Kế nữa là Văn Học (21), với một số đôi dày dặn, tụ họp các đóng góp dưới tựa đề Tình yêu, quê hương, thân phận (là những ám ảnh bàng bạc trong hầu hết các ca khúc TCS), hiện trên bìa Đinh Cường, một Đinh Cường “cổ điển”, với một thiếu nữ cũng rất cổ điển ĐC, đứng trước một màn cây chưa khép, thanh thản buồn, như có chút gì phân vân trước định mạng. Tôi để ý mấy bài có tính cách nghiên cứu, như Một cái nhìn về ca từ TCS của Trần Hữu Thục, tác giả xem ngôn ngữ TCS như một cuộc hôn phối với nhiều “nỗi” khác nhau, hoặc, như công trình thật công phu, đồ sộ của Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật. Đón nhận được một món quà bất ngờ, với bút ký của Nguyễn Thanh Ty Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn, người bạn và người đồng nghiệp đã sống hằng ngày với TCS 2 năm tại Trường sư phạm Quy Nhơn (1962-1964), và tiếp kế, 3 năm dạy học ở Blao: những năm vô cùng quan trọng trong sự hình thành con người và phong cách nhạc phẩm TCS, của những Diễm xưa, Biển nhớ, Như cánh vạc bay..., và Ca khúc da vàng.

TCS ít viết về chuyện đời mình, chỉ mới Phát thảo chân dung tôi, Để bắt đầu một hồi ức, thỉnh thoảng chỉ viết tay một, hai trang giấy, theo yêu cầu báo chí. Thường thường người của toà soạn “đến hẹn lại lên” (thang lầu), lần thứ hai, lần thứ ba, nhưng cũng phải ngồi chờ, chờ TCS nhâm nhi viết, nhiều khi không buồn đọc lại, mà bản thảo cứ trơn tru, chữ uốn bay vừa phải, dễ đọc. Hình như chưa bao giờ tôi thấy có dấu xoá, câu sửa: nếu rút con chữ từ trong túi ra như Nguyễn Xuân Khoát hình dung, thì TCS cũng không cần sắp xếp, chỉ cần hốt một nắm vung lên, tự nó cũng tự nguyện ngay tình, thẳng ý mà nằm sướng như mơ trên giấy.

Nhưng cũng may, bạn bè TCS vô số kể, dụm trăm, dụm ngàn, rồi thế nào cũng chấp nối được những sự việc riêng lẻ thành một chuỗi đời nguyên trọn. Hình như chuyện này, có Nguyễn Đắc Xuân (22, 23) đang tiến hành, với những bước đầu rất khả quan, khi moi tụm lại được nguyên bản Trường ca dã tràng (24), của “thời Quy Nhơn”, có cả hình TCS đang điều khiển ban hợp xướng bốn năm chục giáo sinh Sư phạm, đồng mặc áo dài trắng, complet đen, coi rất “xôm tụ”, không thua gì các đêm văn nghệ Tết Việt kiều, của những năm tháng còn đầy ước mơ, vọng ảo...

Thư bản

Hè 2001, trên kệ sách, lần lượt người ta thấy xuất hiện quyển Trịnh Công Sơn, một người thơ ca, một cõi đi về (25), gồm, hình như “tất cả”, các bài vở thu tóm được trên sách báo và màn hình, rồi cố in ra cho kịp, nhưng không biết kịp với cái gì, nên biên soạn qua loa, trình bày sơ sài, in ấn thô thiển, có chêm cả lời của mấy chục ca khúc TCS, cho dầy cộm ?

Tháng sau, được Như An về nước đem sang cuốn Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ (26), cũng may, trang trọng hơn nhiều, bìa cứng, có jaquette chân dung tự hoạ của TCS, năm 1999, sau một cơn bịnh “thập tử nhất sinh”, trình bày đẹp, in ấn thanh nhả, tụ họp phần nhiều là những bài báo, nên trong non 400 trang mà người ta đếm tới 26 bài viết của TCS, 28 bài viết về TCS trước ngày 1 tháng tư, 87 bài của bạn bè, đồng nghiệp sau 1/4/2001, không kể một số ảnh và tư liệu về TCS. Rất mong, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đồng chủ biên quyển này, và là người đã rong chơi nhiều với TCS từ sau 75, trong một tương lai gần sẽ có một công trình tương xứng với sự hiểu biết sự đời TCS trong khoảng thời gian ấy.

Cũng giữa mùa hè, nhà xuất bản Phụ Nữ cũng có phát hành một cuốn sách nhỏ, khiêm tốn hơn, in thoáng, chữ rõ, tụ họp một số bài vở thiên về người mẹ, người tình, dưới cái tựa hơi “cải lương” Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người (27), trong đó có Thư gửi Ngô Kha khá dài của TCS, đề năm 1974, khi nhà thơ Ngô Kha đang bi nhốt khám lần thứ ba, văn bản này gây bất ngờ, vì văn phong rất “hiện thực”, không thấy dấp dính gì với các văn bản cùng thời, bất ngờ hơn nữa là nội dung rất “dấn thân”, lời lẽ cổ vũ đấu tranh liên tục, không chùn...

Và như để đón mừng năm mới, cuối tháng 12/2001, anh bạn dạy toán thích rong chơi gầm cầu của tôi, cũng công cán đem về được một quyển sách rất đẹp, sang, trang trọng, chữ rõ, bìa thanh thoát: con diều bay mà vực thẳm không buồn theo. Với sự đóng góp của nhiều văn nghệ sĩ thân thuộc của TCS từ bao năm nay, trong nước và ngoài nước, để nói về Cuộc đời âm nhạc của TCS. Ai chưa biết TCS như một hoạ sĩ, sẽ có dịp làm quen với một số tranh tiêu biểu (28). Một quyển sách với dạng album nghệ thuật, có tầm vốc đôi xứng.

Sơn ơi, tuần tới này, Toulouse, cùng với Thanh Hải, Như An từ Đức bay sang, bạn bè từ Paris đánh xe lăn xuống, sẽ cùng nhau quây quần một đêm không ngủ, giữa trời hát ca. Nhâm ngọ, đừng quên cỡi con ngựa hồng về chơi, Sơn nha.

Phạm văn Đỉnh, 23/03/2002.

Diễn Đàn, số 117 (04/2002), tr. 14-16, Paris.

1 Hoàng Phủ Ngọc Tường: Trích từ Dù năm dù tháng, trong tập thơ Người hái phù dung, nxb Hội nhà văn, Tp HCM, 1992, 58 tr.+2 phụ bản màu của TCS; DĐ vừa chép lại bài này trong số Xuân Nhâm Ngọ (115, 02/2002), và Phạm Trọng Cầu đã phổ nhạc trong những năm 80, dưới tựa dề Cho dù năm tháng, có in lại trong tập Trường làng tôi, nxb Sóng Nhạc, Tp HCM, 1991.
2 Lạ thay, Quỳnh Dao có bài cùng tựa,Văn Học, số 10-11/2001, tr. 201-207, Garden Grove.
3 Diễn Đàn-Forum, Paris, số 107, tháng 5/2001, tr. 23-40, bìa TCS tự hoạ (1989), với bài của Đinh Cường, Gởi Sơn, những đoạn ghi rời của người bạn ở xa, Đặng Tiến, Đời và nhạc TCS, Cao Huy Thuần, Buồn bã với những môi hôn, Thanh Hải, Anh TCS và tôi, V.v...
4 Đinh Cường: Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê, Diễn Đàn, số 108, tháng 6/2001.
5 Phạm văn Đỉnh: TCS: một sản phẩm...?, Diễn Đàn, số 109, tháng 7/2001.
6 Bửu Chỉ : Về những ca khúc phản chiến của TCS, DĐ, số 110, tháng 9/2001.
7 Văn Ngọc :TCS, Khánh Ly & những khúc tình ca một thời, DĐ, số 110, tháng 9/2001.
8 Thái Kim Lan :TCS, nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca, DĐ, số 111 , tháng 10/2001
9 Đặng Tiến :TCS, tiếng hát hoà bình.
* đừng sửa là giây phút nhá, vì giây phúc đây là instant privilégié.
10 Đêm Hoài Niệm được Ban tổ chức ghi lại trên 2 CD, trong một album đẹp, âm thanh khá tốt, chỉ tiếc tiếng đàn guitare của Thanh Hải nghe nhỏ quá, không phối trợ được nhiều cho tiếng ca, phải chi có thêm một cây guitare thùng, hay một saxo, để thêu dệt, bày vẽ, mơn trớn, vuốt ve giọng hát nữa thì tuyệt!
11 Nguyễn Hạnh Hoài Vi có bài về album này trên: www.giaodiem.com, ngoài ra trên các trang Giao Điểm khác, còn có nhiều bài giá trị về TCS, của Bửu Chỉ, Thái Kim Lan, Ngưyên Đắc Xuân...
12 www.saomai.org/TCS-pt/tcs.htm
13 Xem thanh minh của Hoàng Phủ Ngọc Tường : Cũng sẽ chìm trôi... trên DĐ điện tử, tháng 5/2001
14 www.hoi-ai-huu.de, hoặc www.nguoi-viet.de
15 perso.wanadoo.fr/patrick.guenin/cantho/
16 Hình chụp ở Nhà VN, đêm 27/05/1989, chủ trang để lộn là mars 1990.
17 www.khanhly.com
18 Trẻ Magazine, Số đặc biệt TCS, 5/80, 15/04/2001, Hungtington Beach, Cali.
19 Văn, số 53-54, tháng 5-6/2001, San Jose, Cali, e-mail:van@0996@aol.com
20 Hợp Lưu, số 59, tháng 6-7/2001, bìa TCS do Đinh Cưòng, Garden Grove, e-mail:tchl@aol.com
21 Văn Học, Ấn bản đãc biệt, tháng 10 & 11/2001, 246 tr., Garden Grove, Cali., e-mail:vanhoc@saigonline.com
22 Nguyễn Đắc Xuân: TCS với cao nguyên bụi đỏ sương mù, www.giaodiem.com
23 Nguyễn Đắc Xuân: TCS và phố biển Quy Nhơn, trên những sđd.
24 Nguyễn Đắc Xuân: Tìm được tác phẩm Dã tràng ca của TCS, Nhân Dân điện tử, 07/01/2002.
25 Trịnh Công Sơn, một người thơ ca, một cõi đi về, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha và Đoàn Tử Huyến sưu tầm và biên soạn, nxb Âm Nhạc (Dihavina),Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông-Tây, 520 tr., khổ 14,5x20,5cm, Hà nội, 2001, in 1000 cuốn, giá:63000VNĐ.
26 Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, Nguyễn Quang Sáng và Phạm Sỹ Sáu biên tập, nxb Trẻ, 392 tr., khổ 14x20cm, Tp. HCM, in 5000 c., giá 62000VNĐ.
27 Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người, Lê Minh Quốc sưu tầm và tuyển chọn, nxb Phụ nữ, 208 tr., khổ 13x19cm,Hà Nội, in 1500 cuốn, giá 20000VNĐ.




nguồn: tcs-forum.org
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho