bài viết




Những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn - Phần 5

--- Yoshii Michiko ---


Những bài hát vừa được biết là trong những năm 1967 – 1968, có nghĩa là thời điểm khởi đầu nghề nghiệp của Trịnh Công Sơn, với tư cách là một nhạc sĩ chống chiến tranh. Thế mà, cũng trong cùng giai đoạn này, còn có một loại nhạc chống chiến tranh khác cũng là những kiệt tác: thay vì miêu tả điều mà tác giả thấy thì anh đã nói thay cho những người này, điều đó đã cho ra đời những bài hát phản ánh tiếng kêu than của người dân. Bấy giờ, Trịnh Công Sơn không còn là người quan sát chiến tranh hang ngày mà còn là người phát ngôn của nhân dân. Trong chương kế tiếp, chúng ta hãy thử lắng nghe tiếng kêu than của người dân trong tiếng vang rền của đại bác.

II – 3 Tiếng kêu than của người dân

Vào năm 1967, chiến tranh ngày càng ác liệt, người chết ngày càng nhiều và vì lý do đó Trịnh Công Sơn đặt mình vào vị trí của một người phụ nữ trong tầng lớp nhân dân (chỉ có điều, người phụ nữ bị điên) để sáng tác, để có thể là hiện thân của chính chị, và của tất cả những phụ nữ bị mất đi những người thân yêu của họ. Đây là bài Tình ca người mất trí. Bản tình ca của một người điên, bài hát đã được tán thưởng nồng nhiệt nhất trong buổi hoà nhạc vào cuối năm 1967.

Tình Ca Của Người Mất Trí


Tôi có người yêu chết trận Plei-me
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới .
Tôi có người yêu chết trận Chu-prong
Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng
Chết lạnh lùng mình cháy như than .

ĐK

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay, dư làn môi
Từ nay tôi quên hết tiếng người .

Tôi có người yêu chết trận A-sao
Tôi có người yêu nằm chết cong queo
Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo .
Tôi có người yêu chết trận Ba-sa
Tôi có người yêu vừa chết đêm qua
Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò
Không hận thù nằm chết như mơ .

Chú thích 1 – 5: Xem trang 51 –53
Chú thích 6 – 8 : Xem trang 53


Ấn tượng đầu tiên đập vào chúng ta khi ta nghe bản nhạc này là âm điệu du dương hay đúng hơn là rất vui tươi. Giống như trong bài “Một buổi sáng mùa xuân”. Ta có thể nói rằng, đó là một bản nhạc tình, nhưng lần này là tình yêu hạnh phúc. Thêm một lần nữa tác giả sử dụng lối chơi tương phản giữa âm điệu vui tươi và nội dung đau buồn khá thành công ở đây. Lại một cú sốc quá lớn cho thính giả không biết tiếng Việt, khi họ hiểu được ý nghĩa của lời nhạc.

Tiếp đến chúng ta cần ghi nhận sự phong phú của danh từ riêng trong bài hát này. Vào đầu những năm 1960, chiến tranh đã diễn ra tại Việt Nam, nhưng những cuộc chiến tranh này giới hạn ở chiến tranh du kích, vì vậy số lượng người chết tương đối ít. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 1960, quân đội chính thức bắt đầu chiến đấu và những nạn nhân chiến tranh gia tăng một cách nhanh chóng. Những tên riêng được kể ra đây chủ yếu là những địa danh, những nơi này đã xảy ra những cuộc chiến đấu giữa quân đội chính thức của miền Nam Việt Nam và quân đội của Mặt trận giải phóng, nói cách khác, những cuộc chiến giữa những người Việt Nam. Để biết có bao nhiêu tên riêng này vang lên bên tai của những người Việt Nam trong thời kỳ này, chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của những địa danh này:

1). Trận Pleime: Pleime là một địa điểm ở vùng cao nguyên miền Trung, cách phía Nam Pleicu khoảng 40 km, thuộc tỉnh Pleiku (hiện nay là Gia Lai – Kontum). Tại đây đã có một căn cứ của quân đội đặc biệt của miền Nam Việt Nam. Ngày 19/10/1965, căn cứ này đã bị bao vây bởi quân đội của MTDTGP và trong vòng hơn 8 ngày, 400 người dân tộc thiểu số, 800 lính miền Nam Việt Nam và 12 cố vấn Mỹ đã bị vây chặt tại đây trong khi chờ đợi tiếp cứu của quân đội Mỹ được đưa đến từ Quy Nhơn bằng trực thăng.

2). Chiến khu “D”: Đây là một khu vực ở sâu trong rừng trải dài từ phía Bắc Saigon đến biên giới Campuchia. Quân đội Nam Việt Nam đã thực hiện kiên trì chiến dịch diệt sạch, nhất là vào năm 1966, nhưng những cuộc đối đầu này thường không thành công với quân du kích trong rừng, họ thường bị tổn thất nặng nề về người, khi truy kích quân ở sâu trong rừng.

3). Trận Đồng Xoài: Đồng Xoài là một thành phố gần chiến khu “D”, cách phía Bắc Sài Gòn khoảng 90 km, thuộc tỉnh Phước Long (nay là Sông Bé). Từ ngày 10 đến 13/6/1965, quân đội MTDTGP đã tấn công một doanh trại của lực lượng đặc biệt và khu vực của bộ tham mưu của quân đội Nam Việt Nam. Trận đánh này tổn thất rât1 nặng nề, đã làm chết 900 lính của quân đội miền Nam Việt Nam và gần 1000 lính của MTDTGP.

4). Hà Nội: Cái tên này không minh chứng điều gì khac1 hơn là nạn nhân của cuộc oanh tạc của Mỹ ở miền Bắc, bắt đầu từ năm 1965 và xảy ra ở thủ đô kể từ tháng 6/1966. Với chiến dịch Rolling Thunder kéo dài từ 1966 đến 1969, đã có hơn 300,000 lượt máy bay đi đến vùng trời miền Bắc Việt Nam thả xuống 860,000 tấn bom, giết chết 52,000 thường dân.

5).Dọc biên giới: Biên giới ở đây có thể là biên giới Campuchia hoặc Lào. Đặc biệt, biên giới làm cho người ta nghĩ đến vùng chiến khu “C” hay “Tam giác sắt” trải dài từ tỉnh Tây Ninh đến biên giới Campuchia. Đã có rất nhiều chiến trận ác liệt diễn ra ở sâu trong rừng, nhất là vào năm 1966 và 1967.

6). Trận Chuprong: Chuprong ở thung lũng Ladrang, cách phía Tây nam Pleicu khoảng 30 km (xem 1). Trận thung lũng Ladrang diễn ra ngay sau trận Pleime (xem 1), và các cuộc chiến đấu kéo dài trong một tháng kể từ tháng 10 – 1965, rất là ác liệt và quân đội miền Bắc phải trả giá cho lần xuất hiện đầu tiên là 1,500 người tử vong.

7). Trận Asao: Asao nằm gần biên giới Lào, ở cao nguyên miền Trung, thuộc tỉnh Thừa Thiên, cách Đông Nam Huế khoảng 40 km. Nơi này không xa vùng Khe Sanh nổi tiếng, đã có một cuộc tấn công của quân đội miền Bắc Việt Nam vào căn cứ của Mỹ - Nam Việt Nam vào 8-3-1966, buộc họ phải rút quân vào ngày thứ ba của cuộc tấn công.

8). Trận Ba Gia: Ba Gia cách phía Tây tỉnh Quảng Ngãi 5 km thuộc tỉnh Sơn Tinh, thuộc tỉnh Quảng Ngãi (nay là tỉnh Nghĩa Bình), là nơi xảy ra trận đấu ác liệt vào năm 1965.


Với sự liệt kê những địa danh kể trên, chúng ta có thể nhận thấy, trước tiên, một con số quan trọng: số 8 cho một bài hát rất ngắn và tiếp theo là tính thời sự của những bài hát trong thời gian này. Nếu như bài hát này được sáng tác vào đầu năm 1967, thì tất cả những biến cố kể trên đây là những tin tức mới nhất được ghi nhận cách đó không đầy hai năm. Hơn nữa, những biến cố này được chọn ra trong số những trận đánh có nhiều người chết nhất. Mặt khác việc sử dụng những địa danh này là một cuộc cách mạng trong một tác phẩm nghệ thuật, vì trong những bài thơ, người ta chỉ có thói quen dùng những danh từ riêng bằng tiếng Hán Việt nghe thật thanh tao. Ở đây, trước hết, có những từ gốc thiểu số như Pleime, Chuprong hoặc Asao, kế đến là từ quân sự như chiến khu D. Nhưng Hà Nội, là từ Hán Việt duy nhất mà ta có thể tìm thấy trong những bài thơ truyền thống khác làm thành một ngoại lệ ở đây. Sau cùng, chúng ta có thể thấy rằng những địa điểm này trải dài trên khắp miền đất nước (xem bản đồ 128?) bao gồm cả miền Bắc trong đó có Hà Nội.

Thực tế, bài hát này không có sự phân biệt giữa hai phe đối nghịch nhau. Người chết ở Hà Nội sẽ là người phía Bắc, và những người bị giết trong các trận đánh khác nhau có thể là những người lính của miền Nam Việt Nam nhưng cũng có thể là người của Mặt trận dân tộc giải phóng, hoặc của quân đội miền Bắc. Ở đây, chúng ta nhận thấy tinh thần của từ da vàng là ở chỗ để hiểu rằng tất cả những người Việt Nam đều là những đồng bào có cùng chung một nguồn gốc. Khi người diễn viên hát “tôi yêu Việt Nam”, đó không phải là anh yêu Việt Nam Cộng Hòa, cũng chẳng phải Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà là một nước Việt Nam có chung một tiếng nói của những người da vàng: người Việt Nam. Đó là một bài hát chống chiến tranh dành cho tất cả những người Việt Nam, một bài hát không phải là Quốc Gia cũng chẳng phải là Cộng Sản, mà đơn giản là một bài hát tố cáo chiến tranh. Do đó, cũng như tất cả những bài hát phản chiến khác của Trịnh Công Sơn, hai phe đối nghịch nhau không ưa bài hát này, vì mối quan tâm của họ là đẩy được nhiều người ra mặt trận. Nhưng trên thực tế, những người lính trong hai chiến tuyến đều muốn nghe bài hát này vì bài hát là người phát ngôn của họ, bài hát phản ánh đúng những điều họ suy nghĩ. Và người dân, có cảm tình với quốc gia hay cộng sản cũng đều thích nghe bản nhạc với cùng một xúc cảm như nhau.

Sự khéo léo của tác giả ở bài hát này là diễn tả lời nói của một người điên để thể hiện chính họ, tất cả những người Việt Nam đã mất đi những người thân yêu của họ. Với hàng loạt danh từ riêng được biết đến trong tính thời sự, cho thấy hiệu quả của chủ nghĩa hiện thực, với người đàn bà điên này có khả năng nói tất cả những điều mà bà ta muốn nói, bài hát này thành công là ở chỗ tiếng kêu than, ở vị trí của người dân, điều này đã được che dấu sau chủ nghĩa anh hùng của những chiến sĩ chết cho tổ quốc.

Mặt khác, tác phẩm này không chỉ là tiếng oán than vì sự mất mát những người thân. Chúng ta có bài hát Tôi đã mất được bắt đầu như sau: Tôi mất trong chiến tranh này bao nhiêu bao nhiêu người tình (…)

Nhưng trong bài hát này, chúng ta có cảm thấy chủ nghĩa hiện thực thể hiện ít hơn trong bài hát, nhưng có nhiều câu trích dẫn lịch sử. Có thể nói đến bài hát Cho một người nằm xuống hát cho cái chết của một người bạn:

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này, đã bay cao trong vòm trời đầy, rồi nằm xuống (…)”

Tuy nhiên, bài hát này chỉ ám chỉ chiến tranh một cách kín đáo. Chúng ta không biết tại sao người bạn chết, chúng ta chỉ có thể hình dung bởi một vài cụm từ như: Anh nằm xuống cho hận thù, những sớm mai lửa đạn hoặc những máu xương chập chùng. Nhất là, đây là một bài hát khôngthúc đẩy người ta ra mặt trận nhưng rất khó xếp một cách trực tiếp bài hát vào những bài phản chiến, ngược lại ở bài hát Tình ca của một người điên có thể thật sự được xem như là tiếng nói hay nhất của những quả phụ chiến tranh.

Trong bài hát này, tác giả đã dùng lời nói của một người đàn bà điên. Bây giờ, anh đã đưa micro đến một người mẹ, một người mẹ ru con. Đây là một tác phẩm thừa hưởng của truyền thống ru con trong dân gian Việt Nam, nhưng nó được cải biên cho hiện đại và phù hợp với thời chiến.


Ngủ đi con



(Hò… ho… ho… hó ho ho hò)
Con ngủ ngủ đi con
Đứa con của mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương .
Hai mươi năm
Đàn con đi lính
Đi rồi không về, đứa con da vàng cuả mẹ .
Ngủ đi con .
Ru con,
Ru đã hai lần
Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng mẹ bồng trên tay
(Hò… ho… ho… hó ho ho hò)
Sao ngủ tuổi hai mươi .

(Hò… ho… ho… hó ho ho hò)
con ngủ ngủ đi con
Đứa con của mẹ ra đời
Trên môi vang vọng một lời đau thương .
Hai mươi năm
đàn con khôn lớn
Ra ngoài chiến truờng,
đứa con da vàng Lạc Hồng .
Ngủ đi con
Ru con, ru đã phong trần
Ôi vết thương nào đục sâu da nồng
Thịt xương này mẹ nhọc nhằn hôm mai
(Hò… ho… ho… hó ho ho hò)

Sao ngủ tuổi hai mươi


Chú thích: 1) Lạc Hồng: Nòi giống huyền thoại về những người lập nên nước Việt Nam

Đó là một trong nhiều bài hát ru của Trịnh Công Sơn, luôn là giai điệu ngọt ngào và buồn man mác của anh. Nhưng những bài hát này khác với những bài khác là do đề tài của nó: Đó là đứa con trai hai mươi tuổi mà lần thứ hai, người mẹ ru, nó đã chết vì chiến tranh. Đó là tiếng kêu than của người mẹ mất đứa con thân yêu mà chúng ta nghe được ở đây. Có bao nhiêu người trong chúng ta từ bỏ vinh quang của đứa trẻ chết vì tổ quốc! Bài hát cho chúng ta thấy rằng phải có hai mươi năm để nuôi lớn một con người nhưng chỉ trong phút chốc cũng đủ giết chết một con người và bằng vũ khí do chính con người tạo ra. Bài hát tố cáo chiến tranh và sự dai dẳng phi lý của nó đã tàn phá cuộc sống nhân loại. Không cần phải là người Việt Nam của thời kỳ đó mới hiểu được khái niệm này, vì đó là chủ đề chung cho toàn thể nhân loại trong mọi thời điểm. Những người mẹ trên toàn thế giới đều hiểu rõ tình cảm được ca ngợi ở đây. Trong ý nghĩa này, không biết là có quá tưởng tượng không, khi nghe bài hát rồi liên tưởng đến Piéta, bức tượng thể hiện Đức Mẹ Maria đau khổ khóc cho đứa con trai của mình đang nằm trên đầu gối của bà?

Bài hát đã là một chủ đề chung cho toàn thể nhân loại, huống chi, nó là bài hát chung cho hai chiến tuyến của những người Việt Nam đánh nhau. Ta nhận thấy ở đây thành ngữ “da vàng” và huyền sử của đất nước đã làm xuất hiện nòi giống Lạc Hồng. Điều này cho thấy bằng chứng về sự đoàn kết của người Việt Nam. Chúng ta co thể nhận thấy có sự khơi dậy lịch sử của giống nòi, giống như trong những bài hát khác của Trịnh Công Sơn.

(…) Người nô lệ da vàng bước đi bước đi, đi về đồi hoang. Đi nói với anh em đòi cho quê hương thanh bình, dựng xây tương lai Tiên Rồng (…) (Đi tìm quê hương)

Ở đây, từ Tiên Rồng (nguồn gốc của giống nòi Việt Nam) cũng gợi lên huyền sử của Việt Nam, và được sử dụng để kêu gọi sự đoàn kết như thành ngữ “da vàng”. Có một thí dụ trong bài bài Hành ca

“(…) Đoàn người đi vào quê hương, từng bó đuốc sáng trong tay mình, tìm quê hương xưa giống Tiên Rồng giống da vàng (…)”

Bằng những thành ngữ này, tác giả đề nghị một sự quay về thuở xưa, ở thời kỳ huyền thoại, ở đó những người Việt Nam không chém giết lẫn nhau. Nói cách khác, tác giả tố cáo sự giết chóc lẫn nhau trong hiện tại bấy giờ, dù họ được sinh ra cùng một nòi giống Tiên Rồng.

Để nói về tính phổ biến của bài hát Ngủ đi con, phải nói thêm rằng bài hát đã được phổ biến tận Nhật Bản với bản dịch tiếng Nhật, nổi tiếng thành công về doanh thu vào năm 1969. Bài hát vẫn luôn là một bài phản chiến, nhưng trở thành một bài hát ru cho trẻ em. (xem III p. 82)

Cũng có những bài hát lạc quan hơn trong số những bài hát kêu than của nhân dân. Đó là tường hợp của bài Tôi sẽ đi thăm trong đó tác giả liệt kê tất cả những việc sẽ làm khi hoà bình lập lại. Vì vậy, anh biểu lộ giấc mơ thống nhất đất nước.

“(…) Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam. Tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình (…)”

Anh không xác định một cách tuyệt đối anh muốn như thế nào về việc đất nước sẽ được thống nhất bởi những người cộng sản hay quốc gia, hoặc bởi những người khác: đơn giản là hy vọng được tự mình đi du lịch một cách tự do từ Sài Gòn đến Hà Nội đã được thể hiện qua bài hát của anh. Không nghi ngờ gì nữa đấy là mong ước của nhiều người, nhất là của những người mà gia đình bị chia cắt giữa hai miền đất nước. Hy vọng trong tương lai, tiếng kêu của nhân dân sẽ lạc quan hơn. Cuối cùng, rất là vui mừng, vì hoà bình đã được lập lại trong cả nước, vào năm 1975, nhưng khổ nỗi, Trịnh Công Sơn không được đi du lịch ra miền Bắc. Chỉ đến hai năm sau đó, tức là năm 1977, anh mới đặt chân lên đất Hà Nội, lần đầu tiên…

Cho đến nay, Trịnh Công Sơn đã xoá tối đa cái riêng của mình trong tác phẩm của anh, để miêu tả những cảnh thường ngày một cách khách quan, để thể hiện tiếng nói của những người không tên tuổi trong nhân dân. Anh đã làm cho người ta nghĩ đến những người chụp ảnh mà họ không bao giờ nhìn thấy họ trên những tấm ảnh, hoặc là những nhà báo đã làm cho những người khác phát biểu trong những phóng sự của họ còn họ không hề thể hiện những ý kiến riêng của mình. Cuối cùng, người chụp ảnh hiện thực và phát ngôn nhân trung thành này đã dành được mối thiện cảm lớn lao từ phía nhân dân, từ những người nông dân giản dị đến những người lính miền Nam Việt Nam, những người lính của Mặt trận giải phóng và của quân đội của nhân dân miền Bắc Việt Nam. Thể loại này của những bài hát được sáng tác cho đấn nửa đầu của năm 1968, năm có cuộc tấn công vào dịp Tết. Ở thời điểm này, phong cách của những tác phẩm do anh sáng tác chứng tỏ một sự đột biến (tiến triển bất ngờ). Chúng ta sẽ thử phân tích giai đoạn tiếp theo trong chương kế tiếp.



nguồn: Thái Hòa - Thư viện Trịnh Công Sơn
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho