tưởng niệm




Nghĩ về cách hát nhạc Trịnh 1

--- dongiang ---


Nguyễn Hoàng: Tính chất của toàn cầu hoá về văn hoá thì thế hệ trẻ ở Việt Nam cũng như ở toàn cầu, họ có những ảnh hưởng trong cách biểu diễn, lối hát, rồi hip hop, rồi rock, rồi đầu tóc, rồi quần áo, rồi hát nhép… nó có những sự toàn cầu hoá trong cách thể hiện. Nhưng mà gọi là đậm đà về những bản nhạc Việt Nam, theo ca sĩ cái thế hệ trẻ bây giờ có làm được trọn cái điều mọi người mong đợi không?

Khánh Ly: Thưa anh nói về nghệ thuật thì nó bao la lắm. Nó không có giới hạn một khuôn khổ nào. Cũng có nhiều lúc tôi có một cái nhìn không được đúng về một số vấn đề, thí dụ như vấn đề biểu diễn của các ca sĩ ở trong nước. Nếu cùng một trường, cùng một thầy thì hát giống nhau thí dụ như vậy, hoặc là những bài hát lấy từ nhạc ngoại quốc. Nhưng mà tôi nghĩ lại, tôi thấy cứ để cho họ tự do hát đi, họ muốn hát theo cảm hứng của họ như thế nào lúc đó đối với người hát thì nên tôn trọng cái cảm hứng đó của người ca sĩ, cách trình diễn của họ, đừng bắt buộc họ phải theo cái lối của mình.

nguồn: www.bbc.co.uk




Trên đây là trích đoạn trả lời phỏng vấn của Ca sĩ Khánh Ly với Ban Việt Ngữ đài BBC thời gian gần đây, đọc qua chúng ta thấy chị có cái nhìn cũng không khắt khe đối với việc ca hát ở trong nước nói chung. Phát biểu rất thoáng của chị khiến chúng ta có thể nghĩ chị cũng không muốn "giành giật" với các ca sĩ trẻ khác cái quyền độc tôn hát nhạc Trịnh Công Sơn hoặc chỉ bảo họ phải hát nhạc Trịnh Công Sơn như thế này, thế nọ mới nghe được v.v…

Cũng phải thừa nhận một thực tế không hay về việc đàn ca hát xướng ở trong nước những năm gần đây không chỉ mỗi nhạc của Trịnh Công Sơn thôi mà của nhiều tác giả khác nữa cũng bị đem ra để làm cái mà nhiều người cho là refresh làm cho nó mới lại v.v… nhưng thực chất là họ đã "làm thịt" chúng và xâm phạm tác quyền bằng sự "thêm mắm thêm muối" một cách vô tội vạ vào cả giai điệu bài hát như việc thêm thắt những luyến láy ca sĩ hát "rên" ê a, ư hừ ư hử… sau những câu nhạc theo lối bắt chước nhạc ca trù Bắc bộ. Ca sĩ Thanh Lam hay hát những loại nhạc này rất hay nhưng không vì thế mà chạy theo "mốt" một cách máy móc. Tôi nhớ có lần nghe bản "Con thuyền không bến" mãi một hồi mới nhận ra nó vì giai địệu nguyên thuỷ rất êm dịu đã bị edit lại theo thể loại nhạc rock, nghe mới thấy kỳ quái làm sao!

Trở lại với nhạc Trịnh Công Sơn, đối với rất nhiều người yêu nhạc thế hệ trước 1975 cho đến nay hẳn vẫn còn là hoài niệm, một chút gì đó thiêng liêng gắn bó họ lại với quãng thời gian sống trong chiến tranh, loạn lạc… Lần đầu tiên tôi được biết đến nhạc Trịnh Công Sơn là vào khoảng vào đầu những năm 70 khi đang học lớp 7, 8 do một thầy giáo (cũng là tu sĩ) dạy cho cả lớp trong một buổi sinh hoạt văn nghệ hát bản "Huế - Sàigòn - Hànội". Nhạc được đem ra hát trong những buổi văn nghệ như vậy thường chỉ là những loại nhạc dồng dao, hành khúc mang tính lịch sử đại loại như về Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng… nên khi "Huế - Sàigòn - Hànội" vừa xuất hiện không bao lâu đã được nhà trường đón nhận và đem ra tập cho học sinh hát.

Thật sự thì ở cái lứa tuổi nhí như tôi ngày ấy hát nhạc Trịnh cũng chỉ biết "nhắm mắt nhắm mũi" hát theo sao cho chóng thuộc bài thôi chứ làm sao có thể hiểu nổi từng lời ca ý nhạc của tác giả gởi gấm theo nó nhưng cảm xúc thì dường như là điều có thật chứ nếu không có thì tôi chắc cũng chẳng thể nào mà nhớ nổi cho đến mãi tận bây giờ đã sau mấy chục năm. Đó là một thứ cảm xúc là lạ, Hà-Nội ngày ấy với chúng tôi còn quá xa lắc xa lơ rất ít khi được nghe người lớn nhắc đến, trong lớp học thì lại càng ít nghe thầy nói gì đụng đến hai chữ Hà-Nội hơn như thể nó ở mãi tận đẩu tận đâu chứ chẳng phải ở ngay trên đất nước mình. Hà Nội trên radio thỉnh thoảng có được nghe nói đến thì cũng chẳng êm ái, thân thiện "chung da liền thịt" như trong lời nhạc Trịnh Công Sơn.

Mãi đến sau này khi được nghe thêm nhiều Ca khúc Da Vàng khác và lớn thêm chút nữa tôi mới nhận ra chất phản chiến rõ nét trong nhạc của ông, đó là một cách nhìn khác lạ và mới mẻ hoàn toàn về cuộc sống khiến mọi người nghe xong không dễ quên ngay… mà từng lời ca ấy vẫn cứ đeo đẳng theo trong đầu. Nghe rồi ắt sẽ phải suy nghĩ và đối mặt với thực tại, suy nghĩ về hiện diện của chiến tranh, về sự chết chóc cùng mọi thứ tai hoạ có thể ập xuống đầu bất cứ lúc nào...

Kể cũng lạ thật! Lẽ thường khi nói đến sự chết chóc khiến người ta phải lo lắng thì chẳng có mấy ai ưa và thích "bén mảng" lại gần, ấy vậy mà không hiểu sao nhạc Trịnh Công Sơn với ca từ nào là những "đại bác ru đêm dội về thành phố.." hay "chiều đi trên đồi hoang hát trên những xác người" v.v… toàn thấy những cảnh máu đổ thịt rơi, những thứ dễ sợ cả nhưng vẫn hấp dẫn được người nghe thật sự tôi cho là điều kỳ diệu và cũng là cái khó lý giải nhất về sự "ăn khách" có thể nói là bước khởi đầu thành công rất ngoạn mục của anh.

Một sự kiện trùng hợp khác tôi còn nhớ là cũng vào thời điểm ấy bên trời Âu Mỹ những cuộc biểu tình phản chiến cũng đang nổ ra rầm rộ với sự ra đời của phong trào Hippy với cái logo biểu tượng của họ hay đeo trước ngực là hình một vòng tròn với đường gạch thẳng đứng ở giữa và có thêm chữ V ngược bên dưới, quần loe áo rộng… cũng bắt đầu tràn vô Sàigòn khiến người người nhà nhà nhất là giới trẻ càng thấy nhạc Trịnh gần gũi, hớn hở mà hát mà nghe hơn bất cứ loại nhạc nào khác.

Ngoài ra phải kể đến yếu tố quan trọng không kém như thể "duyên nợ" đã giúp cho những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn trở nên bất tử chính bởi nó được khởi đầu hát bằng một chất giọng rất đặc biệt của ca sĩ Khánh Ly. Lời ca Trịnh Công Sơn vốn đã buồn lại phải nghe qua cái chất giọng khàn khàn "không giống ai" của chị mới khiến nó càng thấm sâu vào lòng người hơn nhất là vào những buổi chiều qua radio lại nghe tin chiến sự đang nổ ra ác liệt đâu đó...
Nếu Ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn với những ngôn từ của chiến tranh và chết chóc là những khúc xương khô khó nuốt thì chất giọng ca sĩ Khánh Ly có thể ví như một loại dầu mỡ bôi trơn diệu kỳ gíúp nó thấm qua cổ họng người nghe một cách từ từ dễ chịu không hề đau đớn!

Không dám phủ nhận tài năng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng khi đem gom tất cả những sự kiện, hoàn cảnh trên lại tôi có cảm nhận rằng một loạt các bản nhạc Ca khúc Da Vàng của ông đã "may mắn" xuất hiện thật đúng lúc, đúng chỗ khi mà người nghe đã cảm thấy bắt đầu chán ngán, thất vọng với những loại nhạc đầy chất hoa mỹ mộng mơ, yêu đương da diết hay nhạc kích động theo kiểu của Hùng Cường – Mai Lệ Huyền v.v… ở đó tất cả không nói lên được điều gì ngoài cái nghe cho vui tai. Giữa Thơ và Thật là cả một sự trái ngược hoàn toàn bởi làm gì có cảnh thôn quê thanh bình kiểu "Cô Thắm về làng" của Hoàng Thi Thơ ở vào thời buổi ấy? Nhạc Trịnh Công Sơn đã ra đời vào lúc người nghe đã hết đường "trốn chạy" thôi chi bằng hãy chấp nhận thực tại không màu xanh, màu hồng đẹp đẽ chi nữa để khỏi tiếp tục bị… "lừa dối".

Những yếu tố lịch sử nêu trên có thể xem như là lý do "chính đáng" khiến nhiều người yêu nhạc thuộc thế hệ cũ trở nên khó hoà nhập với bất kỳ một sự đổi thay nào khi nghe hát nhạc Trịnh Công Sơn mà thiếu vắng cái giọng ca khàn khàn bất hủ của chị Khánh Ly. Tuy nhiên sự khắt khe nếu có cũng nên giới hạn trong phạm vi những Ca khúc Da Vàng và những sáng tác của anh trước năm 1975, các nhạc phẩm ra đời tiếp theo sau này của anh thiết nghĩ không nhất thiết cứ phải cứ là ca sĩ Khánh Ly hát mới có thể là hay, Hồng Nhung hát "Bống" hay viết về Hà Nội nghe cũng đâu có dở chút nào.

Sự thiêng liêng và thần thánh hoá quá mức bất cứ điều gì trên cõi thế phàm này đều dễ trở nên chuyện khôi hài và lố bịch. Âm nhạc cũng vậy, nhạc Trịnh Công Sơn cũng không khó đến mức cần phải hoà âm phối khí ở đẳng cấp cao hay phải đúng là ca sĩ này nhạc công nọ thể hiện thì mới nghe được, làm thế tưởng là để tỏ lòng kính trọng, yêu mến anh nhưng thực ra là đã vô tình đẩy công chúng ngày càng xa rời nhạc của anh hơn.

Thỉnh thoảng có dịp nghe lại mấy bản Ca khúc Da vàng ta thấy ở đó chẳng có gì hơn ngoài giọng 1 ca sĩ và tiếng đàn guitar, ấy vậy mà nghe vẫn có cảm xúc. Đơn giản vì tự thân nhạc của anh đã thẳm sâu, rộng thoáng và cũng rất "dày cộm" thêm thắt vào chúng những hoà âm phối khí phức tạp không khéo lạc đề còn tệ hại hơn. (Điển hình trong một CD của Quang Dũng, ca sĩ nổi tiếng và đang ăn khách, bản "Còn ta với nồng nàn" giai điệu và lời ca hay nhưng rất tiếc đoạn intro lại là hoà âm cóp nhặt từ tác phẩm cổ điển Hồ Thiên Nga nghe thiệt là hết ý... kiến! giữa chúng chẳng có lý do gì để ăn nhập gì với nhau cả về nhạc lẫn lời. Không biết ca sĩ Quang Dũng có hay biết gì về lai lịch tác phẩm vũ balê nổi tiếng của P.I.Tchaikovsky này để nhận ra sự "khập khiễng" trong bài hát của mình?)

Cuộc đời mỗi người lắm lúc bản thân mình cũng hay bị nhầm lẫn, thay vì đi đường thẳng không muốn lại thích tự vẽ ra con đường cong cong, lòng vòng rồi cho đó là phát minh, sáng tác... nhất là trong môn nghệ thuật, chán chê mãi một rồi mới chịu nhận ra: Cái đẹp thường lại nằm trong chính những cái tự nhiên vốn có sẵn. Hát nhạc Trịnh Công Sơn được như ca sĩ Khánh Ly, đơn giản như chúng ta vẫn nghe chị Ca khúc Da vàng ngày nào đã là quá đạt rồi và người nghe sẽ nhận ngay ra chính đó là nhạc Trịnh Công Sơn.



nguồn: www.vim-online.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho