tin tức




Trịnh Vĩnh Trinh luôn coi anh trai là hình ảnh mẫu mực

--- Không rõ tác giả ---


Một nhan sắc mặn mà, gợi cảm, một giọng nói lên bổng xuống trầm ngọt ngào, một phong cách từ tốn, đoan trang.., chất Huế ở Trịnh Vĩnh Trinh vẫn đậm đặc sau gần 30 năm sống ở nước ngoài. Có lẽ vì vậy mà bạn bè không mấy ai ngạc nhiên khi nghe tin chị đang làm thủ tục hồi hương.

- Trong mắt cô em út thì hình ảnh người anh cả Trịnh Công Sơn như thế nào?


- Khi ba mất, tôi mới 4 tháng... trong bụng mẹ nên khi lớn đủ để nhận biết thì đã thấy anh Sơn thay thế ba, cùng má lo cho các em. Với chúng tôi, anh vừa thương yêu, dìu dắt như người anh, vừa nuôi dưỡng, dạy dỗ như người cha. Ngày ba chúng tôi đi xa, má mới 32 tuổi, một mình ở vậy nuôi con, nên đối với má, anh vừa là con vừa như một người bạn.

Có hai thứ má thuộc làu làu, một là Truyện Kiều, hai là những ca khúc của anh tôi. Những lúc cao hứng, má thường hát một mình. Mỗi khi viết được bài nào mới, anh tôi luôn hát trước cho má nghe để góp ý. Thường thì má gật đầu cho qua, nhưng thỉnh thoảng má nói: “Má nghĩ nên thay chữ này, Sơn nghĩ sao?". Và anh Sơn thường thấy má có lý. Anh rất thương yêu và kính nể má, mỗi khi đi đâu về tới nhà, cổng vừa mở, câu đầu tiên của anh nói là: "Bà đâu rồi?".

- Trước đây, nói tới ca sĩ hát nhạc Trịnh, công chúng thường nghĩ đến Khánh Ly, và sự xuất hiện của Trịnh Vĩnh Trinh là một điều bất ngờ đối với công chúng. Chị thấy sao?

- Tôi được má dạy hát nhạc của anh Sơn ngay từ khi còn rất nhỏ. Lúc học ở trường phổ thông, tôi luôn là trưởng ban văn nghệ. Sau khi được lên truyền hình Huế, nhiều nơi mời tôi đi hát, nhưng gia đình không cho. Thời gian ấy, thỉnh thoảng anh bảo: "Chuẩn bị chiều đi hát với anh!". Vậy là tôi hiểu anh sắp có buổi biểu diễn cho sinh viên ở đâu đó. Cơ hội để tôi đi hát chuyên nghiệp khá nhiều nhưng đều bỏ qua hết. Có lần, cả hai anh em được mời sang Nhật hát, nhưng lúc ấy chính quyền ra một số điều kiện, anh Sơn không chấp nhận nên người ta không cấp giấy phép cho anh đi, và thế là tôi cũng ở nhà.

- Kỷ niệm nào sâu sắc khiến chị nhớ nhất trong những lần đi hát với anh mình?

- Đó là lần đầu tiên tôi về nước sau một thời gian định cư ở nước ngoài. Buổi diễn ở Nhà Văn hóa Thanh niên đêm ấy trên sân khấu chỉ có ba người: anh Sơn, anh Tâm - một người bạn của anh Sơn - và tôi. Anh Tâm là kiến trúc sư nhưng chơi dương cầm khá giỏi và đệm nhạc anh Sơn rất hay. Khi anh Sơn cất tiếng hát: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại...” (Huyền thoại mẹ), bỗng dưng đèn tắt, chỉ âm thanh của micro. Giữa không gian tối đen đó, chỉ nổi lên giọng hát và tiếng guitar thùng của anh Sơn.

Đêm ấy, khán giả rất đông, bên trong hội trường quá tải, họ ngồi tràn ra kín cả khoảng sân bóng chuyền phía trước. Chương trình kéo dài quá khuya, có người bế con ngủ trên vai chen đến xin chữ ký. Không còn tay để lấy sổ, họ chìa cho anh Sơn ký trên lưng áo của cháu bé. Thật là một hình ảnh xúc động. Đêm đó, về nhà hai anh em tôi cứ có cảm giác lâng lâng khó tả.

- Chị là một trong ba nữ ca sĩ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời bày tỏ sự hài lòng. Chị tự đánh giá giọng ca của mình như thế nào?

- Vì là em nên tôi phải hiểu anh mình. Âm nhạc của anh Sơn lạ lắm, tôi chỉ cần nghe anh hát qua một lần là nhớ, gần như không cần tập. Ngay cả khi đang ở Canada, nhận được một bản nhạc mới của anh gửi sang, đọc qua là tôi biết anh mình muốn hát thế nào. Hát nhạc người khác, tôi thể hiện theo ý thích của mình, nhưng nhạc của anh Sơn thì tôi chỉ muốn hát theo ý anh mà thôi. Có lần, một nam ca sĩ trẻ mới chập chững vào nghề đến xin anh chỉ cách hát. Ngồi trên lầu, nghe anh Sơn hát đi hát lại mà cậu ấy vẫn chưa hiểu được ý, sợ anh mệt, tôi vội chạy xuống hát giúp. Nghe xong, nét mặt anh bừng lên: "Đúng rồi!".

- Người ta bàn rất nhiều đến những người yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo chị, ai mới là người thực sự yêu Trịnh Công Sơn?

- Như anh tôi từng nói, chỉ một bóng hồng đi thoáng qua cũng làm cho anh xúc động. Cái gì đẹp đi qua trong cuộc đời anh tôi cũng đều trở thành bài hát. Anh là một người độc thân nên ai đến với anh, anh cũng đều đáp lại, nhưng là tình gì thì điều đó gia đình tôi không quan trọng. Gia đình tôi có thói quen xem bạn của từng người là bạn chung của cả nhà. Trong số những bạn gái của anh tôi, có một chị rất đẹp, dáng dấp rất quý phái, học cùng trường Đồng Khánh với chị Ngân của tôi. Anh rất yêu chị. Mỗi ngày, anh đều viết một lá thư và sai chị Tâm của tôi đạp xe đạp đem thư đưa tận tay cho chị. Được đạp xe trên những con đường đẹp một cách thanh bình, yên ả ở Huế lúc ấy là nỗi "thèm khát" của tôi. Nhiều lần tôi xung phong xin đi đưa thư nhưng anh không cho vì còn quá nhỏ. Anh Sơn đã viết cho chị rất nhiều ca khúc.

- Còn đối với Khánh Ly?

- Ngày còn nhỏ, tôi đã thấy chị Khánh Ly ra Huế nhiều lần. Thường ngày, anh chị em tôi đều phải đi ngủ trước 9h tối để sáng mai đi học. Mỗi khi có chị Khánh Ly, má cho chúng tôi thức có khi suốt đêm, để nghe anh Sơn và chị hát. Đèn điện được tắt hết, chỉ thắp toàn đèn cầy, không gian thật ấm cúng và lãng mạn. Giữa anh Sơn và chị Khánh Ly là một tình bạn rất sâu sắc, hiểu nhau qua âm nhạc.

- Từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất đến nay, không ai thấy Trịnh Vĩnh Trinh xuất hiện trong chương trình biểu diễn nào, kể cả những đêm tưởng nhớ anh mình. Vì sao vậy?

- Đúng là tôi đã từ chối khá nhiều lời mời, không hát ở đâu từ ngày anh tôi mất. Nỗi buồn đau quá lớn khiến tôi không thể làm khác. Nhưng tôi đã suy nghĩ lại, thấy rằng việc hát còn là trách nhiệm đối với anh mình. Do sức khỏe, tôi chỉ hát để thu đĩa mà thôi.

- Vì sao đang làm ăn phát đạt ở nước ngoài, chị lại quyết định hồi hương?

- Tôi đã ở nước ngoài gần 30 năm và thấy như vậy là quá đủ, tới tuổi này, chỉ thích về sống ở VN. Cả ba chị em tôi đều đang làm thủ tục trở về. Thật ra, tôi đi là vì hoàn cảnh, vì con, bây giờ, chúng đã lớn, không cần mình chăm bẵm như trước nữa. Mỗi người VN ra đi hầu hết đều do hoàn cảnh. Đất nước người ta, dẫu có đẹp mấy cũng là của người ta. Nói không ai tin, đi xa tôi nhớ cả cái bụi, cái nóng, cả cái cách lê dép khi gặp đèn xanh, đèn đỏ của người mình. Không có đâu để mình gắn bó bằng quê hương.

- Phải chăng điều đó chị đã học từ người anh nhạc sĩ của mình?

- Má và anh Sơn là mẫu mực cho anh chị em chúng tôi noi theo. Chúng tôi thừa hưởng từ má cái đẹp của công, dung, ngôn, hạnh và học ở anh Sơn, ngoài lòng yêu nước là sự bao dung đối với cuộc đời. Anh dạy chúng tôi biết cho cuộc đời cái gì và biết nhận lại gì từ cuộc đời. Cuộc đời ngắn ngủi, phù du; phận người nhỏ bé, hữu hạn nên cho nhau cái tình là quý hơn cả.



nguồn: Phụ Nữ Chủ Nhật
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho