tin tức




Vùng trời thênh thang kỷ niệm với tiếng hát Lệ Thu

--- Không rõ tác giả ---


Cả một “vùng trời thênh thang kỷ niệm” đã được tiếng hát Lệ Thu gom về cho không chỉ một người, mà cho cả một thế hệ đã từng sống qua và cho cả tuổi trẻ ngày nay đang muốn tìm về. Ðó là CD “Những Nụ Mầm Mới” do trung tâm băng nhạc Thúy Nga Paris vừa phát hành vào hôm 8 Tháng Hai vừa qua.

“Những Nụ Mầm Mới” gồm 10 bài hát cũ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975, vào thời gian ông say sưa với nhạc tình. Ðó là Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu, Chiều Một Mình Qua Phố, Bốn Mùa Thay Lá, Ru Em, Rừng Xưa Ðã Khép, Ðêm Thấy Ta Là Thác Ðổ, Tình Xa, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Hoa Vàng Mấy Ðộ và Tạ Ơn.

Nói về tên gọi của CD này, Lệ Thu tâm sự với Người Việt: “Không có gì là bí hiểm. Ðây là một đoạn trong lời ca của bài “Bốn Mùa Thay Lá” mà Thu thấy rất thích. Lời ca ấy như sau: ‘...Những nụ mầm mới để lại trong cõi thiên thu... ’ ’ Anh thấy không, nó như có một cái gì “vĩnh cửu” dù chỉ là mới chớm lên và cho dù là bốn mùa vẫn thay lá.”

Vâng, nói gì đến lời trong những ca khúc của Trịnh nữa chứ. Nó hay và ẩn tàng ý nghĩa tưởng như không có gì hay hơn được.

Lệ Thu, tiếng hát lênh đênh cả một quá khứ, triền miên sang hiện tại và vọng đến tương lai. Vào những năm tháng trước 1975 Lệ Thu hình như ít hát đến nhạc của Trịnh Công Sơn. Vì người ta còn mê đắm đến Lệ Thu trong “Chiều tà” của F. Schubert do Phạm Duy dịch lời Việt. Vì người ta còn xót đau trong tiếng hát “Nửa hồn thương đau” với “Lệ đá” của Trần Trịnh. Vì người ta còn vời vợi khi Lệ Thu thủ thỉ “Nghìn trùng xa cách” và cất bước “Sang ngang” với nhạc của Ðỗ Lễ. Nhưng Lệ Thu đã đến với Trịnh Công Sơn, đến trước cả Khánh Ly, đến với “Tình xa”, với “Rừng xưa đã khép” để bây giờ, một thời vọng lại, Lệ Thu đẩy cả một quá khứ trở về qua CD “Những nụ mầm mới”.

“Xưa Thu hát ít có sự rung cảm so với bây giờ”, Lệ Thu nói thế và tiếp: “Bây giờ tâm hồn Thu hình như lắng đọng đi. Không còn những xao xuyến tuổi trẻ, không còn những lô xô của lớp sóng trào yêu cuồng sống vội thời chinh chiến. Có đó hôm nay, mất hút ngày mai, không kịp để nhận ra cái mà Trịnh Công Sơn đã viết ‘Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng’. Bây giờ Thu có thể thấy được cái sâu lắng của người nhạc sĩ khi sáng tác ca khúc mà Thu đã chọn. Thấy được để hòa tan rồi chắt chiu vào tiếng hát gửi đến cho người người.”

Lớp trẻ yêu nhạc ngày nay, có thể bần thần tự hỏi sao nhạc ngày xưa rã rời thê thiết thế? Sao không chộn rộn hối hả như những top-hit bây giờ. Thì, hãy nghe Lệ Thu trả lời trong CD 10 khúc nhạc tình của Trịnh Công Sơn do trung tâm Thúy Nga vừa phát hành. Tiếng hát Lệ Thu đưa cả một quá khứ trở về, nói cho tuổi trẻ hiểu rằng cuộc sống khi ấy đã có những lớp sống xô yêu cuồng sống vội của cuộc đời thực gắn với nỗi chết không rời từ chiến tranh đem lại từng giờ, từng phút. Người ta khát khao cuộc sống yên bình, để nếu có đau chăng là đau cho chuyện “Cuối cùng của một tình yêu” hay của một cuộc tình thơ bị cuộc đời đẩy trôi thành xa khuất vào “Tình xa”. Nhạc tình thê thiết ấy, bây giờ là quá khứ và vừa được Lệ Thu nhắc lại, không bằng cái thê thiết đã qua mà bằng cái rụng rời của âm thanh từ hòa âm mới mẻ đầy thanh sắc mới do chính Lệ Thu thực hiện với những nhạc sỹ trẻ như Sỹ Dự, Phạm Hữu Tâm...

Giới xưa đã từng hòa hồn trong tiếng hát Lệ Thu từ phòng trà Tự Do vào những năm đầu của thập niên 1960, rồi qua những năm tháng thênh thang nhạc tình của các nhạc sĩ Phạm Duy, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Trần Trịnh, Phạm Mạnh Cương... để rồi vụt tắt với những thiết tha luyến nhớ sau 30 Tháng Tư 1975. Gần cả chục năm sau đó người yêu nhạc ngẩn ngơ thiếu vắng tiếng hát Lệ Thu, thiếu vắng cả một quá khứ. Bây giờ, qua gần hai chục năm Lệ Thu trở lại. Lệ Thu đã hát nhiều, đâu đâu Lệ Thu cũng được mọi người trẻ già luyến nhớ. Lệ Thu kể: “Có những buổi hát, Lệ Thu đã phải hát đến cả chục bài liên tiếp. Như mới đây nhất, vào ngày 20 Tháng Giêng vừa qua tại Seattle, Thu đã phải hát liên tiếp đến 21 bài liền theo yêu cầu của khán thính giả. Không mệt đâu vì khi Thu đứng trên sân khấu, Thu chỉ còn thấy những lênh đênh của nhạc đưa mãi mình đi. Ðến khi ngưng nghỉ cũng ngạc nhiên là sao mình có thể có sức đến thế.”

Người ca sĩ có tiếng hát “Nửa hồn thương đau” hình như thời gian đã bất lực trước giọng ca từng làm chìm đắm hồn người. Cũng, hình như thời gian chỉ có thể trau chuốt thêm cho giọng ca ấy đi sâu lắng vào tâm tình của nhạc sĩ đã sáng tác bài ca ấy để rồi truyền hết được đến cho người nghe. Những trung tâm băng nhạc lớn ở hải ngoại vẫn trân quý tiếng hát Lệ Thu trong những tác phẩm chính của họ và cho đến nay, Lệ Thu vẫn là tiếng hát triền miên cho mọi lớp tuổi.

Hỏi Lệ Thu về mong muốn hiện nay là gì, Lệ Thu ngần ngại cho biết: “Ðược hát cho những người ở lại nghe vì qua những phản ảnh từ trong nước, Lệ Thu được biết không chỉ có giới người xưa yêu thích mà cả tuổi trẻ mới lớn lên sau này cũng háo hức muốn được nghe tiếng hát Lệ Thu.”

Lệ Thu dự tính sẽ ra mắt CD này vào cuối Tháng Năm. Hỏi sao để lâu thế, Lệ Thu mỉm cười trả lời: “Cũng phải chờ cho Nụ Mầm Mới hé thêm hương sắc Xuân chứ.”



nguồn: dactrung.net
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho