tưởng niệm




Lời chia tay cuối

--- Thơ Thơ ---


viết tặng Trịnh Công Sơn

Cây bông giấy đầy gai cong quằn những chùm hoa đỏ thẫm, khi cuối ngày nó vật vã nhiều hơn trong gió. ở đó trên gác nhà anh chúng tôi đang tập hát bên nhau như mọi buổi chiều trước khi anh nằm viện. Anh bảo sẽ viết riêng một bài ca cho tôi, “rất hợp với chất giọng của em”. Tôi hỏi chừng nào, “Đã cuối tháng tư rồi đó, em chẳng còn nhớ bài ca nào của anh nữa đâu”. Tôi vẫn làm nũng với anh như thế.
Anh hát thử một bài, hỏi tôi nghe được không, rồi lại hát liên miên không biết mệt. Tôi chợt nghĩ tại sao anh lại ở đây, “Anh đã khỏe hẳn rồi à?” Anh vừa dạo đàn vừa gật đầu lắc lư theo nhịp, “Đâu còn bệnh tật gì nữa, chỉ chủ nhật mới vào trong bệnh viện thôi”.
Chắc chắn là tóc anh để dài hơn bình thường, mái tóc rất dầy rất xanh, trên vầng trán và gò má không còn chút bóng dáng nào của đau đớn già nua, cái vẻ trẻ trung bất thường như đang độ thanh xuân đó làm anh hơi là lạ... Chỉ có đôi môi vẫn thế, đôi môi nét ngang hơi mím lại, như ngậm giữ một điều không muốn nói. “Nói làm gì, thây kệ!”, anh vẫn kết luận mọi điều như vậy.
Buổi tập hát bị phá ngang khi gió nổi lên hung hãn ngoài trời, mọi cánh cửa trong nhà bung ra đập vào liên hồi, thổi những trang nhạc bay lả tả. Gió thốc vào tấm lịch trên tường, làm văng cây đinh, tấm lịch rơi xuống đất, ngay dưới chân anh. Anh buông đàn, nhìn sững chữ số của ngày tháng trên đó, giọng thảng thốt, “Lại sắp tới chủ nhật rồi à?”. Tôi không lấy làm lạ, chỉ cười , “ừ, thì chủ nhật, đã sao?”, rồi tự hỏi tại sao chủ nhật lại hay mưa hơn những ngày thường, có gì làm những cơn mưa chủ nhật đáng nhớ hơn những cơn mưa khác. Anh thở dài, “Chủ nhật là ngày buồn nhất trong tuần, chiều chủ nhật là lúc buồn nhất trong ngày. Đã vào bệnh viện thì còn làm gì được nữa”.
Tôi đi theo anh ra đường, linh cảm một điều buồn bã lắm. Một cơn mưa mới đi ngang qua đây vài khắc trước, và cứ tiếp tục đi trước chúng tôi, rất khó lòng đuổi theo kịp nó. Phố vào giờ vắng người bỗng nhiên quá rộng, thời khắc trễ nải của chiều làm bạc màu những đóa hoa bên đường, trên đầu tôi những chiếc lá lung linh cứ nhỏ đều đều từng giọt. Những giọt nước nặng như thủy ngân, lạnh buốt chân tóc, kêu coong coong, boong boong, âm sắc trong ngần như một tiếng chuông xa.
Đường phố đã đổi tên mà tôi không hay, mỗi con đường hóa thành một ca khúc của anh. Trong một góc công viên, chợt rực lên một vùng còn nắng, khác hẳn nơi chúng tôi đứng, những cánh chim bay không mỏi mệt, bay từ nắng qua mưa, từ thu vào hạ, từ xuân đi ngược về đông. Cuối cùng một đám sương đục bay lùa đến, không còn nhìn thấy gì nữa.
Tôi rùng mình nghĩ, mình cũng có thể bị cuốn đi như thế, vào trong mịt mù.
Từ thời điểm đó, sương lạnh chập chờn từng khối, bay lướt thướt theosau khi chúng tôi đi như chạy qua phố phường vắng vắng ngắt. Tôi bảo, “Em lạnh, đi về đi”. Thoắt chốc đã quay về phố lại, những hình ảnh đến thật rõ rồi đi ngay mất hút, vườn nhà anh ai đã trồng đầy hoa quỳnh, nhiều hoa vậy mà hương thơm chỉ phảng phất như một thứ mùi hư tưởng. Trăng trong vắt thả những giọt sương khuya trên lá, có tiếng hát ru ơi hời vọng ra từ những mái nhà.


Chúng tôi đứng ngoài nhìn vào, những bức tranh trong căn nhà cuối cùng anh ở đã trổ ra những cánh cửa vòm trời. Gió lật xành xạch những trang nhạc. Về đêm, tường trong phòng vọng lại những âm vang thu được của ngày ốtiếng xôn xao của người, tiếng ồn ào của ngõ, tiếng lào rào của gió đã lẩn trốn vào đây.... Từ bốn góc phòng đồng thanh trổi dậy những dòng nhạc ưu phiền, thì ra tất cả những bài ca trong bao nhiêu năm tháng đã lưu trữ vĩnh viễn ở đó, trong những vách tường tưởng là câm lặng.
Anh bảo, “Buổi tối thì anh lại về đây. Ngồi nghe nhạc”. Tôi gật đầu, anh vẫn hay nói lửng lơ như thế. Chúng tôi ngồi im lâu lắm dưới hiên nhà, giọng nói anh nửa tiếc nuối nửa bất cần, “Không biết bao giờ mới đi được, chắc là khi không còn nến, không còn nước mắt, không còn tiếng hát, không còn cả lời ru”.
Những bức tường đã chuyển sang lời ca khác, một bài ca lạ chưa nghe qua bao giờ, được hát bằng một giọng ca buồn, khô, hơi thô một chút của anh. “Em sẽ hát bài này nhé”, anh khẩn khoản nhìn tôi, “không ai sẽ hát nữa ngoài em ra”. Anh ôm đàn đệm theo, tờ giấy mỏng úa vàng sắp tan ra thành bụi, nó nằm im hơi giữa chồng bản thảo đã hai mươi năm trời, “ Lúc đó em còn rất nhỏ”, anh giải thích, “nhưng mà anh viết cho em”.
Tôi ngồi lặng lẽ với những lời ca ám ảnh đang bám chặt vào trí não, “Em không biết, em nghĩ không hợp với em, có thể em sẽ không hát được”. Cung fa thăng thứ quá sắc cạnh như một vết chém, phản dội của nó vượt ngoài sức chịu đựng của con người, có thể rất gần với một lời trối trăn, hay một ý định nguy hiểm liều lĩnh như tự tử, “Đâu phải anh viết cho em, người con gái nào trong đó đã chết rồi, đúng không”. Anh thất vọng lắm, hẳn là như thế, “Rán giúp anh đi, chỉ còn trông cậy vào em, bây giờ anh không làm sao mà hát được”. Tôi lắc đầu, tội nghiệp, anh nghĩ gì mà nói vậy. Anh kéo tôi đứng dậy, tôi nhìn lại chỗ vừa ngồi, những chiếc ghế đã trở thành những cái ly pha lê hứng đầy bóng tối. May thật, nếu ngồi mãi hẳn sẽ tan nhòa vào một thứ gì đang vây bủa chung quanh. “Đi theo anh nhá, sẽ đưa em tới một nơi này...”
Anh đi rất nhanh, như chạy qua những con đường còn lại, mỗi đường là một câu chuyện khác, một ký ức khác, một thời khắc khác, một giai điệu khác. Những ca khúc cứ trôi qua vùn vụt, năm tháng bị dồn nén vào những tờ giấy mỏng tanh đang lướt bay phần phật trong trí nhớ. Một hồn u uẩn rối bời đẩy chúng tôi trôi liên miên, lang thang không ngừng giữa hai hàng nhạc chạy dài tít tắp vào vô tận..

Bãi đất mênh mông, uốn cong thành hình lòng chảo, bốn bề không thấy gì khác ngoài đất, lạnh lẽo và tẻ nhạt làm sao. Tay anh đè nặng trên vai tôi, bàn chân lún trong sình lầy lụa không cách nào cục cựa, “Đất ở đây độc lắm, bao nhiêu người ra đây rồi chết hết ở đây”. Đất cùng lúc mở ra những vết thương cũ, bề mặt sần sùi của đất vỡ toác như da thịt người. “Còn nhớ không em...”, tiếng anh nhỏ nhẹ nhưng rõ mồn một xuyên qua tiếng hành quân âm thầm từ lòng đất, “biên giới của một bài ca, trách nhiệm của một người viết, anh có lỗi với cuộc đời nhiều lắm”. Tôi cứ há miệng ra mà thở hắt, và đất lại chảy ào ào vô họng, những hạt đất lạo xạo trong miệng tanh ngòm mùi máu. Chung quanh đây có mười chín người con gái nữa, tất cả đã lặng thinh vĩnh viễn, tôi cố gào lên, nhưng âm thanh nghẽn tắc lại ngay chỗ cái nút chai bằng đồng găm chặt vào khí quản.

Nông trường đất đỏ lầy lội khi mùa mưa tới. Những cô gái khỏe mạnh, đôi tay chắc nịch và bộ ngực nẩy nở đã bỏ trường bỏ lớp để đổ mồ hôi trên những bãi mía bãi dâu này. Chúng nó bảo nhau, “Rán chịu cực ba năm thôi, rồi tụi mình học bổ túc văn hóa, mấy hồi”. Chúng nó đào kênh vét hầm, và trồng trên những cánh đồng hoang ước mơ được vào đại học. “Tao chỉ cần vào Bách khoa”, con bé ấy học xuất chúng, bị cái ba nó đi hoc tập mút mùa, mỗi tối vẫn chịu khó ôn lại toán tích phân dưới ánh đèn tù mù và tiếng vo ve của đàn muỗi rừng đói khát. “Mày vào văn nghệ quần chúng đi, thành ca sĩ đi hát cho tụi tao nghe”, cô gái chỉ cười cười, mà lòng khấp khởi, “Tối nay có văn nghệ thành phố tới, cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa tụi bay ơi”.

Anh ngồi giữa đám thanh niên xung phong, mảnh khảnh, trắng trẻo so với nước da cô đen nhẻm. Anh bình dị đệm đàn cho cô hát “ Ra nông trường, ra biên giới, có đôi chân đi không ngại ngần...”, rồi dịu dàng khen cô có giọng ca mạnh, có làn hơi dài, cô gái lúc đó sung sướng má nóng bừng lên, “Lúc đó em yêu anh mà đâu dám nghĩ là yêu, sắp ra biên giới nay mai rồi”. Anh thở dài, “Em có khi nào trách anh không, sống cực lắm, anh đã thấy rồi”. Cô gái bảo, “Tụi em xung phong mà, đứa nào cũng tưởng ra biên giới mấy tháng rồi về, ai mà ngờ. Chỉ tội nghiệp má em thôi, bà già khóc quá trời”.
Những bước chân con gái đi với nhịp điệu giục giã và thôi thúc, tưởng chừng đường ra biên giới là một cuộc hẹn hò, là một mùa vui, chẳng đứa nào băn khoăn về số mệnh, nguy hiểm nếu có cũng chỉ thoáng qua như hạt cát giọt mưa. Giữa hàng chân mày đậm là một trũng tối buồn bã, nhẫn nhục, “Phải chi anh đừng viết, đừng hát, thì đâu có lỗi với mẹ, với em”. Cô an ủi anh, mà nỗi xót thương mẹ làm lòng xót bầm như chà muối, “Đừng trách mình nữa. Em cũng có lỗi vậy. Em bắn tá lả cho tới khi hết đạn, em đã giết người rồi đó”.

Thật sự không có gì khó hiểu, tuy rằng chung quanh tôi người ta vẫn hay nợ một điều, và trả lại bằng một điều khác hẳn.
Rồi tôi sẽ quên đi câu chuyện đó, khi tuần lễ thứ bảy chấm dứt, lúc ngọn gió thiên thu trở về mơ hồ thổi ngang qua ký ức loài người.
Cuối cùng thì bài ca đó cũng được hát lên, dù chỉ một lần duy nhất. Lần chia tay cuối, tôi trách nhẹ nhàng, “Bài ca của anh có vấn đề, phản động lắm, không được hát nữa đâu”. Anh đứng tựa vào tường, cười rạng rỡ, “Dẫu sao thì cũng thoát ra thành tiếng, rồi cũng sẽ hết đau. Bây giờ anh thanh thản được rồi”. Không gian quanh chỗ anh đứng lúc đó u ám như khúc hình chụp trong tối, vách tường và mọi thứ lờ mờ, không bề dầy, không độ sâu, không hiện lên sắc màu nào rõ rệt. Nhưng ở mắt môi và vầng trán rộng bừng lên vẻ cao ngạo mà mẫn cảm, và tấm hình đó mãi mãi còn ở lại, nó không thể nào phai đi hơn thế nữa.
Cây đàn đã đứt hết dây sau lần tập hát, anh để nó nằm cạnh tấm lịch, nhưng chẳng còn lo lắng về ngày tháng nữa. Chiều chủ nhật hẳn đã hết buồn, và bản nhạc nằm quên trong chồng bản thảo úa vàng của ngôi nhà cũ đó, bây giờ đâu đáng phải bận tâm. Bởi tiếng hát đã được cất lên, những nỗi đau đã chùng xuống êm đềm, cơn đau đã chùng xuống êm đềm, và những cái chết sẽ yên lòng nhắm mắt.

Thơ Thơ
Ngày 11.9.2001



nguồn: Văn Học
  Trịnh Công Sơn:
> bài hát
> bài viết
> hình ảnh
> phỏng vấn
> bút tích
> dòng thời gian

Những người mến mộ:
> những kỷ niệm
> bài viết
> tưởng niệm
> tin tức
> sách
> lưu bút

Khánh Ly


Phố Xưa


- 20 bài mới nhất



Một hình ảnh ngẫu nhiên:






Gia Sư: Gia Đình + Sinh Viên
 
Address: www.SuuTap.com/TrinhCongSon - Collection: Hoang Truc Ly - Design & script: Sony Ho